Tin ngân hàng ngày 15/1: VietinBank đấu giá khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp
Tin ngân hàng tuần qua: Thủ tướng giao NHNN phối hợp Bộ Công an ngăn chặn tín dụng đen Tin ngân hàng ngày 13/1: Tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trung bình từ 15-17% năm 2024 |
VietinBank đấu giá khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam - Chi nhánh Bắc Sài Gòn (VietinBank Bắc Sài Gòn) vừa thông báo rao bán lần thứ 11 khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp (Descon).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Dư nợ của khoản nợ tạm tính đến ngày 5/1 là 575 tỷ đồng, trong đó, dư nợ gốc là hơn 327 tỷ đồng, lãi cộng dồn và lãi quá hạn gần 248 tỷ đồng. Ở lần đấu giá này, giá khởi điểm của khoản nợ chỉ còn hơn 114 tỷ đồng, chỉ tương đương chưa tới 20% dư nợ gốc, lãi và giảm tới 210 tỷ đồng so với lần rao bán hồi tháng 7/2023.
Toàn bộ dư nợ của Descon tại VietinBank được bảo đảm bằng 18 hợp đồng bảo đảm ký trong giai đoạn 2015-2018. Trong đó là toàn bộ hợp đồng thi công công trình được ký giữa Descon và các doanh nghiệp liên quan.
Đơn cử như quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng thi công ngày 28/8/2017 với Công ty TNHH Biển Ngọc - Hồ Tràm (Công trình Hamptons 1), Hợp đồng thi công với Công ty CP Milton (Công trình Pullman), Hợp đồng thi công với Công ty CP Sài Gòn Cam Ranh (Công trình Melia Cam Ranh), Hợp đồng thi công với Công ty TNHH Khu Du lịch Vịnh Thiên Đường (Công trình Alma)...
Ngoài ra, tài sản bảo đảm của khoản nợ còn có quyền tài sản phát sinh từ dự án Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp Descon tại phường 10, TP Đà Lạt (Lâm Đồng); quyền tài sản phát sinh từ Hợp đồng khung về chuyển nhượng Dự án Preches với Công ty CP Đầu tư Thảo Điền; cùng 20 quyền sử dụng đất tại huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai.
Trước đó, VietinBank đã khởi kiện tranh chấp hợp đồng tín dụng đối với Descon. Tòa án nhân dân TP.HCM đã có bản án phúc thẩm ngày 18/5/2022, tuyên buộc công ty này phải thanh toán toàn bộ gốc, lãi, lãi phạt quá hạn cho phía ngân hàng.
Tuy nhiên, xác định không còn khả năng thu hồi nợ từ khách hàng nên VietinBank đã thông báo bán khoản nợ trên theo nguyên tắc người có giá chào mua cao nhất và đủ khả năng tài chính để thanh toán theo giá mua nợ.
Descon là doanh nghiệp hoạt động tên tuổi trong lĩnh vực xây dựng. Thậm chí từng có thời kỳ, Descon vượt mặt 2 đối thủ đình đám là Coteccons và Xây dựng Hòa Bình trong mảng thầu xây dựng.
Tuy nhiên, từ năm 2010, sau khi nhóm cổ đông của ông Trịnh Thanh Huy nắm quyền kiểm soát, hoạt động kinh doanh Descon dần đi xuống. Tháng 10/2011, cổ phiếu DCC của doanh nghiệp này bị hủy niêm yết trên sàn chứng khoán do vi phạm quy định về công bố thông tin.
Phá đường dây cho vay nặng lãi "khủng" do người nước ngoài cầm đầu
Ngày 13/1, Công an TP Đà Nẵng thông tin về việc phối hợp triệt phá chuyên án về việc cho vay lãi nặng quy mô lớn do các đối tượng người nước ngoài lãnh đạo. Hơn 250 cán bộ và chiến sĩ từ Công an TP. Đà Nẵng, Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, và Công an các địa phương đã tham gia vào cuộc chiến này.
Trước đó, sau khi phát hiện một số người dân tại TP Đà Nẵng vay tiền trực tuyến với lãi suất lên đến 500%/năm, Công an đã khởi động cuộc điều tra. Ngày 20/11/2023, chuyên án đã được xác lập và hơn 250 người tham gia đã tiến hành đột kích 9 địa điểm hoạt động của đường dây tội phạm này.
Chủ mưu của đường dây, Wang YunTao (36 tuổi, quốc tịch Trung Quốc), cùng nhiều đối tượng liên quan khác, đã bị bắt giữ. Tổng số người bị bắt là 154 tại TP. Hồ Chí Minh và 39 tại Bình Dương. Tất cả đã được di lý về Đà Nẵng để tiếp tục công tác điều tra.
Trong quá trình đột kích và khám xét, Công an thu giữ được 247 máy tính, 177 điện thoại di động, 8 xe máy, hơn 180 triệu đồng tiền mặt và phong tỏa hàng chục tỷ đồng trong các tài khoản ngân hàng, cùng nhiều tang vật khác.
Điều tra cho thấy, Wang YunTao và đồng phạm đã thiết lập hàng chục công ty với nhiều ngành nghề khác nhau để tránh sự theo dõi của cơ quan chức năng khi họ cho vay lãi nặng. Khi người vay không trả lãi đúng hạn, các đối tượng đã sử dụng các biện pháp đe doạ, khủng bố tinh thần để đòi nợ. Hiện tại, vụ án đang được tiếp tục điều tra và làm rõ.
Dư nợ tín dụng có thể tăng 4,4% trong quý I/2024
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dụng được công bố bởi Vụ Dự báo Thống kê (Ngân hàng Nhà nước). Các tổ chức này dự kiến huy động vốn toàn hệ thống tăng trung bình 2,6% trong quý I và 12,1% trong năm 2024, tương đương với dự báo trước đó.
Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được dự báo tăng 4,4% trong quý I/2024 và tăng 14,2% trong năm 2024, điều chỉnh tăng 0,4 điểm phần trăm so với mức dự báo trước đó là 13,8%.
Trái ngược với dự đoán giảm, các tổ chức tín dụng nhận định tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng trong quý IV/2023 sẽ tiếp tục có sự tăng nhẹ, nhưng dự kiến sẽ giảm nhẹ trong quý I/2024.
Tổng thể, tỷ lệ tổ chức tín dụng nhận định nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng đã cải thiện ít hơn so với năm 2022. Trong đó, nhu cầu gửi tiền được đánh giá là cao hơn nhu cầu thanh toán và vay vốn.
Dự kiến trong quý I/2024, tỷ lệ tổ chức tín dụng dự báo nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng của khách hàng sẽ cải thiện ít hơn so với quý IV/2023, nhưng dự kiến sẽ cải thiện mạnh hơn trong năm 2024. Nhu cầu vay vốn dự kiến sẽ cải thiện nhiều hơn so với nhu cầu tiền gửi và thanh toán, phản ánh xu hướng ngược lại của năm 2023.
Các tổ chức tín dụng nhận định thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 duy trì tình trạng tích cực hơn dự kiến và dự báo sẽ tiếp tục duy trì trong quý I/2024 và cả năm 2024.
Mặt bằng lãi suất huy động - cho vay dự kiến sẽ giảm nhẹ, với kỳ vọng giảm 0,3 - 0,4 điểm phần trăm trong quý I/2024 và giảm 0,2 điểm phần trăm trong cả năm 2024.
Tổng thể năm 2023, mặt bằng rủi ro của khách hàng được đánh giá là tăng đáng kể so với năm 2022 và tăng mạnh hơn so với dự báo ban đầu. Tuy nhiên, dự kiến rủi ro có thể giảm trong năm 2024.
Kết quả điều tra cũng cho thấy tình hình kinh doanh và lợi nhuận trước thuế của hệ thống ngân hàng trong quý IV/2023 đã cải thiện nhẹ so với quý trước, nhưng vẫn thấp hơn so với dự kiến. Các tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ khả quan hơn từ quý I/2024 và cả năm 2024, nhưng lợi nhuận trước thuế có thể phục hồi chậm hơn so với tình hình kinh doanh.
Tổng số lượng giao dịch qua NAPAS tăng hơn 52%
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, tổng số lượng giao dịch của hệ thống NAPAS tăng hơn 52% và tổng giá trị giao dịch tăng hơn 12% so với năm 2022.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Riêng giao dịch trên ATM tiếp tục giảm 16,9% về số lượng giao dịch và 19,5% về giá trị giao dịch, đến nay tỷ trọng giao dịch ATM chỉ chiếm 3,6% tổng giao dịch qua hệ thống NAPAS.
Trong năm 2023, NAPAS đã tích hợp, triển khai mở rộng dịch vụ thanh toán dịch vụ công với 71 bộ ngành/ địa phương và 44 tổ chức phát hành là các ngân hàng, công ty tài chính. Ngoài ra, thông qua việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế, NAPAS đã chính thức triển khai dịch vụ thanh toán quét mã QR liên thông giữa Việt Nam - Campuchia.
Cũng trong năm qua, NAPAS đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành triển khai dịch vụ chi trả an sinh xã hội qua số CCCD/VNeID với 3 tổ chức thành viên trên cơ sở triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ.
Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2024, NAPAS cần tiếp tục tăng cường giám sát, đảm bảo hoạt động liên tục, an ninh, an toàn hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử.
Công ty cũng tiếp tục kế hoạch triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong lĩnh vực công, hành chính công, nhất là các lĩnh vực y tế, giáo dục, thanh toán qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Ngoài ra, một số công việc khác gồm có kết nối thanh toán song phương qua mã QR giữa Việt Nam và các quốc gia, thông tin tuyên truyền về thanh toán không tiền mặt, xây dựng các chính sách thu hút đội ngũ nhân công nghệ cao...
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 15/1: VietinBank đấu giá khoản nợ của Công ty CP Xây dựng Công nghiệp