Tin ngân hàng tuần qua: Phát hành gần 94.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu
Tin ngân hàng ngày 30/9: NHNN tăng cường giám sát rủi ro tín dụng Tin ngân hàng ngày 29/9: Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% |
NHNN phát hành gần 94.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu
Từ ngày 21/9 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mở lại nghiệp vụ trên thị trường mở, liên tục thực hiện phát hành tín phiếu. Trong đó, các phiên 21-28/9 ghi nhận giá trị phát hành 10.000 - 20.000 tỷ đồng/phiên. Riêng phiên 29/9, khối lượng giảm mạnh chỉ còn 3.800 tỷ đồng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tính chung trong 7 phiên, NHNN đã phát hành tín phiếu với tổng quy mô gần 93.800 tỷ đồng, qua đó hút về số tiền tương ứng khỏi thị trường. Các đợt tín phiếu này đều có kỳ hạn 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất.
Với kỳ hạn trên, số tín phiếu được phát hành sẽ đáo hạn từ ngày 19/10 - 27/10, theo đó lượng tiền đồng đã được hút về cũng sẽ quay trở lại thị trường chỉ trong 2-3 tuần tới.
Hồi đầu năm nay, giai đoạn tháng 2 - tháng 3, NHNN cũng liên tục phát hành tín phiếu nhưng với kỳ hạn dài hơn so với giai đoạn hiện nay, lên tới 91 ngày.
Theo Công ty chứng khoán BSC, động thái phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước diễn ra trong bối cảnh thanh khoản hệ thống dư thừa. Số dư Citad đã lên gần 400.000 tỷ đồng, trong khi dự trữ bắt buộc chỉ ở mức khoảng 280.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi suất tiền đồng trên liên ngân hàng từ tháng 7/2023 đã liên tục duy trì ở mức thấp dưới 1%/năm.
Việc NHNN bắt đầu phát hành tín phiếu trở lại từ ngày 21/9 chủ yếu hướng đến mục tiêu điều tiết tỷ giá trong khi vẫn duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng trong năm 2023. Chỉ số DXY Index, đại diện cho sức mạnh của đồng USD đi lên do thị trường lo ngại Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất, là nguyên nhân khiến tỷ giá USD tăng mạnh từ cuối tháng 6 đến nay.
Theo BSC, thông qua việc phát hành tín phiếu, NHNN có thể điều tiết thanh khoản hệ thống đang dư thừa và TCTD chưa dùng đến. Bên cạnh đó có thể hạn chế hiện tượng đầu cơ ngoại tệ.
Khẩn trương thực hiện các giải pháp xử lý những tổ chức tín dụng yếu kém
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng.
Theo đó, NHNN cho biết, đối với các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt, các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém, năm 2022, NHNN triển khai các giải pháp xử lý theo chỉ đạo của các cấp có thẩm quyền. Theo đó, NHNN đã báo cáo các cấp có thẩm quyền phương án cơ cấu lại các ngân hàng được kiểm soát đặc biệt và phương án xử lý cụ thể đối với từng ngân hàng.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc của 2 ngân hàng mua bắt buộc. Hiện NHNN đang chỉ đạo các bên liên quan thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định tại Luật các TCTD (đã sửa đổi, bổ sung) để trình Chính phủ phê duyệt phương án chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng này và hoàn thiện phương án, trình Chính phủ quyết định chủ trương chuyển giao bắt buộc đối với ngân hàng mua bắt buộc còn lại
Eximbank ra mắt chương trình ưu đãi mới tới hết năm 2023
"Doanh nghiệp xuất nhập khẩu được miễn giảm gần 20 loại phí tại Eximbank như phí dịch vụ, phí liên quan đến thư tín, chuyển tiền quốc tế đến hết 31/12/2023.
Đây là khuyến mãi trong chương trình "Ưu đãi toàn diện cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu" được Eximbank thực hiện từ nay đến hết năm 2023. Cụ thể, công ty xuất nhập khẩu sử dụng dịch vụ chuyển tiền quốc tế tại Eximbank được miễn giảm gần 20 loại phí như phí dịch vụ qua kênh online (chuyển tiền, thanh toán thuế, chi lương…), các phí liên quan thư tín dụng (L/C), thanh toán L/C, nhờ thu và chuyển tiền quốc tế.
Ngoài ưu đãi dịch vụ, Eximbank cũng giải ngân gói 100 triệu USD với lãi suất cho vay giảm đến 1,5% một năm cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, ngân hàng cũng dành riêng chương trình đặc biệt đối với nhóm doanh nghiệp ngành nông sản để cùng chia sẻ gánh nặng tài chính, giúp doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh sản xuất kinh doanh trong các tháng cuối năm.
Theo đại diện nhà băng, với mục tiêu khách hàng là trọng tâm, Eximbank liên tục cải tiến dịch vụ ngân hàng số dành cho doanh nghiệp với nhiều tiện ích ứng dụng Mobile Banking Eximbank EBiz. Eximbank EBiz cung cấp đến khách hàng các dịch vụ và tiện ích gồm: chuyển tiền, nộp tiền chứng khoán; chuyển tiền QRcode, chi lương, chuyển tiền theo lô; thanh toán hóa đơn; tiền gửi online; nộp ngân sách…
Khách hàng còn có thể thực hiện tất cả các giao dịch thanh toán quốc tế gồm chuyển tiền, phát hành L/C, mua bán ngoại tệ trên kênh online với tốc độ xử lý nhanh chóng, tiện lợi, đảm bảo an toàn bảo mật cao.
Nhiều chuyên gia đánh giá, kinh tế trong nước chưa thể tăng trưởng bứt phá trong những tháng cuối năm nhưng triển vọng quý III, IV sẽ tốt hơn nhờ tăng trưởng của xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư công. Do đó, ưu đãi của Eximbank giúp doanh nghiệp xuất nhập khẩu tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa lợi nhuận trong những tháng cuối năm.
Khó khăn xử lý nợ xấu ngân hàng
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã nỗ lực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát tín dụng và xử lý nợ xấu từ năm 2012 đến nay. Đến cuối tháng 5, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được tổng cộng 1.641,8 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, các ngân hàng tự xử lý chiếm 74,5% tỷ lệ này, còn lại là bán nợ cho các tổ chức khác.
Trong 5 tháng đầu năm, hệ thống đã xử lý được 75 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài việc xử lý nợ xấu nội bảng, kết quả xử lý nợ xấu xác định theo Nghị quyết 42 cũng được đánh giá tích cực.
Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu vẫn gặp nhiều khó khăn. Khách hàng gặp tác động bất lợi từ môi trường kinh doanh và khả năng trả nợ giảm. Không chỉ vậy, khung pháp lý liên quan đến cơ cấu lại ngân hàng và xử lý nợ xấu vẫn chưa hoàn thiện, và thiếu các cơ chế khuyến khích nhà đầu tư tham gia xử lý tài sản bảo đảm và mua bán nợ xấu. Thị trường bất động sản cũng gặp khó khăn với thanh khoản thấp, làm cho việc xử lý tài sản bảo đảm trở nên khó khăn hơn.
Tỷ lệ nợ xấu nội bảng đang tăng lên, đạt 3,65% cuối tháng 5, cao hơn so với cuối năm 2022 và cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ bán VAMC chưa xử lý và nợ tiềm ẩn của hệ thống các tổ chức tín dụng là 5,46% so với tổng dư nợ.
Công ty chứng khoán Rồng Việt (VDSC) tính toán từ 27 ngân hàng niêm yết cho biết tỷ lệ nợ xấu trung bình đã tăng đáng kể trong quý I năm nay, với mức tăng đáng lưu ý đến từ nợ nhóm 3. Trong quý II, tốc độ tăng của tỷ lệ nợ xấu đã chậm lại, nhưng vẫn tiếp tục tăng, đặc biệt là nợ nhóm 4.
Dự kiến áp lực nợ xấu có thể giảm trong giai đoạn cuối năm nhờ hiệu ứng của chính sách, như việc áp dụng Thông tư 02 sẽ giúp hỗ trợ khả năng làm mềm xu hướng tăng tỷ lệ nợ xấu và giảm áp lực trích lập dự phòng trong vài quý tiếp theo.
BSC: Ngân hàng Nhà nước đã mua hơn 6 tỷ USD từ đầu năm
Theo báo cáo phân tích của Công ty chứng khoán BSC, chính sách tiền tệ của Việt Nam đang đối mặt với áp lực từ tỷ giá và lạm phát. Tình hình tỷ giá đang bị áp lực bởi sự mạnh mẽ của đồng USD trên thị trường thế giới, do Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm 2023.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
“Chênh lệch lãi suất USD và VND đang rất lớn, tạo áp lực dòng vốn rút ra khỏi thị trường Việt Nam”, BSC cho biết trong báo cáo phân tích. Thực tế, khối ngoại đã duy trì vị thế bán ròng kể từ tháng 4/2023. Tuy nhiên, tỷ giá sẽ không phải một vấn đề lớn trong năm nay khi mà Ngân hàng Nhà nước có dư địa để điều hành tỷ giá nhờ cán cân thương mại ngày càng thặng dư và có xu hướng tăng khi tăng trưởng nhập khẩu giảm mạnh hơn tăng trưởng xuất khẩu (trong 8 tháng đầu năm, cán cân thương mại đạt 20,9 tỷ USD).
Thêm vào đó, lượng kiều hối chảy vào Việt Nam được ghi nhận vẫn ở mức ổn định, dòng vốn FDI đang có xu hướng quay trở lại tích cực trong 1,2 tháng trở lại đây. Tính đến tháng 7, lũy kế vốn FDI thực hiện tăng 1,28% so với cùng kỳ sau khi tăng trưởng âm suốt lũy kế 6 tháng đầu năm. Bên cạnh đó, vốn FDI đăng ký cũng ngày càng thu hẹp đà giảm so với cùng kỳ.
Ngoài áp lực tỷ giá, Việt Nam cũng đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng trở lại từ tháng 7, chủ yếu do giá xăng dầu và lương thực. Tuy nhiên, lạm phát vẫn còn trong khả năng kiểm soát và đang trên đà giảm.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đã phát biểu rằng NHNN sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng và có thể mạnh mẽ hơn để ưu tiên tăng trưởng kinh tế trong năm nay.
Nguồn:Tin ngân hàng tuần qua: Phát hành gần 94.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu