Tin ngân hàng ngày 1/5: Quý I/2023, ACB lãi trước thuế hơn 5.156 tỷ đồng
Tin ngân hàng nổi bật tuần qua: Giao dịch từ 400 triệu đồng trở lên phải báo cáo NHNN Tin ngân hàng ngày 29/4: ABBank sẽ không ép khách hàng mua bảo hiểm |
Quý I/2023, ACB lãi trước thuế hơn 5.156 tỷ đồng
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2023, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt gần 5.157 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với quý I/2022, hoàn thành 26% kế hoạch kinh doanh 2023.
Ảnh minh họa |
Thu từ lãi vay hiện là động lực tăng trưởng chính của ACB. Cụ thể, trong quý I/2023, ngân hàng ghi nhận thu nhập lãi thuần đạt hơn 6.215 tỷ, tăng trưởng 14,2% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 78,5% trong tổng thu nhập hoạt động.
Hoạt động kinh doanh ngoại hối cũng góp phần không nhỏ vào tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng với gần 438 tỷ, tăng hơn 44% so với quý I/2022, chiếm 5,5% thu nhập hoạt động.
Các hoạt động kinh doanh khác (ngoại trừ chứng khoán) đang đóng góp khoảng 567 tỷ đồng (~7,2% thu nhập hoạt động), tăng 54% so với cùng kỳ năm trước
Ngoài ra, việc tiết giảm chi phí cũng là một trong những nhân tố quan trọng khác giúp thúc đẩy lợi nhuận trước thuế của ACB tăng lên. Cụ thể, chi phí hoạt động của ngân hàng đã giảm từ 2.739 tỷ hồi quý I/2022 xuống gần 2.508 tỷ (giảm ~8%).
Tuy nhiên, thu nhập dịch vụ - nguồn thu lớn thứ 2 (7,9% tổng thu nhập hoạt động) của ngân hàng lại suy giảm. Trong quý I/2023, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ACB đạt hơn 627 tỷ, giảm gần15,2% so với quý I/2022.
Về tài sản, kết thúc quý I/2023, tổng tài sản của ACB đạt 611.224 tỷ đồng, tăng 0,6% so với đầu năm. Cho vay khách hàng đạt 411.289 tỷ, giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu khống chế dưới 1%.
Về nguồn vốn, cuối quý I/2023, ACB có 422.755 tỷ tiền gửi khách hàng, tăng 2,1% so với đầu năm; hơn 52.857 tỷ tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác - giảm 22%; gần 50.156 tỷ giấy tờ có giá, tăng 13%.
Cán bộ ngân hàng ngăn chặn kịp thời vụ lừa đảo 150 triệu
Thấy khách hàng muốn rút tiền có nhiều biểu hiện bất thường, nghi đang làm các thủ tục để chuyển tiền cho kẻ lừa đảo, cán bộ ngân hàng đã gặng hỏi. Nhờ cuộc trò chuyện với cán bộ mà vị khách này giữ được 150 triệu đồng.
Ngày 29/4, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam tỉnh Quảng Trị Phan Hồng Hải xác nhận, một cán bộ thuộc chi nhánh ngân hàng tại thị xã Quảng Trị đã ngăn chặn kịp thời một vụ chuyển tiền cho kẻ lừa đảo.
Theo đó, vụ việc xảy ra vào chiều 27/4, người phụ nữ tên T. (trú tại xã Hải Quy, huyện Hải Lăng) đến làm thủ tục rút số tiền hơn 150 triệu đồng trong 3 sổ tiết kiệm cá nhân.
Trong lúc nhân viên ngân hàng đang làm thủ tục cho bà T. thì máy bà T. nhận được một cuộc gọi đến. Cuộc điện thoại này bật loa ngoài và có giọng một người đàn ông yêu cầu bà T. phải ra chỗ vắng để nói chuyện. Vô tình, cán bộ tín dụng Lê Hoàng Long nghe được nội dung đàm thoại.
Cảm thấy có điều bất thường, ông Long đã đề nghị nhân viên kế toán cảnh giác và trò chuyện tìm hiểu nội tình khi bà T. trở lại quầy làm thủ tục.
Bà T. ban đầu vẫn nói là chuyển tiền mua đất cho con. Tuy nhiên, sau khi được thuyết phục về các cách lừa đảo trên mạng, bà T. đã nói thật là bị một người đàn ông tự xưng là người của viện kiểm sát nói rằng bà T. có mở một tài khoản ngân hàng tại Hà Nội và tài khoản này có nhiều tiền liên quan đến một vụ án ma túy.
Người này đã yêu cầu bà T. chuyển tiền để chứng minh sự trong sạch của mình.
Sau đó, người đàn ông bên kia khi nghe cuộc nói chuyện của cán bộ ngân hàng và bà T. qua điện thoại đã chủ động ngắt máy và thu hồi các tin nhắn gửi qua Zalo bà T. trước đó.
Ông Phương Hữu Việt rút khỏi HĐQT VietABank
Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank), đại hội đã bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT) và Ban Kiểm sát (BKS) nhiệm kỳ 2023-2028. Ông Phương Thành Long tiếp tục đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng này.
Danh sách HĐQT nhiệm kỳ mới ngoài ông Phương Thành Long (Chủ tịch) còn có 4 thành viên khác là các ông Phan Văn Tới, Trần Tiến Dũng, Nguyễn Hồng Hải, và Lê Hồng Phương, giảm 01 thành viên so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, ông Lê Hồng Phương là nhân sự mới tham gia HĐQT.
Như vậy, HĐQT nhiệm kỳ mới không còn sự tham gia của ông Phương Hữu Việt và ông Nguyễn Văn Trọng (Quyền TGĐ VietABank).
Ông Phương Hữu Việt (sinh năm 1964) là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Việt Phương, đồng thời là cổ đông lớn tại VietABank. Ông tham gia HĐQT VietABank từ năm 2011 và giữ chức Chủ tịch HĐQT ngân hàng này từ đó đến năm 2021.
Sau khi ông Phương Hữu Việt rời ghế Chủ tịch Ngân hàng VietABank, cháu ruột ông Việt là ông Phương Thành Long (sinh năm 1983) được bầu làm Chủ tịch HĐQT nhà băng từ đó đến nay.
Trước khi lên làm Chủ tịch, ông Long được bầu làm Phó Tổng giám đốc nhà băng và thành viên HĐQT đầu năm 2021. Ông Long từng làm Trưởng ban Tài chính Của Công ty CP SAM Holdings.
ĐHĐCĐ cũng bầu BKS nhiệm kỳ 2023-2028 gồm 3 thành viên: Bà Nguyễn Kim Phượng, ông Hoàng Vũ Tùng và ông Nguyễn Văn Thành.
Báo cáo tại đại hội, Ban lãnh đạo VietABank cho biết kết thúc năm 2022, tổng tài sản của ngân hàng đạt 105.148 tỷ đồng; Tổng huy động đạt 70.359 tỷ đồng, tăng 786 tỷ đồng so với năm 2021; Tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 62.798 tỷ đồng, trong đó, cho vay khách hàng đạt 62.508 tỷ đồng; Lợi nhuận trước thuế đạt 1.108 tỷ đồng, tăng 32% so với năm 2021.
Vốn điều lệ tăng 950 tỷ đồng, đạt 5.400 tỷ đồng.
ĐHĐCĐ đã thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2023 với các chỉ tiêu như: Tổng tài sản đạt 112.707 tỷ đồng; Tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá ước đạt 82.149 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022.
Lợi nhuận trước thuế đạt 1.275 tỷ đồng; Dư nợ tín dụng dự kiến đạt 71.286 tỷ đồng; Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
SHB lãi trước thuế hơn 3.600 tỷ đồng trong quý I
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) vừa công bố cáo tài chính quý I với lợi nhuận trước thuế đạt 3.620 tỷ đồng, tăng hơn 12% so với cùng kỳ năm trước.
SHB lãi trước thuế hơn 3.600 tỷ đồng trong quý I |
Năm 2023, SHB có 2 phương án kinh doanh tương ứng với 2 hai kịch bản hạn mức tăng trưởng tín dụng. Trong đó, cả 2 phương án của SHB đều đặt mục tiêu lợi nhuận vượt 10.000 tỷ.
Với kết quả đạt được trong quý I, SHB đã thực hiện được khoảng 35% kế hoạch lợi nhuận cả năm theo kế hoạch đã được Đại hội đồng cổ đông giao, một tỷ lệ lấp đầy khả quan trong bối cảnh nền kinh tế trong nước vẫn vẫn còn nhiều khó khăn.
Đi sâu vào từng mảng kinh doanh, nguồn thu chính của ngân hàng là thu nhập lãi thuần tăng trưởng 38,4% so với cùng kỳ năm trước, mang về cho SHB 5.844 tỷ đồng.
Hoạt động dịch cũng tăng trưởng ấn tượng với 222 tỷ đồng lãi thuần, cao hơn 41% so với quý I/2022.
Đáng chú ý, lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối đạt 65 tỷ đồng, gấp 2,3 lần cùng kỳ năm trước
Nhờ sự tăng trưởng mạnh của các mảng kinh doanh chính, tổng thu nhập hoạt động của SHB trong kỳ đạt 6.204 tỷ đồng, tăng 32,2%. Sau khi trừ chi phí, ngân hàng lãi thuần 4.994 tỷ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, đưa SHB vào nhóm ngân hàng có tăng trưởng lãi thuần cao nhất hệ thống trong quý I/2023.
Với kết quả trên, dù tích cực trích lập dự phòng rủi ro (gấp gần 3 lần cùng kỳ), SHB vẫn có được mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế hơn 12%. Kết quả này là đáng khích lệ trong bối cảnh tăng trưởng lợi nhuận của ngành ngân hàng đã chậm lại rõ rệt trong quý I, thậm chí có nhiều nhà băng tăng trưởng âm.
Tính đến 31/3/2023, tổng tài sản của SHB đạt 570.194 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm trước. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 5,9%, đạt 408.530 tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng tăng 8,2%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng chung của toàn hệ thống.
Trong bối cảnh nợ xấu toàn ngành có xu hướng tăng nhanh, SHB vẫn duy trì được tỷ lệ nợ xấu nội bảng trên dư nợ cho vay tương đương cuối năm 2022.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 1/5: Quý I/2023, ACB lãi trước thuế hơn 5.156 tỷ đồng