Tin ngân hàng ngày 13/5: Nhiều nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm
Tin ngân hàng tuần qua: Thanh tra một số lĩnh vực tại Ngân hàng Nhà nước Tin ngân hàng ngày 11/5: Cảnh báo nhiều hình thức lừa đảo |
Loạt ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm trong tuần qua
Niều nhà băng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm với mức tăng lên tới 0,5%/năm trong tuần qua.
Chỉ trong vòng một tuần có tới 9 ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm bao gồm: Techcombank, TPBank, PGBank, SeABank, VIB, Bac A Bank, Sacombank, BVBank, CBBank.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, Techcombank là ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm trong ngày 2 liên tiếp là 9/5 và 8/5. Theo đó, biểu lãi suất tiết kiệm mới nhất ngày 9/5 tăng trung bình 0,1 điểm % tại tất cả các kỳ hạn so với lần điều chỉnh vào ngày 8/5. Lãi suất tiết kiệm thông thường cao nhất tại Techcombank hiện là 4,7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng trở lên.
Cũng trong ngày 9/5, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) công bố biểu lãi suất tiết kiệm mới với mức tăng 0,2%/năm đối với các kỳ hạn từ 1 đến dưới 12 tháng, và tăng 0,2 - 0,4%/năm tại kỳ hạn 18 - 36 tháng. Theo đó, biểu lãi suất tiết kiệm trực tuyến hiện dao động từ 3%/năm-5,6%/năm cho kỳ hạn từ 1-24 tháng.
Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) cũng điều chỉnh lãi suất tiết kiệm trong tuần qua với mức tăng cao nhất 0,4 điểm phần trăm từ kỳ hạn 12 tháng -36 tháng. Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng này là 5,4%/năm áp dụng cho kỳ hạn 36 tháng.
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng thêm 0,3%/năm lên 4,05%/năm. Các kỳ hạn khác giữ nguyên. Hiện lãi suất tiết kiệm cao nhất tại SeABank là kỳ hạn 18-36 tháng (4,6%/năm).
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) cũng điều chỉnh tăng lãi suất tiết kiệm mới từ ngày 8/5. Cụ thể, lãi suất tiết kiệm trực tuyến kỳ hạn 2-5 tháng được VIB điều chỉnh tăng thêm 0,2 điểm %, lên 2,8%/năm - 3%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6-11 tháng cũng tăng thêm 0,1 điểm % lên 4,1%/năm.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) gia nhập vào nhóm nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm trong tuần này. Theo đó, ngân hàng này điều chỉnh tăng 0,15 điểm % tại các kỳ hạn 6 - 11 tháng, và tăng 0,25 điểm % tại kỳ hạn 12-18 tháng. Hiện, mức lãi suất áp dụng tại ngân hàng này cao nhất ở kỳ hạn 18 tháng, niêm yết ở mức 5,5%/năm cho khoản tiền gửi dưới 1 tỷ đồng.
Trong ngày đầu tuần 6/5, ghi nhận 3 ngân hàng tăng lãi suất là Sacombank, BVBank, CBBank. Mức điều chỉnh tăng thêm lãi suất từ 0,1 - 0,2 điểm % lãi suất huy động các kỳ hạn tiền gửi 1 - 12 tháng.
OCB giảm mạnh lãi suất cho vay, tiếp sức doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ngân hàng Phương Đông (OCB) vừa tung ra chương trình dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) với lãi suất chỉ từ 4,5% năm và cố định suốt thời gian vay - Gói tín dụng được với kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng nguồn vốn, thúc đẩy hoạt động kinh doanh.
Theo dữ liệu thống kê, hiện huy động vốn của toàn hệ thống ngân hàng đạt 13,73 triệu tỷ đồng. Tín dụng toàn nền kinh tế tính đến ngày 28/3/2024 tăng 0,9%, trong khi tháng 1 và 2 tăng trưởng âm. Với dấu hiệu khởi sắc này, Lãnh đạo NHNN cho rằng, nền kinh tế bắt đầu “ngấm” vốn, tín dụng đến cuối năm có thể tăng 14 - 15%. Chính phủ, NHNN luôn chỉ đạo giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cả ngân hàng thương mại. Hiện mặt bằng lãi suất huy động ở mức thấp nhất trong 20 năm qua, mặt bằng lãi suất cho vay cũng ở mức thấp, chính vì vậy đã giúp nền kinh tế dần được thẩm thấu. Đơn cử, tín dụng của các ngân hàng trên địa bàn TP HCM bắt đầu tăng trưởng dương trở lại từ đầu tháng 3/2024. Kinh tế tăng trưởng, các ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh phát triển đã kích thích nhu cầu vốn. Nếu như tháng 1/2024, dư nợ tín dụng giảm 0,93%, tháng 2 tăng 0,01% thì tháng 3 ước tính tăng 0,5%.
Tiếp đà, các ngân hàng đã tung hàng loạt các chương trình, gói tín dụng ưu đãi cùng với lãi suất cực kỳ hấp dẫn nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp cũng như đẩy mạnh hoạt động bơm vốn ra thị trường. Đến hết tháng 3/2024, lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch mới phát sinh là 6,5%/năm.
Riêng tại OCB, nhà băng này đã triển khai gói tín dụng lãi suất siêu ưu đãi dành cho các khách hàng SME mới và hiện hữu trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Theo đó, khi khách hàng phát sinh giải ngân mới Việt Nam đồng từ nay đến hết 30/6/2024 sẽ được hưởng lãi suất chỉ từ 4,5%/năm với các khoản vay có kỳ hạn từ 3 tháng trở xuống và từ 5,0%/năm với khoản vay có kỳ hạn trên 3 tháng đến 6 tháng. Mức lãi suất này sẽ được cố định trong suốt thời gian vay.
NHNN khuyến cáo người dân thận trọng khi tham gia giao dịch vàng
Ngày 12/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) làm việc với UBND TP HCM triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác phối hợp quản lý thị trường vàng.
Tại cuộc họp Lãnh đạo NHNN và UBND TP HCM thống nhất việc phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện ngay các biện pháp, công cụ theo quy định pháp luật, nhất là Nghị định 24 để quản lý, điều hành chặt chẽ, hiệu quả thị trường vàng, không để xảy ra tình trạng trục lợi, đầu cơ, thao túng, đẩy giá…
Bên cạnh đó, sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác giám sát, quản lý, điều hành thị trường vàng, có hóa đơn điện tử trong việc thực hiện các giao dịch mua, bán vàng, yêu cầu các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vàng thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng.
Ngoài ra, tiếp tục thực hiện nghiêm công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát… theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng, lợi dụng chính sách găm hàng đẩy giá của các tổ chức, cá nhân liên quan, gây mất ổn định, an toàn thị trường vàng….
Đối với Công ty TNHH MTV VBĐQ Sài Gòn - SJC, Lãnh đạo UBND TP HCM chỉ đạo tiếp tục thực hiện ngay công tác bình ổn thị trường, thực hiện nhiệm vụ chính trị để ổn định thị trường vàng. Phối hợp, thực hiện chỉ đạo của các cơ quan chức năng có giải pháp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn thị trường vàng; Thực hiện nghiêm quy định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, chế độ chứng từ, hóa đơn điện tử, báo cáo phòng chống rửa tiền, thống kê các giao dịch mua, bán vàng.
NHNN cũng sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng cung ứng ra thị trường với khối lượng và tần suất phù hợp với nhu cầu thị trường. Trước tình hình biến động giá vàng của thị trường vàng quốc tế và động thái điều hành, kiểm soát thị trường vàng trong thời gian tới, người dân cần thận trọng khi tham gia giao dịch vàng để giảm thiểu rủi ro.
Nhiều nhà băng tăng mạnh dự phòng rủi ro
Mới đây, ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn (theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ) thêm 6 tháng, nghĩa là đến hết năm 2024.
Ảnh minh họa |
Giải thích lý do chỉ kéo dài thêm 6 tháng, Phó thống đốc cho biết, mức độ, liều lượng của chính sách phải đảm bảo hài hòa 2 vấn đề là chất lượng hoạt động của các ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp, nên trước mắt, chỉ kéo dài trong khoảng thời gian này. Như vậy, trong năm 2024, các khách hàng vay ngân hàng đủ điều kiện sẽ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Điều kiện sẽ do các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài xem xét, đánh giá khó khăn để quyết định việc cơ cấu lại khoản nợ.
Tuy được kéo dài thời gian tái cơ cấu nợ, song các nhà băng vẫn lo nợ xấu, nên đã chủ động tăng trích dự phòng. Quý I/2024, ABBank tiết giảm chi phí hoạt động 6%, chỉ còn 509 tỷ đồng, nhưng do tăng cường trích lập chi phí dự phòng rủi ro với 177 tỷ đồng, tăng hơn 52% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngân hàng VietBank trích hơn 90 tỷ đồng để dự phòng rủi ro tín dụng, gấp 4,3 lần cùng kỳ năm 2023. Do đó, VietBank chỉ còn lãi trước thuế hơn 73 tỷ đồng, giảm 63% so với cùng kỳ.
Tương tự, Eximbank tăng chi phí dự phòng rủi ro lên 282 tỷ đồng trong quý I/2024, gấp 3 cùng kỳ và chỉ còn lãi trước thuế hơn 661 tỷ đồng, giảm 24%. VietinBank dành hơn 8.049 tỷ đồng cho chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý đầu năm. ACB trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 512 tỷ đồng trong quý đầu năm nay, gấp 2 lần cùng kỳ và lãi trước thuế hơn 4.892 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, một số ngân hàng nâng dự phòng rủi ro, nhưng lãi trước thuế vẫn tăng khá cao. Có thể kể đến Techcombank dành gần 1.211 tỷ đồng để dự phòng rủi ro trong quý đầu năm 2024, gấp 2,3 lần cùng kỳ, nhưng vẫn lãi trước thuế gần 7.802 tỷ đồng, tăng 39% so cùng kỳ; HDBank tăng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tới 33% khi trích đến 1.270 tỷ đồng, song vẫn báo lãi trước thuế gần 4.028 tỷ đồng, tăng gần 47% so cùng kỳ.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 13/5: Nhiều nhà băng tăng lãi suất tiết kiệm