Tin ngân hàng ngày 13/3: Yêu cầu công bố lãi suất cho vay trước 1/4
Tin ngân hàng ngày 12/3: Vẫn còn mức lãi suất tiết kiệm 7,5%/năm Tin ngân hàng ngày 11/3: Nhiều chính sách hấp dẫn khi vay mua nhà của ACB |
Yêu cầu công bố lãi suất cho vay trước ngày 1/4
Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản số 1628/NHNN-CSTT yêu cầu các TCTD gửi đường dẫn (link) của Chuyên mục công bố các loại lãi suất về NHNN trước ngày 01/4/2024.
Ảnh minh họa |
Tại công văn, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ bản công bố thông tin về lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, một số TCTD vẫn đang trong quá trình triển khai thực hiện việc công bố lãi suất cho vay.
Theo đó, NHNN các TCTD tiếp tục thực hiện việc công bố lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân, lãi suất cho vay các chương trình tín dụng, gói tín dụng và các loại lãi suất cho vay khác (nếu có) theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 18/CĐ-TTg ngày 05/3/2024 về điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2024, Thông báo số 527/TB-VPCP ngày 18/12/2023 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị giải pháp tháo gỡ khó khăn về tăng trưởng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô, và của NHNN tại Công văn số 9759/NHNN-TD ngày 21/12/2023, Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 15/01/2024, Công văn số 1117/NHNN-CSTT ngày 07/02/2024.
TCTD tự chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, kịp thời, chính xác của thông tin, số liệu công bố trên trang thông tin điện tử của TCTD; giải thích rõ ràng về nội dung thông tin, số liệu công bố; chủ động tiếp nhận, giải đáp và xử lý các vướng mắc từ khách hàng (nếu có). TCTD (Hội đồng quản trị, ban điều hành, ban kiểm soát, bộ phận tuân thủ, bộ phận kiểm toán nội bộ và các bộ phận chức năng có liên quan của TCTD) có trách nhiệm thường xuyên giám sát để đảm bảo thực hiện đúng các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và NHNN.
NHNN yêu cầu các TCTD gửi đường dẫn (link) của Chuyên mục công bố các loại lãi suất nêu tại công văn này về NHNN trước ngày 01/4/2024; trường hợp TCTD thay đổi đường dẫn thì phải cập nhật trong vòng 02 ngày làm việc với NHNN.
Ngân hàng hạn chế cho vay tín dụng bất động sản đầu cơ
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tiếp và trực tuyến của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản (BĐS) cho địa phương, doanh nghiệp (Tổ công tác) sau khi Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Tổ chức tín dụng (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) được ban hành.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết, lĩnh vực bất động sản luôn đi cùng với ngành Ngân hàng và liên quan tới hàng loạt lĩnh vực khác như sản xuất, vật tư, vật liệu xây dựng... "Ngành ngân hàng kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực rủi ro mà đối với ngành bất động sản là đầu cơ và thổi giá khiến khó tiêu thụ sản phẩm, không luân chuyển được dòng vốn, khó thu hồi nợ", Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.
Báo cáo một số vướng mắc trong gói cho vay nhà ở xã hội 120.000 tỷ đồng, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho rằng, vấn đề mấu chốt để thúc đẩy giải ngân là cần tạo điều kiện cho "cầu tiếp cận được nguồn cung" và đẩy mạnh nguồn cung. Trên cơ sở quan hệ cung - cầu mới giảm giá thành cũng như hạn chế các dự án, tập đoàn đẩy giá, lũng đoạn và đầu cơ bất động sản.
Đại diện các ngân hàng BIDV, Agribank, VietinBank… cho biết khó khăn trong giải ngân gói tín dụng thương mại 120.000 tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội là khả năng đáp ứng của chủ đầu tư về năng lực tài chính tài sản bảo đảm, tính thanh khoản của dự án, giới hạn về tỷ suất lợi nhuận của các dự án nhà ở xã hội…
"Không phải tất cả DN xây nhà ở xã hội mà BIDV tiếp cận đều có nhu cầu vay vốn, vì nhiều dự án chưa có đầy đủ điều kiện để triển khai, hoặc đang sử dụng vốn tự có", ông Trần Phương, Phó Tổng Giám đốc BIDV cho biết.
Liên quan tới phát triển nhà ở xã hội, nhiều doanh nghiệp kiến nghị rút ngắn thời gian rà soát thủ tục pháp lý, nguồn gốc sử dụng đất dự án nhà ở xã hội; đơn giản hoá quy trình, thủ tục hành chính; nới lỏng điều kiện tiếp cận tín dụng cho chủ đầu tư và người mua có thu nhập trung bình và thấp…
Ngân hàng Nhà nước hút 30.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu
Ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước chào thầu tín phiếu kỳ hạn 28 ngày và có 8 thành viên trúng thầu với khối lượng gần 15.000 tỷ đồng, lãi suất 1,4%. Trong phiên trước đó, nhà điều hành cũng đã đấu thầu thành công 15.000 tỷ đồng tín phiếu với mức lãi suất tương tự.
Đây là lần đầu Ngân hàng Nhà nước đấu thầu tín phiếu kể từ cuối năm ngoái. Trong năm 2023, nhà điều hành cũng có hai đợt hút tiền qua tín phiếu vào đầu năm và cuối quý III.
Cụ thể, tháng 2 năm ngoái, cơ quan này có đợt hút tiền qua kênh tín phiếu với tổng quy mô gần 400.000 tỷ đồng trong một tháng. Lần gần nhất Ngân hàng Nhà nước thực hiện nghiệp vụ này là cuối quý III năm ngoái, với quy mô 360.000 tỷ đồng.
Tín phiếu phát hành trong hai phiên gần đây đều có kỳ hạn 28 ngày, được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất. Theo đó, thông tin về loại giấy tờ có giá này được chuyển đến cho các ngân hàng qua Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước để đăng ký đấu thầu. Nhà băng trúng thầu sẽ nộp tiền mua tín phiếu cho Ngân hàng Nhà nước và hết kỳ hạn tín phiếu, được "trả gốc và lãi" tương tự như gửi tiết kiệm. Số tiền hút về qua kênh tín phiếu theo đó sẽ được bơm trả ra thị trường liên ngân hàng sau 28 ngày kể từ lúc phát hành.
Hoạt động bơm, hút tiền qua kênh tín phiếu là nghiệp vụ thông thường của Ngân hàng Nhà nước tác động đến lượng tiền trên thị trường liên ngân hàng (nơi các nhà băng vay mượn lẫn nhau), không lưu thông trên thị trường dân cư.
Động thái hút tiền qua kênh tín phiếu diễn ra trong bối cảnh tỷ giá gần đây tăng mạnh, đặc biệt là giá USD trên thị trường chợ đen. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá trên thị trường chính thức tăng 1,8% trong khi giá USD tự do tăng 3,75%.
HDBank cấp gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho cửa hàng xăng dầu
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) triển khai gói tín dụng với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng nhằm hỗ trợ cửa hàng xăng dầu trang bị hệ thống xuất hóa đơn điện tử.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, HDBank sẽ tài trợ đến 60% chi phí đầu tư, thời gian cho vay tối đa ba năm, không yêu cầu về tài sản bảo đảm, áp dụng từ ngày 1/3. Ngoài ra, nhà băng còn cung cấp cho các cửa hàng bộ giải pháp bao gồm: hệ thống thanh toán, quản lý thanh toán, truy xuất - quản lý nhật ký bán hàng và phát hành hóa đơn điện tử tự động.
Đại diện ngân hàng cho biết, HDBank là một trong những ngân hàng đầu tiên cung cấp bộ giải pháp trọn gói nhằm hỗ trợ cửa hàng xăng dầu triển khai xuất hóa đơn điện tử theo quy định Chính phủ. Với bộ giải pháp trọn gói và nguồn vốn ưu đãi này, đơn vị kỳ vọng hỗ trợ doanh nghiệp xăng dầu chủ động nắm bắt các cơ hội kinh doanh, đẩy nhanh chuyển đổi số và thanh toán không dùng tiền mặt.
"Điều này có ý nghĩa thiết thực trong bối cảnh Chính phủ yêu cầu đơn vị kinh doanh xăng dầu lập hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng tại điểm bán lẻ và kết nối dữ liệu với cơ quan thuế theo quy định", đại diện ngân hàng cho biết.
Nhiều năm qua, HDBank phối hợp triển khai dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt tại hệ thống cửa hàng xăng dầu trên toàn quốc. Đến hết năm 2023, nhà băng phối hợp triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt tại 2.500 cửa hàng xăng dầu thuộc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex).
Theo đó, khách hàng cá nhân được HDBank cung cấp thẻ tín dụng 4in1 với đa tiện ích. Chủ thẻ có thể vay tín chấp không tài sản bảo đảm, lãi suất ưu đãi, thủ tục cấp thẻ tự động và hoàn toàn online 100%. Khách hàng doanh nghiệp được cấp thẻ tín dụng doanh nghiệp thanh toán xăng dầu với hạn mức đến 3 tỷ đồng, giúp quá trình thanh toán nhanh chóng, tiện lợi hơn.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 13/3: Yêu cầu công bố lãi suất cho vay trước 1/4