Tin ngân hàng ngày 12/11: BIDV nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm dành cho tiểu thương
Tin ngân hàng ngày 11/11: VietinBank rao bán khoản nợ của Công ty CP Thức ăn chăn nuôi Trung ương Tin ngân hàng ngày 10/11: BacABank tiếp tục tăng mạnh lãi suất huy động, cao nhất 8,65% |
BIDV nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm dành cho tiểu thương
Theo đó, khách hàng tiểu thương có số dư tiền gửi từ 250 triệu đồng trở lên trong tài khoản thanh toán sẽ được hưởng lãi suất không kỳ hạn với mức 1%/năm; đặc biệt duy trì trong 3 tháng trở lên sẽ trở thành khách hàng ưu tiên BIDV Premier hưởng thêm nhiều đặc quyền vượt trội khác như đặc quyền bác sĩ gia đình, đặc quyền phong cách sống tinh hoa.
BIDV nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm dành cho tiểu thương/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đối với khách hàng tiểu thương có số dư tiền gửi bình quân từ 10 triệu đến dưới 250 triệu đồng sẽ hưởng lãi suất 0,5%/năm.
Những tháng cuối năm luôn là khoảng thời gian hoạt động mua bán diễn ra sôi động nhất từ các chương trình đại lễ sale, Black Friday hay thói quen mua sắm Tết của người Việt. BIDV kỳ vọng chương trình ưu đãi lãi suất sẽ hỗ trợ các chủ cửa hàng yên tâm kinh doanh trong những tháng cuối năm bận rộn.
Không chỉ tận hưởng ưu đãi lãi suất không kỳ hạn tùy theo số dư tiền gửi hàng tháng, khách hàng tiểu thương sử dụng tài khoản thanh toán tại BIDV còn được tận hưởng hàng loạt ưu đãi hấp dẫn khác như: Không yêu cầu duy trì số dư tối thiểu, miễn phí mọi giao dịch chuyển khoản trên BIDV SmartBanking, miễn phí đặt tên tài khoản là số điện thoại, đồng giá 99.000đ khi đặt tên tài khoản là nickname, tên shop vào các ngày vàng như 11/11, 12/12, 24/12, 25/12.
Bên cạnh đó, ứng dụng BIDV SmartBanking cũng cho phép khách hàng trải nghiệm cuộc sống số đầy tiện ích khi tích hợp nhiều tính năng khác như thanh toán hóa đơn, đặt vé xem phim, vé tàu xe, nộp thuế online, mua bảo hiểm… Giao dịch càng nhiều, càng có thêm nhiều điểm tích lũy khi tham gia chương trình tích điểm đổi quà (Membership Rewards) vô cùng hấp dẫn.
Để biết thêm thông tin chi tiết, xin vui lòng liên hệ: 19009247 hoặc liên hệ các điểm giao dịch của BIDV trên toàn quốc.
Chứng khoán Tân Việt đề nghị nhà đầu tư không nộp tiền vào tài khoản chuyên dụng tại SCB
TVSI cho biết Nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) sẽ không được hạch toán vào tài khoản chứng khoán và không rút tiền được.
Trong thông cáo vừa gửi tới khách hàng, Chứng khoán Tân Việt (TVSI) cho biết, hiện nay, tài khoản chuyên dụng của TVSI mở tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn đang bị đóng băng, Nhà đầu tư nộp tiền vào tài khoản tại SCB sẽ không được hạch toán vào tài khoản chứng khoán và không rút tiền được.
Vì vậy, để hoạt động giao dịch chứng khoán tại TVSI của Nhà đầu tư được thuận tiện và không bị gián đoạn, TVSI đề nghị Nhà đầu tư không nộp tiền vào tài khoản chuyên dụng tại SCB, từ nay cho đến khi có thông báo tiếp theo.
TVSI cho biết nhà đầu tư vẫn có thể sử dụng bình thường tài khoản chuyên dụng của công ty tại các ngân hàng khác.
Techcombank bổ nhiệm kế toán trưởng mới
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) bổ nhiệm bà Nguyễn Thị Trà My, người đã có thâm niên 17 năm tại ngân hàng, vào vị trí Kế toán trưởng kiêm Quản lý cao cấp Báo cáo tài chính từ ngày 12/11/2022.
Theo thông tin từ Techcombank, đây là quyết định bổ nhiệm nhân sự tài năng trong nội bộ, nhằm chủ động xây dựng đội ngũ lãnh đạo kế cận bên trong ngân hàng. Người tiền nhiệm đã nắm giữ vị trí Kế toán trưởng trong 9 năm qua, và có lộ trình phát triển sự nghiệp ở vị trí mới.
Trước khi đảm nhận vị trí Kế toán trưởng, bà Trà My đã kinh qua nhiều mảng nghiệp vụ tín dụng, báo cáo phân tích, quản trị, tuân thủ, báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế, chính sách kế toán tài chính, đồng thời tham gia nhiều dự án chiến lược chuyển đổi lĩnh vực tài chính tại ngân hàng Techcombank.
Được biết, bà Trà My tốt nghiệp chuyên ngành Kế toán kiểm toán, hệ chất lượng cao Đại học Kinh tế quốc dân, và Thạc sỹ chuyên ngành quản trị Tài chính Ngân hàng trường Kinh tế và Quản lý Solvay Brussels Việt Bỉ.
Phát triển nhân tài là một trong 3 trụ cột chiến lược của Techcombank, nhằm hiện thực hóa mục tiêu trở thành ngân hàng Top đầu tại khu vực ASEAN vào năm 2025. Tỷ lệ bổ nhiệm nội bộ từ cấp quản lý trở lên ở ngân hàng này lên đến 73% trong năm 2021. Song song cùng chiến lược phát triển và giữ chân nhân tài, Techcombank cũng là ngân hàng đầu tiên thực hiện các chương trình Roadshow tại các trung tâm tài chính quốc tế tại Singapore và London, Anh nhằm tuyển dụng nhân tài quốc tế về nước.
Ngân hàng ACB: Nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh lên hơn 3.000 tỷ
Theo Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2022, kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ghi nhận hơn 17.079 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, lãi từ hoạt động dịch vụ đạt gần 2.600 tỷ đồng, tăng 21%; Lãi từ hoạt động khác tăng gấp 12 lần cùng kỳ, thu về hơn 849 tỷ đồng.
ACB nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh lên hơn 3.000 tỷ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ở chiều ngược lại, hoạt động kinh doanh chứng khoán ghi nhận lỗ 277,8 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi hơn 388,6 tỷ đồng. Lãi thuần từ chứng khoán đầu tư và kinh doanh ngoại hối giảm lần lượt 87,4% và 14% so với cùng kỳ, xuống còn 23,3 tỷ đồng và 544,5 tỷ đồng.
Tính tới ngày 30/9/2022, tổng nợ xấu của ACB đạt mức 4.056 tỷ đồng, tăng 1.233,6 tỷ đồng so với hồi đầu năm (tương đương tăng gần 45%). Số nợ xấu này không bao gồm 3.831 tỷ đồng cho vay giao dịch ký quỹ của ACBS.
Đặc biệt là chất lượng nợ vay của ACB có dấu hiệu hiệu giảm sút khi nợ có khả năng mất vốn tăng đột biến.
Cụ thể, so với hồi đầu năm, nợ dưới tiêu chuẩn giảm 43,4% xuống mức 304,5 tỷ đồng; Nợ nghi ngờ giảm 36,4% còn 561,1 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ có khả năng mất vốn tăng 2,3 lần lên mức 3.190,4 tỷ đồng, chiếm 1% trong tổng dư nợ.
Ngoài khoản nợ hiện hữu và được ghi nhận trong bảng cân đối kế toán thì ACB cũng đang có hơn 18.300 tỷ đồng nghĩa vụ nợ “tiềm ẩn”, tăng gần 1.000 tỷ so với hồi đầu năm. Vì vậy, nếu tính cả những phần nợ “tiềm ẩn” chưa được ghi nhận này thì tỷ lệ nợ của ngân hàng ACB chắc chắn sẽ có thay đổi.
Tuy nợ có khả năng mất vốn tăng mạnh, nhưng ACB lại hoàn nhập gần 180 tỷ đồng dự phòng rủi ro tín dụng. Do đó, ACB báo lãi sau thuế 10.817,6 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lợi nhuận khả quan nhưng dòng tiền của ACB lại ghi nhận âm gần 9.874 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm (cùng kỳ vẫn dương 16.090 tỷ đồng). Trong đó, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh âm 9.692,3 tỷ đồng; Dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 181,3 tỷ đồng... Tuy nhiên, theo ACB, trong hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng, không thể đánh giá chất lượng tài sản, hiệu quả kinh doanh dựa trên dòng tiền, vì bản chất đây là định chế tài chính kinh doanh vốn nên dòng tiền âm hoặc dương trong kỳ không có ý nghĩa thể hiện sức khỏe của tổ chức đó.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 12/11: BIDV nâng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn lên 1%/năm dành cho tiểu thương