Tin ngân hàng ngày 8/1: Vietcombank ước lãi trên 41.000 tỷ trong năm 2023
Tin ngân hàng tuần qua: Năm 2024 sẽ siết chặt tín dụng sân sau Tin ngân hàng ngày 6/1: Bac A Bank cho SME vay đến 80% vốn đầu tư dự án |
Vietcombank ước lãi trên 41.000 tỷ trong năm 2023
Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ năm 2023.
Vietcombank ước lãi trên 41.000 tỷ trong năm 2023/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, lợi nhuận trước thuế hoàn thành kế hoạch được giao (cụ thể tăng 10,2% so với năm 2022); Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,78% và 21,68%.
Trước đó, ngân hàng này ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế 37.368 tỷ đồng trong năm 2022. Như vậy, lợi nhuận hợp nhất trước thuế của Vietcombank năm 2023 ước đạt khoảng 41.200 tỷ đồng.
Với kết quả trên, Vietcombank đã xác lập kỷ lục mới về lợi nhuận trong ngành ngân hàng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì khoảng cách lớn với các nhà băng trong nhóm Big4 như BIDV, VietinBank và Agribank.
Kết thúc năm 2023, huy động vốn thị trường I của ngân hàng đạt xấp xỉ 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022. Dư nợ tín dụng đạt 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% so với cuối năm 2022.
Chất lượng nợ được kiểm soát theo mục tiêu với tỷ lệ nợ nhóm 2 là gần 0,42%, tỷ lệ nợ xấu ở mức 0,97%. Dư quỹ dự phòng rủi ro theo Thông tư 11 là 34.338 tỷ đồng, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu TT11 đạt mức 185%.
Dự báo về triển vọng kinh tế năm 2024, ông Nguyễn Thanh Tùng - Tổng Giám đốc Vietcombank cho biết, triển vọng kinh tế thế giới 2024 được dự báo "hạ cánh mềm" bởi các rủi ro giảm tốc vẫn lấn át động lực tăng trưởng. Doanh nghiệp còn quan ngại mở rộng sản xuất kinh doanh do rủi ro lãi suất còn hiện hữu và căng thẳng địa chính tiếp tục xói mòn thương mại quốc tế. Hàng rào bảo hộ hạn chế xuất nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu cũng làm méo mó thương mại quốc tế. Dự báo của các tổ chức thế giới về tăng trưởng kinh tế của các nước lớn đều giảm tốc so với 2023. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thế giới nửa sau năm 2024 sẽ lạc quan hơn do nhu cầu tiêu dùng, đầu tư, việc làm kỳ vọng tăng trưởng sẽ là động lực kéo tăng trưởng kinh tế thế giới tốt hơn.
Vietbank phát hành 1.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank - VBB) chào bán phát hành 100.000 trái phiếu ra công chúng Đợt 3, tương đương 1.000 tỉ đồng.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm, có mệnh giá 10.000.000 đồng/trái phiếu, kỳ hạn 7 năm và định kỳ trả lãi là 01 năm/lần.
Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu cộng biên độ 2,5% vào 5 năm đầu và biên độ 3,5% vào 2 năm cuối. Số lượng đăng ký mua tối thiểu là 5 trái phiếu, tương đương 50.000.000 đồng. Thời gian phát hành dự kiến là ngày 27/03/2024. Nhà đầu tư có thể đăng ký mua trái phiếu tại các điểm giao dịch của Vietbank từ ngày 10/01/2024 đến ngày 26/03/2024.
Nguồn vốn thu được từ hoạt động chào bán trái phiếu ra công chúng Đợt 3 sẽ được Vietbank sử dụng để bổ sung nguồn vốn, đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đối với các dự án trung và dài hạn, đồng thời đảm bảo các giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động ngân hàng.
Việc chào bán trái phiếu ra công chúng Đợt 3 này của Vietbank theo giấy chứng nhận đăng ký chào bán số 202/GCN-UBCK ngày 12/07/2022 và văn bản số 9455/UBCK-QLCB ngày 29/12/2023 của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Việt Nam về tài liệu báo cáo chào bán trái phiếu ra công chúng Đợt 3.
Trong hoạt động kinh doanh của năm 2023, Vietbank đã triển khai các phương thức kinh doanh linh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ số nhằm mang đến trải nghiệm và sự hài lòng cho khách hàng, nâng cao chất lượng và hiệu suất nguồn nhân lực, tối ưu hiệu quả sử dụng vốn, tăng cường quản trị rủi ro và công tác xử lý nợ…
Sang năm 2024, Vietbank xác định mục tiêu chính là tăng trưởng quy mô, hoạt động an toàn, tuân thủ các quy định, nâng cao năng lực tài chính. Đồng thời ngân hàng sẽ tập trung đầu tư xây dựng nền tảng vững chắc về nhân sự, công nghệ, quản trị rủi ro theo tiêu chuẩn quốc tế để đáp ứng cho chiến lược phát triển lâu dài được ổn định và bền vững trong giai đoạn tiếp theo. Bên cạnh đó, ngân hàng dự kiến tiếp tục đồng hành, chia sẻ cùng khách hàng và tiên phong thực hiện trách nhiệm cộng đồng - xã hội, đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Yêu cầu quy định rõ trách nhiệm của Ban kiểm soát trong các tổ chức tín dụng
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 12/2023.
Cụ thể, về việc tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ đánh giá cao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Ngân hàng Nhà nước), Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan đã tích cực phối hợp với các cơ quan của Quốc hội nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện dự thảo văn bản ý kiến của Chính phủ đối với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Trong đó, quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Ban kiểm soát trong các tổ chức tín dụng, bảo đảm tính độc lập, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật của Ban kiểm soát khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định.
Đồng thời, yêu cầu tăng cường vai trò quản lý của Ngân hàng Nhà nước, nhiệm vụ, quyền hạn của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát hoạt động của các tổ chức tín dụng nhằm bảo đảm công tác quản lý nhà nước, bảo đảm an ninh tiền tệ.
Về thẩm quyền quyết định giới hạn cấp tín dụng, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, quy định trong dự thảo Luật theo hướng bảo đảm sự linh hoạt của Chính phủ trong quản lý, điều hành hoạt động cấp tín dụng; quy định nguyên tắc trong dự thảo Luật, lộ trình cụ thể thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Về các ý kiến khác của Thành viên Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ, bảo đảm việc quy định về xử lý tài sản bảo đảm là dự án bất động sản trước thời điểm Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực, bảo đảm tính khả thi, thuận lợi cho hoạt động huy động vốn của các doanh nghiệp và hoạt động tín dụng của các tổ chức tín dụng.
Chính phủ giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo việc chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật này.
Ngân hàng SCB rao bán loạt xe chở tiền
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo thanh lý lô 23 ô tô chuyên dụng dùng để chở tiền với giá khởi điểm 3,98 tỷ đồng. Tất cả đều mang biển số TPHCM, đăng ký trong giai đoạn 2004 - 2011.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa thông báo thanh lý lô 23 ô tô chuyên dụng dùng để chở tiền với giá khởi điểm 3,98 tỷ đồng. Lô xe thanh lý gồm 17 ô tô Mitsubishi Pajero và 6 ô tô Hyundai Starex từng được SCB dùng làm xe chở tiền. Tất cả đều mang biển số TPHCM, đăng ký trong giai đoạn 2004 - 2011.
Trong lô xe trên, có 2 chiếc cũ nhất đăng ký năm 2004 và một chiếc mới nhất đăng ký vào 2011. Còn lại, hầu hết được đăng ký trong những năm 2007 (5 chiếc) và 2008 (11 chiếc). Với giá khởi điểm cho cả lô là 3,98 tỷ đồng đã bao gồm thuế VAT, trung bình mỗi chiếc có giá khoảng 173 triệu đồng.
SCB không bán riêng lẻ từng xe mà chào cả lô cho cá nhân, tổ chức có nhu cầu theo hình thức chào giá kín để hội đồng thanh lý tài sản của ngân hàng chọn mức mua cao nhất. Khách chào giá cần đặt cọc 690 triệu đồng, tương đương 30 triệu đồng mỗi xe. Tiền cọc sẽ được hoàn lại nếu không trúng đấu giá.
Trước đó, hàng loạt nhà băng khác cũng ồ ạt thanh lý xe chở tiền. Đáng chú ý, chiếc xe chở tiền Mitsubishi Pajero đời 2005 màu bạc 5 chỗ ngồi của Ngân hàng VietABank được rao bán với giá khởi điểm chỉ từ 40 triệu đồng. Chiếc xe này được bán theo hình thức chào giá cạnh tranh trực tiếp, lựa chọn đơn vị trả giá cao nhất và cao hơn giá khởi điểm.
Agribank chi nhánh Đô Lương Nam Nghệ An mới đây thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản thanh lý 1 chiếc xe chở tiền hiệu Mitsubishi Pajero. Chiếc xe được rao bán với giá khởi điểm là 36 triệu đồng.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 8/1: Vietcombank ước lãi trên 41.000 tỷ trong năm 2023