Tin ngân hàng ngày 23/5: Lợi nhuận của 28 ngân hàng đạt hơn 33.000 tỷ đồng trong quý I/2022
Tin ngân hàng ngày 21/5: Ngân hàng SCB tăng lãi suất tiền gửi lên 7,55%/năm Tin ngân hàng nổi bật trong tuần qua: Nhiều ngân hàng muốn niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trong năm 2022 |
Lợi nhuận của 28 ngân hàng đạt hơn 33.000 tỷ đồng trong quý I/2022
Theo dữ liệu tổng hợp của Chứng khoán FPT về kết quả kinh doanh của 28 ngân hàng đã công bố BCTC quý I, thu nhập lãi thuần và thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng, lần lượt tăng 8,3% và 7,4% so với quý IV/2021, giúp cho tổng thu nhập hoạt động trong quý đạt 133.400 tỷ đồng, tăng 8,1% so với quý trước. Lợi nhuận sau thuế của các ngân hàng tiếp tục tăng tốc, đạt 33.090 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 51% so với quý IV/2021, trong khi quý IV/2021 tăng 15,2% so với quý III/2021.
Lợi nhuận của 28 ngân hàng đạt hơn 33.000 tỷ đồng trong quý I |
Vietcombank công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I với lợi nhuận trước thuế đạt hơn 9.950 tỷ đồng, tăng 15,3%. Tuy nhiên, trong quý này, Vietcombank đã mất đi ngôi quán quân lợi nhuận. NHTMCP tư nhân là VPBank đã chiếm vị trí này, đẩy Vietcombank xuống vị trí thứ 2.
Nợ xấu ngân hàng tiếp tục tăng. Dữ liệu từ VietstockFinance cho thấy, tổng dư nợ cho vay khách hàng của 26 ngân hàng đã công bố BCTC đạt gần 7,7 triệu tỷ đồng tại thời điểm cuối quý I, tăng 4,2% so với đầu năm. Chỉ có 4/26 ngân hàng ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm là PGBank (PGB, -7,77%), KienlongBank (KLB, -5,75%), NCB (NVB, -2,87%) và LPB (-0,58%).
Kết quả kinh doanh quý I có những điểm sáng, phản ánh phần nào đà phục hồi của nền kinh tế. Song giới chuyên gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, thách thức đối với hệ thống ngân hàng ở những tháng cuối cùng của năm 2022 vẫn là rất lớn và một trong những vấn đề ngân hàng cần lưu ý là nợ xấu.
Trong báo cáo phân tích mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho biết, từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tăng tại một số các ngân hàng cổ phần với mức tăng 10-30 điểm cơ bản; tuy nhiên không biến động tại nhóm NHTMCP Nhà nước.
Thanh toán phi tiền mặt tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2022
Tại Họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt 2022 , NHNN cho biết, 04 tháng đầu năm 2022, giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng (TTĐTLNH) tăng 32,37% về giá trị; hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử tăng 88,42% số lượng và 139,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021.
Mạng lưới thiết bị, điểm chấp nhận thanh toán được mở rộng, bao phủ cả nước có hơn 20 nghìn ATM và hơn 347 nghìn POS và hơn 100.000 điểm chấp nhận thanh toán QR Code.
Đến tháng 4/2022, giao dịch thanh toán không tiền mặt (TTKDTM) tăng 69,7% về số lượng, 27,5% về giá trị; giao dịch qua Internet cũng tăng tương ứng 48,39% và 32,76%; qua điện thoại di động tăng tương ứng 97,65% và 86,68%; qua QR code tăng tương ứng 56,52% và 111,62% so với cùng kỳ năm 2021; tổng số ví điện tử đã kích hoạt tăng 10,37% so với cuối năm 2021.
Ngày không tiền mặt do báo Tuổi trẻ đề xuất - 16/6 - được bắt đầu từ năm 2019 - là ngày phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) được khuyến khích sử dụng khi mua sắm, giao dịch thanh toán và người tiêu dùng sẽ được hưởng chính sách ưu đãi từ các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các nhà bán lẻ, nhà cung cấp dịch vụ.
Chuỗi các sự kiện của “Ngày không tiền mặt năm 2022” tiếp tục góp phần tích cực hiện thực hóa các mục tiêu của Chính phủ tại các Đề án Nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế.
Đề án Đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công; Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; và Đề án Phát triển TTKDTM giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu quan trọng của chương trình là hưởng ứng chủ trương chuyển đổi số quốc gia mà Chính phủ đề ra, khởi đầu từ những thay đổi trong lĩnh vực thanh toán.
Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống TTKDTM tiếp tục được coi trọng và tăng cường; các rủi ro, nguy cơ mất an toàn cơ bản được kiểm soát và xử lý kịp thời.
Việt Nam thuộc nhóm 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất năm 2021
Báo cáo tóm tắt về Di cư và Phát triển được Ngân hàng thế giới (WB) vừa công bố trong tháng 5/2022 cho biết, 5 quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất vào năm 2021 là Ấn Độ, Mexico, Trung Quốc, Philippines và Ai Cập.
Trong số các nền kinh tế có dòng kiều hối chiếm tỷ trọng rất cao trong GDP là Lebanon (54%), Tonga (44%), Tajikistan (34%), Cộng hòa Kyrgyzstan (33%) và Samoa (32%).
Trong năm, lượng kiều hối của Ấn Độ đã tăng đáng kể (8%), do lao động nhập cư quay trở lại các nước nơi họ lao động và việc hỗ trợ giảm thiểu tác động của COVID-19 ở Ấn Độ đã thúc đẩy dòng tiền gửi về.
Sự gia tăng của dòng vốn được ghi nhận lên tới 54 tỷ USD của Mexico có mối liên hệ chặt chẽ với sự phục hồi của Hoa Kỳ và dòng vốn từ các quốc gia khác được gửi đến lượng lớn người nhập cư quá cảnh Trung Mỹ.
Trung Quốc tiếp tục ghi nhận sự suy giảm dòng kiều hối từ cộng đồng lớn của mình với tỷ lệ giảm hai con số trong năm thứ hai liên tiếp. Ngược lại, Philippines được hưởng lợi trực tiếp từ tăng việc làm và tăng lương ở Hoa Kỳ, chiếm gần 40% lượng tiền chuyển về; nước này có mức tăng vừa phải 4,3% trong năm lên 37 tỷ USD.
Kiều hối từ người lao động nhập cư Ai Cập đã tăng lên 32 tỷ USD (6,4%) trong năm, nhờ giá dầu cao hơn, tiền gửi về từ người nước ngoài ở vùng Vịnh, cũng như hoạt động kinh tế mạnh mẽ ở châu Âu và Hoa Kỳ.
Đáng chú ý, báo cáo cho biết, Việt Nam nằm trong nhóm 10 nước có lượng kiều hối lớn nhất năm 2021 với khoảng 18 tỷ USD.
Cũng theo WB, trong năm 2022, mặc dù có những rủi ro đáng kể làm giảm lượng kiều hối, các nước có thu nhập thấp và trung bình dự kiến sẽ tiếp tục nhận được lượng tiền kiều hối gửi về, nhưng với tốc độ thấp hơn (4,2%) so mức mức được ghi nhận năm 2021. Cuộc chiến Nga - Ukraine - với những tổn thất về thương mại đối với các nhà nhập khẩu ròng năng lượng, thực phẩm có vai trò tác động chính đến dòng kiều hối.
Tập đoàn tài chính Shinhan ký thỏa thuận với Tiki
Mới đây, Tập đoàn tài chính Shinhan bắt tay “Tiki”, một công ty thương mại điện tử hàng đầu tại Việt Nam, sở hữu mạng lưới hơn 20 triệu khách hàng.
Tập đoàn tài chính Shinhan ký thỏa thuận với Tiki |
Dựa trên chuyên môn tài chính của Tập đoàn Tài chính Shinhan cũng như thế mạnh về mạng lưới khách hàng địa phương rộng lớn của Tiki, hai bên sẽ hợp tác trong việc thúc đẩy tạo ra hệ sinh thái kỹ thuật số tài chính hiện đại và tiện ích tại Việt Nam.
Cũng trong sự kiện này, Ngân hàng TNHH MTV Shinhan Việt Nam (Ngân hàng Shinhan Việt Nam) ra mắt “Future Bank Group”, nhằm thúc đẩy chiến lược tăng trưởng kỹ thuật số cho mảng kinh doanh bán lẻ của Ngân hàng Shinhan Việt Nam.
“Future Bank Group” được thành lập như một tổ chức độc lập dưới hình thức Bank-In-Bank (B.I.B) và được Ngân hàng Shinhan Việt Nam cấp quyền lập kế hoạch, lên ngân sách, hoạch định nhân sự và đánh giá độc lập, nhằm mục tiêu hỗ trợ ngân hàng thúc đẩy kinh doanh, nâng cao tiềm lực phát triển để thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi của nền tài chính kỹ thuật số hiện đại.
Sự kiện ra mắt “Future Bank Group” sẽ là tiền đề cho Ngân hàng Shinhan Việt Nam tiến tới mục tiêu trở thành một trong những Ngân hàng số hàng đầu tại Việt Nam vào năm 2030 thông qua việc tăng cường áp dụng kỹ thuật số mạnh mẽ trong mảng kinh doanh bán lẻ, bên cạnh mạng lưới rộng lớn hiện có với tổng số 43 chi nhánh và phòng giao dịch tại Việt Nam.
Ngân hàng Shinhan Việt Nam đã lên kế hoạch chuẩn bị cho sự mở rộng hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử của Hàn Quốc tại Việt Nam như ứng dụng giao đồ ăn toàn cầu BAEMIN (Baedal Minjok) và Kênh mua sắm thực phẩm Market Saigon để triển khai tiếp thị liên kết và ra mắt các sản phẩm địa phương một cách hiệu quả, đồng thời mang đến khách hàng những giá trị thiết thực, nâng cao trải nghiệm của khách hàng trong quá trình giao dịch.
Sự ra đời của “Future Bank Group” được xem là bước đệm để phát triển hiệu quả hệ sinh thái tài chính của Tập đoàn Tài chính Shinhan tại Việt Nam, đồng thời mang đến khách hàng những trải nghiệm tài chính số tiện ích, hiện đại và mang tính đột phá.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 23/5: Lợi nhuận của 28 ngân hàng đạt hơn 33.000 tỷ đồng trong quý I/2022