Tin ngân hàng ngày 12/9: Vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào ngành ngân ngân hàng
Tin ngân hàng ngày 11/9: Vì sao Phó Chủ tịch NCB Nguyễn Tiến Dũng xin từ nhiệm? Tin ngân hàng tuần qua: Thủ tướng yêu cầu báo cáo xử lý các ngân hàng yếu kém trong tháng 9 |
Vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào ngành ngân ngân hàng
Sau thương vụ VPBank phát hành thành công hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho Sumimoto Mitsui Banking Corp (SMBC), tiếp đến thương vụ chuyển nhượng SHBFinance cho đối tác Krungsri. Hiện, SHB cũng đang tiếp tục triển khai việc chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài.
Vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào ngành ngân ngân hàng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên vừa qua, Chủ tịch Đỗ Quang Hiển thông tin rằng, SHB đã tiếp xúc sâu hơn với các tập đoàn tài chính nước ngoài và dự kiến trong năm nay hoặc đầu năm sau, SHB sẽ có một "chàng rể ngoại".
Liên quan đến thương vụ này, Reuters mới đây dẫn nguồn tin thân cận cho biết, SHB đang trong quá trình đàm phán bán 20% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Một số nhà đầu tư từ Hàn Quốc và Nhật Bản đã tiếp cận SHB trong thương vụ này, với định giá ngân hàng có thể đạt mức 2 - 2,2 tỷ USD.
Trong kế hoạch đã được cổ đông thông qua, SeABank cũng dự kiến phát hành riêng lẻ thêm tối đa 94,6 triệu cổ phiếu, tương đương 4,6366% lượng cổ phiếu đang lưu hành để chào bán cho 1 nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự kiến là quỹ Norfund (The Norwegian Investment Fund for developing countries - Quỹ đầu tư Na Uy cho các nước đang phát triển). Thương vụ này sẽ đem về cho SeABank tối thiểu 1.217 tỷ đồng và tối đa là 3.503 tỷ đồng.
LPBank cũng đang triển khai các bước trong kế hoạch phát hành riêng lẻ 300 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài trong năm nay. Thời gian chào bán cụ thể sẽ được HĐQT ngân hàng quyết định sau khi được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Cổ phiếu chào bán cho NĐT nước ngoài bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm đối với nhà đầu tư chiến lược và hạn chế chuyển nhượng 1 năm đối với nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Bên phía nhóm ngân hàng cổ phần Nhà nước, BIDV có kế hoạch phát hành riêng lẻ 9% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài từ lâu, nhưng vẫn chưa thực hiện thành công.
Chia sẻ với cổ đông tại đại hội vừa qua, Chủ tịch Phan Đức Tú nhấn mạnh: “Năm nay chúng tôi vẫn tiếp tục thực hiện nhiệm vụ này. Hiện nay chúng tôi có một số nhà đầu tư tiềm năng nhưng không thể công bố được. Chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện nhiệm vụ này trong năm 2023”.
Tại Vietcombank, Chủ tịch Phạm Quang Dũng cho biết kế hoạch phát hành riêng lẻ 6,5% vốn điều lệ cho nhà đầu tư nước ngoài đang dừng ở bước thuê tổ chức tư vấn. Theo kế hoạch, Vietcombank sẽ thực hiện phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2023 - 2024.
Áp lực tỷ giá USD vẫn hiện hữu, có thể đạt mốc 24.500 đồng
Công ty chứng khoán MBS vừa có báo cáo Kinh tế Việt Nam tháng 9/2023. Trong đó, MBS cho rằng áp lực tỷ giá vẫn hiện hữu bởi những tháng động ngoại lực
Tỷ giá trong nước thể hiện xu hướng tăng mạnh trong tháng. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%, chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao đã khuyến khích nắm giữ USD qua đó gây sức ép lên VND.
Hiện tại, tỷ giá đã chính thức vượt lên trên mức 24.000 đồng/USD. So với cuối tháng 7, tỷ giá VND/USD trên thị trường tự do tăng 470 đồng và hiện giao dịch ở mức 24.140 đồng/USD.
Số liệu gần đây cho thấy đồng USD index đã tăng lên mức 104,8, đây là mức cao trong năm tháng gần đây khi những lo lắng về tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt là ở Trung Quốc, khiến các nhà đầu tư đổ xô vào đồng tiền trú ẩn an toàn của Mỹ. Hoạt động dịch vụ của Trung Quốc tăng trưởng với tốc độ chậm nhất 8 tháng trong tháng 8, do nhu cầu yếu tiếp tục ảnh hưởng đến nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và biện pháp kích thích không thể phục hồi tiêu dùng hợp lý.
MBS dự kiến tỷ giá có thể đạt mốc 24.500 đồng với tầm nhìn Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng thêm lãi suất trong năm nay nhưng áp lực có thể không mạnh do thặng dư thương mại trong nước ghi nhận ở mức cao so với các năm trở lại đây.
Theo MBS, cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 20,1 tỷ USD, tăng hơn 12 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này sẽ góp phần tạo sự ổn định cho VND trong khi USD có xu hướng mạnh lên.
Cập nhật hôm qua (11/9), tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 24.005 VND/USD, tăng 12 đồng so với cuối tuần trước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tỷ giá trung tâm vượt mốc 24.000 đồng.
Giá USD tại các ngân hàng thương mại quay đầu giảm hôm nay, điều chỉnh khoảng 30-40 đồng. Giá bán ra hiện phổ biến quanh mức 24.220-24.230 đồng/USD. Trong khi đó, giá USD thị trường tự do không có nhiều biến động, phổ biến quanh 24.200 đồng/USD.
Các tổ chức tín dụng tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đang chiếm gần 20% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Bắc - Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế NHNN cho biết, giai đoạn 2017 - 2022, dư nợ cấp tín dụng của hệ thống đối với các lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng dư nợ bình quân đạt hơn 23%/năm.
Đến 30/6/2023, dư nợ cấp tín dụng xanh đạt gần 528,3 nghìn tỷ đồng, chiếm tỷ trọng khoảng 4,2% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong số 12 lĩnh vực xanh NHNN hướng dẫn các tổ chức tín dụng cho vay, dư nợ tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm 45%) và nông nghiệp xanh (31%). Các tổ chức tín dụng đã tăng cường đánh giá rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng với dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt gần hơn 2.485 triệu tỷ đồng.
Hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong 38 thị trường đang phát triển có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực thúc đẩy ngành tài chính ngân hàng hướng tới phát triển bền vững.
Về cơ chế, NHNN hiện đã hoàn thiện hệ thống pháp lý, văn bản hướng dẫn triển khai tín dụng xanh, ngân hàng xanh. Cụ thể, hướng dẫn các tổ chức tín dụng cấp tín dụng xanh, hoàn thiện văn bản hướng dẫn cấp tín dụng cụ thể đối với 12 ngành, lĩnh vực xanh; ban hành Kế hoạch hành động của ngành hàng thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030.
NHNN cũng cho biết đã hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, phát triển nền tảng số, hạ tầng số, sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số để phục vụ phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần phát triển bền vững...
Thanh toán qua QR code tăng đột biến trong 8 tháng
Mới đây, thông tin tại hội thảo “Quản trị rủi ro thẻ trong kỷ nguyên số” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, ông Phạm Trường Giang, Phụ trách Phòng phát triển thanh toán Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến nay cả nước có trên 21.000 ATM, 83 ngân hàng triển khai Internet Banking, 50 ngân hàng triển khai Mobile Banking, trên 100.000 điểm thanh toán QR, trên 462.000 điểm POS, 50 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán…
Thanh toán qua QR code tăng đột biến trong 8 tháng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tính đến cuối tháng 6/2023, số lượng thẻ ATM lưu hành đạt 138,98 triệu thẻ (tăng 0,48% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 10,8 triệu thẻ mở bằng eKYC (27 ngân hàng đang triển khai). Đến hết năm 2022, số người trưởng thành có tài khoản (bao gồm tài khoản thanh toán và thẻ ngân hàng tại tổ chức tín dụng đạt khoảng 77,41%.
Báo cáo tóm tắt tình hình rủi ro thẻ và hoạt động của Tiểu ban Quản lý rủi ro thẻ thời gian qua, ông Nguyễn Ngọc Quý, Trưởng Tiểu ban Quản lý rủi ro Chi hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong 8 tháng năm 2023, giao dịch qua Internet tăng 76% về số lượng và 1,79% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022; giao dịch qua kênh QR code tăng 152% về số lượng và 301% về giá trị; giao dịch qua mobile tăng 65% về số lượng và 77% về giá trị; doanh thu từ thị trường thanh toán điện tử đạt 20,5 tỷ USD; giao dịch rút tiền mặt qua ATM giảm 4% về số lượng và giảm 6% về giá trị… Qua đó góp phần thúc đẩy nhanh thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, với sự cạnh tranh trên thị trường gia tăng, hoạt động kinh doanh thẻ của các ngân hàng đối mặt với các rủi ro phát sinh tương ứng với xu hướng thị trường, có thể kể đến như: Tội phạm công nghệ cao tấn công khai thác lỗ hổng bảo mật để lấy thông tin khách hàng; khách hàng cố tình trục lợi/hoặc lợi dụng các chính sách của ngân hàng; tình trạng thanh toán khống… đang gia tăng.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Trường Giang cho biết, tình hình rủi ro gian lận thẻ tại Việt Nam trong giai đoạn từ quý III/2022 đến quý II/2023 đang có xu hướng gia tăng, đặc biệt, các rủi ro liên quan đến tội phạm công nghệ cao ngày càng diễn biến phức tạp…
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 12/9: Vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy mạnh vào ngành ngân ngân hàng