Tin ngân hàng ngày 10/9: Sacombank đấu giá 18 khoản nợ liên quan đến KCN Phong Phú
Tin ngân hàng ngày 9/9: Huy động vốn lãi suất lên tới 84%/năm, Công ty Nhật Nam bị cảnh báo Tin ngân hàng ngày 8/9: Ngân hàng Nhà nước “bơm” ra thị trường gần 60.000 tỷ đồng từ đầu tuần |
Sacombank đấu giá 18 khoản nợ liên quan đến KCN Phong Phú
Công ty Đấu giá Hợp danh Toàn cầu Group thông báo tổ chức bán đấu giá 18 khoản nợ do Sacombank (HoSE: STB) đề nghị bán đấu giá.
Sacombank đấu giá 18 khoản nợ liên quan đến Khu công nghiệp Phong Phú/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tài sản đảm bảo của khoản nợ bán đấu giá là quyền tài sản phát sinh từ toàn bộ lợi ích thu được từ quyền sử dụng đất đã đền bù thuộc dự án Khu công nghiệp (KCN) Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM.
Giá khởi điểm của khoản nợ đấu giá là 8.640 tỷ đồng, tương đương với 53% tổng dư nợ.
Theo đó, tài sản bán đấu giá là toàn bộ 18 khoản nợ được bán không tách rời được đảm bảo bằng quyền tài sản tại dự án KCN Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP HCM theo nguyên trạng khoản nợ, bao gồm chuyển giao toàn bộ quyền, nghĩa vụ của chủ nợ liên quan đến các khoản nợ và toàn bộ quyền, nghĩa vụ của bên nhận đảm bảo đối với các tài sản đảm bảo khoản nợ này.
Tài sản đảm bảo của khoản nợ bán đấu giá là quyền tài sản phát sinh từ toàn bộ lợi ích thu được từ quyền sử dụng đất đã đền bù thuộc dự án KCN Phong Phú.
Tính đến 31/12/2021, tổng giá trị các khoản nợ bán đấu giá là 16.196 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là 5.134 tỷ đồng và hơn 11.061 tỷ đồng nợ lãi.
Khoản nợ trên đã từng được Sacombank rao bán nhiều lần nhưng vẫn chưa tìm khách mua. So với lần rao bán đầu tháng 8, 18 khoản nợ giảm gần 1.000 tỷ đồng.
Khoản nợ phát sinh đã được Sacombank bán lại cho VAMC, sau đó VAMC uỷ quyền bán các khoản nợ này. Sacombank dự kiến bán đấu giá khoản nợ trên vào ngày 29/9/2022 tại quận 3, TP HCM, người tham gia đấu giá đặt cọc trước 10%.
KCN Phong Phú có diện tích 134 ha nằm trên mặt đường Nguyễn Văn Linh, Bình Chánh, TP HCM và cách Quốc lộ 1A chỉ 3,7 km, có thời hạn sử dụng 50 năm.
Cuối tháng 8/2019, UBND TP.HCM đã có văn bản đề cập Chánh thanh tra chủ trì phối hợp các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất Chủ tịch UBND TP HCM yêu cầu tạm dừng việc bán đấu giá quyền tài sản phát sinh từ việc đền bù tại KCN Phong Phú.
Năm 2022, Vietcombank được tăng trưởng tín dụng tới 17,7%
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng cho một số ngân hàng. Trong danh sách các nhà băng được nới ở mức cao có thể kể đến Sacombank, VIB, OCB, MB, Vietcombank, SeABank, SHB...
Chia sẻ về việc được NHNN tăng giới hạn tín dụng tối đa, đại diện Vietcombank cho biết: Trên cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022 đó là kiểm soát tốt lạm phát, NHNN quyết định tăng giới hạn tín dụng tối đa cho các tổ chức tín dụng trong năm 2022 để hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế trong những tháng cuối năm 2022. Về phía Vietcombank cũng đã được NHNN chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến 31/12/2022.
"Như vậy, trong suốt cả năm 2022, Vietcombank đã được tăng tín dụng ở mức 17,7% so với số dư cuối kỳ vào thời điểm 31/12/2021" - vị lãnh đạo ngân hàng cho biết.
Cũng theo ông, để được NHNN chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến cuối năm 2022, trong thời gian vừa qua, Vietcombank đã nỗ lực để đạt được xếp hạng hạng A theo Thông tư 52 của NHNN về qui định xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, Vietcombank đã thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu về an toàn vốn, về thanh khoản, về chất lượng điều hành cũng như đạt kết quả tốt về hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã thực hiện tốt các chỉ đạo của NHNN như giảm lãi suất, cho vay đối với doanh nghiệp và người dân cũng như hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém.
Sau khi được NHNN cho phép tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa, Vietcombank sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tốt thanh khoản, kiểm soát tốt rủi ro tín dụng, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp, duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay, đảm bảo ở mức hợp lý, hỗ trợ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp.
SCB cảnh báo tình trạng tạo tin nhắn giả mạo ngân hàng
Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, thời gian gần đây xuất hiện nhiều trường hợp người dùng nhận được tin nhắn giả mạo các ngân hàng gắn kèm link lừa đảo. Bất chấp các cảnh báo liên tục từ Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và từ các ngân hàng, nhiều khách hàng vẫn sập bẫy.
Theo đó, các đối tượng lừa đảo sử dụng thiết bị phát sóng để chèn tin nhắn giả thương hiệu các ngân hàng, mạo danh gửi tin nhắn SMS lừa đảo về việc tài khoản của khách hàng bị khóa hoặc đã đăng nhập ở một thiết bị khác, thông báo về đăng ký dịch vụ mới, tài khoản bị trừ tiền... Sau đó, đối tượng yêu cầu khách hàng bấm vào đường link trong tin nhắn để kiểm tra, hủy, thanh toán dịch vụ. Tin nhắn lừa đảo được gửi xen lẫn các tin nhắn giao dịch, biến động số dư nên dễ gây nhầm tưởng cho khách hàng.
Các đường link lừa đảo chỉ sai khác một vài ký tự hoặc chi tiết so với đường link thật. Đường link dẫn đến website mạo danh có giao diện gần giống với trang chủ tương ứng theo brandname bị mạo danh. Khi khách hàng nhập username/password/OTP theo hướng dẫn từ đường link, kẻ lừa đảo sẽ chiếm đoạt tài khoản và đánh cắp tiền.
Nhiều đường link lừa đảo được cung cấp trong tin nhắn giả mạo Ngân hàng Sài Gòn (SCB) như: scb.vn-eg.top, scb.vn-eg.xyz, scb.vn-tr.xyz, scb.vn-tr.xyz, scb.vn-zt.top, scb.vn-tr.top, scb.com.vn-sr.xyz, scb.com.vn-yl.info...
"Đây là hình thức lừa đảo qua tin nhắn mạo danh Brandname SCB đã được cảnh báo nhiều lần trong thời gian qua", đại diện SCB chia sẻ.
Trước tình hình này, SCB khuyến cáo khách hàng cần nâng cao cảnh giác, chủ động bảo vệ thông tin tài khoản. Cụ thể, khách hàng không bấm vào đường link được cung cấp trong tin nhắn/email; không cung cấp tên đăng nhập, mật khẩu, OTP, số thẻ cho bất kỳ ai. Người dùng cũng cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn/email yêu cầu cung cấp thông tin.
Khi nghi ngờ bị kẻ gian lấy cắp thông tin, cần nhanh chóng nhập sai mật khẩu đăng nhập SCB S-Connect/SCB Mobile Banking 5 lần để khóa ứng dụng; khóa tính năng thanh toán trực tuyến, khóa thẻ tín dụng ngay trên ứng dụng SCB S-Connect/ SCB Mobile Banking, khi nghi ngờ lộ thông tin thẻ; chỉ đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua website chính thức của SCB.
Ngoài ra, SCB khuyến nghị khách trình báo tới cơ quan công an nơi gần nhất và thường xuyên theo dõi, cập nhật cảnh báo về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến từ SCB và phương tiện truyền thông đại chúng.
Agribank được Moody’s nâng hạng tín nhiệm
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s nâng hạng tiền gửi nội tệ và nhà phát hành nội tệ/ngoại tệ từ mức “Ba3” lên mức “Ba2” với triển vọng “Ổn định”.
Agribank được Moody’s nâng hạng tín nhiệm/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Moody’s vừa công bố nâng kết quả định hạng “Tiền gửi ngắn hạn, dài hạn và định hạng Nhà phát hành” đối với 12 ngân hàng thương mại Việt Nam. Theo đó, Agribank cùng một số ngân hàng được Moody’s nâng hạng tiền gửi nội tệ và nhà phát hành nội tệ/ngoại tệ từ mức “Ba3” lên mức “Ba2” với triển vọng “Ổn định”.
Việc tăng hạng và đạt được triển vọng ổn định như trên của Agribank được đưa ra tiếp theo sau khi Moody’s nâng hạng với định hạng "Sức mạnh tín dụng quốc gia của Việt Nam" từ “Ba3” lên “Ba2” vào ngày 06/09/2022. Moody’s tin rằng Chính phủ Việt Nam có nhiều khả năng hỗ trợ hơn cho Agribank và các ngân hàng trong nhóm được nâng hạng lần này khi cần thiết.
Với vai trò là ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước hàng đầu Việt Nam, Agribank là ngân hàng chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với tỷ trọng đầu tư "Tam nông" chiếm gần 70% tổng dư nợ. Agribank tiếp tục là ngân hàng lớn nhất Việt Nam về thị phần huy động vốn và lớn thứ hai về tài sản. Agribank cũng là ngân hàng có mạng lưới chi nhánh lớn nhất Việt Nam với 2.225 chi nhánh và phòng giao dịch, 01 chi nhánh tại Campuchia, 03 văn phòng đại diện khu vực, 68 điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, 3.339 ATM và 196 CDM.
Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản đạt của Agribank đạt 1,77 triệu tỷ đồng, nguồn vốn đạt 1,62 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 1,39 triệu tỷ đồng. Một phương thức cấp tín dụng của Agribank giúp cho đồng vốn dễ dàng và nhanh chóng đến được với những hộ gia đình nhỏ tại nông thôn, đáp ứng tối đa nhu cầu của người dân, đó là cho vay thông qua 66.378 tổ vay vốn, thoả thuận liên ngành với Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh để tăng cường các kênh đầu tư vốn cho nông nghiệp, nông dân.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 10/9: Sacombank đấu giá 18 khoản nợ liên quan đến KCN Phong Phú