Tin ngân hàng ngày 1/7: Phát hiện doanh nghiệp thuê người xếp hàng mua vàng bình ổn giá
Tin ngân hàng tuần qua: Hơn 600 nghìn tỷ đồng tín dụng "bơm" ra nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm Tin ngân hàng ngày 29/6: Tăng trưởng lợi nhuận ngành Ngân hàng có thể giảm tốc trong quý II/2024 |
Công an phát hiện doanh nghiệp thuê người xếp hàng mua vàng bình ổn giá
Phòng An ninh kinh tế Công an TP Hà Nội đã phát hiện một số doanh nghiệp thuê người xếp hàng mua vàng từ các ngân hàng thương mại Nhà nước và sau đó bán lại cho các cửa hàng kinh doanh vàng bạc.
Ảnh minh họa |
Qua quá trình trinh sát, Phòng An ninh kinh tế xác định có khoảng 4-5 nhóm đối tượng được thuê để mua vàng tại các chi nhánh Vietcombank, Agribank và BIDV. Sau khi mua vàng, các nhóm này tập trung giao vàng cho một người đứng đầu và tiếp tục xếp hàng ở các điểm khác.
Cửa hàng kinh doanh vàng bạc B.T.T.H tại phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân bị phát hiện có 4 người xếp hàng mua vàng, tổng cộng 14 lượng vàng SJC. Kiểm tra cửa hàng này, lực lượng chức năng phát hiện giao dịch mua bán không có hóa đơn chứng từ hợp lệ, và cửa hàng không có giấy phép mua bán vàng miếng SJC.
Tại Công ty TNHH MTV kinh doanh vàng bạc T.L trên phố Hà Trung, tổ công tác phát hiện công ty đang mua vàng SJC với giá cao hơn giá ngân hàng, gây bất ổn cho thị trường.
Trung tá Nguyễn Đắc Tài, Đội trưởng Đội An ninh tiền tệ, cho biết các cơ sở này mua vàng miếng SJC với giá cao để tích trữ và bán ra với giá cao hơn, đi ngược lại chính sách bình ổn thị trường vàng của Ngân hàng Nhà nước.
Phòng An ninh kinh tế sẽ tiếp tục theo dõi tình hình, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước và Cục Quản lý thị trường để kiểm tra và đưa ra các biện pháp ổn định thị trường vàng trong thời gian tới.
Tại sao các ngân hàng gấp rút đẩy vốn ra thị trường?
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ nay đến cuối năm đạt 14-15% như đúng mục tiêu đề ra, các ngân hàng tích cực đẩy vốn ra thị trường.
Ảnh minh họa |
Số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến giữa tháng 6 năm nay tăng trưởng tín dụng của hệ thống tổ chức tín dụng mới đạt 3,79%. Con số này còn cách rất xa so với mục tiêu cả năm là 15%.
Ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc Ngân hàng BIDV - cho biết, tăng trưởng tín dụng của BIDV cập nhật hết 17/6 là 4,7%, tương ứng dư nợ 1,87 triệu tỷ đồng, tăng 81.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023. Tính theo doanh số giải ngân là 3,4 triệu tỷ đồng, vòng quay vốn là 2,78 lần.
Để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, BIDV hiện có 16 gói tín dụng quy mô 80.000 - 90.000 tỷ đồng, lãi suất thấp hơn 0,5-2,5%/năm so với khách hàng thông thường. Đồng thời, trong gần 6 tháng, ngân hàng giảm lợi nhuận 3.500 tỷ đồng để hỗ trợ khách hàng.
Theo ông Lâm, ngân hàng sẽ thúc đẩy các chi nhánh tích cực tăng trưởng tín dụng trong 6 tháng cuối năm như tổ chức làm việc, đối thoại, kết nối giữa doanh nghiệp với ngân hàng để tìm ra khó khăn, tháo gỡ vướng mắc; tiếp tục triển khai các gói tín dụng, giảm lãi suất để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng theo các chương trình và chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước.
Còn theo ông Phạm Toàn Vượng - Tổng Giám đốc Agribank - cho biết, dự kiến đến hết 30/6, tín dụng của ngân hàng sẽ tăng 2,5% và hết năm tăng trưởng 8,5%.
Mặc dù tín dụng của Agribank tăng trưởng thấp, nhưng với đặc thù tín dụng, tệp khách hàng thì đây cũng là một kết quả tốt.
Thời gian tới, Agribank tiếp tục triển khai quyết liệt, các giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả; tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực là động lực phát triển (xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng), tiếp tục tiếp cận và đầu tư vốn đối với các dự án nhà ở xã hội, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn (lúa gạo, lâm thuỷ sản).
Quốc hội đồng ý gia hạn khoản vay 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines
Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết cho phép gia hạn khoản vay tái cấp vốn 4.000 tỷ đồng cho Vietnam Airlines. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tự động gia hạn khoản vay này thêm ba lần, mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn ban đầu, với tổng thời gian tối đa không quá 5 năm. Quyết định này nhằm giúp Vietnam Airlines vượt qua khó khăn tài chính nghiêm trọng sau đại dịch.
Hiện tại, vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 8.237 tỷ đồng cho công ty mẹ và âm 13.108 tỷ đồng cho hợp nhất. Khoản nợ ngắn hạn và nợ quá hạn của hãng đang ở mức cao, với tổng nợ vay khoảng 15.604 tỷ đồng tính đến tháng 6/2024. Dòng tiền dự kiến tiếp tục thâm hụt do các biện pháp tái cơ cấu tài sản chưa thể triển khai kịp.
Nếu không được gia hạn, Vietnam Airlines có thể mất khả năng thanh toán từ tháng 7/2024, dẫn đến nguy cơ không thực hiện được các cam kết với đối tác cho thuê máy bay và nhà cung cấp dịch vụ. Hãng có thể phải đối mặt với các vụ kiện, ảnh hưởng đến uy tín và tiềm ẩn rủi ro phá sản. Điều này cũng có thể buộc Chính phủ phải trả nợ thay cho các khoản vay mua máy bay được bảo lãnh, gây áp lực lớn về tài chính.
Thêm 3 ngân hàng tăng mạnh lãi suất tiết kiệm
Tuần này, ba ngân hàng lớn đã điều chỉnh tăng mạnh lãi suất tiết kiệm, nâng tổng số ngân hàng có lãi suất trên 6%/năm.
ABBank là một trong những ngân hàng điều chỉnh mạnh nhất, với mức tăng lên đến 1,4%/năm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng tại đây chạm mốc 6%/năm. Các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên cũng tăng đáng kể, với kỳ hạn 6 tháng tăng 0,8% lên 5,6%/năm.
SHB điều chỉnh lãi suất tiết kiệm online kỳ hạn 36 tháng lên 6,1%/năm. Ở các kỳ hạn khác, lãi suất dao động từ 3,3% đến 5,8%/năm.
VietABank cũng tăng lãi suất tiết kiệm cho tất cả các kỳ hạn từ 1-36 tháng thêm 0,2%/năm. Lãi suất cao nhất tại VietABank là 5,8%/năm cho kỳ hạn 24-36 tháng.
Trong tháng 6, có 23 ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm, với nhiều ngân hàng điều chỉnh lãi suất nhiều lần. Lãi suất tiết kiệm cao nhất kỳ hạn 1 tháng là 3,7%/năm tại MSB và OCB, kỳ hạn 6 tháng là 5,6%/năm tại ABBank, và kỳ hạn 12 tháng là 6%/năm tại ABBank.
Huy động vốn đến gần hết quý II tăng 1,5% so với đầu năm
Theo số liệu từ Tổng cục thống kê, tính đến 24/6, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,5% so với cuối năm 2023, ước đạt 13,575 triệu tỷ đồng. Đây là mức tăng tiền gửi thấp nhất trong nhiều năm qua.
Ảnh minh họa |
Một tháng trở lại đây, các ngân hàng cũng đồng loạt tăng lãi suất, có nơi điều chỉnh tới 1,7%. Mặt bằng lãi suất tăng nhẹ và ngày càng nhiều ngân hàng trả lãi suất từ 5% trở lên cho người gửi tiền. Động thái điều chỉnh này, theo chuyên gia, nhằm cân bằng lại với lợi suất sinh lời của các kênh đầu tư khác như USD, đặc biệt là sự áp đảo của vàng thời gian qua...
Ở đầu ra, dư nợ tín dụng của nền kinh tế tăng khoảng 4,45% so với đầu năm, đạt trên 14,17 triệu tỷ đồng. Trong khi đó, Thủ tướng đặt mục tiêu hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6%, cả năm khoảng 15-16%. Phó thống đốc Đào Minh Tú cũng cho biết sẽ điều chuyển chỉ tiêu của những ngân hàng tăng trưởng tín dụng không đạt để chủ động tạo điều kiện cho những ngân hàng có khả năng phát triển tín dụng.
Tuy nhiên, giới trong ngành đều nhìn nhận, nhu cầu vay của doanh nghiệp và cá nhân đều yếu. Nhiều ngân hàng thậm chí tăng trưởng âm trong những tháng đầu năm.
Về nhóm khách bán lẻ, ông Trịnh Bằng Vũ, Trưởng khối Cho Vay Bán Lẻ Ngân hàng Shinhan Việt Nam (Shinhan Bank) cho biết, cầu tín dụng vay mua nhà, mua xe và tiêu dùng đều yếu.
Theo chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá, những yếu kém kéo dài của thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp có thể tác động mạnh hơn dự kiến đến khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng, làm phương hại đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm suy yếu sự ổn định tài chính. Các chính sách, theo IMF, nên tiếp tục tập trung vào việc tăng cường ổn định tài chính, đòi hỏi cải thiện chất lượng tài sản và tránh tăng trưởng tín dụng quá mức với chất lượng thấp.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 1/7: Phát hiện doanh nghiệp thuê người xếp hàng mua vàng bình ổn giá