Tin ngân hàng ngày 23/11: MB tiên phong trong công cuộc phát triển tài chính xanh
Tin ngân hàng ngày 22/11: Điều chỉnh lãi suất đột ngột gây bất lợi cho nền kinh tế Tin ngân hàng ngày 21/11: Nhiều lãnh đạo SeABank đăng ký bán tổng 22 triệu cổ phiếu |
MB tiên phong trong công cuộc phát triển tài chính xanh
Hưởng ứng Quyết định số 1604/QĐ-NHNN ngày 7/8/2018 phê duyệt đề án phát triển ngân hàng xanh tại Việt Nam của Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) đã triển khai "Chương trình hành động trọng tâm 2023" với mục tiêu cụ thể và toàn diện.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Tại diễn đàn "Khơi nguồn Tài chính xanh và Quản trị xanh" thường niên lần thứ 6 (AF6), C.E.O Phạm Như Ánh của MB đã chi tiết hóa các phần của khung quản trị rủi ro MT & Tiêu chí tín dụng xanh của MB cho các ngành hàng như Năng lượng xanh, Nông lâm nghiệp xanh, Công nghiệp xanh. Đơn cử như để tiếp cận được nguồn tín dụng xanh, doanh nghiệp có thể cam kết kiểm đếm được lượng phát thải, công nghệ giảm tới 20% phát thải hay doanh nghiệp đang có lượng phát thải ít hơn 20% so với thị trường…
Điểm đáng chú ý trong chiến lược của MB là việc 90% vốn tài trợ được hướng tới các dự án năng lượng tái tạo và năng lượng sạch. Trong thời gian tới, MB đặt mục tiêu mở rộng sự hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp, đặc biệt là những doanh nghiệp đang trong quá trình "chuyển đổi xanh". Điều này bao gồm việc tài trợ cho các dự án nhằm tiết giảm năng lượng và nâng cao công suất, nỗ lực hỗ trợ sự chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam sang một hướng thân thiện hơn với môi trường.
Trước một số doanh nghiệp lo ngại về giai đoạn này thị trường đang gặp khó khăn, bản thân doanh nghiệp cũng gặp nhiều thách thức, thời điểm này chưa phải là thích hợp để chuyển đổi xanh, C.E.O Phạm Như Ánh đã chia sẻ: "Thị trường khó khăn là giai đoạn thích hợp nhất để doanh nghiệp quay ngược vào bên trong, thay đổi cơ cấu và thay đổi quy trình, tập trung cho chuyển đổi, để bắt kịp xu thế và xu thế này là tất yếu lâu dài". Ngoài ra, ông cũng cho biết thêm, chuyển đổi xanh là xu thế bắt buộc bởi người tiêu dùng ngày càng có xu hướng tiêu dùng các sản phẩm xanh, nếu doanh nghiệp không theo kịp nhu cầu của người dùng sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh.
Các doanh nghiệp đi theo xu hướng xanh cũng ngày một nhiều. Theo báo cáo tài chính của MB cho thấy, tỷ trọng dư nợ xanh từ giai đoạn 2020 đến 2023 đã tăng 3,8 lần, một bước tiến đáng kể trong việc hỗ trợ phát triển bền vững. Đến ngày 30/9/2023, quy mô dư nợ xanh của MB đạt 55 nghìn tỷ đồng, với 3,759 khách hàng, chiếm 11% tổng dư nợ của ngân hàng. Đáng chú ý, tỷ lệ nợ xấu chỉ ở mức 0.8%, một con số ấn tượng so với mức an toàn là 3%. Những số liệu này không chỉ phản ánh sự thành công của MB trong việc triển khai chiến lược tài chính xanh mà còn chứng minh rằng việc đầu tư vào các lĩnh vực bền vững có thể mang lại lợi ích kinh tế đáng kể.
Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm mới nhiều lãnh đạo cấp cao
Ngày 22/11, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội nghị công bố các Quyết định của Thống đốc NHNN bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước (Cục QLDTNHNN) và Sở giao dịch.
Tại hội nghị, ông Trần Anh Tuấn - Ủy viên Ban Cán sự Đảng, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ - công bố các quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước.
Cụ thể, Quyết định số 2055 ngày 2/11/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều động, bổ nhiệm ông Nguyễn Vân Anh - Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước, giữ chức Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Thời hạn giữ chức vụ của ông Nguyễn Vân Anh là 5 năm kể từ ngày được điều động, bổ nhiệm.
Quyết định số 2058 ngày 2/11/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều động, bổ nhiệm bà Dương Thị Thanh Bình - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, giữ chức Giám đốc Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Thời hạn giữ chức vụ của bà Dương Thị Thanh Bình là 5 năm kể từ ngày được điều động, bổ nhiệm.
Quyết định số 2056 ngày 2/11/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều động, bổ nhiệm bà Lữ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Phòng Nghiệp vụ quan hệ đại lý thuộc Sở Giao dịch - giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Thời hạn giữ chức vụ của bà Lữ Thị Thu Hiền là 5 năm kể từ ngày được điều động, bổ nhiệm.
Quyết định số 2057 ngày 2/11/2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước điều động, bổ nhiệm bà Trịnh Thị Hồng Lê - Trưởng phòng Phòng Kinh doanh ngoại hối thuộc Sở Giao dịch - giữ chức Phó Cục trưởng Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước. Thời hạn giữ chức vụ của bà Trịnh Thị Hồng Lê là 5 năm kể từ ngày được điều động, bổ nhiệm.
Các Quyết định trên của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước bổ nhiệm nhân sự lãnh đạo Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước và Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực kể từ ngày 27/11/2023.
Phát biểu giao nhiệm vụ cho các cán bộ được điều động và bổ nhiệm, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng yêu cầu Vụ Quản lý ngoại hối, Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước và Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước phối hợp, thực hiện tốt việc bàn giao cán bộ, hồ sơ tài liệu và các công việc liên quan về Cục Quản lý dự trữ ngoại hối nhà nước bảo đảm chặt chẽ, chính xác. Đồng thời, các đơn vị trên phối hợp xử lý công việc thông suốt, kịp thời, bảo đảm an toàn hoạt động của Ngân hàng Nhà nước.
VPBank thêm Garmin Pay vào hệ sinh thái thanh toán một chạm
Ngày 22/11, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) chính thức ra mắt hình thức thanh toán một chạm Garmin Pay trên các thiết bị đồng hồ thông minh của Garmin. Đây là ngân hàng tiên phong tại Việt Nam triển khai hình thức thanh toán này, giúp gia tăng độ phủ của VPBank trong hệ sinh thái thanh toán Tap & Pay.
Thanh toán không tiếp xúc đã trở thành xu thế giao dịch phổ biến và tiện lợi. Công nghệ này cho phép người tiêu dùng thực hiện việc trả tiền nhanh chóng và an toàn chỉ bằng một lần chạm và vài thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh hoặc các thiết bị khác như đồng hồ đeo tay, máy tính bảng, loại bỏ nhu cầu tiếp xúc trực tiếp, chữ ký hoặc nhập mã PIN.
Garmin Pay là nền tảng thanh toán không tiếp xúc bằng đồng hồ thông minh Garmin, hướng tới những khách hàng đam mê dịch chuyển, thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời hay thể chất trong nhà. Phương thức thanh toán này được lập trình để người dùng có thể dễ dàng kết nối thanh toán chỉ với một chạm. Dù là cửa hàng tiện lợi, quán cà phê, hay trung tâm thương mại, tất cả giao dịch đều trở nên dễ dàng, nhanh chóng và bảo mật thông qua chiếc đồng hồ nhỏ gọn trên tay. Hệ thống thanh toán này đã được đón nhận ở 94 quốc gia trên thế giới. Và giờ đây, Garmin Pay đã có mặt trên mạng lưới thanh toán tại Việt Nam thông qua việc hợp tác với VPBank.
Với việc bổ sung thêm giải pháp thanh toán Garmin Pay vào hệ sinh thái thanh toán một chạm, VPBank trở thành ngân hàng tiên phong tại Việt Nam cung cấp toàn diện và trọn bộ giải pháp ví thanh toán Tap & Pay không giới hạn trên hệ điều hành Android hay IOS (gồm Apple Pay, Samsung Pay, Google Pay, VP Pay và Garmin Pay), mang lại những trải nghiệm thanh toán tiện lợi nhất cho khách hàng.
Trong thời gian ra mắt, VPBank cũng triển khai nhiều chương trình ưu đãi cho khách hàng. Cụ thể, từ nay đến 29/02/2024, VPBank sẽ hoàn 50% giá trị giao dịch (tối đa 100.000 đồng) tại các đối tác có liên kết với ngân hàng (cửa hàng tiện lợi, ăn uống, mua sắm, siêu thị…) khi thanh toán bằng thẻ tín dụng VPBank Mastercard & Visa qua Garmin Pay.
Khách hàng cũng sẽ được hoàn tiền 500.000 đồng khi mua đồng hồ thông minh Garmin có giá trị hóa đơn từ 10 triệu đồng và thanh toán bằng thẻ tín dụng VPBank Mastercard & Visa tại các cửa hàng thương hiệu Garmin ở Hà Nội, Nghệ An, Đà Nẵng, TP HCM, và chuỗi bán lẻ Thegioididong, FPT Shop, Hoàng Hà Mobile… Thời gian áp dụng từ nay đến 31/01/2024.
HDBank nhận giải thưởng về quản trị doanh nghiệp
Ngày 21/11, HDBank nhận giải "Hội đồng quản trị của năm" từ Viện thành viên Hội đồng Quản trị Việt Nam (VIOD).
Ảnh minh họa//https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đại diện ban tổ chức, để đạt được giải thưởng, HDBank đã chuẩn mực tiên tiến về quản trị doanh nghiệp, công khai minh bạch trong hoạt động kinh doanh theo thông lệ quốc tế.
Cụ thể, từ năm 2021, ngân hàng triển khai quốc tế hóa hoạt động quản trị thông qua việc bổ nhiệm ông Kim Byoungho giữ vị trí Chủ tịch HĐQT. Ông Kim là người có nhiều năm kinh nghiệm quản trị và điều hành, từng làm việc tại định chế tài chính tên tuổi.
Ngoài ông Kim, HĐQT gồm 7 thành viên là những chuyên gia ngân hàng tài chính trong nước và quốc tế có nhiều kinh nghiệm, tâm huyết với chiến lược phát triển bền vững của ngân hàng.
"HĐQT hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích cao nhất cho nhà đầu tư, đối tác, khách hàng, cán bộ nhân viên và cộng đồng xã hội", đại diện lãnh đạo HDBank nói.
Cơ cấu nhân sự ổn định tạo nền tảng tăng trưởng về kết quả kinh doanh. 9 tháng đầu năm, lợi nhuận HDBank đạt 8.632 tỷ đồng, tăng 7,7% so với cùng kỳ. Huy động và dư nợ tăng trưởng cao trong khi nợ xấu thấp.
Theo đại diện của nhà băng, nhằm tăng hiệu quả hoạt động, ngân hàng triển khai các gói tín dụng quy mô hàng chục nghìn tỷ đồng dành cho người dân và doanh nghiệp với lãi suất ưu đãi, tối giản quy trình, chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng hiện hữu đáp ứng các điều kiện. Đồng thời, các mảng kinh doanh ngoại tệ, đầu tư, kinh doanh trái phiếu chính phủ... được đẩy mạnh giúp đa dạng thu nhập.
Do đó, giải thưởng là sự ghi nhận cho hoạt động quản trị doanh nghiệp niêm yết thông qua việc duy trì đội ngũ nhân sự chất lượng bên cạnh khả năng duy trì sức khỏe tài chính ổn định.
Song song với hoạt động kinh doanh, HDBank cũng áp dụng chuẩn mực ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị) hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, đóng góp cho quá trình chuyển đổi xanh và tăng trưởng bền vững của nền kinh tế.
Ngoài giải thưởng Hội đồng quản trị của, tại Diễn đàn thường niên về quản trị công ty, VIOD còn trao các giải thưởng khác nhằm tôn vinh doanh nghiệp có HĐQT đa dạng giới, có chiến lược kế cận và thành tích kinh doanh hiệu quả.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 23/11: MB tiên phong trong công cuộc phát triển tài chính xanh