Tin ngân hàng ngày 15/12: Tăng lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở từ năm 2023
Tin ngân hàng ngày 14/12: LienVietPostBank giảm lãi suất vay vốn cho khách hàng doanh nghiệp Tin ngân hàng ngày 13/12: Agribank phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng năm 2022 |
Tăng lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở từ năm 2023
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Quyết định 2081/QĐ-NHNN về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2023 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại các Thông tư kể trên là 5,0%/năm.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2023 và thay thế Quyết định số 1956/QĐ-NHNN ngày 03/12/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản cho vay hỗ trợ nhà ở theo quy định tại Thông tư số 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013, Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ngày 18/11/2014 và Thông tư số 25/2016/TT-NHNN ngày 29/7/2016.
Trước đó, theo Quyết định số 1956/QĐ-NHNN ngày 03/12/2021, mức lãi suất của các ngân hàng thương mại áp dụng trong năm 2022 đối với dư nợ của các khoản vay hỗ trợ nhà ở là 4,8%/năm.
Ngân hàng thương mại tăng giảm lãi suất phải báo cáo Ngân hàng Nhà nước
Ngân hàng Nhà nước cho biết mục đích là để phục vụ việc quản lý hoạt động ngân hàng và điều hành chính sách tiền tệ.
Theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng phải thực hiện báo cáo lãi suất định kỳ hàng tuần và phải gửi trước 11h ngày thứ hai của tuần tiếp theo cho Vụ Chính sách tiền tệ, thuộc Ngân hàng Nhà nước.
Trường hợp ngân hàng có quyết định thay đổi về mức lãi suất trong kỳ báo cáo tuần thì phải gửi quyết định điều chỉnh lãi suất cho Ngân hàng Nhà nước.
Sau một thời gian đua lãi suất, một vài tuần gần đây cuộc đua lãi suất có hạ nhiệt. Để hỗ trợ nền kinh tế, đến nay đã có 12 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền hơn 3.300 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp, người dân với mức giảm từ 0,5 - 3%/năm.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam Nguyễn Quốc Hùng, trong bối cảnh hiện nay, nhằm tiếp tục ổn định thị trường tiền tệ, các ngân hàng cần đồng thuận giữ mặt bằng lãi suất ổn định để đảm bảo an toàn hệ thống và hỗ trợ giảm lãi suất cho vay doanh nghiệp, người dân cũng như hỗ trợ nhau nguồn lực để thanh khoản hệ thống thông suốt.
Bên cạnh đó, các ngân hàng cần trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, đẩy mạnh truyền thông để dư luận hiểu và chia sẻ hoạt động kinh doanh ngân hàng.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề xuất Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng qua tăng cường các công cụ thị trường mở (OMO), ưu tiên đáp ứng tối đa nhu cầu vốn của các ngân hàng qua kênh này. Giải pháp này kỳ vọng làm giảm áp lực dự phòng thanh khoản cao của ngân hàng, góp phần làm giảm lãi suất giao dịch liên ngân hàng cũng như giảm lãi suất huy động từ khách hàng.
Lượng kiều hối về TP HCM đạt 6,8 tỷ USD
Trong thời gian qua TP HCM luôn là địa phương luôn dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối nhận được. Năm 2021 lượng kiều hối TP HCM nhận được khoảng 6,5 - 6,6 tỷ USD, con số này năm 2022 đạt khoảng 6,8 tỷ USD.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM cho biết, tốc độ tăng trưởng của lượng kiều hối về TP HCM năm 2022 vẫn đạt mức khá tốt mặc dù từ đầu năm đến nay lạm phát và suy giảm kinh tế, bất ổn địa chính trị tại một số khu vực và quốc gia trên thế giới diễn ra khá gay gắt.
Mới đây, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính đánh giá, lượng kiều hối cùng các nguồn vốn khác đã tạo điều kiện góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế xã hội thành phố. Đồng thời góp phần quan trọng trong việc phát huy hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ngoại tệ, cũng như bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ. Đây là kết quả tích cực trong việc triển khai các giải pháp tiếp tục thu hút các nguồn vốn ngoại tệ và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố. Nguồn vốn này cũng trở thành nguồn lực vàng cho tăng trưởng và phát triển, bởi bản chất và chi phí sử dụng của nguồn kiều hối, với lợi thế khác biệt so với các nguồn vốn khác.
Theo tìm hiểu, lượng kiều hối chảy về thành phố trong năm qua gần gấp đôi lượng vốn đầu tư nước ngoài gồm vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài. Nguồn lực từ kiều hối cũng không chịu áp lực trả nợ, trả lãi hoặc phải tính đến hiệu quả đầu tư cam kết với các nước như khoản vốn vay ODA...
Việc sử dụng kiều hối với mục đích nào cũng đều mang lại hiệu quả, đều kích thích tổng cầu, qua đó kích thích sản xuất, tiêu dùng tăng trưởng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
BacA Bank ưu đãi dịch vụ chi lương doanh nghiệp
Theo đó, dịch vụ này không chỉ giúp công ty, tổ chức tiết kiệm thời gian, chi phí, ổn định hoạt động để từ đó tập trung vào sản xuất, tăng trưởng, mà còn mang đến cho cán bộ nhân viên cơ hội tiếp cận nhiều chương trình hấp dẫn cùng đa dạng các sản phẩm - dịch vụ trong hệ sinh thái của ngân hàng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Từ ngày 1/12 đến hết 31/12/2023, hàng loạt chính sách được áp dụng đồng thời cho doanh nghiệp trả lương qua Ngân hàng TMCP Bắc Á (BacA Bank) và cán bộ nhân viên nhận lương qua BacA Bank. Cụ thể, ngân hàng không yêu cầu số dư tối thiểu duy trì tài khoản; miễn phí dịch vụ ngân hàng điện tử (đăng ký và sử dụng Internet Banking, SMS Banking, chuyển tiền liên ngân hàng và chuyển tiền nhanh Napas 24/7). Ngay khi phát hành sản phẩm thẻ tín dụng không có tài sản bảo đảm trong thời gian tới, nhà băng này sẽ miễn hoàn toàn phí phát hành thẻ và hai năm phí thường niên cho các doanh nghiệp, khách hàng cá nhân tham gia chương trình.
Riêng với doanh nghiệp trả lương qua BacA Bank, ngân hàng sẽ miễn phí dịch vụ chi trả lương và chuyển tiền - bao gồm cả chuyển vào tài khoản BacA Bank lẫn chuyển đi khác hệ thống. Đáp ứng nhu cầu thanh toán, giao dịch bằng thẻ đang ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, nhà băng miễn phí trọn gói dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa (phát hành, giao dịch tại ATM trong và ngoài hệ thống) cho cán bộ nhân viên nhận lương qua ngân hàng.
Với lợi thế mạng lưới chi nhánh, phòng giao dịch, hệ thống ATM rộng khắp cả nước, BacA Bank giúp người dùng dễ dàng giao dịch và tiếp cận, sử dụng các dịch vụ. Trường hợp không có thời gian ra quầy, khách hàng cá nhân có thể trải nghiệm công nghệ eKYC - định danh điện tử ngay trên ứng dụng BacA Bank Mobile Banking với nhiều tiện ích ngay tại nhà, mọi lúc mọi nơi.
Theo đuổi giá trị cốt lõi "Vì con người" trong suốt hành trình 28 năm qua, BacA Bank liên tục cho ra mắt các sản phẩm, chương trình tối đa hóa lợi ích khách hàng, cung cấp nhiều tiện ích. Chương trình ưu đãi lần này giúp các doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí trong thủ tục trả lương, đồng thời tạo cơ hội cho người lao động hưởng nhiều lợi ích độc quyền.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 15/12: Tăng lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở từ năm 2023