Tin ngân hàng ngày 10/1: Hơn 77,4% người trưởng thành có tài khoản thanh toán
Tin ngân hàng ngày 9/1: Không để người dân, doanh nghiệp thiếu vốn Tin ngân hàng ngày 8/1: Vietcombank ước lãi trên 41.000 tỷ trong năm 2023 |
Hơn 77,4% người trưởng thành có tài khoản thanh toán
Mới đây, tại Hội nghị chuyên đề công tác thanh toán, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Tiến Dũng cho biết, nếu như ở giai đoạn 2015-2017, báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy Việt Nam có 31% người trưởng thành có tài khoản thanh toán thì đến nay, con số này đã tăng lên 77,41%. Nhiều ngân hàng báo cáo trên 90% giao dịch được thực hiện trên kênh số, có ngân hàng đạt tỷ lệ tới 98%.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Về số lượng giao dịch, nếu như năm 2019, hệ thống thanh toán bù trừ có khoảng 700 triệu giao dịch, là một con số mơ ước thời điểm đó thì đến năm 2023, số lượng giao dịch đã đạt 7 tỷ giao dịch, gấp 10 lần so với năm 2019. Điều này thể hiện sự tăng trưởng vượt bậc, là thành quả từ các chính sách của Ngân hàng Nhà nước, quyết tâm của các ngân hàng thương mại.
Bên cạnh đó, nếu như năm 2017 chỉ có một vài ngân hàng triển khai Mobile Banking thì hiện nay tất cả giao dịch đều thực hiện trên mobile, đem đến sự giao tiếp hoàn toàn khác cho người dùng. Trước kia, giao dịch ngân hàng chỉ đơn thuần trong lĩnh vực ngân hàng thì giờ đây, người dùng thông qua app ngân hàng đã có thể đặt vé máy bay, chọn chỗ ngồi, đặt taxi, đóng tiền điện, nước… Điều này cho thấy sự tích hợp của ngành ngân hàng và các ngành kinh tế khác đã ở mức độ rất cao.
Bên cạnh đó, thanh toán qua Internet, Mobile và phương thức QR Code tăng trưởng nhanh. Đến nay, đã có 85 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai dịch vụ thanh toán qua Internet và 52 tổ chức thực hiện qua Mobile. Tăng trưởng về số lượng giao dịch thanh toán qua Internet và Mobile bình quân qua các năm lần lượt đạt mức 46,48% và 90,12%. Riêng thanh toán qua QR Code, từ năm 2018 đến nay, tăng trưởng về số lượng giao dịch qua QR Code bình quân năm đạt 471,13%...
Tuy nhiên, Phó Thống đốc Phạm Tiến Dũng cũng lưu ý khi số lượng khách hàng tăng, giao dịch tăng, kết nối phức tạp cũng đặt ra nhiều thách thức đối với việc quản lý và đảm bảo an ninh, an toàn trong lĩnh vực thanh toán.
Đó là việc tăng trưởng số lượng tài khoản đi kèm vấn nạn sử dụng giấy tờ giả để mở tài khoản thanh toán, hay việc nhiều cá nhân mở tài khoản rồi bán lại cho người khác sử dụng, các giao dịch bất hợp pháp… Ngoài ra, còn có các nguy cơ về mất an ninh, an toàn hệ thống. Chính vì vậy, khi nhiều ngân hàng đã chạm mức hơn 25 triệu khách hàng - một con số mơ ước của nhiều quốc gia thì việc đảm bảo an ninh an toàn sẽ càng quan trọng hơn.
SCB đóng cửa thêm 5 phòng giao dịch tại TP HCM và Đà Nẵng từ đầu tháng 1
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo chấm dứt hoạt động 5 Phòng giao dịch tại TP HCM và Đà Nẵng.
Cụ thể, SCB chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Ngô Gia Tự - Chi nhánh Sài Gòn kể từ ngày 3/1, địa chỉ: Số 228 – 230 đường Ngô Gia Tự, phường 4, quận 10, TP HCM.
Chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Nơ Trang Long - Chi nhánh Gia Định kể từ ngày 5/1, địa chỉ: Số 170V – 170X đường Nơ Trang Long, phường 12, quận Bình Thạnh, TP HCM.
Chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Mỹ Toàn - Chi nhánh 20/10 kể từ ngày 5/1, địa chỉ: Số 988 đường Nguyễn Văn Linh, Khu phố 3, phường Tân Phong, quận 7, TP HCM.
Chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Hoàng Sa - Chi nhánh Phạm Ngọc Thạch kể từ ngày 5/1, địa chỉ: Tầng trệt và tầng lửng Số 921 – 923 đường Hoàng Sa, phường 11, quận 3, TP HCM.
Chấm dứt hoạt động Phòng giao dịch Hoàng Diệu - Chi nhánh Đà Nẵng kể từ ngày 5/1, địa chỉ: Số 340 đường Hoàng Diệu, phường Bình Thuận, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng.
Trước đó, SCB đã thông báo đóng cửa 14 phòng giao dịch trong tháng 12, tập trung chủ yếu tại TP HCM và Đà Nẵng.
Trong tháng 10 và 11, ngân hàng này cũng đã chấm dứt hoạt động 21 phòng giao dịch tại Đồng Nai, Đà Nẵng, Gia Lai, Long An, TP HCM và Hà Nội.
Thống kê từ website của SCB, từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, ngân hàng này đã thông báo đóng cửa tổng cộng 52 phòng giao dịch tại 9 tỉnh, thành phố là TP HCM (32 PGD), Hà Nội (7 PGD), Hải Phòng (1 PGD), Nghệ An (1 PGD), Bình Định (1 PGD), Đồng Nai (1 PGD), Đà Nẵng (5 PGD), Gia Lai (1 PGD), Long An (1 PGD), Vũng Tàu (1 PGD), An Giang (1 PGD).
Theo báo cáo điều tra của cơ quan công an, vào tháng 10/2022 - thời điểm trước khi bị kiểm soát đặc biệt, SCB có một hội sở chính ở TP HCM, 50 chi nhánh và 184 phòng giao dịch trên cả nước. Như vậy, sau hơn 1 năm bị kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng SCB đã đóng cửa hơn 1/4 số phòng giao dịch trên cả nước trong khi vẫn giữ nguyên số chi nhánh ở mức 50.
Năm 2022, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố quyết định kiểm soát đặc biệt Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) để ổn định hoạt động của ngân hàng này.
Khách hàng giao dịch tại OCB có cơ hội trúng vàng SJC
Từ nay đến hết ngày 31/3/2024, khách hàng sẽ nhận được voucher mua sắm và cơ hội tham gia quay số với tổng giá trị giải thưởng lên đến gần 4 tỷ đồng khi sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của Ngân hàng Phương Đông (OCB).
Theo đó, với chương trình "Đón sum vầy, Nhận thịnh vượng" vừa được OCB triển khai, tất cả khách hàng cá nhân khi thực hiện các giao dịch tại OCB như: gửi tiết kiệm từ 10 triệu đồng với kỳ hạn gửi từ 01 tháng trở lên, đăng ký và kích hoạt thành công gói tài khoản OCB Invest/Invest Pro/Speed Up lần đầu tiên hoặc số dư bình quân trên tài khoản thanh toán của khách hàng từ 5 triệu đồng trở lên sẽ nhận được mã số dự thưởng để tham gia quay số cuối kỳ với nhiều quà tặng giá trị gồm: 01 Giải đặc biệt - 10 lượng vàng SJC, 02 Giải nhì - Máy lọc không khí Dyson và 03 Giải ba - Robot hút bụi Samsung.
Bên cạnh đó, OCB còn dành tặng ngay hơn 10.000 voucher Got It hấp dẫn dành cho các khách hàng khi thực hiện các giao dịch trên trong thời gian diễn ra chương trình.
Cụ thể, khách hàng mở mới tiền gửi có kỳ hạn (thẻ tiết kiệm và hợp đồng tiền gửi) tại quầy từ 6 đến 36 tháng với số tiền gửi từ 300 triệu đồng, 600 triệu đồng và 1 tỷ đồng trở lên sẽ nhận được Voucher Got It trị giá lần lượt là 200.000VNĐ, 400.000VNĐ và 600.000VNĐ. Đối với khách hàng khi đăng ký thành công gói tài khoản OCB Speed Up và OCB Invest/Invest Pro tại bất kỳ quầy giao dịch của OCB trên toàn hệ thống sẽ nhận được Voucher Got It trị giá 100.000VNĐ. Khách hàng có thể nhận quà tặng voucher không giới hạn khi tham gia chương trình (tối đa 1 voucher/ngày).
Chương trình "Đón sum vầy – Nhận thịnh vượng" chính là lời tri ân đặc biệt OCB mong muốn gửi đến khách hàng. Ngoài việc cung cấp những sản phẩm, dịch vụ tài chính tối ưu, an toàn, tiện lợi, chúng tôi hy vọng khách hàng sẽ có thêm cơ hội rước lộc may mắn nhân dịp đầu năm mới 2024, đại diện lãnh đạo ngân hàng chia sẻ.
Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay đạt hơn 108 nghìn tỷ đồng
Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cho biết, trong năm 2023, tổng doanh số cho vay toàn hệ thống đạt 108.044 tỷ đồng, với hơn 2,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đến 31/12/2023, tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt gần 332 nghìn tỷ đồng, với hơn 6,8 triệu khách hàng còn dư nợ.
Tổng nguồn vốn tín dụng chính sách đến 31/12/2023 đạt trên 346 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 49 nghìn tỷ đồng, tương ứng tăng trưởng 17% so với năm 2022. Trong đó, nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đạt 39.174 tỷ đồng, tăng 8.573 tỷ đồng so với năm 2022, một số chi nhánh có số tuyệt đối nguồn vốn nhận ủy thác tăng cao, như: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc…
Đến hết năm 2023, dư nợ cho vay theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đạt 38.400 tỷ đồng, với 615,6 nghìn lượt khách hàng được vay vốn, đạt 100% kế hoạch được giao trong 2 năm 2022 - 2023.
Trong năm, vốn tín dụng chính sách xã hội đã hỗ trợ đầu tư sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho trên 790 nghìn lao động, trong đó giúp gần 8,6 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài và trên 2.000 người vừa chấp hành xong án phạt tù có việc làm.
Vốn tín dụng chính sách cũng giúp gần 97.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; giải ngân cho hơn 4.000 hộ gia đình vay vốn mua máy vi tính và thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên; xây dựng trên 1.435 nghìn công trình nước sạch, công trình vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 1.383 căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 15.000 căn nhà ở xã hội cho các đối tượng thu nhập thấp…
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 10/1: Hơn 77,4% người trưởng thành có tài khoản thanh toán