Tin ngân hàng ngày 13/9: Yêu cầu NHNN xem xét, điều chỉnh hệ số rủi ro các phân khúc bất động sản
Tin ngân hàng ngày 12/9: Vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào ngành ngân ngân hàng Tin ngân hàng ngày 11/9: Vì sao Phó Chủ tịch NCB Nguyễn Tiến Dũng xin từ nhiệm? |
Yêu cầu NHNN xem xét, điều chỉnh hệ số rủi ro các phân khúc bất động sản
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 144/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2023.
Nghị quyết nêu rõ chú trọng ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh; giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự an toàn xã hội và an sinh xã hội.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đối với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chính phủ yêu cầu chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương theo dõi sát tình hình, điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ưu tiên hơn nữa cho thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và an sinh xã hội.
NHNN điều hành tăng trưởng tín dụng đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; khẩn trương hoàn thiện theo thẩm quyền các quy định, chính sách tín dụng, điều kiện cho vay với thủ tục thông thoáng, thuận tiện, khả thi, hợp lý hơn, tăng mạnh khả năng tiếp cận vốn tín dụng của người dân, doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế, góp phần hạn chế "tín dụng đen".
Bên cạnh đó, NHNN cần tiếp tục phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; theo dõi việc triển khai thực hiện Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, Thông tư số 03/2023/TT-NHNN để kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh (nếu có).
Theo Chính phủ, NHNN phải có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng hỗ trợ lãi suất, 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, 15 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản.
Ngoài ra đáng chú ý, tại NQ 144, Chính phủ yêu cầu khẩn trương xem xét, điều chỉnh phù hợp theo thẩm quyền hệ số rủi ro đối với các phân khúc bất động sản khác nhau; rà soát các quy định liên quan đến cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp cho đồng bộ, phù hợp với chính sách phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp theo Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2023 của Chính phủ.
Đại học Fulbright Việt Nam và HDBank ký kết cung cấp vốn đối ứng 20 triệu USD
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) và Trường Đại học Fulbright Việt Nam đã ký kết thỏa thuận hợp tác cung cấp vốn đối ứng trị giá tương đương 20 triệu USD để xây dựng trường và các cơ sở vật chất nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy, đời sống sinh viên, phát triển nghiên cứu khoa học, thúc đẩy đối mới sáng tạo.
Ký kết này sẽ góp phần phát triển những giá trị mới cho cộng đồng và tạo những điều tốt đẹp nhất cho thế hệ trẻ tại môi trường giáo dục hàng đầu tại Trường Đại học Fulbright.
Sự kiện diễn ra với sự chứng kiến của Đặc phái viên Tổng thống Mỹ John Kerry và ông Scott Nathan, Tổng giám đốc Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (DFC).
Theo thỏa thuận, nguồn vốn được cam kết từ HDBank sẽ được dùng để đối ứng cho khoản vay từ Tập đoàn Tài chính Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ nhằm xây dựng Đại học Fulbright trong Khu Công nghệ Cao TP HCM.
Với năng lực và tầm nhìn của hai bên, ký kết tiếp tục khẳng định cam kết của HDBank về sự quan tâm đặc biệt cho giáo dục, truyền cảm hứng cho những thế hệ lãnh đạo mới nhằm mang lại thay đổi tích cực cho Việt Nam và thế giới.
Tiến sĩ Scott Fritzen, Chủ tịch Đại học Fulbright Việt Nam, bày tỏ: "Sự hợp tác này sẽ thúc đẩy việc hiện thực hóa nhiều dự án mà Fulbright đã lên kế hoạch trong chiến lược phát triển của trường. Chúng tôi rất phấn khởi về những thay đổi mà sự hợp tác này sẽ mang lại. Nguồn vốn đối ứng này sẽ tăng tốc quá trình xây dựng và phát triển cơ sở vật chất tiên tiến tại Đại học Fulbright, giúp chúng tôi nhanh chóng thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm học thuật, nghiên cứu, và đổi mới sáng tạo hàng đầu tại Việt Nam".
Ông Phạm Quốc Thanh, Tổng Giám đốc HDBank, chia sẻ: "Thông qua ký kết với Đại học Fulbright Việt Nam, HDBank thực hiện cam kết của chúng tôi trong việc hỗ trợ giáo dục, khoa học và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam. Chúng tôi tin rằng khoản vốn này sẽ đóng góp đáng kể vào sự phát triển của Đại học Fulbright Việt Nam và, qua đó, định hình cảnh quan công nghệ và học thuật của đất nước, vì một Việt Nam phát triển, hạnh phúc và một thế giới tốt đẹp hơn".
VPBank dự kiến thu 302 tỷ đồng từ việc phát hành cổ phiếu ESOP
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - VPB) vừa thông báo về việc triển khai phương án bán cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên.
Theo đó, VPBank dự kiến chào bán hơn 30,2 triệu cổ phiếu quỹ cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cp. Tỷ lệ phát hành là 0,448%. Đối tượng được mua cổ phiếu là cán bộ nhân viên người Việt Nam đáp ứng quy định tại quy chế về việc chào bán cổ phiếu quỹ theo chương trình lựa chọn cho người lao động. Các thành viên HĐQT không điều hành không được mua cổ phiếu bán theo chương trình ESOP.
Cổ phiếu quỹ được bán cho cán bộ nhân viên sẽ bị phong tỏa (hạn chế chuyển nhượng) tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán (ngày kết thúc việc thu tiền mua cổ phiếu của người lao động), cụ thể: kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, sau 1 năm sẽ giải tỏa 30% số cổ phần, sau 2 năm sẽ giải tỏa tiếp 35% và sau 3 năm sẽ giải tỏa 35% số cổ phần còn lại. Các quyền lợi phát sinh từ số cổ phần được mua (nếu có) sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
Thời gian thực hiện việc phát hành ESOP trong quý 3/2023. Tổng số tiền thu được dự kiến sau đợt phát hành là 302 tỷ đồng, sẽ được sử dụng bổ sung lưu động của ngân hàng.
Được biết, lần gần nhất, tháng 8/2022, VPBank cũng đã phát hành 30 triệu cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng/cp. Đây là chương trình được nhà băng này thực hiện nhiều năm gần đây nhằm thu hút và giữ chân nhân tài.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 12/9, giá cổ phiếu VPB của VPBank đang được giao dịch quanh mức 22.300 đồng/cp, gấp hơn 2 lần giá chào bán cho người lao động.
TPBank được cấp khoản vay 100 triệu USD từ tổ chức phát triển tài chính Mỹ
Vừa qua, tại trụ sở chính Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), với sự chứng kiến của ông John Kerry, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về Biến đổi khí hậu, ông Marc E. Knapper, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam cùng các quan chức chính phủ Mỹ, tổ chức DFC ký cam kết cung cấp khoản vay trị giá 100 triệu USD cho TPBank với kỳ hạn 7 năm.
TPBank được cấp khoản vay 100 triệu USD từ tổ chức phát triển tài chính Mỹ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Khoản tín dụng sẽ được ngân hàng hướng đến khách hàng cá nhân, doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam, trong đó có nhóm khách hàng nữ thu nhập thấp và các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và lãnh đạo tại Việt Nam.
TPBank cho biết sẽ giải ngân các khoản vay với chính sách ưu đãi dành cho các đối tượng phù hợp và có nhu cầu, tập trung thông qua kênh số. Người dân và doanh nghiệp Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi và sử dụng để cải thiện tài chính, mở rộng kinh doanh, từ đó thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Điều này phù hợp với mục tiêu của DFC là tăng trưởng kinh tế và thúc đẩy phát triển khu vực tư nhân tại các thị trường mới nổi.
Cam kết tiếp nhận khoản vay từ tổ chức thuộc Chính phủ Mỹ của TPBank với mục đích giúp người dân, doanh nghiệp được tiếp cận dòng vốn với chi phí hợp lý, thuận tiện hơn, nằm trong định hướng xuyên suốt của ngân hàng về phát triển tài chính toàn diện, theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước và chiến lược tài chính toàn diện quốc gia của chính phủ Việt Nam.
Qua đó, ngân hang cho hay sẽ đóng góp vào việc mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính và cơ hội tài chính cho khách hàng tạo điều kiện để nâng cao năng lực tài chính, thu nhập; hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp vừa và nhỏ cải thiện nguồn lực để phát triển.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 13/9: Yêu cầu NHNN xem xét, điều chỉnh hệ số rủi ro các phân khúc bất động sản