Tin ngân hàng ngày 13/3: Nhiều ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất trên 9%
Tin ngân hàng ngày 11/3: 2 tháng đầu năm, NHNN mua vào 3,5 tỷ USD ngoại tệ Tin ngân hàng ngày 10/3: Yêu cầu NHNN tập trung xử lý các ngân hàng yếu kém |
Nhiều ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất trên 9%
Khảo sát biểu lãi suất niêm yết của 35 ngân hàng trong cho thấy, hiện có 15 ngân hàng áp dụng mức lãi suất cao nhất dành cho khách hàng cá nhân trên 9%/năm. Trong đó, Ngân hàng Bản Việt vẫn có mức lãi suất cao nhất ở mức 9,5%/năm dành cho kỳ hạn từ 24 tháng trở lên, nhận lãi cuối kỳ.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
BaoVietBank hiện đang áp dụng mức lãi suất 9,4%/năm cho kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng theo hình thức gửi tiền online trên ứng dụng BAOVET Pay.
OCB đang niêm yết lãi suất cao nhất là 9,3% cho tất cả các khoản tiền gửi từ 13 tháng trở lên theo hình thức gửi tiền online, nhận lãi cuối kỳ. Trong khi Kienlongbank áp dụng mức lãi suất này cho kỳ hạn 13 tháng và 15 tháng theo hình thức gửi tiền online.
Mức 9,2%/năm đang được 9 ngân hàng áp dụng là VietBank, OceanBank, VietABank, Bac A Bank, PvcomBank, HDBank, DongABank và LienVietPostBank, ABBank. Trong đó, ngoại trừ VietBank áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng thì tại các ngân hàng còn lại, để được hưởng lãi suất cao nhất này, khách hàng phải gửi tại kỳ hạn 13 tháng (HDBank) hoặc 24 - 36 tháng.
Các ngân hàng áp dụng mức lãi suất 9,1% có VietABank, IVB, Saigonbank dành cho kỳ hạn 13 tháng hoặc từ 24 tháng trở lên.
Lãi suất huy động đã đồng loạt được điều chỉnh giảm trong những ngày gần đây, sau khi các ngân hàng đạt được sự đồng thuận giảm lãi suất huy động 0,5 điểm % trước ngày 6/3. Riêng nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước, do mức lãi suất đã thấp nên sẽ chỉ giảm khoảng 0,2%/năm so với hiện hành.
BIDV cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam
Với những dấu ấn trong hoạt động mua bán ngoại tệ, BIDV được hai tạp chí hàng đầu khu vực là The Asian Banker (TAB) và Asian Banking & Finance (ABF) bình chọn là Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam
Giải thưởng được trao trên cơ sở đánh giá toàn diện các lĩnh vực gồm: công nghệ, sản phẩm, cơ chế chính sách cũng như quy trình giao dịch phục vụ khách hàng. BIDV luôn chú trọng đổi mới danh mục các sản phẩm ngoại hối theo hướng linh hoạt cơ chế giao dịch, tinh gọn thủ tục và tăng cường bán chéo với các sản phẩm dịch vụ khác; từ đó, đáp ứng đa dạng nhu cầu phòng ngừa rủi ro biến động tỷ giá, lãi suất của khách hàng.
Công nghệ được BIDV coi là yếu tố dẫn dắt và góp phần lớn vào việc tăng khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ. Khách hàng có thể mua, bán nhiều loại ngoại tệ theo nhu cầu thanh toán, thông qua các ứng dụng trực tuyến như BIDV Smart Banking dành cho Khách hàng cá nhân hay BIDV iBank dành cho Khách hàng tổ chức. Đây được xem là giải pháp tối ưu cho hành trình giao dịch của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng có khả năng gặp hạn chế về địa lý giao dịch, trong đó có các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Nhờ khả năng cạnh tranh mạnh mẽ về chất lượng sản phẩm và công nghệ giao dịch, số lượng khách hàng mua bán ngoại tệ tại BIDV tăng trưởng nhanh và liên tục qua các năm. Đến thời điểm hiện tại, BIDV đã phục vụ hàng trăm nghìn khách hàng mỗi năm với tổng doanh số mua bán lên tới hàng chục tỷ USD. Lợi thế về quy mô và vị thế trên thị trường ngoại hối đã giúp BIDV luôn đồng hành và sẵn sàng đáp ứng nhu cầu thanh toán ngoại tệ của cá nhân, doanh nghiệp trong những điều kiện thị trường đặc biệt biến động như năm 2022.
Đây là lần thứ 2 BIDV được tạp chí The Asian Banker bình chọn là "Ngân hàng cung cấp dịch vụ ngoại hối tốt nhất Việt Nam" và là năm thứ 4 BIDV nhận được giải thưởng này do tạp chí Banking & Finance trao tặng.
Thanh khoản trên hệ thống ngân hàng đang dư thừa
Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố, hiện thanh khoản của hệ thống đang dư thừa 50.000 tỉ đồng so với mức yêu cầu tối thiểu.
NHNN đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14 - 15%, cao hơn năm 2022, và có điều chỉnh linh hoạt theo diễn biến thị trường. Tuy nhiên, thống kê từ NHNN cho thấy tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế tính tới hết tháng 2 vừa qua mới chỉ tăng gần 0,8%, chưa bằng 1/3 tốc độ tăng trưởng tín dụng cùng kỳ năm ngoái.
Công ty Chứng khoán Yuanta nhận định, tỉ lệ nợ xấu của toàn ngành sẽ tăng nhẹ vào năm 2023, một phần do Thông tư 14/2021 của NHNN về cơ cấu thời gian trả nợ hết hiệu lực, cộng thêm với rủi ro từ kinh tế vĩ mô thế giới ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Ngoài ra, nợ xấu còn có thể tăng lên do các vấn đề liên quan đến ngành bất động sản, khi các điều kiện thanh khoản bị thắt chặt.
Mặc dù các ngân hàng đang thừa vốn, nhưng các doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Điều này cho thấy sức khoẻ của doanh nghiệp đang suy kiệt, đồng thời cũng cảnh báo nguy cơ nợ xấu của ngân hàng có thể phình to.
Đánh giá về xu hướng lãi suất trong thời gian tới, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho rằng: “Các ngân hàng hiện nay rất muốn giảm lãi suất huy động, vì không thể đẩy mạnh cho vay. Một phần do doanh nghiệp gặp khó khăn do giảm sút đơn hàng buộc phải thu hẹp quy mô sản xuất, cộng với sức mua trên thị trường kém.
Trong bối cảnh đó, cả khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân cũng không muốn vay lãi suất cao, đồng thời các ngân hàng cũng kiểm soát rủi ro. Hiện nay, các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động, kể cả với lãi suất kỳ hạn dài. Bởi từ nay đến hết quý 2-2023, mặt bằng lãi suất đầu vào giảm, trong khi tín dụng khó đẩy mạnh thì ngân hàng đối mặt chi phí tăng”.
Xử lý nghiêm các hành vi mua, bán ngoại tệ trái phép
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP HCM vừa có văn bản gửi các quận, huyện và TP Thủ Đức về việc phối hợp trong công tác quản lý Nhà nước về hoạt động ngoại hối.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Văn bản đưa ra nhằm tiếp tục đảm bảo hoạt động kinh doanh vàng, ngoại tệ, đảm bảo việc mua, bán ngoại tệ, việc chi, trả ngoại tệ và thu đổi ngoại tệ đúng quy định và chỉ thực hiện tại các ngân hàng được phép hoặc các đại lý ủy quyền được phép.
Đồng thời chấm dứt việc mua, bán ngoại tệ tự do trái quy định pháp luật và hiện tượng một số tổ chức, cá nhân không được phép kinh doanh ngoại hối nhưng đã lợi dụng để mua, bán ngoại tệ bất hợp pháp (nhiều nhất là các doanh nghiệp kinh doanh vàng). Việc này không chỉ vi phạm quy định về quản lý ngoại hối mà còn tác động ảnh hưởng không tích cực đến tỷ giá và thị trường ngoại hối, nhất là trong những thời điểm tỷ giá biến động, làm ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách và nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội.
Mọi hành vi mua, bán, sử dụng ngoại tệ đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân và doanh nghiệp chỉ được đáp ứng và thực hiện thông qua 2 kênh:
NHNN chi nhánh TP HCM cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn (đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh vàng) nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời những hành vi mua, bán và sử dụng ngoại tệ trái phép. Trong đó, nếu phát hiện trường hợp tổ chức, cá nhân hoạt động mua, bán ngoại tệ và sử dụng ngoại tệ bất hợp pháp sẽ bị xử lý theo quy định.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 13/3: Nhiều ngân hàng vẫn áp dụng mức lãi suất trên 9%