Tin ngân hàng ngày 8/4: VIB ưu đãi 0% lãi suất vay mua ô tô Hyundai
Tin ngân hàng ngày 7/4: Vì sao lợi nhuận ABBank giảm trong năm 2022? Tin bất động sản ngày 6/4: Đà Nẵng hủy kết quả trúng đấu giá khu đất hơn 2.900m2 |
VIB ưu đãi 0% lãi suất vay mua ô tô Hyundai
Ngân hàng Quốc Tế (VIB) và Công ty Cổ phần Liên doanh Ô tô Hyundai Thành Công Việt Nam (HTV) vừa công bố chương trình hợp tác cung cấp dịch vụ tài chính trọn gói với đặc quyền lãi suất vay từ 0%/năm, thời gian duyệt vay siêu tốc 15 phút và nhiều ưu đãi hấp dẫn khác dành riêng cho khách hàng vay mua ô tô Hyundai. Chương trình diễn ra từ nay đến hết tháng 4/2023.
VIB ưu đãi 0% lãi suất vay mua ô tô Hyundai |
Trong thời gian diễn ra chương trình, khách hàng vay mua xe Hyundai tại VIB sẽ có 2 lựa chọn gói ưu đãi. Gói “Tài chính toàn diện“, khách hàng sẽ nhận được lãi suất cạnh tranh chỉ từ 0%/năm dành cho dòng xe Stargazer và chỉ từ 5%/ năm cho các dòng xe Grand i10, Accent, Creta và Elantra. Với gói “Quà tặng đặc biệt kết hợp hỗ trợ tài chính”, khách hàng được vay với lãi suất chỉ từ 9,5%/năm cho dòng xe Tucson và chỉ từ 10,65%/năm cho các dòng xe Santafe, Stargazer, Grand i10, Accent, Creta và Elantra, đồng thời nhận thêm nhiều ưu đãi khác từ các đại lý.
Với mạng lưới triển khai rộng rãi tại gần 180 điểm kinh doanh VIB và 70 đại lý Hyundai trên toàn quốc, khách hàng vay mua xe Hyundai tại VIB sẽ được phục vụ bởi kênh riêng theo tiêu chuẩn quốc tế với đội ngũ tư vấn tài chính chuyên nghiệp, quy trình riêng biệt và thủ tục đơn giản.
Đặc biệt, VIB là một trong những ngân hàng đầu tiên ứng dụng công nghệ để đưa toàn bộ việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ vay mua ô tô lên VIB Champion - ứng dụng dành riêng cho các đối tác ô tô, mang đến cho khách hàng trải nghiệm duyệt vay siêu tốc từ 15 phút ngay khi nhận đủ hồ sơ.
Khách hàng khi có nhu cầu vay mua ô tô sẽ được các đại lý ô tô hỗ trợ đăng ký qua ứng dụng VIB Champion. Dữ liệu đăng ký ngay lập tức chuyển về VIB. Sau khoảng 15 phút, khách hàng nhận được kết quả duyệt vay và có thể sở hữu ngay chiếc xe yêu thích.
VnDirect: Lãi suất tiền gửi 12 tháng có thể giảm về mức 7%
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới phát hành, Chứng khoán VnDirect cho biết nhận thấy sự đảo chiều trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Cụ thể, trong tháng 3/2023, NHNN đã đưa ra hai đợt giảm lãi suất điều hành, theo đó lãi suất tái chiết khấu giảm 1 điểm % xuống 3,5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5 điểm % xuống 5,5%, lãi suất cho vay qua đêm của NHNN đối với các tổ chức tín dụng cũng giảm từ 7% xuống 6%/năm. NHNN cũng hạ trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND của các tổ chức tín dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên thêm 1 điểm % xuống 4,5%/năm và giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi VND kỳ hạn dưới 1 tháng và kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng thêm 0,5 điểm %.
Theo VnDirect, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm 0,5 điểm % so với mức đỉnh tháng 1, dao động từ 7,1% - 8,4%.
Nhóm phân tích kỳ vọng lãi suất tiền gửi sẽ tiếp tục giảm cho đến cuối năm 2023 do: (1) FED có thể kết thúc chu kỳ tăng lãi suất điều hành vào giữa năm 2023, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá cũng như lãi suất của Việt Nam trong nửa cuối năm nay, (2) nhu cầu vay giảm do tăng trưởng kinh tế giảm tốc và thị trường bất động sản nhà ở ảm đạm, và (3) Chính phủ thúc đẩy đầu tư công, qua đó bơm thêm tiền vào nền kinh tế.
“Chúng tôi kỳ vọng lãi suất tiền gửi trung bình kỳ hạn 12 tháng (trung bình của cả NH tư nhân và NH quốc doanh) sẽ giảm thêm 50 điểm cơ bản xuống 7,0%/năm trong nửa cuối năm 2023”, Chứng khoán VnDirect cho hay.
Tín dụng chính sách xã hội đạt gần 22 nghìn tỷ đồng trong quý I
Theo Ngân hàng Chính sách xã hội, trong 3 tháng đầu năm nay, tổng doanh số cho vay tín dụng chính sách xã hội đạt 21.861 tỷ đồng, với gần 485 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.
Tổng dư nợ tín dụng chính sách đạt 292 nghìn tỷ đồng, tăng 8.410 tỷ đồng so với năm 2022, với hơn 6.600 nghìn hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ, trong đó tăng dư nợ tín dụng các chính sách cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 11 của Chính phủ là 376 tỷ đồng.
Nguồn vốn chính sách cũng đã hỗ trợ tạo việc làm cho trên 129 nghìn lao động, giúp 1.920 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; hơn 17 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 352 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường ở nông thôn; cho mua, thuê mua và xây mới 1.380 căn nhà ở xã hội.
Tính đến 31/3/2023, có 4 tổ chức chính trị - xã hội đã phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai các chương trình tín dụng chính sách với dư nợ ủy thác đạt trên 290 nghìn tỷ đồng, chiếm 99,45%/tổng dư nợ.
Trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ chiếm 38,3%; Hội Nông dân chiếm 30%; Hội Cựu chiến binh chiếm 17,1% và Đoàn Thanh niên chiếm 14,6%.
Hoạt động ủy thác thông qua các tổ chức chính trị - xã hội triển khai thực hiện tốt thông qua 10.437 điểm giao dịch xã, với 168.551 tổ tiết kiệm và vay vốn, đảm bảo kịp thời đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 cao nhất 10 năm
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) vừa công bố tài liệu phục vụ cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023, diễn ra vào ngày 27/4, tại TP HCM.
Saigonbank đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2023 cao nhất 10 năm |
Tại đại hội, Saigonbank dự kiến trình cổ đông kế hoạch kinh doanh năm 2023 với lợi nhuận trước thuế mục tiêu đạt 300 tỷ đồng, tăng 26,5% so với năm trước. Nếu đạt kế hoạch, đây sẽ là con số lợi nhuận cao nhất của Saigonbank trong 10 năm qua và chỉ thấp hơn mức thực hiện được trong giai đoạn “hoàng kim” 2010 - 2012.
Tổng tài sản năm đến cuối năm nay ước đạt 29.400 tỷ đồng, tăng 6%. Trong đó tổng dư nợ cho vay đạt 20.915 tỷ đồng, tăng 6,9%. Vốn huy động dự kiến đạt 24.750 tỷ đồng, tăng 6%. Thanh toán đối ngoại ở mức 330 triệu USD (tương đương khoảng 7.600 tỷ đồng).
Saigonbank cho biết chỉ tiêu năm 2023 được đề ra trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước định hướng tín dụng tăng khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình kinh tế.
Ngân hàng cũng đề ra 6 giải pháp lớn để thực hiện mục tiêu năm 2023: (1) tăng trưởng quy mô hoạt động, phát triển an toàn - bền vững; (2) chuyển đổi số hoạt động ngân hàng theo lộ trình phù hợp, làm nền tảng cung ứng đa dạng sản phẩm dịch vụ; (3) kiểm soát chất lượng tín dụng, tăng cường xử lý thu hồi các khoản nợ tồn đọng; (4) nâng cao hệ thống quản trị điều hành, quản trị rủi ro; (5) quản trị nhân sự, thúc đẩy năng suất lao động; (6) nâng cao giá trị thương hiệu Saigonbank.
Saigonbank cũng không đề cập đến vấn đề chia cổ tức trong tờ trình ĐHĐCĐ năm 2023. Như vậy, nhiều khả năng Saigonbank sẽ bước sang năm thứ 6 liên tiếp không trả cổ tức. Lần phân phối lợi nhuận gần nhất cho cổ đông của Saigonbank là đợt chia cổ tức năm 2016 với tỷ lệ 4% bằng tiền mặt diễn ra vào năm 2017.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 8/4: VIB ưu đãi 0% lãi suất vay mua ô tô Hyundai