Tin ngân hàng ngày 15/5: Chất lượng tín dụng đi xuống, ngân hàng tăng phòng thủ
Tin ngân hàng tuần qua: NHNN cân nhắc giảm lãi suất điều hành Tin ngân hàng ngày 13/5: BIDV rao bán khoản nợ nghìn tỷ, thế chấp bằng cả nhà máy thủy điện |
Chất lượng tín dụng đi xuống, ngân hàng tăng phòng thủ
Nợ xấu nhiều ngân hàng đang tăng mạnh những tháng đầu năm. Số nợ xấu tuyệt đối tại nhiều ngân hàng tăng tới 50-70% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính trên toàn hệ thống, theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu cuối tháng 2/2023 đã lên tới 2,91%, tăng khá mạnh so với mức 2% cuối năm 2022 và gần gấp đôi cuối năm 2021 (1,49%).
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo ông Lê Thanh Tùng, thành viên HĐQT VietinBank, những tháng đầu năm nay, kinh tế khó khăn, doanh nghiệp thiếu vắng đơn hàng, thu nhập người dân sụt giảm… Điều này đang tác động trực tiếp đến sức khỏe các ngân hàng, bởi ngân hàng là “hàn thử biểu” của nền kinh tế. Nếu năm 2022, rủi ro lớn nhất của hệ thống ngân hàng là thanh khoản, lãi suất và rủi ro danh tiếng (do liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm nhân thọ), thì năm 2023, đó là rủi ro tín dụng.
“Khi doanh nghiệp khó khăn, các ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng, thoái lãi dự thu. Hiện nay, thu nhập từ lãi cho vay là thu nhập trọng yếu của ngân hàng. Chất lượng nợ suy giảm khiến ngân hàng phải trích lập nhiều hơn, lợi nhuận vì thế bị ảnh hưởng”, ông Tùng cho biết.
Nợ xấu đã tác động trực tiếp đến kết quả hoạt động của các ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, tăng trưởng lợi nhuận của hàng loạt ngân hàng ở mức âm. Báo cáo tài chính quý I/2023 của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, lợi nhuận quý này giảm 4,4%. Hầu hết các ngân hàng đều phải tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro trong bối cảnh nợ xấu có khả năng tiếp tục tăng cao.
Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, số liệu nợ xấu thực (tính cả nợ xấu ngoại bảng) đang ở mức 5%. Tuy vậy, tốc độ tăng nợ xấu nửa cuối năm nay sẽ chậm lại bởi NHNN đã ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN về giãn nợ, cơ cấu nợ.
“Nợ xấu cuối năm nay có thể sẽ chỉ ở mức 2,5%/năm. Dù nợ xấu tăng cao, song vẫn đang trong tầm kiểm soát, vì hiện sức khỏe hệ thống ngân hàng đã tốt hơn giai đoạn trước. tỉ lệ bao phủ nợ xấu chung toàn hệ thống đã lên tới 125%”, TS. Lực nhận định.
NHNN đã bơm 140.000 tỉ đồng ra để mua USD
Theo báo cáo thị trường tiền tệ mới công bố, Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng, chu kỳ tăng lãi suất của Fed có thể sắp dừng lại và điều này sẽ giúp áp lực chính sách tiền tệ của Việt Nam được giảm bớt.
Vừa qua, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp tại cuộc họp gần nhất, nâng lãi suất điều hành thêm 0,25 điểm % lên phạm vi mục tiêu là 5-5,25%. Ngoài ra, trong tuyên bố sau cuộc họp, Fed đã không còn đề cập đến việc “Ủy ban dự đoán rằng một số chính sách bổ sung là cần thiết” để đạt được mục tiêu lạm phát 2% như trong cuộc họp hồi tháng 3. Điều này gợi ý về khả năng Fed có thể sớm dừng tăng lãi suất điều hành. Sau những tuyên bố có phần ôn hòa của Fed về định hướng chính sách sắp tới, thị trường hiện kỳ vọng Fed sẽ tạm dừng tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 6 và cắt giảm lãi suất sớm nhất là trong nửa cuối năm 2023 do nguy cơ xảy ra suy thoái gia tăng.
Trong nước, áp lực tỉ giá đang giảm rõ rệt. Tính đến ngày 08/05/2023, chỉ số DXY giảm xuống còn 101,1 điểm, thấp hơn 4,0% kể từ khi Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) sụp đổ. DXY giảm kéo theo tỷ giá USD/VND giảm 0,8% so với đầu năm xuống 23.449 đồng. Nhờ áp lực tỷ giá giảm, Ngân hàng Nhà nước đã tăng dự trữ ngoại hối thêm khoảng 6 tỷ USD kể từ đầu năm 2023. Như vậy, NHNN đã bơm khoảng 140.000 tỷ đồng ra nền kinh tế để mua USD, qua đó hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng và hạ lãi suất trong nước. Trong quý 2/2023, VNDirect nhận thấy áp lực tỷ giá USD/VND hạ nhiệt do Fed có thể tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất ngay tại cuộc họp tiếp theo trong tháng 6/2023 và dự báo tỷ giá USD/VND dao động trong khoảng 23.400-23.700 đồng.
Trong tháng 3/2023, NHNN đã có hai đợt giảm lãi suất điều hành, đánh dấu sự đảo chiều về chính sách tiền tệ trong nước. Trước nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ đang ngày càng gia tăng, thị trường kỳ vọng Fed sẽ dừng tăng lãi suất điều hành trong cuộc họp tiếp theo vào tháng 6/2023. Nếu kịch bản này xảy ra, áp lực tỷ giá và lãi suất trong nước sẽ tiếp tục hạ nhiệt. Do đó, NHNN có thể sẽ giảm lãi suất điều hành thêm ít nhất là 50 điểm cơ bản từ nay tới cuối năm 2023.
VietCapital Bank chưa thể tăng vốn điều lệ lên hơn 5.000 tỉ đồng
Mới đây, HĐQT Ngân hàng TMCP Bản Việt (VietCapital Bank, mã: BVB) thông qua kết quả phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Trước đó, VietCapital Bank dự kiến chào bán hơn 91,7 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỉ lệ thực hiện quyền là 4:1, tức mỗi cổ đông sở hữu 4 cổ phiếu sẽ được hưởng thêm 1 quyền mua, mỗi quyền mua được mua một cổ phần phát hành thêm.
Cổ phiếu phát hành sẽ được phân phối theo phương thức thực hiện quyền mua. Thời gian đăng ký mua và thời gian nhận tiền mua cổ phiếu dự kiến từ ngày 3/4 đến ngày 25/4/2023. Giá chào bán mà ngân hàng đưa ra là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, đến ngày 12/5, ngân hàng này thông báo chỉ phân phối được hơn 52 triệu cổ phiếu, còn lại dư 39,5 triệu cổ phiếu. Giá chào bán là 10.000 đồng/cp. Số cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Như vậy, VietCapital Bank chưa thể đạt được kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 3.670 tỉ đồng lên gần 5.139 tỉ đồng mà đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 đã đề ra.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BVB chốt phiên ngày 12/5 ở mức 10.400 đồng/cp, ghi nhận tăng gần 15% trong vòng 3 tháng qua. Thanh khoản không cao khi bình quân chỉ hơn 280.000 đơn vị mỗi phiên.
Về tình hình kinh doanh tại VietCapital Bank, trong quý 1/2023, lợi nhuận ngân hàng này đã "bốc hơi" hơn 85% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 25,5 tỉ đồng. Nếu so với kế hoạch năm 2023 mà ngân hàng đề ra là 502 tỉ đồng, sau 3 tháng đầu năm, VietCapital Bank mới chỉ thực hiện được 5% kế hoạch lợi nhuận của năm.
Ngoài ra, chất lượng tín dụng của VietCapital Bank lại đi xuống rõ rệt sau quý đầu năm với tổng nợ xấu tại thời điểm 31/3 lên đến hơn 1.566 tỉ đồng, tăng 10,4% so với đầu năm. tỉ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng theo đó tăng từ 2,79% hồi đầu năm lên 2,93%.
ABBANK ra mắt hệ thống ra quyết định tín dụng mới
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) chính thức ra mắt Hệ thống ra quyết định tín dụng mới (Credit Engine), cho phép ABBANK đưa ra các quyết định tín dụng chính xác và hiệu quả hơn, đồng thời thể hiện đúng chiến lược lấy “khách hàng là trọng tâm”.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Hệ thống ra quyết định tín dụng mới được ABBANK đưa vào áp dụng trong hệ thống sử dụng các công nghệ tiên tiến trên nền phân tích nâng cao, xử lý các mô hình rủi ro và thuật toán ra quyết định. Điều này giúp ABBANK có cơ sở dữ liệu để đưa ra các quyết định cho vay hiệu quả hơn dựa trên các yếu tố như: tăng khả năng đánh giá rủi ro, giảm thời gian phản hồi và nâng cao trải nghiệm cho khách hàng. Qua đó giúp giảm thiểu rủi ro tiềm ẩn và duy trì danh mục tín dụng lành mạnh cho ngân hàng.
Tại Việt Nam, ABBANK là một trong số ít các ngân hàng bán lẻ đã tự động hóa hệ thống ra quyết định tín dụng với giải pháp hàng đầu trong ngành ngân hàng. Hệ thống phân tích nâng cao trên là một trong những sáng kiến quan trọng của ABBANK nhằm đạt các mục tiêu quản trị rủi ro chiến lược đến năm 2025.
Ngoài ra, ABBANK dự định mở rộng công cụ chấm điểm tín dụng cho phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ - tận dụng tối đa các chức năng linh hoạt của hệ thống, đồng thời mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng và cải thiện hiệu suất doanh thu.
Bà Lê Thị Bích Phượng - Quyền Tổng Giám đốc ABBANK chia sẻ: "Hệ thống ra quyết định tín dụng mới của ABBANK là một minh chứng về cam kết trong việc thúc đẩy đổi mới và áp dụng công nghệ. Cách tiếp cận của chúng tôi xoay quanh các khoản đầu tư chiến lược, thúc đẩy văn hóa đổi mới và liên tục cải tiến cùng với các đối tác chiến lược. Chúng tôi tự tin rằng, hệ thống này sẽ cho phép ngân hàng mang đến cho khách hàng một trải nghiệm tốt hơn khi sử dụng giải pháp tín dụng của ngân hàng, trong khi vẫn đảm bảo tốt các tiêu chuẩn và các nguyên tắc quản trị rủi ro tín dụng".
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 15/5: Chất lượng tín dụng đi xuống, ngân hàng tăng phòng thủ