Tin ngân hàng ngày 10/4: Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất
Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Nhiều ngân hàng giảm lãi suất huy động Tin ngân hàng ngày 8/4: VIB ưu đãi 0% lãi suất vay mua ô tô Hyundai |
Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 50/NQ-CP 2023 về Hội nghị Chính phủ với địa phương và Phiên họp thường kỳ tháng 3.
Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất |
Tại Nghị quyết, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa và các chính sách khác; điều hành tỷ giá phù hợp, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ và ngoại hối.
Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng với tốc độ hợp lý, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng. Tiếp tục khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng cho người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ cũng yêu cầu NHNN thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại các ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt theo kết luận của Bộ Chính trị; khẩn trương xây dựng phương án cơ cấu lại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) theo trình tự, thủ tục của Luật Các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Nhà nước cũng được giao chỉ đạo các ngân hàng thương mại, trong đó chủ lực là 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam) triển khai chương trình tín dụng khoảng 120.000 tỷ đồng cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.
Chính phủ cũng yêu cầu NHNN sớm sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16 quy định việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán trái phiếu doanh nghiệp theo thẩm quyền, đúng trình tự, thủ tục và quy định pháp luật, tăng cường minh bạch, kiểm soát chặt chẽ rủi ro, bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng, góp phần hỗ trợ phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp an toàn, lành mạnh, hiệu quả.
VietBank đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu lên HoSE trong năm nay
Theo tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2023, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) đã đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2023 đạt 960 tỷ đồng, tăng 46% so với năm trước.
Tổng tài sản đạt 125.000 tỷ đồng, tăng 12%, trong đó dư nợ thị trường 1 (gồm cả trái phiếu doanh nghiệp) đạt 75.600 tỷ đồng, tăng 11,9% so với năm 2022. Tỷ lệ nợ xấu dự kiến giữ dưới 2,5%.
Năm 2022, VietBank tiếp tục quá trình chuẩn bị hồ sơ thực hiện thủ tục đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Tuy nhiên, tình hình thị trường tài chính trong nước giai đoạn cuối năm 2022 và kéo dài qua các tháng đầu năm 2023 có nhiều biến động lớn, lãi suất có xu hướng tăng cao và thanh khoản toàn thị trường có những thời điểm căng thẳng nhất định. Tình hình kinh tế khó khăn ảnh hưởng đến nhà đầu tư và cổ đông.
Do đó, HĐQT ngân hàng này đã trình ĐHĐCĐ 2023 xem xét tiếp tục triển khai thực hiện tăng vốn điều lệ theo phương án đã được ĐHĐCĐ 2022 thông qua theo phương án phát hành 100,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ với tỷ lệ 21% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được mua thêm 21 cổ phiếu mới).
Qua đó, vốn điều lệ tại VietBank dự kiến tăng từ 4.777 tỷ đồng lên 5.780 tỷ đồng.
Cũng theo tài liệu họp cổ đông, HĐQT cũng trình ĐHĐCĐ tiếp tục thực hiện niêm yết cổ phiếu VBB của VietBank tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) khi thời điểm và điều kiện thị trường thuận lợi.
VietBank từng đặt mục tiêu niêm yết cổ phiếu trên sàn HoSE vào năm 2020. Tuy nhiên, tại thời điểm cuối năm 2020 - đầu năm 2021, HoSE liên tục chứng kiến tình trạng quá tải, nghẽn lệnh chứng khoán. Hồ sơ đăng ký niêm yết mới tại HoSE của các công ty đại chúng cũng bị hoãn lại, chưa giải quyết cho đến khi khắc phục sự cố.
Kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên HoSE của VietBank tiếp tục bị trì hoãn trong năm 2021. Nguyên nhân theo VietBank giải thích đến từ yếu tố bên ngoài, cụ thể là do diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 cũng như "việc niêm yết cổ phiếu VietBank trên thị trường chứng khoán thời điểm năm 2021 sẽ không phản ánh đúng giá trị cổ phiếu và bảo đảm quyền lợi của Cổ đông".
VIB áp dụng mua ngoại tệ đến 70.000 USD với thủ tục tối giản chỉ 15 phút
Mới đây, Ngân hàng Quốc Tế (VIB) áp dụng mức bán ngoại tệ cho khách hàng cá nhân lên đến 70.000 USD và thủ tục tối giản chỉ 15 phút.
Với tỷ giá cạnh tranh và danh mục 16 đồng ngoại tệ đại diện cho gần 50 quốc gia, VIB cam kết chất lượng cho đa dạng nhu cầu chi tiêu ngoại tệ của khách hàng từ du lịch, du học,thăm khám chữa bệnh ở nước ngoài đến định cư, chuyển tiền cho thân nhân hay chuyển tiền vãng lai khác,…
Dịch vụ được VIB thiết kế nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu chi tiêu thực tế của khách hàng cá nhân với hạn mức bán tối đa tương đương thu nhập bình quân đầu người (GDP) tại các quốc gia điểm đến. Khách hàng có thể mua đến 70.000 USD (Đô-la Mỹ), 89.000 AUD (Đô-la Úc), 37.000 GBP (Bảng Anh), 5.000.000 JPY (Yên Nhật), 40.000.000 KRW (Won), 39.000 EUR (Euro), 230.000 THB (Baht)… tùy theo điểm đến và nhu cầu chi tiêu ngoại tệ.
Đến nay, 16 đồng ngoại tệ đại diện cho gần 50 quốc gia trên thế giới đã được triển khai giao dịch tại VIB. Tỷ giá chuyển đổi ngoại tệ tại VIB được cập nhật liên tục ở mức cạnh tranh so với thị trường.
Cho nhu cầu du lịch hoặc đi công tác nước ngoài, ngoại tệ sẽ được quy đổi thành tiền mặt để thuận tiện cho việc chi tiêu. Với mục đích du học, khám chữa bệnh, VIB sẽ cung cấp ngoại tệ dưới hình thức một phần là tiền mặt, phần còn lại được chuyển khoản trực tiếp đến đơn vị giáo dục hoặc nơi tiếp nhận hồ sơ điều trị của khách hàng ở nước sở tại. Riêng với nhóm khách hàng đi định cư, trợ cấp thân nhân hoặc giao dịch mua bán với đối tác nước ngoài, VIB sẽ chuyển tiền trực tiếp đến số tài khoản thụ hưởng ở quốc gia điểm đến.
Hướng đến sự thuận tiện cho khách hàng khi mua ngoại tệ, VIB thiết kế bộ chứng từ tinh giản, giúp người dùng tiết kiệm thời gian chuẩn bị hồ sơ, tối giản quy trình xử lý tại quầy và đảm bảo tuân thủ theo quy định tại Thông tư 20 của Ngân hàng Nhà nước. Mua ngoại tệ tại bất kỳ chi nhánh nào của VIB trên toàn quốc, khách hàng chỉ cần chuẩn bị các chứng từ cơ bản cho từng nhu cầu chi tiêu ngoại tệ theo hướng dẫn cụ thể tại www.vib.com.vn. Trong vòng 15 phút giao dịch, khách hàng nhận ngay ngoại tệ tiền mặt hoặc hoàn tất thủ tục chuyển khoản đến người thụ hưởng.
Năm 2023, TPBank đặt kế hoạch lãi trước thuế 8,700 tỷ đồng, tăng 11%
Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) vừa công bố tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2023 với mục tiêu lãi trước thuế 8,700 tỷ đồng, tăng 11% so với năm trước.
Ảnh minh họa |
TPBank đặt mục tiêu đến cuối năm 2023 tăng trưởng quy mô tổng tài sản 7% so với đầu năm, lên mức 350.000 tỷ đồng. Vốn điều lệ tăng 39% lên 22.016 tỷ đồng.
Tổng huy động vốn tăng 6% lên 306.960 tỷ đồng, dư nợ cho vay và trái phiếu TCKT tăng 18% lên 215.755 tỷ đồng. Kế hoạch dư nợ cho vay và đầu tư TPDN dự kiến tùy theo hạn mức tín dụng của NHNN.
Tỷ lệ nợ xấu cho vay kiểm soát dưới 2,2%.
Năm 2023 được nhận định là năm tương đối khó khăn với hoạt động ngân hàng khi điều kiện nền kinh tế và thị trường tài chính ngân hàng có nhiều biến động, room tín dụng tiếp tục bị giới hạn, TPBank sẽ tập trung vào việc cơ cấu lại danh mục tăng thu lãi đồng thời tìm cách giảm giá vốn đầu vào để cải thiện biên lãi thuần, tăng cường bán chéo sản phẩm, gia tăng thu nhập ngoài lãi.
TPBank đề ra mục tiêu đạt 8.700 tỷ đồng lãi trước thuế trong năm 2023, tương ứng tăng 11% so với kết quả năm 2022.
Về kết quả kinh doanh 2022, TPBank trích gần 1.844 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, giảm 37%, do đó Ngân hàng thu về hơn 7.828 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 30% so với năm trước.
Tuy nhiên, nếu so với kế hoạch 8.200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế đề ra cho cả năm, TPBank chỉ mới thực hiện được 95% mục tiêu.
Tính đến ngày 31/12/2022, tổng tài sản Ngân hàng tăng 12% so với đầu năm, lên mức hơn 328.634 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 14% (160.992 tỷ đồng), tiền gửi khách hàng tăng đến 40% (194.959 tỷ đồng). Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ lên 0,84%.
Ngày 03/03/2023, TPBank đã chi xấp xỉ 3.954 tỷ đồng để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông. Tỷ lệ thực hiện quyền là 25%/mệnh giá (1 cp được nhận 2.500 đồng).
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 10/4: Chính phủ yêu cầu NHNN tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất