Tin ngân hàng ngày 2/10: Sau 3 năm, tăng trưởng huy động vốn cao hơn tín dụng
Tin ngân hàng tuần qua: Phát hành gần 94.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu Tin ngân hàng ngày 30/9: NHNN tăng cường giám sát rủi ro tín dụng |
Sau 3 năm tăng trưởng huy động vốn cao hơn tín dụng
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, tính đến thời điểm 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022. Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8%, trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73%.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Đáng chú ý đây là lần đầu tiên sau 3 năm, hệ thống ngân hàng mới chứng kiến lại hiện tượng tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Cụ thể, năm 2022, huy động vốn trong 9 tháng chỉ tăng 4,6% trong khi tín dụng tăng 11,05%. Năm 2021: huy động vốn 9 tháng tăng 5,2% trong khi tín dụng tăng 7,88%.
Tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm cũng còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu được đặt ra cả năm: NHNN định hướng tín dụng năm 2023 tăng khoảng 14%. Điều này đã dẫn đến thanh khoản dư thừa lớn trên toàn hệ thống. Trong báo cáo phân tích gần đây, công ty chứng khoán BSC cho biết, số dư Citad tại hệ thống đã lên gần 400.000 tỷ đồng, trong khi dự trữ bắt buộc chỉ ở mức khoảng 280.000 tỷ đồng. Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng cũng duy trì ở mức rất thấp dưới 1% trong thời gian dài.
Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp, trên địa bàn thành phố Hà Nội diễn ra vào tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, đến ngày 15/9/2023, tín dụng toàn nền kinh tế đạt gần 12,6 triệu tỷ đồng, tăng 5,56%. Mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản. Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.
Tín dụng bất động sản chiếm 21,7% tổng dư nợ nền kinh tế
Tại báo cáo gửi Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước (NHNN)NH, cho biết đã và đang thực hiện nhiều giải pháp giám sát, đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng đối với việc đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro.
Tín dụng bất động sản hiện chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ nền kinh tế ở Việt Nam, đạt khoảng 21,73%. Trong khi đó, đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp chiếm tỷ lệ thấp hơn, chỉ 1,67%, thấp hơn so với cuối năm 2022 (2%). Tình hình này đang được theo dõi và quản lý cẩn thận bởi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để đảm bảo sự ổn định và an toàn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng.
NHNN đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn trong việc đầu tư vào các lĩnh vực có rủi ro. Đến cuối tháng 5/2023, hệ thống ngân hàng có 40 tổ chức tín dụng đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp với tổng số dư là 205,4 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7% so với cuối năm 2022. Tỷ trọng này chiếm 1,67% tổng dư nợ tín dụng, thấp hơn so với cuối năm 2022.
Tính đến cuối tháng 7/2023, tín dụng đối với lĩnh vực chứng khoán chiếm 0,55% tổng dư nợ nền kinh tế, tăng 62% so với cuối năm 2022. Đặc biệt, dư nợ tập trung vào các loại chứng khoán ít rủi ro, chủ yếu là trái phiếu Chính phủ, chiếm 82,7% tổng dư nợ chứng khoán và tăng 72,7% so với cuối năm 2022.
NHNN cũng thường xuyên tiến hành giám sát các đơn vị trong hệ thống và đưa ra các báo cáo giám sát an toàn vĩ mô, vi mô định kỳ đối với các đối tượng và nhóm đối tượng giám sát. Các biện pháp bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng cũng bao gồm việc kiểm tra tốc độ tăng trưởng dư nợ và chất lượng tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao như bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng, và đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp.
NHNN cũng tăng cường công tác thanh tra và kiểm tra để đảm bảo rằng việc cấp tín dụng và sử dụng vốn được thực hiện theo quy định, đặc biệt là việc tập trung quá lớn tín dụng vào một số khách hàng, nhóm khách hàng lớn, và các doanh nghiệp có nguy cơ rủi ro lớn.
Sắp siết quản lý hoạt động kinh doanh vàng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ sửa Nghị định 24 về điều kiện kinh doanh vàng trong thời gian tới.
Ngân hàng Nhà nước vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình triển khai thực hiện Nghị định 24 (năm 2012) về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Theo Ngân hàng Nhà nước, sau hơn 10 năm thực hiện mà đã tạo ra tình trạng không có sự liên kết với thị trường vàng thế giới. Cơ quan này đã tiến hành kiểm tra và thanh tra các hoạt động kinh doanh vàng trên toàn quốc để chấn chỉnh và xử lý vi phạm theo quyền hạn.
Trong đợt kiểm tra, các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh vàng đã được kiểm tra và yêu cầu khắc phục vi phạm. Tháng 7/2022, Ngân hàng Nhà nước đã mở rộng phạm vi kiểm tra đến các tỉnh và thành phố và đã tổ chức cuộc họp liên ngành để đánh giá tình hình thị trường vàng và chênh lệch giá vàng thế giới với giá vàng miếng SJC trong nước.
Các cuộc họp đã thống nhất về việc sửa đổi Nghị định 24 để đảm bảo mục tiêu chống vàng hóa và ổn định thị trường tiền tệ và ngoại hối. Ngân hàng Nhà nước đã tiến hành thu thập ý kiến từ các bên liên quan và hiệp hội kinh doanh vàng Việt Nam và sẽ tiếp tục phối hợp để đề xuất các chính sách quản lý vàng phù hợp trong tương lai.
Một chuyên gia từ Hiệp hội Kinh doanh vàng đã đề xuất rằng cần tăng nguồn cung vàng trên thị trường để đảm bảo giá vàng trong nước gần giống với thế giới và tránh tình trạng vàng lậu. Ông này cũng đề xuất hủy bỏ quy định Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng SJC để bảo vệ quyền lợi của người mua vàng.
Sacombank ước lãi 6.175 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2023
Theo cập nhật mới nhất của Sacombank (STB) về kết quả kinh doanh, trong 8 tháng đầu năm 2023, tổng tài sản của Sacombank tiếp tục được mở rộng và giữ vững vị thế về quy mô, đạt hơn 635 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm. Chất lượng tài sản cải thiện mạnh mẽ với tài sản có sinh lời tăng 9,4%, chiếm tỷ trọng 91% trong tổng tài sản; hiệu suất sinh lời cũng gia tăng đáng kể, ROA - ROE lần lượt đạt 1,21% và 18,13%, tăng 0,3% và 4,3% so với năm trước.
Sacombank ước lãi 6.175 tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm 2023/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Ngoài ra, Sacombank cũng tăng cường kiểm soát chất lượng tài sản có rủi ro, thường xuyên rà soát, đánh giá danh mục rủi ro trọng yếu, khẩu vị rủi ro và kiểm tra sức chịu đựng nhằm đánh giá một cách toàn diện khả năng đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong các trường hợp căng thẳng nhất, từ đó có kế hoạch vốn và phân bổ vốn phù hợp.
Vốn chủ sở hữu tính đến 31/8/2023 của Sacombank đạt hơn 43 ngàn tỷ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu tăng từ lợi nhuận chưa phân phối. Trong đó, vốn điều lệ là 18.852 tỷ đồng, chiếm 43,7% vốn chủ sở hữu.
Cơ cấu vốn huy động đảm bảo an toàn thanh khoản, tổng huy động của Ngân hàng tại cùng thời điểm đạt gần 558 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 7% so với đầu năm, trong đó, huy động từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng hơn 11%, chiếm 4,2% thị phần toàn ngành.
Song song đó, Sacombank tích cực đẩy mạnh các hoạt động phi tín dụng để đa dạng hóa nguồn thu, đặc biệt là ngân hàng số, dịch vụ ngoại hối giúp tổng thu nhập gia tăng trưởng cao so cùng kỳ năm trước. Tổng thu nhập thuần của Sacombank trong 8 tháng đầu năm 2023 đạt gần 17.500 tỷ đồng, tăng 9,3%. Chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 6.175 tỷ đồng, tăng 56% so với cùng kỳ năm trước, đạt 65% kế hoạch ĐHĐCĐ giao.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 2/10: Sau 3 năm, tăng trưởng huy động vốn cao hơn tín dụng