Tin ngân hàng ngày 15/7: Dự báo nợ xấu có thể đạt đỉnh vào cuối năm nay
Tin ngân hàng ngày 14/7: Nhiều ngân hàng công bố mua lại trái phiếu trước hạn Tin ngân hàng ngày 13/7: OCB mua lại hàng nghìn tỷ đồng trái phiếu trước hạn |
Dự báo nợ xấu của ngân hàng có thể đạt đỉnh vào cuối năm nay
Theo báo cáo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), rủi ro về nợ xấu và nợ tiềm ẩn tiếp tục gia tăng. Vào cuối quý I năm nay, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống tăng lên 1,9% từ mức 1,6% cuối năm 2022, trong khi tỷ lệ nợ nhóm 2 cũng tăng lên 2,1%.
Ảnh minh họa/Nguồn: Internet/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
VCBS dự báo rằng rủi ro nợ xấu có thể tăng trở lại trong năm 2024 và sẽ có sự khác biệt giữa các ngân hàng. Nhóm ngân hàng có tài sản chất lượng tốt sẽ ghi nhận nợ xấu và nợ tái cơ cấu ở mức vừa phải, trong khi nhóm ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp cao, cùng với tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp, có thể đối mặt với rủi ro nợ xấu và áp lực trích lập tăng cao trong năm 2024.
Trong bối cảnh tình hình nợ xấu và rủi ro tiếp tục tăng, việc Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực từ cuối năm 2023, tạo ra nhu cầu cấp thiết để xây dựng Luật xử lý nợ xấu. Điều này sẽ giúp các ngân hàng giải quyết nợ xấu, đẩy nhanh tiến độ xử lý tài sản tồn đọng và duy trì tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống dưới mức 3%, theo đánh giá của nhóm phân tích.
Theo Công ty chứng khoán Mirae Asset (MASVN), tỷ lệ nợ xấu và nợ mở rộng (bao gồm nợ nhóm 2) của hầu hết các ngân hàng niêm yết đã tăng mạnh trong quý I. Trung bình, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng niêm yết đã tăng lên mức 2,9% (tăng 0,4% so với cuối năm 2022) và gần tiến tới mức tối đa của 3% (áp dụng cho ngân hàng mẹ).
Tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh chủ yếu do tăng lãi suất kèm theo tình hình kinh doanh không khả quan. Tổng dư nợ cho vay nhóm 3 trở xuống của 27 ngân hàng niêm yết trên sàn chứng khoán đã đạt 168,3 nghìn tỷ đồng, tăng 21,1% so với cuối năm 2022 và tăng 51,4% so với cùng kỳ. Trung bình tỷ lệ nợ dưới chuẩn (bao gồm nợ nhóm 2) tăng từ 1,4% trong quý 1/2022 lên mức 5,8% trong quý I.
Các chuyên gia cho rằng tỷ lệ nợ xấu mở rộng cho thấy nợ xấu chưa đạt đỉnh. Tuy nhiên, với các biện pháp điều hành linh hoạt từ Ngân hàng Nhà nước như cắt giảm lãi suất và điều chỉnh tạm thời trong việc ghi nhận nợ xấu, áp lực phát sinh nợ xấu mới có thể giảm bớt. Do đó, MASVN kỳ vọng rằng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào cuối năm 2023 hoặc đầu năm 2024.
Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 02 cho phép các ngân hàng thương mại tiến hành tái cấu trúc nợ, kéo dài thời hạn trả nợ lên đến 12 tháng, và cho phép trích lập dần nợ trong năm 2023 và 2024.
VPBank chốt giá bán 15% cổ phần cho SMBC
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank – Mã: VPB) vừa công bố nghị quyết của Hội đồng quản trị về việc thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Theo đó, VPBank sẽ phát hành hơn 1,19 tỷ cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho Sumimoto Mitsui Banking Corp (SMBC), với giá dự kiến 30.159 đồng/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị hơn 35.900 tỷ đồng.
Số cổ phiếu trên tương đương 17,734% lượng cổ phần đang lưu hành của VPBank và 15% lượng cổ phiếu lưu hành sau khi chào bán thành công.
Thời gian thực hiện trong quý III, quý IV/2023, sau khi Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho SMBC mua cổ phần của VPBank và Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước thông báo về việc nhận được đầy đủ hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu riêng lẻ.
Toàn bộ số cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong 5 năm kể từ ngày đăng ký bổ sung số cổ phiếu này tại Trung tâm lưu ký chứng khoán.
Với tổng số tiền thu được là hơn 35.904 tỷ đồng, VPBank sẽ ghi nhận tăng vốn điều lệ thêm 11.905 tỷ đồng và thặng dư vốn cổ phần trên 23.999 tỷ đồng.
Về phương án sử dụng vốn, VPBank sẽ dùng 34.999 tỷ đồng để bổ sung nguồn vốn trung và dài hạn để phục vụ cho nhu cầu cho vay/cấp tín dụng cho khách hàng. Đầu tư vào hạ tầng, cơ sở vật chất, phát triển hệ thống công nghệ thông tin lớn... phục vụ cho nhu cầu phát triển của Hội sở và mạng lưới chi nhánh; trang bị các máy móc thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu của khách hàng; mở rộng/sửa chữa/cải tạo hệ thống mạng lưới chi nhánh 905 tỷ đồng.
VPBank cho biết, với mô hình hoạt động kinh doanh đặc thù là tổ chức tín dụng, VPBank luôn cần tăng trưởng năng lực tài chính và nguồn vốn để phục vụ cho việc mở rộng các hoạt động cho vay/cấp tín dụng cho Khách hàng. Do đây là việc chào bán cổ phần VPBank tới đối tác chiến lược, tổng số tiền dự tính thu được đã được xác định như nêu trên. Trong trường hợp có sự thay đổi về số tiền thu được từ đợt chào bán, VPBank sẽ điều chỉnh khối lượng cấp tín dụng cho phù hợp với nguồn vốn sẵn có; hoặc sử dụng linh hoạt các nguồn vốn huy động từ dân cư và các tổ chức khác (nếu cần) để đẩy mạnh hoạt động cho vay/cấp tín dụng cho Khách hàng; đồng thời sẽ sử dụng các nguồn vốn thuộc chủ sở hữu sẵn có.
Cơ hội nhận iPad Pro M2 và ưu đãi hoàn tiền cho khách Sacombank
Chương trình "Quản lý chi phí - Tối ưu tiện ích" dành cho khách hàng doanh nghiệp, triển khai thành ba giai đoạn xét thưởng từ nay đến 31/12.
Cụ thể, trong mỗi kỳ xét thưởng, khách hàng có thẻ tín dụng doanh nghiệp phát sinh tổng doanh số giao dịch cao nhất (tối thiểu 150 triệu đồng) sẽ nhận gói quà tặng là iPad Pro M2 và bàn phím Magic Keyboard trị giá 38 triệu đồng. Giải thưởng đồng thời áp dụng với khách hàng doanh nghiệp có thẻ thanh toán phát sinh tổng doanh số giao dịch cao nhất (tối thiểu 120 triệu đồng). Chương trình được chia làm ba kỳ xét thưởng với tổng 32 phần quà. Kỳ một diễn ra từ 1/6 - 31/7, kỳ hai từ 1/8 - 30/9, kỳ 3 từ 1/10 - 31/12.
Bên cạnh đó, Sacombank miễn phí thường niên năm đầu tiên cho khách hàng mở mới thẻ doanh nghiệp đồng thời tặng thêm ví namecard cao cấp dành cho tất cả chủ thẻ tín dụng kích hoạt thẻ sớm nhất. Ngân hàng cũng xóa nợ phí thường niên cho chủ thẻ thanh toán doanh nghiệp khi có phát sinh tối thiểu một giao dịch qua tài khoản thanh toán trong thời gian diễn ra chương trình.
Riêng với ưu đãi hoàn tiền, thẻ tín dụng doanh nghiệp có phát sinh doanh số giao dịch ít nhất 20 triệu đồng trong suốt thời gian diễn ra chương trình, Sacombank hoàn 1,5% trên tổng doanh số giao dịch mỗi thẻ (tối đa một triệu đồng mỗi thẻ cho từng kỳ thông báo giao dịch). Tổng tiền hoàn lên đến 5 triệu đồng một khách hàng và sẽ được chi vào thẻ tín dụng của khách.
Agribank cơ cấu lại nợ cho hơn 2.000 khách hàng
Mới đây, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) đã tổ chức Hội nghị sơ kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023 bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến trong toàn hệ thống.
Agribank cơ cấu lại nợ cho hơn 2.000 khách hàng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ông Phạm Toàn Vượng - Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Agribank cho biết, ngày 24/6/2023, Quốc hội thông qua Nghị quyết chấp thuận chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank tương ứng với số lợi nhuận còn lại Agribank thực nộp Ngân sách Nhà nước giai đoạn 2021-2023, tối đa là 17.100 tỷ đồng. Trong đó 6.753 tỷ đồng được thực hiện từ dự toán chi ngân sách trung ương năm 2023 đã được Quốc hội phê duyệt; phần còn lại 10.347 tỷ đồng được bố trí từ Ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong năm 2024.
Về hoạt động kinh doanh, đến 30/6/2023, tổng tài sản Agribank đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng; các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo theo quy định.
Bên cạnh đó, Agribank tiếp tục giữ vững vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, với tỷ trọng đầu tư cho khu vực "Tam nông" chiếm khoảng 65%/tổng dư nợ, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong thị phần tín dụng đầu tư nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Ngoài ra, Agribank cũng cho biết trong nửa đầu năm đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, nỗ lực hoạt động kinh doanh an toàn, hiệu quả. Agribank đã 7 lần điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Agribank đồng thời triển khai các chính sách khác như chính sách cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02, đến hết tháng 6 Agribank đã cơ cấu lại nợ cho hơn 2.000 khách hàng. Ngoài ra, Agribank đã hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, với doanh số cho vay là 10.813 tỷ đồng, dư nợ 4.973 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất là 57,4 tỷ đồng.
Ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi cho khách hàng như: chương trình tín dụng ưu đãi đối với khách hàng doanh nghiệp với quy mô lên đến 100.000 tỷ đồng và 500 triệu USD; Chương trình cho vay tiêu dùng ưu đãi đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước với tổng nguồn vốn cho vay lên đến 15.000 tỷ đồng…
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 15/7: Dự báo nợ xấu có thể đạt đỉnh vào cuối năm nay