Tin ngân hàng tuần qua: NHNN cân nhắc giảm lãi suất điều hành
Tin ngân hàng ngày 13/5: BIDV rao bán khoản nợ nghìn tỷ, thế chấp bằng cả nhà máy thủy điện Tin ngân hàng ngày 12/5: Ngân hàng và công an đã đối soát làm sạch 25 triệu hồ sơ khách hàng |
NHNN cân nhắc giảm lãi suất điều hành
Ngày 11/5, phát biểu tại Hội nghị ngành ngân hàng góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh vùng Đông Nam bộ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN không có chủ trương thắt chặt tín dụng đồng thời sẽ tiếp tục nỗ lực trong điều hành lãi suất.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Bốn tháng đầu năm nay, thanh khoản tại các hệ thống tín dụng đã được cải thiện, tỷ giá tương đối ổn định, NHNN đã có 2 lần giảm lãi suất điều hành. NHNN rất muốn giảm lãi suất điều hành, nhưng giảm đến mức nào và giảm như thế nào để phù hợp với kinh tế vĩ mô là điều quan trọng.
“Trong bối cảnh Fed tăng lãi suất chậm lại, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện, tỉ giá ổn định, NHNN sẽ cân nhắc, đánh giá các điều kiện, nếu được sẽ giảm lãi suất điều hành. NHNN cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng là phải đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới", Thống đốc NHNN nói.
Bà Hồng cũng lưu ý, cùng là một doanh nghiệp, nhưng vay ở ngân hàng có tình hình tài chính tốt thì được giảm lãi suất nhiều còn vay ở ngân hàng có tình hình tài chính không được tốt lắm thì lãi suất cho vay giảm không đáng kể, thậm chí có những doanh nghiệp không được giảm lãi suất.
Lý do là ngân hàng có tình hình tài chính không tốt lắm mà giảm mạnh lãi suất thì họ sẽ rơi vào tình trạng suy yếu về tài chính.
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng thông tin, vừa qua NHNN ban hành 2 thông tư (Thông tư 02, Thông tư 03) để giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp có khó khăn tạm thời, giãn hoãn nợ để giữ nguyên nhóm nợ, để có khoản vay mới. Các điều kiện để đánh giá khoản vay khả thi để cho vay như tỷ lệ cho vay/tài sản đảm bảo… để hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Riêng khó khăn về tín dụng và lãi suất, NHNN cũng đã chỉ đạo chi nhánh NHNN các tỉnh, TP phối hợp sở, ban ngành địa phương, làm rõ vì sao doanh nghiệp không thể vay vốn được tại ngân hàng.
Nam A Bank đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu lên HoSE
Mới đây, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) cho biết, ngày 11/5 đã nhận được thông báo của Sở giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) về việc đã nhận hồ sơ đăng ký niêm yết của ngân hàng. Ngày nhận hồ sơ là 9/5/2023.
Ngân hàng dự kiến sẽ đăng ký niêm yết 846,4 triệu cổ phiếu trên HoSE với mã chứng khoán NAB. Tổ chức tư vấn đăng ký niêm yết là Công ty Cổ phần Chứng khoán SBS.
Trước đó, kế hoạch niêm yết cổ phiếu đã được Đại đồng cổ đông thường niên năm 2022 thông qua, nhưng sau đó chủ động hoãn lại nhằm đảm bảo quyền lợi cổ đông trong bối cảnh môi trường vì mô không thuận lợi, thị trường chứng khoán diễn biến khó lường. Theo đó, tại Đại hội cổ đông năm 2023, ngân hàng tiếp tục thông qua việc đăng ký niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của Nam A Bank lên sàn HNX hoặc HOSE tùy điều kiện của thị trường.
Đóng cửa ngày 13/5, giá cổ phiếu NAB của Nam A Bank ở mức 11.200 đồng/cp, tăng 10% so với cuối tháng 4.
Mới đây, Nam A Bank cũng công bố kết quả kinh doanh quý 1 với lợi nhuận trước thuế hơn 763 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước và đạt 29% kế hoạch năm 2023. So với cùng kỳ năm trước, thu nhập lãi thuần tăng 42%, các nguồn thu ngoài lãi cũng tăng như: lãi từ dịch vụ tăng 97%, lãi từ ngoại hối tăng 55%...
Cuối quý I, tổng tài sản của Nam A Bank đạt hơn 194.000 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm. Trong đó, tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước gấp 2 lần so với đầu năm, đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tiền gửi tại các tổ chức tín dụng khác tăng 31% lên hơn 30.000 tỷ đồng, cho vay khách hàng tăng 7% lên hơn 128.000 tỷ đồng. Song song đó, so với đầu năm, tiền gửi khách hàng tăng 10%, đạt hơn 137.000 tỷ đồng), phát hành giấy tờ có giá tăng 10% lên hơn 13.000 tỷ.
Trình Quốc hội tăng vốn cho Agribank thêm 17.100 tỷ đồng
Sáng 13/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục họp phiên thứ 23 cho ý kiến về việc cấp bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) thêm 17.100 tỷ đồng.
Agribank sắp được tăng vốn thêm 17.100 tỷ đồng/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đoàn Thái Sơn cho biết, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Quốc hội giao Chính phủ chỉ đạo xây dựng phương án tăng vốn điều lệ từ nguồn lợi nhuận sau thuế, sau trích lập các quỹ giai đoạn 2021 - 2023 cho các ngân hàng thương mại cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ và từ nguồn ngân sách nhà nước đối với Agribank. Triển khai của Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước trong quý I năm 2022.
Theo Phó Thống đốc, là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Agribank có một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Agribank luôn chiếm thị phần lớn nhất hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 14%); chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông” và triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách và 02 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Bên cạnh đó, Agribank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước, đồng thời là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm 31/12/2022 là ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác. Như vậy, với kế hoạch tăng trưởng quy mô vốn hiện nay của các ngân hàng thương mại cổ phần, nếu Agribank không được tăng vốn thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank.
Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động
Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa công bố biểu lãi suất huy động mới áp dụng với khách hàng cá nhân, trong đó giảm ở nhiều kỳ hạn.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất kỳ hạn 3 tháng của ngân hàng này giảm từ 5,4% xuống còn 5,1%/năm; lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng giảm từ 4,9%/năm xuống 4,6%/năm.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm trực tuyến, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,2% xuống 7,2%/năm; lãi suất kỳ hạn 1 - 3 tháng vẫn 5,5%/năm, kỳ hạn 6 - 9 tháng vẫn 6,5%/năm.
Cùng với Vietcombank, VPBank và TPBank cũng thông báo giảm lãi suất huy động.
Biểu lãi suất niêm yết mới nhất áp dụng từ ngày 12/5 của VPBank cho các kỳ hạn trên 12 tháng giảm 0,2%/năm. Trong đó, lãi suất cao nhất áp dụng cho kỳ hạn 12-13 tháng chỉ còn 8%/năm, kỳ hạn từ 15 tháng đến 36 tháng giảm còn 7,2%/năm.
TPBank cũng giảm đến 0,2% lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất được nhà băng này áp dụng là 7,8%/năm, dành cho khách gửi tiền trực tuyến kỳ hạn 12 tháng.
Trước đó, một loạt nhà băng khác cũng đã giảm lãi suất huy động như Agribank, HDBank, Techcombank, OCB, CBBank, NamABank, KienlongBank…
Agribank giảm đồng loạt 0,2-0,3% ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tại quầy kỳ hạn trên 12 tháng còn 7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 4,9% và 3-5 tháng còn 5,1%/năm.
Trước đó, ngày 9/5, HDBank giảm 0,3% lãi suất huy động tại các kỳ hạn 6, 12 và 13 tháng. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất được ngân hàng này áp dụng là 8,7%/năm cho kỳ hạn 13 tháng dưới hình thức gửi tiết kiệm online.
Với các kỳ hạn 1-5 tháng, HDBank hiện đưa ra mức lãi suất kịch trần Ngân hàng Nhà nước cho phép là 5,5%/năm, áp dụng với cả kênh quầy và trực tuyến; tại kỳ hạn 6-11 tháng, mức lãi suất gửi tại quầy cố định 6,8%/năm và gửi trực tuyến là 6,9-8,3%/năm; ở kỳ hạn dài 18 tháng trở lên, các mức lãi suất với kênh quầy và trực tuyến lần lượt là 6,8-7%/năm và 6,9-7,1%/năm.
KienlongBank giảm 0,4% lãi suất huy động ở hầu hết kỳ hạn. Với kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất huy động hiện ở mức 7%/năm với các khoản tiền gửi lĩnh lãi cuối kỳ. Các kỳ hạn dài hơn, lãi suất xoay quanh mức 7,6-7,75%/năm.
Đề xuất bổ sung quy định về ngân hàng số trong Luật các TCTD
Tại Tọa đàm Khoa học “Hoàn thiện thể chế thúc đẩy ứng dụng công nghệ môi trường trong chuyển đổi số quốc gia”, ông Dương Quốc Anh, Nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS), cho hay dự thảo Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) chưa có nội dung nào đề cập tới vấn đề ngân hàng số.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Vị này nhận định, trong tương lai không xa thị trường tài chính Việt Nam sẽ xuất hiện nhu cầu cấp phép thành lập ngân hàng số. Do vậy, cần chuẩn bị sẵn khung pháp lý cho việc thành lập khi xuất hiện nhu cầu. Bởi, với kinh nghiệm trong hoạt động thanh tra giám sát ngân hàng, cũng như làm luật trong thời gian công tác tại Uỷ ban kinh tế của Quốc hội, ông Quốc Anh cho rằng Luật các tổ chức tín dụng phải mất tới 13 năm mới có điều kiện sửa một lần.
“Như vậy nếu 2-3 năm tới mà có nhu cầu thành lập ngân hàng số thì lấy quy định gì để thành lập?”, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt vấn đề.
Ông Dương Quốc Anh đánh giá, sự ra đời của ngân hàng số trên thị trường quốc tế sẽ bổ sung những vấn đề cần thiết cho thị trường và hỗ trợ tiết kiệm chi phí, với quy trình thủ tục tiếp cận vốn rất đơn giản và nhanh so với mô hình ngân hàng truyền thống. Đặc biệt, ngân hàng số phát triển giúp cho các khoản vay nhỏ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, kinh tế hộ gia đình, phát triển tài chính toàn diện cho các quốc gia, thậm chí còn hỗ trợ cho cả chiến lược xóa đói giảm nghèo.
Ông nói: “Vì vậy, tôi rất mong có tiếng nói ủng hộ trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tôi đề nghị trong khái niệm dự thảo Luật TCTD có nội dung liên quan thế nào là ngân hàng số và trong hoạt động cấp phép có bổ sung quy định giao Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước có văn bản hướng dẫn thành lập tổ chức ngân hàng số”.
Nguồn:Tin ngân hàng tuần qua: NHNN cân nhắc giảm lãi suất điều hành