Tin ngân hàng tuần qua: Hơn 600 nghìn tỷ đồng tín dụng "bơm" ra nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm
Tin ngân hàng ngày 29/6: Tăng trưởng lợi nhuận ngành Ngân hàng có thể giảm tốc trong quý II/2024 Tin ngân hàng ngày 28/6: Siết chặt thao túng ngân hàng từ ngày 1/7 |
Hơn 600 nghìn tỷ đồng tín dụng "bơm" ra nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm
Theo Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 24/6/2024, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 1,50% so với cuối năm 2023; tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,45%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng có cải thiện hơn trong những tháng gần đây, tuy nhiên mức tăng trong 6 tháng vẫn thấp hơn mục tiêu mà NHNN đặt ra (5-6%).
Ảnh minh họa |
Ước tính, trong 6 tháng đầu năm, hệ thống tổ chức tín dụng đã "bơm" ra thị trường hơn 600 nghìn tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đến cuối quý 2/2024 đạt trên 14,17 triệu tỷ đồng.
Trước đó, NHNN cho biết, tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng, doanh số tín dụng mà các TCTD đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024 cao hơn hơn doanh số của cùng kỳ 03 năm trước. Đến 14/6/2024, tăng trưởng tín dụng tăng 3,79% so với cuối năm 2023.
Tuy nhiên, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những TCTD tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định, một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân. NHNN dự kiến tăng trưởng tín dụng các tháng cuối năm tăng trưởng khả quan.
NHNN cho biết sẽ chủ động điều hành tăng trưởng tín dụng nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tiếp tục chỉ đạo các TCTD tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng, trúng mục tiêu, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của nền kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực SXKD, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng.
Bên cạnh đó, NHNN theo dõi sát tình hình triển khai Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn; kịp thời tháo gỡ khó khăn.
Kiên Giang bắt đối tượng huy động tiền để đáo hạn ngân hàng, chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng
Ngày 29/6, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, đã phối hợp với Công an phường Rạch Sỏi, thành phố Rạch Giá thi hành lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Việt Hưng (30 tuổi), ngụ khu phố 3, phường Đông Hồ, thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang để điều tra về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Hưng nguyên là nhân viên tín dụng của một ngân hàng có phòng giao dịch tại thành phố Hà Tiên.
Theo kết quả điều tra, khoảng tháng 7/2022, Nguyễn Việt Hưng đã huy động tiền của ông Đ. V. C và một số người dân ở thành phố Hà Tiên để làm “đáo hạn ngân hàng”, với số tiền khoảng hơn 2 tỷ đồng cho các cá nhân đang vay nợ ngân hàng để hưởng hoa hồng.
Sau khi nhận tiền của các bị hại, Hưng không thực hiện việc đáo hạn ngân hàng như đã hứa mà chiếm đoạt, sử dụng tiêu xài cá nhân và đánh bạc.
Đến ngày 11/7/2022, Nguyễn Việt Hưng tự ý nghỉ việc, bỏ trốn khỏi địa phương, cho đến khi bị lực lượng Công an điều tra, phát hiện bắt giam.
Hỗ trợ cập nhật sinh trắc học tại ngân hàng vào cuối tuần
Nhiều ngân hàng đã mở cửa vào cuối tuần để hỗ trợ khách hàng cập nhật phương thức xác thực sinh trắc học cho các giao dịch trực tuyến, theo quy định có hiệu lực từ 1/7/2024.
Ảnh minh họa |
Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đón nhiều khách hàng đến cài đặt sinh trắc học tại các điểm giao dịch. BIDV khuyến khích khách hàng tự cài đặt trên ứng dụng BIDV SmartBanking, nhưng cũng hỗ trợ trực tiếp tại chi nhánh khi cần thiết. Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng chủ động bố trí nhân sự hỗ trợ khách hàng.
Ngân hàng Nhà nước lưu ý rằng khách hàng chưa có Căn cước công dân (CCCD) gắn chip hoặc thiết bị không hỗ trợ NFC có thể đăng ký sinh trắc học một lần tại quầy để thực hiện giao dịch qua Mobile Banking/Internet Banking.
Theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, từ 1/7/2024, khách hàng phải xác thực sinh trắc học khi thực hiện một số giao dịch ngân hàng điện tử. Các giao dịch trên 10 triệu đồng chỉ chiếm khoảng 11% tổng số giao dịch, do đó quy định mới không ảnh hưởng lớn đến người dùng.
Ngoài ra, theo thống kê đến hết năm 2023, Bộ Công an đã cấp hơn 84,7 triệu CCCD gắn chip và 70,2 triệu tài khoản VNeID, đảm bảo dữ liệu "đúng, đủ, sạch, sống". Đây là nguồn dữ liệu đầu vào quan trọng, giúp ngành ngân hàng triển khai định danh và xác minh khách hàng một cách chính xác.
Chính thức giảm 2% thuế VAT đến hết năm
Theo Nghị quyết Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV mới được thông qua, Quốc hội đã chính thức đồng ý giảm 2% thuế VAT (từ 10% xuống 8%) với một số nhóm mặt hàng.
Tương tự các lần giảm trước đây, chính sách lần này vẫn chỉ áp dụng với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Các lĩnh vực tiếp tục không được đề xuất giảm 2% thuế VAT gồm viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Thời gian tiếp tục giảm thuế VAT kéo dài thêm 6 tháng, từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12 năm nay.
Với việc nới thời gian giảm thuế 2%, Chính phủ dự kiến làm giảm thu ngân sách nửa cuối năm nay khoảng 24.000 tỷ đồng (tương đương 4.000 tỷ đồng mỗi tháng). Như vậy, dự kiến cả năm 2024 giảm thu gần 47.500 tỷ đồng.
Chính phủ cho rằng việc giảm thuế VAT làm giảm thu ngân sách nhưng sẽ giúp hạ chi phí sản xuất, giá bán nên kích thích sản xuất, kinh doanh và tạo nguồn thu ngân sách.
Quốc hội giao Chính phủ tổ chức thực hiện chính sách bảo đảm đạt mục tiêu đề ra. Đồng thời, chịu trách nhiệm điều hành, thực hiện nhiệm vụ thu, không làm ảnh hưởng đến dự toán thu và bội chi ngân sách nhà nước năm 2024 theo Nghị quyết của Quốc hội. Đảm bảo nguồn thu cho các nhiệm vụ chi đã được dự toán và nhu cầu cấp bách phát sinh.
Nguồn: Tin ngân hàng tuần qua: Hơn 600 nghìn tỷ đồng tín dụng "bơm" ra nền kinh tế trong 6 tháng đầu năm