Tin ngân hàng ngày 5/1: Tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng
Tin ngân hàng ngày 4/1: Không còn cơ chế xin - cho room tín dụng Tin ngân hàng ngày 3/1: Định hướng tăng trưởng tín dụng 15% trong năm 2024 |
Tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng
Sáng ngày 4/1, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Đảng, hoạt động kinh doanh năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo thông tin tại Hội nghị, đến cuối năm 2023, tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,88 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,54 triệu tỷ đồng, trong đó trên 65% dư nợ cho vay phục vụ phát triển "Tam nông". Các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo quy định. Nợ xấu dưới 2%. Kết quả kinh doanh đạt hiệu quả theo mục tiêu đề ra, tiếp tục là một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất đối với ngân sách Nhà nước.
Như vậy, sau BIDV, Agribank là ngân hàng thứ hai ghi nhận tổng tài sản vượt mốc 2 triệu tỷ đồng. VietinBank và Vietcombank cũng đang tiến sát mốc này, lần lượt đạt 1,89 triệu tỷ và 1,73 triệu tỷ tại thời điểm cuối tháng 9/2023.
Trước đó, tính đến 30/9/2023, tổng tài sản đạt của Agribank đạt hơn 1,93 triệu tỷ đồng, nguồn vốn huy động từ thị trường 1 hơn 1,73 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1,49 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế trong 9 tháng đầu năm đạt 21.860 tỷ đồng, theo đó Agribank đã vượt qua một loạt ông lớn trong ngành như MB (20.019 tỷ đồng), BIDV (19.763 tỷ đồng), VietinBank (17.401 tỷ đồng), Techcombank (17.115 tỷ đồng) và trở thành nhà băng lãi lớn thứ hai hệ thống, chỉ sau Vietcombank.
Ngân hàng Nhà nước ban hành quy định mới về quản lý vàng miếng
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Quyết định 02 sửa đổi, bổ sung Quyết định 1623/QĐ-NHNN về việc tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN.
Quyết định 02 có hiệu lực kể từ ngày 2/1, sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến thành phần tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng và bổ sung trách nhiệm của một số đơn vị thuộc NHNN trong công tác tổ chức và quản lý sản xuất vàng miếng của NHNN.
Thống đốc NHNN ủy quyền cho Vụ trưởng Vụ Kiểm toán nội bộ ký Quyết định thành lập Tổ giám sát của NHNN để giám sát việc gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu.
Trách nhiệm của Chi cục Quản trị tại TP.HCM và Chi cục Phát hành Kho quỹ, gửi danh sách cán bộ tham gia Tổ giám sát gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của NHNN cho Vụ Kiểm toán nội bộ.
Đồng thời, thực hiện các nhiệm vụ theo quy định, quy chế giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu của NHNN và Quy chế quản lý khuôn sản xuất vàng miếng, máy dập vàng miếng và giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu không phải của NHNN.
Vụ Kiểm toán nội bộ có trách nhiệm làm đầu mối xây dựng và trình Thống đốc phê duyệt Quy chế giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC từ vàng nguyên liệu của NHNN. Ban hành Quyết định thành lập Tổ giám sát gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của NHNN.
Đồng thời xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra công tác giám sát hoạt động gia công vàng miếng SJC của Tổ giám sát hoạt động gia công vàng miếng từ vàng nguyên liệu của NHNN.
Trước đó, ngày 28/12/2023, NHNN đã có Công văn số 10064 về việc tuân thủ pháp luật về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố. Công văn yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức kinh doanh kim khí quý, đá quý bao gồm các công ty kinh doanh vàng, các công ty trung gian thanh toán.
PGBank chuẩn bị tăng mạnh vốn điều lệ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây đã có công văn chấp thuận đề nghị tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank).
Theo đó, PG Bank sẽ được tăng vốn điều lệ tối đa thêm 1.200 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu từ nguồn vốn chủ sở hữu theo Phương án tăng vốn điều lệ được Đại hội đồng cổ đông bất thường 2023 thông qua.
Dự kiến sau khi hoàn tất phát hành, vốn điều lệ của PGBank sẽ tăng từ mức 3.000 tỷ đồng hiện tại lên 4.200 tỷ đồng. Hiện với mức 3.000 tỷ đồng, PGBank là ngân hàng có vốn điều lệ thấp nhất hệ thống.
Trước đó, ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 của PGBank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ thêm 1.200 tỷ đồng từ nguồn vốn chủ sở hữu thông qua phát hành 120 triệu cổ phiếu với tỷ lệ 40%. Ngoài ra, PG Bank còn có kế hoạch phát hành thêm 80 triệu cổ phiếu cho cổ động hiện hữu theo tỷ lên phân phối là 15:4, tức cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được hưởng 1 quyền và cứ 15 quyền sẽ được nhận 4 cổ phiếu mới phát hành thêm.
Mức giá phát hành thêm chưa được ngân hàng công bố. Tuy nhiên, tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 vào tháng 10, ngân hàng dự kiến mức giá này sẽ không thấp hơn mệnh giá.
Ngày 19/12, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có quyết định cho phép PGBank đổi tên từ Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex thành Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển. Đồng thời, đổi tên viết tắt thành PGBank (tên viết tắt cũ là PG Bank).
Theo PGBank, nguyên nhân đổi tên là do tên cũ gắn với cổ đông lớn trước đây là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam Petrolimex. Hiện nay, Petrolimex đã thoái vốn tại PGBank và Petrolimex đã yêu cầu PGBank chấm dứt sử dụng các nhãn hiệu thuộc sở hữu của Petrolimex trước ngày 31/12/2023. Do đó, việc thay đổi tên thương mại và bộ nhận diện thương hiệu mới của PGBank là cần thiết để phù hợp với tình hình hiện tại và định hướng tái cấu trúc của ngân hàng.
Bên cạnh đó, PGBank cũng thông qua việc thay đổi địa điểm đặt trụ sở chính về Tòa nhà HEAC số 14-16 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội. Trước đó, trụ sở ngân hàng đặt tại địa chỉ Tầng 16, 23, 24 Tòa nhà Mipec, số 229 Tây Sơn, phường Ngã Tư Sở, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Thanh toán không dùng tiền mặt đạt hơn 200 triệu tỷ đồng trong năm 2023
Tại buổi họp báo triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2024, Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước thông tin, tính đến cuối năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, thanh toán qua kênh internet đạt gần 2 tỷ giao dịch, với giá trị đạt trên 52 triệu tỷ đồng (tăng hơn 56 % về số lượng và 5,8% về giá trị so với năm 2022); qua kênh điện thoại di động đạt hơn 7 tỷ giao dịch với giá trị đạt hơn 49 triệu tỷ đồng (tăng hơn 61% về số lượng và gần 12% về giá trị); qua phương thức QR code đạt gần 183 triệu giao dịch, với giá trị đạt hơn 116 nghìn tỷ đồng (tăng gần 172 % về số lượng và hơn 74% về giá trị so với năm trước). Trong khi đó, giá trị giao dịch qua ATM đạt khoảng 2,6 triệu tỷ đồng, giảm hơn 9% so với 2022.
Theo Vụ Thanh toán, từ cuối tháng 3/2021, đến nay, có gần 27 triệu tài khoản thanh toán được mở bằng phương thức điện tử (eKYC) đang hoạt động và 12,9 triệu thẻ đang lưu hành phát hành bằng eKYC.
Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả các tỉnh, thành trên cả nước, đến cuối tháng 11/2023, toàn thị trường có 21.014 máy ATM và 513.550 máy POS (tăng tương ứng 0,6% và 26,89% so với cùng kỳ năm 2022).
Tính đến cuối tháng 12/2023, Ngân hàng Nhà nước đã cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cho 51 tổ chức không phải là ngân hàng cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán trên thị trường. Trong đó, dịch vụ chuyển mạch tài chính và dịch vụ bù trừ điện tử: 1 tổ chức, dịch vụ cổng thanh toán điện tử; 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ; 49 tổ chức, dịch vụ hỗ trợ chuyển tiền điện tử; 14 tổ chức và dịch vụ ví điện tử.
Đến cuối năm 2023, số lượng ví điện tử đang hoạt động là 36,23 triệu ví (chiếm 63,23% trong tổng số gần 57,31 triệu ví điện tử đã được kích hoạt), với tổng số tiền trên các ví này là khoảng 2,96 nghìn tỷ đồng.
Sau 2 năm thí điểm, Mobile Money đã có mức tăng trưởng tốt. Tại thời điểm cuối năm 2023, số lượng tài khoản đăng ký gần 6 triệu, trong đó gần 70% là tài khoản đăng ký ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo; tổng số lượng giao dịch khoảng 47 triệu, tổng giá trị giao dịch trên 2,4 nghìn tỷ đồng.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 5/1: Tổng tài sản của Agribank vượt mốc 2 triệu tỷ đồng