Tin ngân hàng ngày 9/5: Yêu cầu kiểm soát chặt chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Tin ngân hàng ngày 8/5: Nợ xấu nội bảng toàn hệ thống tăng lên 2,91% Tin ngân hàng tuần qua: Đã xử lý 350 đơn tố cáo liên quan bán bảo hiểm qua ngân hàng |
Yêu cầu kiểm soát chặt chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa có văn bản số 3205/NHNN-TTGSNH gửi các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài (CNNHNNg) về việc một số vấn đề trong hoạt động của các TCTD, CNNHNNg.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, để đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD:
Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, hạn chế tối đa việc phát sinh mới nợ nhóm 2 và nợ xấu, trong đó lưu ý kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; thực hiện phân loại tài sản có, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro theo đúng quy định pháp luật. Đồng thời, tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp thu hồi nợ xấu và nợ đã sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro.
Các TCTD cổ phần tuân thủ đúng quy định của pháp luật về sở hữu cổ phần, cấp tín dụng đối với cổ đông và người có liên quan. Đối với TCTD có sở hữu cổ phần vượt giới hạn quy định, khẩn trương thực hiện các giải pháp xử lý quyết liệt vấn đề này, phối hợp chặt chẽ cổ đông lớn xây dựng giải pháp thoái vốn theo quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền nhằm tuân thủ quy định của pháp luật.
Các TCTD tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ; tiếp tục rà soát, theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động cấp tín dụng, biến động sở hữu cổ phần của cổ đông, cổ đông và người có liên quan, nhóm cổ đông cần quan tâm (nếu có) tại TCTD, kịp thời phát hiện, xử lý các tồn tại, vi phạm về sở hữu cổ phần, cấp tín dụng, góp vốn không đúng quy định, ngăn ngừa sở hữu chéo, thao túng hoạt động của TCTD.
Tăng cường rà soát, kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động phát hành thư tín dụng (L/C) nội địa (đặc biệt là UPAS L/C nội địa) , đảm bảo đúng quy định pháp luật và quy định nội bộ (trong đó lưu ý các trường hợp khách hàng là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng); có biện pháp cụ thể nhằm kiểm soát rủi ro phát sinh từ hoạt động phát hành L/C nội địa, hạn chế tối đa rủi ro phát sinh nợ xấu, góp phần đảm bảo chất lượng tín dụng của ngân hàng.
LienVietPostBank sắp bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài
Mới đây, Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) đã thông qua việc triển khai thực hiện phát hành cổ phiếu trả cổ tức, chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chào bán cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài và phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động để tăng vốn điều lệ.
Cụ thể, LienVietPostBank dự kiến tăng vốn điều lệ thêm tổng cộng 11.385 tỷ đồng, tương ứng phát hành thêm 1,1385 tỷ cổ phiếu. Trong đó, 328,5 triệu cổ phiếu phát hành trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu tỷ lệ 19%; 500 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu; 300 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài; 10 triệu cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP).
LienVietPostBank hiện có vốn điều lệ 17.291 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành các đợt phát hành, vốn điều lệ ngân hàng dự kiến tăng lên mức 28.676 tỷ đồng.
Năm 2023, LienVietPostBank lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 6.000 tỷ đồng, tăng 310 tỷ so với năm 2022, tức tăng trưởng 5,4%. Tổng tài sản dự kiến đạt 375.000 tỷ đồng, tăng 14,4%; Huy động thị trường 1 đạt 295.740 tỷ đồng, tăng 17,8%; Tín dụng thị trường 1 đạt 273.490 tỷ đồng, tăng 16%. Kế hoạch tăng trưởng tín dụng có thể được điều chỉnh phụ thuộc vào giới hạn tăng trưởng theo phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước.
Kết thúc quý I, lợi nhuận trước thuế LienVietPostBank đạt 1.566 tỷ đồng, giảm 12,8% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu của ngân hàng đạt lần lượt 337.196 tỷ đồng và hơn 25.298 tỷ đồng.
Huy động vốn tính đến cuối quý I đạt hơn 272.500 tỷ đồng, tăng trưởng 8,63% so với cuối năm 2022 và dư nợ cho vay tăng 2,72% lên hơn 242.100 tỷ đồng.
2 tháng đầu năm tiền gửi của người dân tăng mạnh vượt 6 triệu tỷ đồng
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tổng tiền gửi của khách hàng tại hệ thống tổ thức tín dụng cuối tháng 2/2023 đạt gần 11,8 triệu tỷ đồng, giảm hơn 23.800 tỷ đồng so với cuối năm 2022, tương đương giảm 0,2%. Trong khi đó, tiền gửi của cư dân tăng mạnh lên gần 6,18 triệu tỷ đồng.
Nguyên nhân sụt giảm đến từ nhóm khách hàng là tổ chức kinh tế. Tiền gửi của các doanh nghiệp tại hệ thống ngân hàng đã giảm tới hơn 338.000 tỷ đồng (-5,68%) trong 2 tháng đầu năm. Trên thực tế, việc tiền gửi của nhóm khách hàng này giảm trong những tháng đầu năm cũng không phải là chuyện hiếm do yếu tố mùa vụ Tết Nguyên đán chi trả lương, thưởng cho người lao động.
Ở chiều ngược lại, kể từ khi lãi suất huy động bật tăng mạnh từ cuối năm 2022, tiền nhàn rỗi của người dân liên tục chảy mạnh vào hệ thống ngân hàng. Song song với đó, dòng tiền vào các kênh đầu tư như chứng khoán, bất động sản cũng co hẹp lại. Xu hướng này tiếp tục diễn ra trong 2 tháng đầu năm 2023, ghi nhận lượng tiền gửi của dân cư tăng thêm hơn 314 nghìn tỷ đồng (+5,36%) và đánh dấu 15 tháng liên tiếp tăng trưởng dương.
Trong giai đoạn cuối năm 2022 và 3 tháng đầu năm 2023, lãi suất huy động của các ngân hàng duy trì ở mức cao tới 9-10%/năm đã thu hút mạnh người gửi tiền. Khách hàng cũng có xu hướng chuyển tiền gửi không kỳ hạn (tiền gửi thanh toán) sang có kỳ hạn để có lãi nhiều nhất. Đến tháng 4, làn sóng hạ lãi suất mới bắt đầu diễn ra mạnh mẽ khi Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành.
Theo đó, đến cuối tháng 2, tiền gửi của nhóm khách hàng dân cư đã lên gần 6,18 triệu tỷ đồng, chính thức vượt tiền gửi của các tổ chức kinh tế (5,61 triệu tỷ).
Nhiều ngân hàng cũng cho biết, động lực tăng trưởng chính của huy động vốn trong năm 2022 và những tháng đầu năm nay chủ yếu đến từ mảng bán lẻ (khách hàng cá nhân). Tại VPBank, tăng trưởng huy động vốn quý 1/2023 từ mảng bán lẻ đạt 12%, giúp tổng tiền gửi khách hàng tại nhà băng này tăng 9%. Tương tự tại MB, trong 3 tháng đầu năm, tiền gửi của cá nhân tăng 10,6% trong khi doanh nghiệp sụt giảm 8,4%.
VietinBank tặng ưu đãi tới 20% khi mua vé của Singapore Airlines
VietinBank kết hợp với hãng hàng không Singapore Airlines triển khai Chương trình khuyến mãi (CTKM) “Trải nghiệm 5 sao - Chào hè rực rỡ”. Tham gia Chương trình, khách hàng sẽ được trải nghiệm dịch vụ bay đẳng cấp với nhiều ưu đãi siêu hấp dẫn.
https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó từ ngày 8/5 đến hết ngày 8/8/2023, khách hàng là chủ thẻ của VietinBank chỉ cần đổi 10 điểm thưởng Loyalty trên VietinBank iPay sẽ nhận được E-voucher ưu đãi tới 20% khi mua vé máy bay từ Singapore Airlines.
Ưu đãi áp dụng cho hạng vé Phổ thông giá trị (Economy Value) và vé Phổ thông tiết kiệm (Economy Lite) cho các chặng bay từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng tới toàn bộ các các đường bay Singapore Airlines đang mở bán và chiều bay ngược lại, cụ thể:
Thời gian ưu đãi: Từ ngày 8/5/2023 đến 8/8/2023; Thời gian khởi hành: Từ ngày 8/5 đến 30/11/2023; Các loại thẻ áp dụng: Tất cả các thẻ phát hành bởi VietinBank.
Kênh bán vé áp dụng: Website www.singaporeair.com và ứng dụng điện thoại Singapore Airlines.
Được thành lập vào năm 1972, Singapore Airlines đã đạt được nhiều giải thưởng du lịch và được công nhận là hãng hàng không có tiêu chuẩn dịch vụ xuất sắc nhất.
“Trải nghiệm 5 sao - Chào hè rực rỡ” là một trong những chương trình hiếm có với ưu đãi lớn dành cho các khách hàng từ hãng hàng không 5 sao Singapore Airlines.