Tin ngân hàng ngày 13/6: Tiền gửi của người dân tăng mạnh dù lãi suất giảm
Tin ngân hàng ngày 12/6: 5 ngân hàng Việt lọt top 2.000 doanh nghiệp lớn nhất thế giới Tin ngân hàng ngày 10/6: Gói 120.000 tỷ đồng có lãi suất cao, nguy cơ "ế" |
Tiền gửi của người dân tăng mạnh tại ngân hàng dù lãi suất giảm
Người dân đã tăng cường việc gửi tiền vào hệ thống ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2023, với số tiền gửi đạt mức cao nhất trong hơn 10 năm qua, mặc dù mức lãi suất đã giảm. Theo dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tổng số tiền gửi của người dân tại ngân hàng vào cuối tháng 3 đạt 6,28 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với đầu năm.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong thời gian chỉ trong 3 tháng đầu năm nay, người dân đã "gửi ròng" thêm vào hệ thống ngân hàng số tiền lên đến 415.000 tỷ đồng. Đây là mức tăng trưởng trung bình hàng năm trong khoảng 7-8 năm gần đây, trong khi số tiền gửi của người dân thêm vào hệ thống ngân hàng trong quý đầu năm trước đây chỉ khoảng 150.000 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, lượng tiền gửi của người dân đã bắt đầu gia tăng mạnh vào hệ thống ngân hàng từ tháng 10 năm trước, do sức hấp dẫn của lãi suất tiết kiệm. Mặc dù lãi suất trong 3 tháng đầu năm đã giảm so với cuối năm 2022, nhưng vẫn duy trì mức lãi suất cao so với giai đoạn trước đại dịch Covid-19.
Từ tháng 4 trở đi, lãi suất tiết kiệm đã giảm nhanh và mạnh hơn, khiến kênh tiền gửi trở nên ít hấp dẫn hơn. Vào cuối tháng 5, hầu hết các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất, giảm mức lãi suất niêm yết cao nhất về 8,5% một năm, sau quyết định hạ lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước.
Trái ngược với người dân, số tiền gửi của các tổ chức tại ngân hàng đã giảm gần 4,9% so với đầu năm, chỉ còn 5,66 triệu tỷ đồng. Lượng tiền gửi của tổ chức trong hệ thống ngân hàng đã có xu hướng ổn định trong một năm gần đây, trong khi các năm trước đó tiếp tục tăng trưởng đều đặn. Tình trạng này xảy ra khi doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn về thanh khoản và nhóm doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp thiếu đơn hàng, thu hẹp quy mô.
Xu hướng trái chiều giữa tiền gửi của người dân và doanh nghiệp đã dẫn đến sự tăng trưởng tổng lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng chỉ ở mức 1%, tương đương gần 150.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, hiện nay, chuyên gia cho rằng hệ thống ngân hàng đang có sự dư thừa về thanh khoản trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng đạt mức thấp chưa từng có trong nhiều năm qua.
UOB Việt Nam chính thức ra mắt Hệ sinh thái số UOB BizSmart
Vừa qua, Ngân hàng UOB Việt Nam đã chính thức ra mắt Hệ sinh thái số UOB BizSmart và công bố ký kết hợp tác chiến lược với CyberLotus.
Hệ sinh thái số UOB BizSmart đã có hơn 30.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ đăng ký đồng hành chuyển đổi số tại Đông Nam Á từ năm 2016. Việt Nam trở thành quốc gia thứ 5 sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Indonesia tham gia vào hành trình này. Sự kiện ra mắt UOB BizSmart tại Việt Nam và hợp tác với CyberLotus đã được công bố vào ngày 6/6.
UOB BizSmart là một hệ sinh thái cung cấp bộ giải pháp chuyển đổi số toàn diện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhằm tinh gọn hóa quy trình vận hành và thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh trong bối cảnh biến động kinh tế toàn cầu. Theo một nghiên cứu của UOB, 38% doanh nghiệp Việt Nam đang gánh chịu áp lực chi phí vận hành cao và 30% doanh nghiệp mong muốn tư vấn về tối ưu hóa dòng tiền để thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Nghiên cứu này cũng cho thấy 73% doanh nghiệp báo cáo năng suất hoặc hiệu quả cao hơn sau khi áp dụng các giải pháp chuyển đổi số.
UOB BizSmart cung cấp gói sản phẩm giải pháp chuyển đổi số đa dạng trong các lĩnh vực như Kế toán, Nhân sự và chi lương, Giao dịch kỹ thuật số, Quản trị doanh nghiệp và tư vấn kinh doanh, Dịch vụ POS và cổng thanh toán. Hợp tác chiến lược với CyberLotus đã giúp UOB BizSmart tích hợp Ứng dụng UOB SME và Phần mềm kế toán trực tuyến CyberBook, mang đến cho các doanh nghiệp một cái nhìn toàn diện về dòng tiền thông qua bảng báo cáo phân tích và truy cập nhanh chóng vào thông tin tài chính.
Việc hợp tác giữa UOB BizSmart và CyberLotus sẽ đóng góp tích cực cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong tương lai. UOB BizSmart giúp doanh nghiệp thích ứng nhanh chóng với biến động thị trường, giảm thiểu chi phí đầu tư công cụ và phần mềm, cải tiến quy trình làm việc, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh. Đối với Ngân hàng UOB Việt Nam, ra mắt Hệ sinh thái số UOB BizSmart đánh dấu một bước ngoặt mới trên hành trình đồng hành cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam trong việc tìm kiếm cơ hội tăng trưởng thông qua chuyển đổi số toàn diện.
LPBank chào bán gần 33 triệu trái phiếu ra công chúng đợt 2
Theo đó, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank) sẽ chào bán tổng cộng gần 32,93 triệu trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu, tương ứng tổng quy mô 3.293 tỷ đồng . Trong đó bao gồm hơn 29,4 triệu trái phiếu LPB7Y202203 kỳ hạn 7 năm và gần 3,5 triệu trái phiếu LPB10Y202204 kỳ hạn 10 năm.
Đây là loại trái phiếu không chuyển đổi, không có bảo đảm, không kèm theo chứng quyền, là nợ thứ cấp và thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 của LPBank.
Lãi suất áp dụng cho trái phiếu là lãi suất thả nổi, được tính bằng lãi suất tham chiếu (là bình quân lãi suất tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND, kỳ hạn 12 tháng, trả lãi cuối kỳ được niêm yết của BIDV, Vietinbank, Agribank, Vietcombank tại ngày xác định lãi suất) cộng biên độ.
Trong đó lãi suất loại kỳ hạn 7 năm là lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 2,8%/năm và lãi suất loại kỳ hạn 10 năm là lãi suất tham chiếu cộng với biên độ 3,1%/năm.
Trong kỳ tính lãi đầu tiên, LPBank áp dụng lãi suất 9,6%/năm cho trái phiếu kỳ hạn 7 năm và 9,9%/năm cho kỳ hạn 10 năm. Mức lãi suất này cao hơn khoảng 1,7 - 2 điểm % so với lãi suất huy động tiền gửi cao nhất mà LPBank đang niêm yết.
Thời gian chào bán dự kiến là trong quý II và quý III/2023. Số lượng đặt mua tối thiểu đối với nhà đầu tư cá nhân là 200 trái phiếu (tương đương 20 triệu đồng) và 10.000 trái phiếu đối với nhà đầu tư tổ chức (tương đương 1 tỷ đồng).
Trường hợp chưa chào bán hết khối lượng trái phiếu dự kiến trong đợt 2 thì phần chưa bán hết sẽ được chuyển sang đợt 3.
Số vốn tăng huy động được từ trái phiếu sẽ được LPBank bổ sung nguồn vốn huy động trung dài hạn nhằm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng đối với các dự án trung dài hạn trong quý II và quý III/2023. Trong đó, hơn 3.106 tỷ đồng sẽ được dùng để cho vay Nông nghiệp Nông thôn và tiêu dùng; số còn lại cho vay lĩnh vực thương mại và lương thực, thực phẩm.
Tính đến cuối tháng 3, LPBank có 21.300 tỷ trái phiếu đang lưu hành. Trong đó, trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm trở lên là gần 7.011 tỷ đồng; kỳ hạn 1 - 5 năm là 14.290 tỷ đồng.
ABBANK hoàn thành chia cổ tức, nâng vốn điều lệ lên 10.350 tỷ đồng
Ngày 12/6, Ngân hàng Thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) thông tin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản xác nhận tài liệu báo cáo kết quả phát hành cổ phiếu để chia cổ tức cho cổ đông. Như vậy, đợt phát hành cổ phiếu chia cổ tức 10% của ABBANK đã hoàn tất, vốn điều lệ của ABBANK tăng lên trên 10.350 tỷ đồng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, ngày 31/5, ABBANK đã thực hiện phát hành thêm cổ phiếu để chia cổ tức 10% cho cổ đông. Cụ thể, căn cứ danh sách tổng hợp người sở hữu chứng khoán nhận cổ tức bằng cổ phiếu do Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) lập, ABBANK đã phát hành thêm gần 94,1 triệu cổ phiếu để chia cổ tức với giá trị phát hành thêm gần 941 tỷ đồng.
Trước đó, Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 đã thông qua phương án tăng mức vốn điều lệ trong đó có việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 10%. Việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận. Sau phát hành, vốn điều lệ của ABBANK đã tăng từ 9.409 đồng lên 10.350 tỷ đồng.
Ông Đào Mạnh Kháng - Chủ tịch Hội đồng quản trị ABBANK cho biết: “Việc chia cổ tức bằng cổ phiếu sẽ giúp ngân hàng tăng quy mô vốn điều lệ, hiện thực hoá mục tiêu chiến lược trở thành một ngân hàng bán lẻ hiệu quả. Dự kiến, giá trị vốn hóa của ABBANK sẽ tiếp tục tăng nhiều lần so với hiện tại trong vòng 3-5 năm tới để đạt quy mô mong muốn”.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 13/6: Tiền gửi của người dân tăng mạnh dù lãi suất giảm