Tin ngân hàng ngày 17/3: Nghiêm cấm việc “lách” vượt trần lãi suất huy động
Tin ngân hàng ngày 16/3: Cá nhân có thể không được sở hữu quá 3% vốn ngân hàng Tin ngân hàng ngày 15/3: Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành |
Nghiêm cấm ngân hàng “lách” vượt trần lãi suất huy động
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua đã triển khai các giải pháp đồng bộ để ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong đó, NHNN đã chỉ đạo các Tổ chức tín dụng (TCTD) duy trì mặt bằng lãi suất huy động ổn định, hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối vốn, khả năng mở rộng tín dụng lành mạnh và năng lực quản lý rủi ro; không làm ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tiền tệ và mặt bằng lãi suất thị trường. NHNN nhấn mạnh, nghiêm cấm TCTD thực hiện các biện pháp kỹ thuật để lách vượt trần lãi suất huy động, nghiêm cấm cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn; theo dõi các trường hợp TCTD tiếp tục tăng lãi suất và có biện pháp xử lý đối với các TCTD này.
Theo quy định, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng hiện nay là 1,0%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ là 6,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, Tổ chức tài chính vi mô là 6,5%/năm; lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng trở lên do TCTD ấn định trên cơ sở cung - cầu vốn thị trường.
NHNN cho biết đã chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ lãi suất tiền gửi để giữ ổn định mặt bằng lãi suất thị trường. Trong tháng 2/2023, các ngân hàng thương mại đã tiếp tục đồng thuận giảm lãi suất tiền gửi để có điều kiện giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp, nền kinh tế phục hồi sản xuất kinh doanh. Theo đó, các ngân hàng đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5%/năm đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng.
Đến nay mặt bằng lãi suất dần ổn định; hiện lãi suất tiền gửi phát sinh mới của các ngân hàng khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh mới của các ngân hàng ở mức khoảng 9,4%/năm, trong đó nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất tiền gửi và cho vay.
NHNN cho biết, việc giảm lãi suất điều hành là bước đi quan trọng, định hướng cho xu hướng giảm lãi suất của thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng TCTD giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Giám đốc Sacombank Khánh Hòa bị cách chức
Ngày 16/3, Ngân hàng Thương mại CP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) chi nhánh tỉnh Khánh Hòa (Sacombank Khánh Hòa) cho biết hội sở đã thi hành quyết định cách chức đối với ông Phạm Tấn Minh, Giám đốc Sacombank Khánh Hòa.
Theo đó, ông Phạm Tấn Minh đã có hành vi vi phạm liên quan việc 4 cán bộ, nhân viên Phòng Giao dịch Sacombank Cam Ranh bị khởi tố về tội tham ô tài sản. Sau khi bị cách chức, ông Phạm Tấn Minh được bố trí công việc chuyên viên thuộc Sacombank Khánh Hòa.
Phía Sacombank đã bổ nhiệm ông Cao Phi Kiều làm Giám đốc Sacombank Khánh Hòa.
Liên quan vụ việc trên, bà Hồ Thị Thùy Dương (ngụ TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), đã có đơn gửi Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an kêu cứu về việc gửi tiền vào Sacombank tỉnh Khánh Hòa nhưng sau đó bị mất số tiền 46,9 tỉ đồng.
Cụ thể, bà Dương mở tài khoản tại Phòng Giao dịch Cam Ranh - Sacombank Khánh Hòa. Đến tháng 5/2022, bà Dương phát hiện tài khoản của mình bị mất tiền và đã đề nghị ngân hàng trích lục sao kê.
Kết quả, có tổng cộng 12 giao dịch (9 giao dịch rút tiền mặt và 3 giao dịch chuyển khoản) diễn ra từ ngày 4/5 đến 14/6/2022, với số tiền 46,9 tỉ đồng. Tất cả giao dịch đều diễn ra trong khoảng thời gian 18 đến 21 giờ, ngoài giờ hành chính. Bà Dương không ủy quyền hoặc cho ai thay mặt mình để thực hiện các giao dịch này.
Do phía Sacombank không thực hiện việc trả lại tiền cho bà Dương nên bà đã gửi đơn kêu cứu đến Ngân hàng Nhà nước và Cơ quan CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03 - Bộ Công an).
Nhiều ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất tiền gửi
Ngày 16/3, một số ngân hàng tiếp tục công bố biểu lãi suất tiền gửi mới theo hướng giảm mạnh, bỏ xa mốc 9%/năm.
Trong biểu lãi suất tiền gửi mới nhất áp dụng từ ngày 16/3, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) tiếp tục giảm lãi suất ở các kỳ hạn. Theo đó, mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng này chỉ còn 8,2%/năm cho kỳ hạn 12 tháng, thay vì mức 9%/năm của 2 tuần trước đó.
Lãi suất các kỳ hạn dài từ 13 đến 36 tháng chỉ còn 7,8%/năm, thay vì trên 9%/năm như hồi đầu tháng 3/2023. Như vậy, lãi suất giảm cao nhất lên tới khoảng 1,2 điểm %, là mức giảm rất mạnh trong những ngày qua.
Làn sóng giảm lãi suất tiếp tục diễn ra sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm lãi suất điều hành và giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên từ 5,5%/năm xuống 5%/năm. Các ngân hàng thương mại nhà nước - gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank - cũng điều chỉnh giảm 0,2 điểm % lãi suất kỳ hạn dài. Hiện lãi suất huy động cao nhất tại 4 ngân hàng này chỉ còn 7,2%/năm nếu gửi tại quầy.
Mức lãi suất huy động 9%/năm, thậm chí 10%/năm như vài tháng trước, đã "biến mất" trên bảng niêm yết của các ngân hàng. Tại một ngân hàng thường huy động lãi suất cao là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hiện lãi suất online cao nhất là 9%/năm cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, trong khi nếu gửi tiết kiệm tại quầy lãi suất cao nhất là 8,6%/năm.
Xu hướng giảm lãi suất tiếp diễn từ tháng 2/2023 đến nay. Trong tháng 2, các ngân hàng thương mại đã điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi từ 0,2-0,5 điểm % đối với kỳ hạn 6 đến 12 tháng.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, mặt bằng lãi suất dần ổn định. Hiện lãi suất tiền gửi phát sinh của các ngân hàng khoảng 6,7%/năm và lãi suất cho vay phát sinh của các ngân hàng ở mức khoảng 9,4%/năm.
Đà Nẵng: Gần 100% giao dịch thu ngân sách qua kho bạc không dùng tiền mặt
Ông Phan Quảng Thống - Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) Đà Nẵng cho biết, nhằm giảm dần tỷ lệ thu, chi tiền mặt qua KBNN, tiến tới kho bạc không có tiền mặt, trên cơ sở hiện đại hóa các hình thức thanh toán, KBNN Đà Nẵng đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng, cục thuế, cục hải quan và các ngân hàng thương mại nhận ủy nhiệm thu, chi tiền mặt. Đồng thời, KBNN Đà Nẵng đã khuyến khích các đơn vị có quan hệ giao dịch với KBNN thanh toán qua thẻ tín dụng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Bên cạnh đó, KBNN Đà Nẵng đã áp dụng các phương thức thanh toán điện tử liên ngân hàng và thanh toán song phương điện tử trong công tác chi ngân sách.
Đến thời điểm hiện tại, tại trụ sở KBNN Đà Nẵng, lượng giao dịch không dùng tiền mặt trong thu ngân sách đạt 99,81%. Đáng chú ý, hiện có 2 KBNN trực thuộc KBNN Đà Nẵng là KBNN Liên Chiểu và KBNN Ngũ Hành Sơn không còn phát sinh thu tiền mặt hàng ngày tại đơn vị.
Bên cạnh đó, KBNN Đà Nẵng cũng đang từng bước chuyển hoạt động chi NSNN bằng tiền mặt sang các ngân hàng thương mại, nơi KBNN mở tài khoản thanh toán thông qua hệ thống thanh toán song phương điện tử.
Ông Phan Quảng Thống cho biết, lợi ích to lớn của việc giảm mạnh lượng tiền mặt giao dịch qua KBNN không chỉ hạn chế tối đa lượng tiền mặt đi vào lưu thông, mà còn góp phần tinh giản bộ máy, cải cách thủ tục hành chính. Hiện nay, tại các KBNN tỉnh, thành phố đã giải thể phòng kho quỹ nên đã giảm khá lớn đội ngũ công chức làm công tác kho quỹ; đồng thời, bộ phận kho quỹ cũng được tinh gọn lại với 2 công chức tại KBNN cấp tỉnh và 1 công chức tại KBNN cấp huyện.
“KBNN Đà Nẵng đang chuẩn bị ký kết phối hợp thu và ủy nhiệm chi với 3 ngân hàng thương mại nữa để đáp ứng tốt yêu cầu thu, chi không dùng tiền mặt theo đúng Đề án thanh toán không dùng tiền mặt của KBNN đã đề ra” - Giám đốc KBNN Đà Nẵng nhấn mạnh.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 17/3: Nghiêm cấm việc “lách” vượt trần lãi suất huy động