Tin ngân hàng ngày 14/7: Nhiều ngân hàng công bố mua lại trái phiếu trước hạn
Tin ngân hàng ngày 13/7: OCB mua lại hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn Tin ngân hàng ngày 12/7: Dự kiến hơn 1 triệu tỷ đồng được "bơm" ra nền kinh tế nửa cuối năm 2023 |
Nhiều ngân hàng công bố mua lại trái phiếu trước hạn
Cụ thể, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPB) công bố ngày 14/7 sẽ mua lại trước hạn lô trái phiếu mã LPBH2124009 với giá trị gốc 1.000 tỷ đồng. Đồng thời, lãi chưa thanh toán đến ngày mua lại trước hạn là 39 triệu đồng/trái phiếu, tương ứng giá trị mua lại 1.039 tỷ đồng/trái phiếu. Tổng giá trị mà ngân hàng thanh toán cho lô trái phiếu này là 1.039 tỷ đồng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ngày 19/7, ngân hàng cũng sẽ chi 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu mã LPBH2124011. Tiền lãi chưa thanh toán tính đến ngày mua lại trước hạn là 39 triệu đồng/trái phiếu. Tương ứng tổng giá trị ngân hàng chi ra 1.039 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, vào ngày 21/7, LPB cũng dự kiến chi 1.000 tỷ đồng mua lại trái phiếu mã LPBH2225006. Tiền lãi chưa trả đến ngày mua lại trước hạn là 47 triệu đồng/trái phiếu. Tổng giá trị thanh toán cho lô trái phiếu này là 1.047 tỷ đồng. Như vậy chỉ trong tháng 7 ngân hàng Liên Việt sẽ chi ra hơn 3.000 tỷ đồng để mua lại trước hạn các lô trái phiếu.
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) công bố kế hoạch mua lại 1.000 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Theo đó, OCB sẽ tiến hành mua lại trái phiếu trước hạn có mã OCBL2225009 vào ngày 21/7. Tổng tiền lãi đến ngày mua lại trước hạn là 45 tỷ đồng. Tổng giá trị thanh toán đến ngày mua lại trước hạn là 1.045 tỷ đồng. Trong quý 2/2023 vừa qua, OCB cũng tiến hành nhiều đợt mua lại trái phiếu trước hạn với tổng trị giá ước tính khoảng 5.500 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc mua lại trước hạn trái phiếu phát hành riêng lẻ lần 4, năm 2021. Theo đó, ACB mua lại 4 lô trái phiếu, gồm ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá tối đa 10.000 tỷ đồng. Trong đó, 2 lô được tiến hành mua lại vào 8/7 và 15/7.
Theo thống kê từ HNX cho thấy riêng trong quý 2/2023 vừa qua đã có đến 17 ngân hàng xuống tiền mua lại trái phiếu trước hạn, tăng mạnh so với cùng kỳ và cả quý 1/2023. Tổng khối lượng trái phiếu mua lại trước hạn của nhóm ngân hàng đạt trên 57.000 tỷ đồng.
Chủ tịch Lâm Đồng yêu cầu điều tra các sai phạm tại Ngân hàng LienVietPostBank Bảo Lộc
Ông Võ Ngọc Hiệp, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, vừa có văn bản gửi Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng, Công an tỉnh và UBND TP Bảo Lộc về việc xử lý các sai phạm tại Ngân hàng LienVietPostBank Bảo Lộc.
Theo đó, ông Hiệp đề nghị Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra và có biện pháp xử lý vụ việc liên quan đến hoạt động của Ngân hàng LienVietPostBank Bảo Lộc. Tăng cường quản lý, giám sát hoạt động các tổ chức tín dụng trên địa bàn, đặc biệt là các tổ chức tín dụng có dấu hiệu không lành mạnh, phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro để đảm bảo hoạt động ngân hàng, ngăn chặn hanh vi dẫn đến vi phạm pháp luật.
UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh chỉ đạo Công an TP Bảo Lộc triển khai kịp thời các biện pháp bảo đảm an ninh trật tự. Điều tra, xử lý các đối tượng có dấu hiệu chiếm đoạt số tiền giải ngân cho khách hàng theo pháp luật.
Trước đó, ngày 6/7, nhiều khách hàng từ huyện Di Linh, Bảo Lâm đến trụ sở Ngân hàng LienVietPostBank Bảo Lộc căng băng rôn đòi quyền lợi. Lực lượng chức năng địa phương đã có mặt giữ gìn trật tự.
Theo nhóm khách hàng, có 18 khách hàng do ông Trần Mạnh Cường, là nhân viên tín dụng của LienVietPostBank Bảo Lộc, thực hiện công tác cho vay, với tổng dư nợ gần 33,5 tỉ đồng.
Thế nhưng, các khách hàng báo chưa nhận được 12,8 tỉ đồng tiền theo hồ sơ giải ngân của ngân hàng nhưng vẫn phải đóng tiền lãi hàng tháng và bị đưa vào nợ xấu. Họ cho rằng số tiển 12,8 tỉ đồng nêu trên đã bị ông Cường chiếm đoạt.
UBND TP Bảo Lộc sau đó đã thông tin đến Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng để kiểm tra, có giải pháp xử lý, khắc phục sai phạm xảy ra tại LienVietPostBank Bảo Lộc.
Liên quan đến vụ việc trên, trả lời báo chí, đại diện LPBank cho biết, vào ngày 6/7, có một số cá nhân tụ tập tại chi nhánh LPBank Bảo Lộc (Lâm Đồng) đề nghị gặp ông Trần Mạnh Cường, chuyên viên khách hàng của chi nhánh để yêu cầu được giải thích về việc chưa nhận đủ số tiền vay theo hồ sơ vay vốn.
Ngay lập tức, Ban điều hành ngân hàng đã họp khẩn cấp và chỉ đạo các đơn vị, cá nhân liên quan nhanh chóng thực hiện rà soát thông tin, hồ sơ vay vốn của từng khách hàng để xác minh sự việc. Hiện tại, LPBank đã thực hiện sa thải ông Trần Mạnh Cường và chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc sang Công an tỉnh Lâm Đồng để điều tra xử lý theo thẩm quyền. LPBank sẽ tiếp tục rà soát làm rõ nội dung vụ việc để xử lý nghiêm theo quy định của Ngân hàng và pháp luật.
Lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm sâu, xuống dưới 0,3%
Cụ thể, hiện lãi suất cho vay qua đêm trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng chỉ còn 0,26%. Đây là mức lãi suất thấp hơn rất nhiều so với lãi suất điều hành hiện hành của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN). Cụ thể, Quyết định 1123/QĐ-NHNN ngày 19/6/2022 của Thống đốc NHNN quy định lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài 5,0%/năm.
Các mức lãi suất kỳ hạn khác trên thị trường liên ngân hàng cũng đang ở mức khá thấp. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 1 tuần chỉ là 0,56%; kỳ hạn 2 tuần là 0,83%; kỳ hạn 1 tháng là 2,13%...
Theo NHNN, đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Vừa qua, NHNN cũng đã chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các TCTD với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.
Trong thời gian tới, NHNN tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các TCTD cung ứng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời theo dõi, rà soát tình hình tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống những tháng cuối năm để có giải pháp điều hành phù hợp.
Vừa qua, Ngân hàng Standard Chartered dự báo NHNN có thể sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất tái cấp vốn thêm 50 điểm cơ bản nữa xuống còn 4,0% vào quý III (về mức tương tự như trong những năm đại dịch) và giữ nguyên cho đến cuối năm 2025.
ACB thông tin về việc tài khoản khách ‘bốc hơi’ 165 triệu đồng
Chiều 13/7, đại diện Ngân hàng TMCP Cổ phần Á Châu (ACB), cho biết một khách hàng của đơn vị này đã bị mất hơn 165 triệu đồng. Vị khách đó là bà T.T.K.Phương (ngụ huyện An Minh, tỉnh Kiên Giang).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo thông tin ban đầu, bà Phương mở tài khoản và giao dịch ở Ngân hàng ACB – Chi nhánh huyện An Biên (Kiên Giang). Khoảng 1h 37 phút ngày 11/6/2023, bà Phương phát hiện tài khoản bị trừ 55,5 triệu đồng. Số tiền này được chuyển vào tài khoản của khách hàng N.D.D mở tại Ngân hàng TPBank. Bà Phương không quen biết với chủ tài khoản này.
Đến 2h20 phút ngày 12/6, hơn 110 triệu đồng trong tài khoản của bà Phương tiếp tục được chuyển sang một số tài khoản khác, chưa rõ thông tin. Trong ngày 12 và 13/6, bà Phương đã đến ngân hàng để làm việc.
Bà Phương thông báo với ngân hàng rằng, trong khoảng thời gian trên bà không để lộ mã OTP hay thông tin cá nhân cho bất kỳ ai.
Đại diện Ngân hàng ACB cho hay, giao dịch của bà Phương được thực hiện trên Ngân hàng số ACB ONE. Các giao dịch đều được xác thực bằng tên truy cập, mật khẩu tĩnh, mã OTP Safekey nâng cao và được thực hiện trên "cùng thiết bị của khách hàng”.
“Những thông tin khách hàng cung cấp cho chúng tôi vẫn khá mập mờ và khó hiểu. Khách hàng thông báo cho ACB sau khi các giao dịch đã hoàn tất và ACB đã thực hiện các quy trình cần thiết để hỗ trợ khách hàng”, đại diện ACB chia sẻ.
Cũng theo đại diện của ACB, ngân hàng này luôn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan chức năng và khách hàng để giải quyết, đảm bảo quyền lợi của khách hàng theo đúng quy định.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 14/7: Nhiều ngân hàng công bố mua lại trái phiếu trước hạn