Tin ngân hàng ngày 10/5: TP HCM chưa có trường hợp nào được vay gói 120.000 tỉ đồng
Tin ngân hàng ngày 9/5: Yêu cầu kiểm soát chặt chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro Tin ngân hàng ngày 8/5: Nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tăng lên 2,91% |
TP HCM chưa có trường hợp nào được vay gói 120.000 tỉ đồng
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại TP HCM cho biết, đơn vị đã triển khai Công văn 2308 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo Nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ về gói cho vay 120.000 tỉ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ vay đến các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố và yêu cầu triển khai cho vay. Trong đó, 4 ngân hàng lớn là Agribank, BIDV, Vietcombank và Vietinbank đã chuẩn bị sẵn nguồn vốn để cho vay nhưng hiện nay chưa có dự án nhà ở xã hội mới nào được phê duyệt và sản phẩm nhà ở xã hội mới để doanh nghiệp, người mua nhà vay mua.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
“Các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước đã tổ chức triển khai thông tin, tư vấn cho khách hàng, xây dựng quy trình nôi bộ, các hướng dẫn triển khai gói cho vay này. Các tổ chức tín dụng đã triển khai xong, mọi việc thuận lợi nhưng để tiếp cận gói vay phải có dự án và có nhà ở xã hội”, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh tại TP HCM cho biết.
Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành, dự án nhà ở xã hội cũ thì không được vay, dự án mới và sản phẩm nhà ở xã hội mới thì chưa có. Trong khi đó, các dự án xã ở xã hội đang triển khai thì thủ tục rất chậm. Một số ngân hàng đã chủ động tiếp cận với dự án đang làm thủ tục để làm chuẩn bị dần, đến khi dự án được phê duyệt thì hoàn thiện thủ tục cho vay nhanh hơn.
“Nguyên nhân là do các thủ tục hành chính liên quan đến các dự án nhà ở xã hội hiện nay quá chậm. Các khâu thực thi từ nhân viên, chuyên viên đến sở ngành rất chậm. Hiện nay, thủ tục này ở các tỉnh, thành đều phải “chạy lòng vòng”. Còn đối với ngân hàng, như Dự án Lê Thành - Tân Kiên của chúng tôi đang triển khai, BIDV đã lấy hồ sơ làm thủ tục, xin chủ trương sẵn để đến khi dự án của chúng tôi xong pháp lý thì họ hoàn thiện thủ tục cho vay”, ông Lê Hữu Nghĩa chia sẻ.
Bản Việt triển khai chương trình tín dụng xanh
Mới đây, Ngân hàng Bản Việt đã hợp tác với Công ty quản lý quỹ ResponsAbility (Thụy Sĩ) triển khai chương trình "Tín dụng xanh" với lãi suất vay ưu đãi chỉ từ 8,9%/năm dành cho các dự án sản xuất kinh doanh, tiêu dùng thân thiện với môi trường hoặc nhằm bảo vệ môi trường, xã hội.
Cụ thể, Ngân hàng Bản Việt dành riêng hạn mức 500 tỉ đồng để triển khai chương trình tín dụng ưu đãi lãi suất chỉ từ 8,9%/ năm cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân vay vốn triển khai các dự án có yếu tố "xanh" từ vay ngắn hạn đến trung dài hạn như: Bổ sung vốn cho hoạt động nuôi trồng có ứng dụng công nghệ/ mô hình theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, VietGAHP; Bổ sung vốn mua máy móc, dây chuyền sản xuất tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng điện mặt trời...; máy móc hỗ trợ tạo ra năng lượng tái tạo; Bổ sung vốn lưu động, mua sắm đồ gia dụng dán nhãn tiết kiệm năng lượng, xe ô tô động cơ hybryd, xe ô tô điện…
Tín dụng xanh gần đây là một khái niệm đang dần trở nên được phổ biến và nhận nhiều sự quan tâm của người dân, các doanh nghiệp và ngân hàng, khi đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng ảnh hướng chiều hướng tiêu cực đến môi trường. Với người dân và các tổ chức, doanh nghiệp, tín dụng xanh là giải pháp quan trọng góp phần vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế.
Chính vì vậy, việc các ngân hàng nói chung và ngân hàng Bản Việt nói riêng tham gia triển khai gói ưu đãi lãi suất vay cho các hoạt động "xanh" của cá nhân, doanh nghiệp là cần thiết trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển như hiện tại. Tại Bản Việt, khi các doanh nghiệp, khách hàng cá nhân tiếp cận nguồn vốn này sẽ không chỉ nhận được mức lãi suất hấp dẫn chỉ từ 8,9%/năm mà còn được hỗ trợ các thủ tục để được giải ngân nhanh chóng.
Bên cạnh chương trình ưu đãi lãi suất Tín dụng xanh, trước đó, Ngân hàng cũng đã triển khai hàng loạt chương trình ưu đãi nhằm giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận nguồn vốn như: gói vay "Combo 3 ưu đãi" với mức giảm lãi suất tối đa lên đến 2%/năm, cũng như sản phẩm "Vay linh hoạt 24h" giải ngân ngay trong ngày dành cho các hộ kinh doanh tại đô thị, và lãi suất vay ưu đãi 10.5%/năm…
NHNN sẽ "can thiệp sớm" khi ngân hàng mất khả năng chi trả
Chiều 9/5, tiếp tục phiên họp thứ 23, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho hay dự thảo luật gồm 13 chương, với 195 điều. Đáng chú ý, bà Hồng cho hay trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm một số quốc gia, trong đó có trường hợp xử lý khủng hoảng của Silicon Valley Bank và Signature Bank (Mỹ), dự thảo Luật bổ sung quy định về các biện pháp xử lý khi có sự cố rút tiền hàng loạt, gây nguy cơ ảnh hưởng, đe dọa an toàn hệ thống.
Trường hợp được “can thiệp sớm” là khi một ngân hàng bị rút tiền hàng loạt dẫn đến mất khả năng chi trả. Ngân hàng có lỗ luỹ kế lớn hơn 20% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ cũng sẽ vào nhóm này.
“Cho vay đặc biệt” với lãi suất 0% một năm là một trong những biện pháp áp dụng với nhóm này. Cạnh đó, dự thảo bổ sung thẩm quyền NHNN trong việc hạn chế quyền quyết định hoạt động kinh doanh của người quản lý, người điều hành hoặc đình chỉ người quản lý, người điều hành của tổ chức tín dụng có hành vi vi phạm pháp luật.
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Kinh tế đề nghị rà soát các trường hợp quy định của việc can thiệp sớm để phản ánh đúng bản chất.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, can thiệp sớm theo quy định của dự thảo luật thực chất là xử lý tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ chứ không phải từ những dấu hiệu cảnh báo khó khăn.
“Các biện pháp can thiệp sớm chưa thấy rõ vai trò, trách nhiệm của cổ đông/thành viên góp vốn để khắc phục vấn đề trong khi sử dụng gián tiếp nhiều nguồn lực của Nhà nước” - ông Thanh nói và đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu rà soát, chỉnh sửa đồng bộ giữa các biện pháp.
Thừa nhận “khoản vay đặc biệt” là biện pháp cần thiết, tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng dự thảo Luật chưa quy định cụ thể thời gian áp dụng biện pháp can thiệp sớm, từ đó khó xác định được thời gian của khoản vay này.
Từ nhận định này, cơ quan thẩm tra đề nghị cần làm rõ cơ sở, sự cần thiết, đánh giá tác động kỹ lưỡng việc sửa đổi quy định về lãi suất cho vay đặc biệt là 0%.
“Nhiều ý kiến đề nghị làm rõ trách nhiệm của NHNN và các bên liên quan trong trường hợp không thu hồi được khoản vay đặc biệt” - ông Thanh nói thêm.
VIB ưu đãi vay vốn lưu động
Chương trình áp dụng cho khách hàng giao dịch thường xuyên tại VIB khi vay nhanh bổ sung vốn lưu động từ ngày 8/5.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Khách hàng có thể vay tối đa 100% nhu cầu vốn, hạn mức lên tới 15 tỉ đồng với mức lãi suất ưu đãi từ 8,5% một năm. Ưu điểm của gói vay này là quy trình thẩm định và xét duyệt đã được ngân hàng đơn giản hóa với hình thức đa dạng, linh hoạt.
Khách có thể dễ dàng chứng minh năng lực trả nợ bằng kế hoạch kinh doanh, chứng từ đơn giản và kinh nghiệm của chủ hộ kinh doanh. Thời gian cấp hạn mức vốn lưu động lên đến 24 tháng giúp người vay có thể chủ động trong kế hoạch sử dụng vốn.
Bên cạnh chương trình ưu đãi lãi suất, nhà băng còn miễn phí giao dịch cho người dùng là cá nhân kinh doanh và chủ doanh nghiệp siêu nhỏ.
Với gói tài khoản iBusiness hoặc sBusiness mới ra mắt, khách hàng được miễn phí tài khoản số đẹp, phí giao dịch (gồm phí quản lý tài khoản, phí chuyển tiền online, phí nộp, rút, kiểm đếm tại quầy, phí duy trì thẻ IDC, phí rút tiền tại ATM).
Tài khoản iBusiness hoặc sBusiness có hạn mức giao dịch lên tới 5 tỉ đồng một ngày phù hợp với nhu cầu giao dịch và luân chuyển nguồn tiền thường xuyên. Khách hàng cũng sẽ có cơ hội nhận hoàn tiền lên tới 6 triệu đồng khi giao dịch.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 10/5: TP HCM chưa có trường hợp nào được vay gói 120.000 tỉ đồng