Tin ngân hàng ngày 17/5: Yêu cầu ngân hàng kết nối hóa đơn điện tử khi mua bán vàng
Tin ngân hàng ngày 16/5: Tín dụng tại TP HCM tăng 1,31% trong 4 tháng Tin ngân hàng ngày 15/5: Agribank lên kế hoạch lãi trước thuế gần 27.000 tỷ đồng trong năm 2024 |
Yêu cầu ngân hàng kết nối hóa đơn điện tử khi mua bán vàng
Chiều 16/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp về chính sách tiền tệ, tài khóa đề ra những giải pháp phù hợp trong tình hình mới.
Ảnh minh họa |
Sau khi nghe các báo cáo về ý kiến, thảo luận của lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, Thủ tướng nhấn mạnh đến nay toàn hệ thống vẫn đang thực hiện được mục tiêu quan trọng nhất là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế...
Đáng chú ý, riêng với thị trường vàng, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh nhiệm vụ trước mắt phải thu hẹp chênh lệch giữa giá vàng miếng trong nước và quốc tế, tăng cường thanh tra, giám sát xử lý nghiêm các sai phạm.
"Các ngân hàng thương mại ngồi lại với nhau, đồng hành cùng với Ngân hàng Nhà nước. Đến ngày 15/6, ngân hàng nào không thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong mua bán vàng thì rút giấy phép", Thủ tướng chỉ đạo.
Trong bối cảnh, tác động từ bên ngoài ngày càng mạnh, Thủ tướng yêu cầu NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời hiệu quả.
Cụ thể, về chính sách tiền tệ, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu đảm bảo hài hòa, hợp lý giữa tỷ giá và lãi suất, không để tỷ giá ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, sử dụng hợp lý các công cụ thị trường.
"Trong đó, có việc bơm tiền ra - hút tiền vào. Bơm tiền ra thì giảm lãi suất cho vay phục vụ cho sản xuất kinh doanh, tăng việc làm, tạo sinh kế cho người dân. Không để tỷ giá ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát", Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cho rằng điều hành tỷ giá về tiền gửi có thể linh hoạt, dứt khoát thực hiện, tạo thuận lợi tiếp cận tín dụng, đồng thời tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay. Phấn đấu tăng tín dụng năm đến 6% ngay trong quý II.
Về chính sách tài khóa, Thủ tướng yêu cầu triệt để thực hiện tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước, tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí để thúc đẩy sản xuất kinh doanh...
Tỷ giá USD ở các ngân hàng hạ nhiệt
Ngày 16/5, Vietcombank niêm yết giá USD mua vào 25.152 đồng/USD, bán ra 25.452 đồng/USD, giảm khá mạnh 30 đồng so với hôm qua.
Eximbank niêm yết giá đồng USD mua vào 25.220 đồng/USD, bán ra 25.481 đồng/USD.
Giá USD ngân hàng đi xuống trong bối cảnh tỉ giá trung tâm sáng nay được Ngân hàng Nhà nước giảm mạnh 29 đồng/USD xuống 24.240 đồng/USD.
Dù vậy, nếu tính từ đầu năm đến nay tỉ giá vẫn tăng khá cao và sức ép tỉ giá vẫn còn không nhỏ. Bản tin thị trường vừa cập nhật của Dragon Capital cho thấy trong tháng 4, các đồng tiền của châu Á có mức sụt giảm mạnh nhất kể từ tháng 9-2023 sau tác động tiêu cực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trì hoãn việc giảm lãi suất và sự ngược chiều chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.
"Tình trạng buôn lậu vàng và đầu tư tiền mã hóa là những yếu tố trong nước gây áp lực lên tỉ giá, bên cạnh yếu tố khác như mùa cao điểm trả cổ tức, chênh lệch âm lãi suất VNĐ/USD và hoạt động đầu cơ USD…
Những yếu tố trên đã dẫn đến việc VNĐ mất giá 2,2% trong tháng 4 và 4,4% tính từ đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã có hành động can thiệp bằng cách thu hẹp chênh lệch lãi suất và triển khai các biện pháp nhằm bình ổn thị trường vàng" - TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc khối đầu tư Dragon Capital, phân tích.
Các chuyên gia của Công ty chứng khoán ACB (ACBS) cũng cho rằng một loạt động thái gần đây của Ngân hàng Nhà nước như hút bớt tiền VNĐ trên thị trường liên ngân hàng qua kênh phát hành tín phiếu; bán ngoại tệ giao ngay; đẩy nền lãi suất VNĐ trên thị trường liên ngân hàng lên mức xấp xỉ với lãi suất USD… đã hỗ trợ tỉ giá ổn định. Tính từ đầu năm đến nay, tỉ giá đã tăng gần 5%.
"Áp lực lên tỉ giá vẫn chưa hạ nhiệt nhưng không quá căng thẳng trong thời gian tới, khi chênh lệch lãi suất đã được giảm thiểu và sẽ kích thích doanh nghiệp FDI, xuất khẩu bán ra nguồn USD" - chuyên gia của ACBS nói.
Doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn xanh
Tại hội thảo về tiêu chuẩn môi trường - xã hội - quản trị (ESG), các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi xanh, chứ không còn là xu hướng hay cùm từ được dùng để marketing.
Nhưng với các doanh nghiệp, việc tiếp cận tín dụng xanh không dễ dàng, khi nhà đầu tư trong nước, ngân hàng chưa hứng thú cấp vốn cho dự án loại này.
Chủ một công ty vừa và nhỏ ví von ESG như một "buổi diễn thính phòng ở nhà hát lớn". Ông cho hay muốn tiếp cận vốn xanh, họ phải thực hiện quy trình, thủ tục phức tạp nên "không đủ kiên nhẫn đáp ứng".
"Chúng tôi lo "cơm áo gạo tiền" còn chưa xong, nên ESG rất xa vời vì đòi hỏi quá nhiều nguồn lực, chưa có cơ chế hỗ trợ, tiếp cận vốn dễ dàng", ông nói.
Cùng quan điểm, ông Đỗ Ngọc Quỳnh - Tổng thư ký Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), cho rằng các doanh nghiệp thực sự gặp khó trong huy động vốn để phát triển các dự án chuyển đổi xanh.
Theo ông Quỳnh, khó khăn nhất cho tài chính xanh ở Việt Nam là nhà chức trách chưa có danh mục phát triển xanh (green taxonomy). Các chính sách hỗ trợ về thuế, lãi suất, thủ tục hành chính... cũng chưa rõ ràng. Vì thế, hiện doanh nghiệp tiếp cận vốn xanh chủ yếu từ nhà đầu tư quốc tế, thay vì tìm nguồn lực trong nước.
"Điều này là dễ hiểu vì các tổ chức tài chính "không phải đơn vị từ thiện", họ luôn tìm kiếm lợi nhuận. Khi Chính phủ chưa có chính sách ưu đãi cụ thể, nhóm trong nước khó tham gia sâu hơn vào lĩnh vực này", ông nói.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng không dễ huy động nguồn lực cho chuyển đổi xanh qua kênh trái phiếu. Gần đây, BIDV và EVN Finance là hai đơn vị phát hành thành công trái phiếu xanh.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh nhận xét thị trường trái phiếu xanh ở Việt Nam vẫn trong giai đoạn sơ khởi. Tương tự vay vốn tín dụng, chưa có cơ chế hỗ trợ và khuyến khích là nguyên nhân chính khiến thị trường này trầm lắng.
Theo báo cáo Ngân hàng Nhà nước, giai đoạn 2017 - 2021, dư nợ cấp tín dụng cho lĩnh vực xanh có mức tăng trưởng bình quân hơn 25% mỗi năm.
Tính đến cuối năm ngoái, thị trường có 47 tổ chức tín dụng ghi nhận dư nợ tín dụng xanh, trên 620.980 tỷ đồng. Mức này tăng 24% so với năm 2022, nhưng chỉ chiếm khoảng 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Bac A Bank chào bán thêm 2.000 tỷ đồng trái phiếu
Mới đây, Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) thông báo chào bán 20 triệu trái phiếu ra công chúng với tổng giá trị 2.000 tỷ đồng, từ ngày 27/5-17/6.
Ảnh minh họa |
Trái phiếu Bac A Bank có mệnh giá 100.000 đồng, được trả lãi định kỳ 12 tháng một lần, kỳ hạn 7 năm với mã BAB201-07L, BAB201-07C; 8 năm với mã BAB201-08C. Thời gian dự kiến mua lại trái phiếu linh hoạt từ 18, 24, 36 tháng kể từ ngày phát hành, tương ứng với từng ký hiệu trái phiếu. Ngân hàng cam kết mức lãi suất cao hơn so lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng, biên độ tối đa lên tới 1,9% mỗi năm.
Trái phiếu phát hành ra công chúng đợt này tiếp tục là loại trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản bảo đảm. Sản phẩm được phân phối trực tiếp tại trụ sở chính và hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch Bac A Bank trên toàn quốc.
Theo kế hoạch trong ba năm tới, Bac A Bank dự kiến thực hiện 6 đợt phát hành trái phiếu, tổng giá trị chào bán là 9.000 tỷ đồng.
Nhà đầu tư có thể chủ động giao dịch, vay cầm cố trái phiếu với mức lãi suất cạnh tranh. Nhà băng tạo điều kiện cho khách hàng chủ động tài chính nếu phát sinh nhu cầu vốn bất chợt và thực hiện đầy đủ các quyền của chủ sở hữu trái phiếu bao gồm chuyển nhượng, cho tặng... Khách có thể tiếp cận kênh này với số vốn tối thiểu lần lượt là 50 triệu đồng và 100 triệu đồng.
Gần 30 năm xây dựng và phát triển, Bac A Bank định hướng phát triển theo hướng đa năng, hiện đại, đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ tài chính ngân hàng cho mọi thành phần kinh tế.
Việc được cấp phép phát hành và chính thức chào bán trái phiếu ra công chúng lần hai, đợt một giúp Bac A Bank cân đối thanh khoản, tăng cường bổ sung nguồn vốn trung - dài hạn. Điều này cũng thể hiện sức khỏe tài chính, đáp ứng các chỉ tiêu về an toàn vốn và quản trị rủi ro Ngân hàng Nhà nước đề ra.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 17/5: Yêu cầu ngân hàng kết nối hóa đơn điện tử khi mua bán vàng