Tin ngân hàng ngày 19/6: Yêu cầu NHNN làm việc với các ngân hàng để hạ lãi suất cho vay
Tin ngân hàng ngày 18/6: Chỉ bán vàng khi đăng ký mua trực tuyến Tin ngân hàng ngày 17/6: Tuần qua, giá USD tăng mạnh |
Yêu cầu NHNN làm việc với các ngân hàng để hạ lãi suất cho vay
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ảnh minh họa |
Trong đó, Chính phủ đặt mục tiêu tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Điều hành hài hòa, hiệu quả, cân bằng hợp lý giữa tăng trưởng và kiểm soát lạm phát; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP đạt cận trên chỉ tiêu Quốc hội giao (6 - 6,5%), kiểm soát tốc độ tăng CPI đạt cận dưới chỉ tiêu Quốc hội giao (4 - 4,5%).
Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả và các chính sách khác; tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp.
Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép theo Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Quốc hội.
Để đạt được các mục tiêu trên, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sử dụng hiệu quả các công cụ điều hành để điều tiết tỷ giá, lãi suất phù hợp với diễn biến tình hình kinh tế vĩ mô và mục tiêu đề ra, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm soát rủi ro nợ xấu, triển khai hiệu quả các biện pháp xử lý nợ xấu, nâng cao chất lượng tín dụng.
Làm việc ngay với các tổ chức tín dụng, nhất là các ngân hàng thương mại nhà nước để tiếp tục chỉ đạo tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để tiếp tục giảm lãi suất cho vay; thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tập trung cho các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, các động lực tăng trưởng kinh tế, ưu tiên hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, nhất là cho nhà ở xã hội, tăng trưởng xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn…
Đồng thời, Chính phủ cũng yêu cầu NHNN tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; bám sát diễn biến thị trường để điều hành lượng tiền cung ứng, tín dụng, lãi suất, tỷ giá đồng bộ, hài hòa, linh hoạt, hợp lý, hiệu quả theo mục tiêu chung, bảo đảm cung ứng đủ vốn tín dụng cho nền kinh tế.
Khách đăng ký mua vàng online qua Agribank tăng đột biến
Chiều ngày 18/6, bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng Giám đốc Agribank, cho biết trong ngày thứ 2 triển khai phương án cho khách đăng ký mua vàng online, ngân hàng này tiếp tục ghi nhận những con số bất ngờ.
Theo đó, nếu ngày đầu tiên có thời điểm hệ thống ghi nhận cùng lúc khoảng hơn 50.000 lượt khách hàng truy cập thì con số này đã tăng lên mức 140.000 lượt trong ngày 18/6.
"Ngay trong vài phút đầu tiên mở hệ thống website cho khách hàng đăng ký mua vàng miếng SJC, có tới 140.000 lệnh đặt diễn ra đồng thời. Hệ thống vẫn xử lý tốt và không có hiện tượng tắc nghẽn" - bà Phượng thông tin.
Dù lượng vàng miếng SJC giao dịch thực tế không được các ngân hàng thương mại quốc doanh công bố vì phải phù hợp với năng lực phục vụ tại từng chi nhánh, phòng giao dịch trong ngày nhưng con số đăng ký online tăng đột biến cho thấy nhu cầu của khách hàng là không nhỏ.
Do hệ thống đăng ký giao dịch trực tuyến của Agribank cho phép số lượng lớn khách hàng có thể cùng lúc đăng ký nên chỉ trong thời gian rất ngắn, ngân hàng đã nhận đủ lượng đăng ký.
Theo lãnh đạo Agribank, việc các ngân hàng triển khai đăng ký mua vàng miếng trực tuyến được xem là giải pháp mang lại sự ổn định cho hoạt động của ngân hàng, tránh tình trạng xếp hàng kéo dài ở các chi nhánh, phòng giao dịch.
Hiện cả 4 ngân hàng thương mại quốc doanh gồm Agribank, Vietcombank, BIDV và VietinBank đều triển khai đăng ký mua vàng miếng online.
Theo thông báo mới nhất của VietinBank, nhằm hỗ trợ khách hàng có nhu cầu mua vàng miếng SJC thuận tiện và nhanh chóng, từ sáng nay (19/6), ngân hàng sẽ triển khai nhận đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến trên website của VietinBank và ngừng phát số đăng ký trực tiếp tại các điểm bán.
Sau khi đăng ký thành công, nhận kết quả đăng ký dịch vụ là mã QR và lịch hẹn giao dịch mua vàng miếng SJC qua email, khách hàng đến địa điểm mua vàng theo lịch hẹn, mang theo CCCD bản chính và 2 bản photo, mã QR để thực hiện các thủ tục mua vàng.
"Việc thực hiện đăng ký mua vàng miếng SJC trực tuyến sẽ giúp khách hàng không phải xếp hàng chờ đợi lấy số tại các điểm bán. Các thông tin giao dịch của khách hàng được VietinBank bảo mật toàn bộ và chỉ sử dụng thông tin này cho giao dịch mua vàng miếng SJC" - thông báo của ngân hàng khẳng định.
SBJ ra mắt đồng tiền vàng khắc hình địa danh Việt Nam
Công ty vàng bạc đá quý Sacombank - SBJ vừa ra mắt sản phẩm đồng tiền vàng mang hình ảnh các địa danh nổi tiếng của Việt Nam. Điểm đặc biệt của sản phẩm này là được chế tác tinh xảo với thiết kế sang trọng từ vàng nguyên chất 999.9 (24K) có trọng lượng từ 0,1 chỉ (tức 1 phân vàng) trở lên, đảm bảo độ tinh khiết và giá trị cao.
Thông qua đồng tiền vàng, Sacombank - SBJ mong muốn cung ứng ra thị trường thêm một loại hình quà tặng cao cấp, vật lưu niệm ý nghĩa, vừa mang giá trị vật chất, vừa góp phần lan tỏa các nét đẹp giá trị văn hóa từng vùng miền của đất nước.
Sacombank - SBJ là một trong những thương hiệu vàng bạc đá quý hàng đầu tại Việt Nam với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chế tác và kinh doanh vàng bạc đá quý, phục vụ cho thị trường trong và ngoài nước. Công ty chuyên cung cấp các giải pháp trọn gói về quà lưu niệm (như tranh 3D dát vàng 24K, sản phẩm mỹ nghệ kim loại quý...), vàng ép vỉ, trang sức... theo yêu cầu từ khâu ý tưởng, thiết kế, đến sản xuất, phân phối. Đơn vị có nhiều hoạt động nhằm mang đến cho khách hàng những sản phẩm chất lượng cao, mang đậm giá trị văn hóa và nghệ thuật.
Nửa đầu tháng 6, trái phiếu bất động sản hoàn toàn "vắng bóng"
Báo cáo của Hiệp hội Thị trường trái phiếu cho thấy, trong nửa đầu tháng 6/2024 (tính đến 14/6) có 13 đợt phát hành trái phiếu với tổng giá trị đạt 19.117 tỷ đồng. Trong đó, có 10 đợt phát hành thuộc nhóm 5 ngân hàng (ACB, Shinhan Việt Nam, MSB, Bac A Bank, HDBank) và 3 đợt phát hành thuộc lĩnh vực tài chính (Công ty cổ phần Tập đoàn đầu tư I.P.A, Home Credit Việt Nam).
Ảnh minh họa |
Nửa đầu tháng 6/2024, trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) bất động sản hoàn toàn vắng bóng. Tỷ trọng TPDN ngân hàng từ đầu năm đến nay đang chiếm áp đảo. Cụ thể, từ đầu năm đến nay, trái phiếu ngân hàng chiếm 57,4% tổng giá trị phát hành, trái phiếu bất động sản chỉ còn chiếm gần 31% giá trị phát hành, còn lại là trái phiếu lĩnh vực khác.
Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị phát hành TPDN được ghi nhận là 92.176 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành ra công chúng, trị giá 9.378 tỷ đồng (chiếm 10,2% tổng giá trị phát hành) và 85 đợt phát hành riêng lẻ, trị giá 82.799 tỷ đồng (chiếm 89,8%).
Trong nửa đầu tháng 6/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 5.150 tỷ đồng trái phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, tổng giá trị trái phiếu đã được mua lại trước hạn đạt 56.678 tỷ đồng, giảm 40,2% so với cùng kỳ năm 2023. Ngân hàng là nhóm ngành dẫn đầu, chiếm khoảng 57,1% tổng giá trị mua lại trước hạn (tương ứng khoảng 32.336 tỷ đồng).
Hiện các doanh nghiệp bất động sản vẫn phải đối mặt với áp lực đáo hạn trái phiếu lớn. Trong phần còn lại của năm 2024, tổng giá trị trái phiếu sẽ đến hạn là 158.533 tỷ đồng, 42,6% giá trị trái phiếu sắp đáo hạn thuộc nhóm bất động sản với khoảng 67.490 tỷ đồng, theo sau là nhóm ngân hàng với gần 29.298 tỷ đồng (chiếm 18,5%).
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 19/6: Yêu cầu NHNN làm việc với các ngân hàng để hạ lãi suất cho vay