Tin ngân hàng ngày 16/11: Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp huy động vốn quốc tế
Tin ngân hàng ngày 15/11: VPBank tiếp tục tăng lãi suất huy động Tin ngân hàng ngày 14/11: SeABank vay 200 triệu USD của DFC trong 7 năm |
Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp huy động vốn quốc tế
Tuần qua, hàng loạt ngân hàng, doanh nghiệp công bố các hợp đồng huy động vốn lớn từ thị trường quốc tế.
Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp huy động vốn quốc tế/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo tìm hiểu, ngày 11/11, VPBank công bố việc ký kết thành công thỏa thuận vay hợp vốn trị giá 500 triệu USD (tương đương gần 12.500 tỷ đồng) từ 5 định chế tài chính lớn, gồm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Tập đoàn tài chính Sumitomo
Mitsui Banking Corporation (SMBC), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng ANZ và Công ty Chứng khoán Maybank Securities Pte. Ltd. Trong khi đó, SeABank cho biết vừa ký kết với Tập đoàn Tài chính phát triển quốc tế Mỹ (DFC) về khoản vay 200 triệu USD trong 7 năm.
Được biết, tháng 4/2022, VPBank được giải ngân khoản vay hợp vốn 600 triệu USD của các định chế tài chính lớn của châu Á.
Trước đó, Ngân hàng VIB hoàn tất rút vốn khoản vay trị giá 150 triệu USD (tương đương 3.700 tỷ đồng) từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC).
Không chỉ ngân hàng, mà các doanh nghiệp cũng lần lượt công bố các hợp đồng gọi vốn khủng. Cụ thể, Công ty cổ phần Kinh doanh F88 cho biết vừa huy động thành công khoản vay 60 triệu USD từ Quỹ tài chính CLSA Capital Partners (HK) Limited (Lending Ark) và Lendable. Tính từ đầu năm đến nay, F88 đã huy động được 70 triệu USD từ nguồn vốn quốc tế.
Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (Masan) và Công ty TNHH The Sherpa (công ty con trực thuộc Masan) cũng vừa nhận được một khoản vay hợp vốn có thời hạn trị giá 600 triệu USD. Đây là khoản vay hợp vốn lớn nhất với kỳ hạn dài nhất Masan từng huy động, thu hút 37 bên cho vay trong quá trình huy động vốn.
Trước đó, Công ty cổ phần Be Group đã ký hợp đồng tiếp nhận khoản vay lên đến 100 triệu USD từ Ngân hàng Deutsche Bank (Đức). Công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt (VCSC) ký hợp đồng vay vốn với hạn mức 105 triệu USD và quyền được mở rộng lên tới 150 triệu USD (tương đương 3.675 tỷ đồng) với nhóm ngân hàng nước ngoài.
Cuối tháng 10/2022, Tập đoàn Lộc Trời tiếp cận thành công gói tín dụng 100 triệu USD do MB và 6 ngân hàng quốc tế cho vay hợp vốn để mở rộng sản xuất lúa chất lượng cao.
Trong khi đó, Novaland cũng muốn vay thêm 40 triệu USD từ VietinBank Filiale Deutschland (chi nhánh của VietinBank tại Đức) và Maybank Labuan (chi nhánh của Maybank tại Malaysia). Hồi tháng 8/2022, HĐQT Novaland đã thông qua giao dịch bảo đảm nghĩa vụ vốn vay của Công ty đối với khoản vay 100 triệu USD từ Quỹ đầu tư Credit Opportunities III Pte. Limited (Singapore)…
VietinBank vừa tăng mạnh lãi suất huy động
Mới đây, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) đã cập nhật lãi suất tiền gửi theo hình thức trực tuyến.
Theo đó, lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã lên 8,2%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng, 18 tháng, 24 tháng khi khách hàng gửi tiền online. Mức lãi suất này tăng 0,3 điểm % so với trước thay đổi.
Ngoài ra, VietinBank còn tăng lãi suất kỳ hạn 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng, 4 tháng, 5 tháng lên mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước là 6%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 9 tháng cũng tăng 1,2%/năm lên 7,8%/năm.
Lãi suất gửi online của VietinBank cao hơn gửi tại quầy tới 0,8-1,8%/năm. Chênh lệch lớn nhất là ở kỳ hạn 6 tháng và 9 tháng vì gửi tại quầy chỉ được hưởng lãi suất 6,6%/năm.
Như vậy, hiện VietinBank là ngân hàng có lãi suất cao nhất trong nhóm Big 4 ở hình thức gửi trực tuyến. Theo khảo sát ngày 15/11, lãi suất cao nhất tại Vietcombank là 7,4%/năm, tại BIDV và Agribank là 7,9%/năm.
Đối với hình thức gửi tiết kiệm tại quầy, lãi suất của nhóm Big 4 khá giống nhau, đều cao nhất là 7,4%/năm.
Dù đã điều chỉnh tăng thời gian qua, lãi suất tiết kiệm của nhóm Big 4 vẫn còn thấp hơn so với các ngân hàng tư nhân. Đơn cử như VPBank và SHB đã có lãi suất cao nhất 9%/năm, MB và Techcombank cao nhất 8,7%/năm…
Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, lãi suất huy động trong thời gian còn lại của năm 2022 vẫn còn áp lực tăng, khi nhu cầu thanh toán, chi trả thường tăng cao vào dịp giáp Tết Nguyên đàn. Dù vậy, mức tăng trong thời gian còn lại của năm sẽ không còn lớn như trong 2 tháng vừa qua.
Các chuyên gia của Chứng khoán SSI thì cho rằng, diễn biến lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại cổ phần còn nhiều phức tạp khi thanh khoản dài hạn trên hệ thống chưa có nhiều sự cải thiện. Bên cạnh việc đẩy mạnh chương trình khuyến mại, cộng thêm lãi suất trên 6 tháng để thu hút dòng tiền, nhiều ngân hàng thương mại lớn đã tiếp tục tăng mức lãi suất cho tài khoản không kỳ hạn lên mức trần quy định 1%, như Techcombank hay VPBank.
Phó Tổng giám đốc VIB đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu
Vừa qua, ông Hồ Vân Long - Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Tài chính ngân hàng TMCP Quốc Tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB) đã đăng ký mua 1,5 triệu cổ phiếu VIB ngay sau khi ngân hàng này chia sẻ kết quả kinh doanh 10 tháng với lợi nhuận ở mức 8.715 tỷ đồng, tăng 44% so với cùng kỳ và kế hoạch trình chia cổ tức tiền mặt đến 35%. Mục đích giao dịch nhằm đầu tư dài hạn.
Hiện ông Long đang sở hữu gần 9,2 triệu cổ phiếu VIB, tương đương 0,436% vốn ngân hàng. Nếu mua thành công số cổ phiếu đăng ký, Phó Tổng Giám đốc VIB sẽ nâng tỷ lệ nắm giữ lên mức gần 0,507%, tương ứng gần 10,7 triệu đơn vị.
Kết phiên giao dịch 14/11, cổ phiếu VIB giảm 0,57% xuống còn 17.400 đồng/cp. Ước tính theo mức giá này, ông Long cần chi ra khoảng 26 tỷ đồng để thực hiện giao dịch.
Hoạt động mua cổ phiếu của lãnh đạo VIB diễn ra trong bối cảnh cổ phiếu VIB đã về vùng giá thấp nhất trong những tháng gần đây.
Về kết quả kinh doanh VIB, hết 10 tháng đầu năm 2022, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế ở mức 8.715 tỷ đồng tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021 và đạt 109% lợi nhuận của cả năm 2021, với hệ số ROE (lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu) đạt 30% liên tiếp trong 3 năm. Lãnh đạo VIB dự báo lợi nhuận trước thuế của cả năm 2022 nhiều khả năng sẽ vượt kế hoạch Đại hội đồng cổ đông giao là 10.500 tỷ, tương đương với 8.400 tỷ lợi nhuận sau thuế.
Với dự báo lợi nhuận này, sau khi kết thúc năm tài chính 2022 lãnh đạo ngân hàng cho biết VIB có thể chia cổ tức tiền mặt lên tới 35% vốn điều lệ, nghĩa là mỗi cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu VIB có thể nhận được 3.500 VNĐ cổ tức. Con số 35% này có thể cao hơn nhiều nếu các khoản thu bất thường kịp ghi nhận trong năm 2022.
Ngân hàng nước ngoài đầu tiên triển khai dịch vụ Google Pay tại Việt Nam
Ngân hàng Shinhan chính thức trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên tại Việt Nam triển khai dịch vụ Google Wallet, nhằm mang đến trải nghiệm về dịch vụ và xu hướng thanh toán thẻ an toàn, tiện lợi cho khách hàng.
Ngân hàng nước ngoài đầu tiên triển khai dịch vụ Google Pay tại Việt Nam/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Google Wallet là dịch vụ thanh toán sử dụng công nghệ thanh toán NFC (Giao thức thanh toán bằng sóng radio). Google Wallet giúp khách hàng thanh toán giao dịch chạm bằng cách tích hợp thông tin thẻ tín dụng/ghi nợ quốc tế Shinhan Visa dành cho cá nhân/doanh nghiệp vào thiết bị di động hỗ trợ hệ điều hành Android, để thực hiện thanh toán dễ dàng, tiện lợi và an toàn tại hầu hết các điểm chấp nhận thẻ trên toàn Việt Nam, mà không cần phải mang theo thẻ vật lý.
Người dùng chỉ cần thêm thẻ tín dụng/ghi nợ của mình vào ứng dụng Google Wallet để bắt đầu trải nghiệm dịch vụ. Khi cần thanh toán, người dùng chỉ cần mở khóa thiết bị di động, đưa thiết bị di động vào gần máy POS để hoàn tất giao dịch.
Đặc biệt, Google Wallet có khả năng thanh toán an toàn hơn so với việc sử dụng thẻ vật lý thông thường. Số thẻ thực tế của khách hàng sẽ được mã hóa trong quá trình giao dịch, giúp bảo vệ khách hàng trước những vi phạm quy định về tính bảo mật.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 16/11: Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp huy động vốn quốc tế