Tin ngân hàng ngày 10/6: Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém
Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém
Sáng 9/6, giải trình thêm về các vấn đề đại biểu nêu ra trong phiên chất vấn về lĩnh vực ngân hàng , Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho rằng, thời gian tới, áp lực lạm phát tăng cao là rất lớn do giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu tăng, đặc biệt là giá xăng dầu.
Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém |
Chính phủ sẽ tiếp tục bám sát các Nghị quyết của Quốc hội, theo dõi sát diễn biến tình hình trong nước, quốc tế để tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra, ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Chính phủ khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm chi phí hoạt động để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
Đối với các ý kiến của đại biểu Quốc hội liên quan đến room tín dụng, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng nhà nước nghiên cứu các điều kiện, tiêu chuẩn để áp dụng thống nhất, tránh áp đặt hành chính.
Về cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và ngân hàng yếu kém, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cho biết, sau khi báo cáo Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 689/QĐ-TTg, ngày 8/6/2022 phê duyệt Đề án triển khai cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025.
Đối với việc xử lý các ngân hàng yếu kém, Phó Thủ tướng cho biết, đến nay, Chính phủ đã báo cáo và được Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý đối với 4 ngân hàng thương mại yếu kém. Trên cơ sở ý kiến của Bộ Chính trị, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng nhà nước khẩn trương xây dựng phương án cụ thể, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Với tín dụng bất động sản, Phó Thủ tướng cho rằng, đối với các dự án, phương án vay vốn trong lĩnh vực bất động sản có tính khả thi, thanh khoản tốt, khách hàng có khả năng trả nợ vay đầy đủ, đúng hạn thì tiếp tục cung cấp tín dụng theo đúng quy định.
Tuy nhiên, ông Lê Minh Khái cũng lưu ý cần phải kiểm tra lại việc cho vay trong thời gian vừa qua có đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn, điều kiện, quy định hay không.
"Nếu làm chưa đúng thì phải điều chỉnh lại cho đúng. Nếu làm đúng rồi thì tiếp tục thực hiện, chứ không phải siết chặt tín dụng trong lĩnh vực này. Do đó, đối với những dự án, chương trình có hiệu quả thì tiếp tục cho vay, cung cấp vốn để đảm bảo hoạt động, đáp ứng sự phát triển của nền kinh tế", ông Lê Minh Khái nói.
Ngân hàng Shinhan Việt Nam đón nhận 3 giải thưởng năm 2021 của Tổ chức thẻ VISA
Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Ngân hàng Shinhan) vinh dự đón nhận liên tiếp ba giải thưởng do Tổ chức Thẻ quốc tế VISA (VISA) trao tặng.
Riêng đối với giải thưởng “Dẫn đầu về tổng doanh số thanh toán doanh nghiệp”, đây là năm thứ 8 liên tiếp Ngân hàng Shinhan đón nhận hạng mục giải thưởng này từ VISA.
Bộ ba giải thưởng là sự ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực không ngừng của Ngân hàng Shinhan trong hành trình đẩy mạnh và tối ưu hóa phương thức thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc nghiên cứu và phát hành các dòng thẻ tiện ích, tích hợp công nghệ tiên tiến, nhằm đáp ứng tối ưu nhu cầu thanh toán.
Cụ thể, đối với giải thưởng “Dẫn đầu về vận hành xuất sắc sản phẩm doanh nghiệp 2021”, Visa đánh giá cao những thành tựu nổi bật của Ngân hàng Shinhan trong việc vận hành, nghiên cứu và sáng tạo các dòng sản phẩm doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai các giải pháp quản lý chi tiêu thẻ doanh nghiệp một cách hiệu quả và tối ưu.
Giải thưởng “Dẫn đầu về tổng doanh số thanh toán doanh nghiệp năm 2021” và Giải thưởng “Dẫn đầu về doanh số thanh toán qua thẻ tín dụng 2021” ghi nhận những kết quả của Ngân hàng Shinhan trong việc nâng cấp chất lượng dịch vụ và ứng dụng công nghệ hiện đại trong lĩnh vực thẻ, nhằm thúc đẩy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Trước đó, Ngân hàng Shinhan được International Business Magazine trao tặng giải thưởng Ngân hàng bán lẻ nước ngoài tốt nhất Việt Nam (2020) và giải thưởng Ngân hàng nước ngoài tốt nhất Việt Nam trong ba năm liên tiếp (2020, 2021 và 2022). Ngân hàng cũng vinh dự đón nhận giải thưởng Nơi làm việc tốt nhất châu Á ba lần liên tiếp, do Tạp chí HR Asia trao tặng.
Khuyến khích mua bán, hợp nhất, sáp nhập các TCTD
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 689/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025".
Đáng chú ý, Đề án nêu cụ thể nhóm giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng (TCTD). Cụ thể, các TCTD xây dựng phương án và tổ chức triển khai các giải pháp phù hợp theo từng nhóm/khối các TCTD bao gồm: tăng vốn điều lệ, nâng tỷ lệ an toàn vốn để tăng cường năng lực tài chính và an toàn hoạt động ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị, điều hành, chất lượng tín dụng...; khuyến khích tham gia mua bán, hợp nhất, sáp nhập các TCTD trên cơ sở tự nguyện để gia tăng quy mô, phạm vi hoạt động, khả năng cạnh tranh; triển khai và áp dụng Basel II theo phương pháp nâng cao, hướng tới đạt trình độ phát triển của Nhóm 4 nước dẫn đầu khu vực ASEAN vào năm 2025. TCTD yếu, yếu kém áp dụng các biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật để bảo đảm giữ vững ổn định hệ thống các TCTD, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Cũng theo nội dung Đề án, giai đoạn 2022-2023 các ngân hàng thương mại do Nhà nước tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế; giai đoạn 2024-2025, nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền để tăng vốn theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn hệ thống.
Agribank chủ động xây dựng phương án để cơ cấu lại toàn diện nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động và giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn; tăng vốn điều lệ theo phương án được cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai các bước để thực hiện cổ phần hóa sau khi Bộ Tài chính hoàn tất việc phê duyệt phương án sắp xếp cơ sở nhà, đất của ngân hàng; thực hiện niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong nước.
Đối với các NHTM mua bắt buộc, triển khai cơ cấu lại theo Phương án được cấp thẩm quyền phê duyệt, phù hợp với quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong hoạt động ngân hàng, kịp thời phát hiện, ngăn ngừa và xử lý các tồn tại, rủi ro trong quá trình tác nghiệp của ngân hàng. Đẩy mạnh công tác xử lý nợ xấu; phân loại nợ theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh và gia tăng hiệu quả công tác xử lý, thu hồi nợ và tài sản tồn đọng cho ngân hàng.
SCB dẫn đầu về tăng trưởng doanh số chi tiêu thẻ ghi nợ Visa
Ngân hàng Sài Gòn (SCB) vừa được vinh danh là “Leadership in Debit Payment Volume Growth 2021” - Ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng doanh số chi tiêu thẻ ghi nợ năm 2021, do Tổ chức Thẻ quốc tế Visa công nhận.
SCB dẫn đầu về tăng trưởng doanh số chi tiêu thẻ ghi nợ Visa |
Dựa theo tiêu chí doanh số của các ngân hàng trên hệ thống Visa, trong khuôn khổ Visa Award, Visa đã trao tặng cho SCB giải thưởng "Leadership in Debit Payment Volume Growth 2021". Đây là giải thưởng được tổ chức thường niên, nhằm vinh danh các tổ chức tín dụng có đóng góp trong việc phát triển các dịch vụ thanh toán của Tổ chức Thẻ quốc tế Visa tại Việt Nam.
Ra đời từ năm 1958, Visa hiện là một trong những công ty chuyên về công nghệ thanh toán điện tử hàng đầu thế giới, cung cấp giải pháp thanh toán điện tử cho các khách hàng là cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức tài chính và chính phủ tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ.
SCB đã hợp tác với Visa và trở thành đối tác chiến lược từ năm 2016. Từ đó đến nay, SCB liên tục được Visa trao tặng các giải thưởng như "Leadership in Payment Volume Growth 2020" (Ngân hàng dẫn đầu về tăng trưởng doanh số chi tiêu thẻ năm 2020) và "Leadership in Operations Excellence for Cross Border 2019" (Ngân hàng có các hoạt động vận hành giao dịch thẻ tại nước ngoài tốt nhất năm 2019)...
Những giải thưởng này đã khẳng định uy tín về chất lượng dịch vụ thẻ của SCB trong thời gian qua. Hiện các sản phẩm thẻ Visa nổi bật của SCB là thẻ tín dụng S-Care, thẻ thanh toán S-Digital và thẻ thanh toán beYOU Cung hoàng đạo. Cả ba hạng mục thẻ này đều đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của khách hàng.
Hiện SCB cũng vừa tăng cường thêm ưu đãi dành cho thẻ tín dụng S-Care - dòng thẻ chuyên sâu về chăm sóc sức khỏe. Các ưu đãi mới bao gồm: Dịch vụ bác sĩ riêng 24/24, tặng gói tầm soát sau Covid-19 và đặc quyền ưu tiên khám bệnh tại một số bệnh viện/phòng khám.
Nhằm xây dựng và phát triển hệ sinh thái toàn diện, SCB liên tục đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ, trong đó các sản phẩm thẻ được tập trung đầu tư nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán, tiêu dùng của nhiều đối tượng khách hàng.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 10/6: Bộ Chính trị cho ý kiến về chủ trương xử lý 4 ngân hàng thương mại yếu kém