Tin ngân hàng ngày 23/2: Tiếp tục đôn đốc khơi thông dòng vốn tín dụng đến với doanh nghiệp
Tin ngân hàng ngày 22/2: Nợ có khả năng mất vốn tại VietBank ở mức báo động Tin ngân hàng ngày 21/2: Sacombank giảm mạnh lãi suất huy động |
Tiếp tục đôn đốc khơi thông dòng vốn tín dụng đến với doanh nghiệp
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) có văn bản yêu cầu NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố; các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) tiếp tục đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.
NHNN tiếp tục đôn đốc khơi thông dòng vốn tín dụng đến với doanh nghiệp/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, NHNN cho biết, các chi nhánh NHNN địa phương và các TCTD cần hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành Ngân hàng năm 2023, theo Chỉ thị 01/CT-NHNN ngày 17/01/2023 của Thống đốc NHNN.
Thống đốc NHNN yêu cầu NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố triển khai tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trên địa bàn trong tháng 2/2023 theo hình thức phù hợp để đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng với khách hàng; nắm bắt các khó khăn vướng mắc liên quan đến việc tiếp cận vốn vay ngân hàng để kịp thời xử lý, tháo gỡ.
NHNN chi nhánh chủ động phối hợp với sở kế hoạch và đầu tư, các sở, ban, ngành và hiệp hội có liên quan tại địa phương rà soát tình hình tiếp cận vốn vay của các doanh nghiệp; nắm rõ thông tin về các doanh nghiệp không tiếp cận được vốn vay ở ngân hàng nào (doanh nghiệp không đủ điều kiện hay ngân hàng không cho vay) và nguyên nhân không tiếp cận được. Các nội dung này phải được thông tin công khai và làm rõ tại hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp của địa phương.
NHNN chi nhánh lập đường dây nóng (điện thoại, email) để tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn có trách nhiệm xử lý, trả lời người dân, doanh nghiệp và báo cáo kết quả xử lý về NHNN chi nhánh để tổng hợp gửi về NHNN.
Vietcombank bổ nhiệm Giám đốc Trung tâm dữ liệu và phân tích
Mới đây, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đã có quyết định tuyển dụng và bổ nhiệm ông Nguyễn Quang Huy - nguyên Giám đốc công nghệ, Công ty Vinfast (thuộc tập đoàn Vingroup) giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm dữ liệu và phân tích Trụ sở chính Vietcombank kể từ ngày 20/2/2023.
Được biết, Trung tâm dữ liệu và phân tích Trụ sở chính được Vietcombank thành lập từ tháng 6/2022 với mô hình cơ cấu và nhiệm vụ chức năng cụ thể để đáp ứng tối đa yêu cầu và nhiệm vụ, hoàn thành mục tiêu chiến lược của Vietcombank.
Chủ tịch HĐQT cho biết Vietcombank đang nắm giữ tài sản vô cùng quý giá liên quan đến dữ liệu của hàng triệu khách hàng, và vấn đề không phải chỉ là việc khai thác nguồn dữ liệu này để phục vụ tốt hơn cho ngân hàng (một trong những điều kiện quyết định sự tồn tại của Vietcombank) mà còn góp phần tạo ra nguồn cạnh tranh mới.
Do vậy, Ban lãnh đạo kỳ vọng rất lớn vào nhân sự được tuyển dụng và bổ nhiệm sẽ tiếp tục bổ sung thêm cho Trung tâm những nhân sự có năng lực về dữ liệu và phân tích để hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược. Theo đó, Trung tâm sẽ tham mưu cho Ban lãnh đạo và cho khối CNTT về chiến lược sử dụng dữ liệu trong chuyển đổi số; tham mưu cho Ban lãnh đạo cách khai thác dữ liệu phục vụ cho kinh doanh hiện nay và nâng cao hiểu biết, kỹ năng của các cấu phần khác nhau về mặt quản trị khai thác về sử dụng dữ liệu đảm bảo sự phát triển của Vietcombank trong tương lai.
Tân Giám đốc Trung tâm dữ liệu và phân tích TSC Vietcombank cũng cho biết khi dữ liệu đã trở thành tài sản quan trọng và có giá trị quyết định đối với các công ty và tổ chức thì việc bảo vệ, quản lý, khai thác để nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ trong nước và quốc tế sẽ trở thành các nhiệm vụ quan trọng của Trung tâm dữ liệu và phân tích.
Hơn 50.000 quà tặng cho khách gửi tiết kiệm trực tuyến tại OCB
Khách hàng gửi tiết kiệm trực tuyến tại OCB OMNI có cơ hội nhận quà tặng là tiền mặt, sổ tiết kiệm trị giá tới một trăm triệu đồng…
Chương trình được Ngân hàng Phương Đông (OCB) triển khai từ nay đến hết ngày 15/3. Ưu đãi áp dụng cho bốn loại hình gồm: tiết kiệm điện tử thông thường; hợp đồng tiền gửi điện tử; tiết kiệm tích lũy điện tử và tiết kiệm OMNI Flex. Tổng giá trị giải thưởng gần 1,4 tỷ đồng.
Theo đó, với mỗi sổ tiết kiệm từ 5 triệu đồng, kỳ hạn linh hoạt theo từng loại sản phẩm, khách hàng sẽ nhận được lượt quay tham gia vòng quay may mắn. Giá trị giải thưởng từ 10.000 đồng đến 100 triệu đồng. Trong đó, có 10.000 giải thưởng giá trị 50.000 đồng, 4 giải thưởng trị giá 20 triệu đồng và 2 giải thưởng trị giá 100 triệu đồng. Khách hàng gửi càng nhiều sổ tiết kiệm, cơ hội trúng thưởng càng lớn.
Chương trình "Tiết kiệm đầu năm - Xuân sang lộc phát" có 2 kỳ quay số. Vòng quay may mắn kỳ 1 diễn ra từ ngày 2/2 đến ngày 6/2 dành cho các khách hàng gửi tiết kiệm thỏa điều kiện từ ngày 26/12/2022 đến ngày 31/1/2023. Vòng quay kỳ 2 bắt đầu từ ngày 17/3 đến ngày 21/3 dành cho khách hàng gửi tiết kiệm thỏa điều kiện từ ngày 1/2 đến ngày 15/3.
SeABank hoàn tất tăng vốn điều lệ lên gần 20.403 tỷ đồng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Quyết định số 177/QĐ-NHNN ngày 08/02/2023 về việc chấp thuận điều chỉnh mức vốn điều lệ trên Giấy phép hoạt động của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank, mã chứng khoán SSB) từ 19.809 tỷ đồng lên gần 20.403 tỷ đồng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Việc tăng vốn điều lệ thêm 594 tỷ đồng được thực hiện thông qua hình thức phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho cán bộ nhân viên (ESOP) năm 2022 đã được Đại hội đồng cổ đông của SeABank thông qua.
Theo Chương trình ESOP năm 2022 của SeABank, gần 2.500 cán bộ nhân viên (CBNV) của Ngân hàng được mua cổ phiếu mức giá ưu đãi 15.000 đồng/cổ phiếu. Đây là chương trình phúc lợi được SeABank thực hiện định kỳ trong nhiều năm, nhằm tri ân những đóng góp của CBNV và gắn kết lợi ích của các CBNV với sự phát triển của Ngân hàng.
Kết thúc năm 2022, SeABank đạt lợi nhuận trước thuế đạt gần 5.069 tỷ đồng, vượt 4% so với kế hoạch; Tổng tài sản đạt 231.423 tỷ đồng, tăng 9,34% so với năm 2021; Hiệu suất sinh lời trên tổng tài sản bình quân (ROA) và hiệu suất sinh lời của vốn chủ sở hữu bình quân (ROE) lần lượt là 1,83% và 18,1%. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) của Ngân hàng tiếp tục giảm xuống 35,3% và Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 1,60%.
Đáng chú ý, thu thuần ngoài lãi (NOII) tăng trưởng ấn tượng 43% so với năm 2021, đạt 2.641 tỷ đồng. Tỷ lệ này cho thấy hiệu quả trong việc đa dạng hóa cấu trúc sản phẩm, đồng thời khai thác hiệu quả tệp khách hàng hiện hữu và phát triển mạng lưới khách hàng mới trên thị trường.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 23/2: Tiếp tục đôn đốc khơi thông dòng vốn tín dụng đến với doanh nghiệp