Tin ngân hàng tuần qua: Năm 2024 sẽ siết chặt tín dụng sân sau
Tin ngân hàng ngày 6/1: Bac A Bank cho SME vay đến 80% vốn đầu tư dự án Tin ngân hàng ngày 5/1: Tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng |
Năm 2024 sẽ siết chặt tín dụng sân sau
Mới đây, tại buổi họp báo Triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, sẽ theo dõi sát diễn biến, tình hình kinh tế thế giới, trong nước để điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế gắn với kiểm soát lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Điều hành tín dụng chủ động, linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Phó thống đốc cho biết, năm 2024 sẽ siết chặt cho vay sân sau, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) theo chủ trương của Chính phủ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ tiếp tục triển khai quyết liệu, hiệu quả Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; tập trung thực hiện có hiệu quả phương án xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ xấu; phấn đấu năm 2024 tỷ lệ nợ xấu nội bảng (không bao gồm các ngân hàng thương mại yếu kém) dưới 3%.
Tích cực đổi mới, tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ngành Ngân hàng; thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro nhằm ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các rủi ro, tồn tại và sai phạm của tổ chức tín dụng, góp phần bảo đảm an ninh, kỷ luật trên thị trường tiền tệ, ngân hàng.
TPBank Biz - nền tảng số toàn diện cho doanh nghiệp
Thời gian qua, TPBank không ngừng đầu tư chi phí và chất xám để nâng cấp Nền tảng Ngân hàng Số dành cho Doanh nghiệp - TPBank Biz, nhằm mang đến những giải pháp tốt nhất. Hàng loạt công nghệ hiện đại được ngân hàng đưa vào nền tảng như trợ lý ảo phục vụ 24/7, có thể hỗ trợ hàng trăm khách hàng cùng lúc.
Doanh nghiệp cũng có thể xác nhận các lệnh thanh toán định kỳ, chuyển tiền định kỳ, chuyển/nhận tiền qua số điện thoại chỉ sau 1-3 phút; giao dịch giải ngân, bảo lãnh, LC 100% online. Đồng thời, khách hàng cũng có thể dễ dàng nhận vốn vay sau chưa đầy 5 phút từ khi bấm duyệt lệnh giải ngân.
TPBank Biz cũng sở hữu hệ sinh thái số BizConnex với hơn 30 đối tác trong đa dạng các lĩnh vực gồm fintech, thương mại điện tử, nhà cung cấp hóa đơn hoặc dịch vụ thanh toán, để cung cấp cho khách hàng đầy đủ từ tiện ích nạp tiền, thanh toán hóa đơn, mua hàng trực tuyến đến dịch vụ ví điện tử.
Với nền tảng công nghệ số hiện đại, bằng việc cung cấp hàng trăm API mở, TPBank cho phép doanh nghiệp truyền dữ liệu tới ngân hàng ngay trên hệ thống của doanh nghiệp - thay vì phải đăng nhập vào ứng dụng ngân hàng, mà vẫn đảm bảo tính bảo mật cao. Thư viện OpenAPI phong phú, được chuẩn hóa và đóng gói thành các sản phẩm hoàn thiện, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tích hợp vào hệ thống, rút ngắn thời gian triển khai kết nối, tối ưu chi phí kinh doanh.
Trong thời gian tới, TPBank sẽ tiếp tục tiên phong triển khai các công nghệ tối tân, nâng cấp dịch vụ tài chính nhằm tạo sự tiện lợi và tiết kiệm tối đa cho khách hàng, đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình số hóa.
Năm 2023, tỷ lệ nợ xấu tại VietinBank chỉ 1,15%
Sáng ngày 6/1, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác Đảng, hoạt động kinh doanh năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tại hội nghị, Chủ tịch HĐQT VietinBank Trần Minh Bình cho biết, năm 2023 mặc dù bối cảnh có nhiều khó khăn nhưng kết quả kinh doanh của ngân hàng đạt được nhiều kết quả tích cực.
Đến cuối năm 2023, tổng dư nợ tín dụng của VietinBank đạt hơn 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2022. Ông Trần Minh Bình cho biết, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng tích cực ngay từ đầu năm và duy trì tăng trưởng bền vững. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 1,15%, nằm trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu thấp nhất. Tỷ lệ bao phủ nợ đạt 160%, duy trì ở mức cao. Huy động vốn của VietinBank tăng 13,7%, trong đó tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng trưởng 27%.
Trước đó, theo báo cáo tài chính quý 3/2023, tỷ lệ nợ xấu VietinBank cuối tháng 9/2023 là 1,37%. Như vậy, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng đã có sự cải thiện đáng kể trong quý cuối cùng của năm và mức 1,15% cũng thấp hơn so với cuối năm 2022 (1,24%).
Thu ngoài lãi của VietinBank tăng trưởng tích cực, đóng góp lớn vào tổng thu nhập. Ngân hàng tối ưu hoá chi phí, quản trị chi phí hiệu quả, từ đó tỷ lệ CIR (chi phí hoạt động/tổng thu nhập) ở mức 28%, thấp nhất trong nhóm Big 4, và là một trong những ngân hàng có tỷ lệ CIR thấp nhất ngành.
Lãnh đạo VietinBank cũng cho biết ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Ngân hàng tiếp tục tăng cường năng lực tài chính khi hoàn tất tăng vốn điều lệ lên hơn 53.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 11,74% từ nguồn lợi nhuận còn lại của năm 2020.
Năm 2023, BIDV báo lãi trước thuế hơn 27.400 tỷ đồng
Theo thông tin từ BIDV, đến hết 31/12/2023, các chỉ tiêu kinh doanh của BIDV đều đạt kế hoạch Ngân hàng Nhà nước và Đại hội đồng cổ đông giao.
Cụ thể, cuối năm 2023, tổng tài sản ngân hàng đạt 2,26 triệu tỷ đồng; tiếp tục giữ vững vị thế là Ngân hàng thương mại cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam. Huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%. Dư nợ tín dụng đạt 1,75 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,66%, đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11/2021/TT-NHNN kiểm soát ở mức 1,1%.
BIDV cho biết ngân hàng đã trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định. Tỷ lệ trang trải nợ xấu (dư quỹ DPRR tín dụng/dư nợ xấu) đạt 192%.
Lợi nhuận trước thuế khối ngân hàng thương mại đạt 26.750 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế Khối Công ty con đạt 1.290 tỷ đồng, Khối Liên doanh đạt 945 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 27.400 tỷ đồng.
Với mức lợi nhuận này, BIDV là ngân hàng có lợi nhuận cao thứ hai trong nhóm Big 4, chỉ sau Vietcombank (hơn 41.000 tỷ đồng).
Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, BIDV cho biết dư nợ tín dụng điều hành theo giới hạn tín dụng Ngân hàng Nhà nước giao, dự kiến tăng 14%; Huy động vốn điều hành phù hợp với sử dụng vốn, đảm bảo an toàn thanh khoản, hiệu quả; Kiểm soát tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 ở mức ≤1,4%...
Đã có nhà đầu tư muốn tham gia tái cơ cấu SCB
Báo cáo của Bộ Kế hoạch & Đầu tư về tái cơ cấu nền kinh tế cho biết trong lĩnh vực ngân hàng, hai năm qua Ngân hàng Nhà nước đã đẩy mạnh việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Với các nhà băng, tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt, trong đó có Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước đã báo cáo Thủ tướng về chủ trương xử lý. Theo đó, hướng xử lý được đưa ra trên cơ sở đánh giá tổng thể thực trạng và đề xuất chủ trương cơ cấu lại của SCB và Ban kiểm soát đặc biệt ngân hàng này.
"Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để sớm trình Chính phủ phương án cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định", báo cáo nêu.
Hiện 5 ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, gồm CBBank, OceanBank, GPBank, DongABank và SCB. Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nghiệp vụ nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống tổ chức tín dụng nói chung. Trong lịch sử ngành ngân hàng, đã có nhiều nhà băng từng bị rơi vào trường hợp kiểm soát đặc biệt nhưng sau đó đã phục hồi và phát triển mạnh.
SCB là ngân hàng được đưa vào diện kiểm soát đặc biệt từ tháng 10/2022, sau khi nhiều chi nhánh, phòng giao dịch của nhà băng ghi nhận tình trạng người dân tới rút tiền đồng loạt.
Với 4 nhà băng còn lại (CBBank, OceanBank, GP Bank và DongABank), Ngân hàng Nhà nước đã trình và được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương chuyển giao bắt buộc. Hiện cơ quan chức năng đang xem xét, chuẩn bị phê duyệt phương án cơ cấu lại các ngân hàng này theo trình tự, thủ tục quy định.
Thực tế, việc cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém đang chậm so với kế hoạch. Giải thích điều này, Chính phủ từng cho biết tìm kiếm, đàm phán ngân hàng thương mại đủ điều kiện nhận chuyển giao bắt buộc (năng lực tài chính, quản trị, kinh nghiệm cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém) khó khăn khi phụ thuộc lớn vào việc tự nguyện tham gia của các ngân hàng. Các nhà băng cũng cần thời gian để thuyết phục cổ đông, nhất là cổ đông lớn, cổ đông chiến lược nước ngoài đồng thuận tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Giữa tháng 12/2023, gặp lãnh đạo Ngân hàng Mizuho - một trong ba ngân hàng lớn nhất Nhật Bản - Thủ tướng Phạm Minh chính đề nghị họ tham gia tái cấu trúc ngân hàng yếu kém của Việt Nam.
Nguồn:Tin ngân hàng tuần qua: Năm 2024 sẽ siết chặt tín dụng sân sau