Tin ngân hàng ngày 24/10: Thêm hai ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ
Tin ngân hàng ngày 22/10: 9 tháng đầu năm, ACB báo lãi trước thuế đạt 13.500 tỷ đồng Tin ngân hàng ngày 21/10: SCB cam kết bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người mua trái phiếu |
Thêm hai ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ
Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có văn bản số 7343/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) và văn bản số 7266/NHNN-TTGSNH về việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt được chấp thuận tăng vốn điều lệ/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cụ thể, NHNN chấp thuận việc ABBank tăng vốn điều lệ thêm tối đa 991 tỷ đồng dưới hình thức: (i) phát hành cổ phiếu để trả cổ tức từ nguồn lợi nhuận để lại năm 2021 có thể sử dụng chia cổ tức tối đa là 941 tỷ đồng; (ii) phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên theo chương trình lựa chọn cho người lao động ABBank tối đa 50 tỷ đồng đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của ABBank thông qua tại Nghị quyết ngày 20/4/2022 và Hội đồng quản trị ABBank thông qua tại Nghị quyết số 11/NQ-HĐQT.22 ngày 28/9/2022.
Hiện vốn điều lệ của ABBank là 9.409 tỷ đồng. Sau khi tăng vốn thành công, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng lên 10.040 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, trong quý 3/2022, ABBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý 3/2022 gần 86 tỷ đồng, giảm 79% so với cùng kỳ năm trước. Luỹ kế 9 tháng đầu năm, lãi trước thuế ngân hàng tăng 9% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.748 tỷ đồng.
Tính đến cuối quý 3/2022, tổng tài sản của ABBank tăng 9% so với đầu năm, lên mức gần 132.036 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng đạt hơn 80.829 tỷ đồng, tăng 17%. Tiền gửi khách hàng tăng 10% so với đầu năm, lên mức 74.748 tỷ đồng.
Về việc tăng vốn điều lệ của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank).
Cụ thể, LienVietPostBank được tăng vốn điều lệ thêm tối đa 5.255 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2021 tối đa là 2.255 tỷ đồng và phát hành cho cổ đông hiện hữu tối đa 3.000 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2022 của LPB thông qua tại Nghị quyết ngày 28/4/2022 và Hội đồng quản trị LPB thông qua tại Nghị quyết số 515/2022/NQ-HĐQT ngày 26/9/2022.
Sau khi hoàn thành các đợt phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng sẽ tăng từ mức 15.035 tỷ đồng lên 20.291 tỷ đồng, tương đương mức tăng 35%.
Ngân hàng yêu cầu kiểm soát hoạt động thu đổi ngoại tệ
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Tp.HCM vừa có văn bản gửi các ngân hàng trên địa bàn yêu cầu tăng cường kiểm tra các điểm thu đổi ngoại tệ, nhằm kiểm soát hoạt động của các đại lý chi trả ngoại tệ, để bảo đảm các đại lý hoạt động đúng quy định pháp luật và ngăn chặn, xử lý kịp thời sai phạm phát sinh.
Trong quá trình thực hiện việc kinh doanh, mua bán ngoại tệ phải niêm yết giá công khai minh bạch và phù hợp với biên độ tỉ giá giao ngay USD/VND do NHNN vừa điều chỉnh từ +3% lên +5% theo qui định hiện hành.
Đối với tổ chức tín dụng ủy quyền cho tổ chức làm đại lý thu đổi ngoại tệ, chi, trả ngoại tệ hướng dẫn về hoạt động cung ứng dịch vụ nhận và chi, trả ngoại tệ và các quy định khác có liên quan của pháp luật hiện hành. Song, phải kiểm tra, kiểm soát hoạt động của các đại lý chi, trả ngoại tệ; thu đổi ngoại tệ, để đảm bảo các đại lý hoạt động hiệu quả, đúng quy định pháp luật và ngăn chặn, xử lý kịp thời sai phạm phát sinh trong hoạt động này.
Các tổ chức tín dụng phải thường xuyên thông tin, tuyên truyền và phổ biến chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp, khách hàng và các đại lý của tổ chức tín dụng nắm bắt chính sách, các quy định của NHNN về hoạt động ngoại hối nhằm hạn chế vi phạm trong lĩnh vực này, hạn chế phát sinh liên quan đến xử phạt hành chính trong lĩnh vực quản lý ngoại hối.
Đồng thời nâng cao nhận thức người dân trong việc mua bán và sử dụng ngoại tệ đều phải tuân thủ theo quy định của pháp luật. Việc mua bán ngoại tệ để đáp ứng nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân và doanh nghiệp chỉ được thực hiện thông qua hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng được phép.
Hạn chế, phòng ngừa những sai phạm mua bán ngoại tệ tự do, không đúng quy định, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật thị trường góp phần quan trọng trong việc giữ ổn định thị trường ngoại hối trên địa bàn thành phố, cũng như phát huy vai trò chính sách tiền tệ, ngoại hối của NHNN.
ABBANK đạt lợi nhuận hơn 1.700 tỷ đồng sau 9 tháng
Ngân hàng ABBANK vừa có báo cáo kết quả kinh doanh quý 3/2022. Theo đó, ngân hàng này tiếp tục ghi nhận sự tăng trưởng với tổng tài sản đạt 131.915 tỷ đồng, tăng 9% so với đầu năm; dư nợ tín dụng đạt 86.873 tỷ đồng, tăng 10,47% so với đầu năm với 71% tập trung vào lĩnh vực bán lẻ (hệ số rủi ro thấp).
Trong đó, ngân hàng cho khách cá nhân vay 42.807 tỷ đồng, cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) vay 19.025 tỷ đồng. Huy động vốn từ khách hàng đạt 84.943 tỷ đồng, tăng 7,18% so với đầu năm. Tiền gửi không kỳ hạn (Casa) tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, góp phần cải thiện chi phí vốn cho ngân hàng. Thu từ phí dịch vụ đạt 545 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2021.
Hệ số an toàn vốn (CAR) của ABBANK duy trì ở mức 11,8%, luôn ở trong nhóm các ngân hàng có mức an toàn vốn tốt và cao hơn so với mức 8% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trước tác động mạnh từ thị trường, một số chỉ tiêu kinh doanh của ABBANK đến cuối Quý 3 chưa đạt như kỳ vọng, trong đó có chỉ tiêu lợi nhuận đạt 1.702 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái và chỉ mới hoàn thành 55% kế hoạch năm 2022.
Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của ABBANK tính đến ngày 30/9 tiếp tục được kiểm soát tốt, ở mức 1,68%. Trong Quý 3/2022, ngân hàng này đã thực hiện trích lập hơn 544 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro tín dụng cụ thể và trích lập hơn 86 tỷ đồng cho quỹ dự phòng chung. Trong quý này, ABBANK cũng đã thực hiện mua lại 400 tỷ đồng nợ của Công ty Quản lý tài sản (VAMC).
Đối với việc cho vay lãi suất thấp, tính đến hết tháng 9/2022 đã có gần 60 khoản vay được ABBANK hỗ trợ với mức lãi suất 2%/năm với doanh số cho vay là hơn 120 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu kinh doanh năm 2022, ABBANK xác định luôn sẵn sàng thích ứng và có những quyết sách linh hoạt với sự biến đổi của thị trường. Trong 3 tháng cuối năm, ABBANK sẽ đẩy mạnh phục vụ các nhu cầu phi tín dụng, phát triển dịch vụ ngân hàng số và hướng tới mục tiêu tăng vị thế trong phân khúc bán lẻ.
9 tháng đầu năm, Eximbank lãi trước thuế hơn 3.000 tỷ đồng
Theo báo cáo kinh doanh của Eximbank, hầu hết các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng trong 9 tháng đầu năm đều có sự tăng trưởng. Cụ thể, tổng tài sản tăng 10,8%, huy động từ khách hàng tăng trưởng 5,7% (tổng huy động 145.261 tỷ đồng), dư nợ tín dụng tăng trưởng 10,3% (tổng dư nợ 127.522 tỷ đồng, trong đó không phát sinh cấp tín dụng là các trái phiếu doanh nghiệp). Lợi nhuận trước thuế đạt 3.181 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu của Eximbank ghi nhận 1,86% (giảm so với mức 1,94% cuối năm 2021). Các chỉ số sinh lời như ROA, ROE so với năm 2021 của nhà băng này cũng đã cải thiện đáng kể.
9 tháng đầu năm, Eximbank lãi trước thuế hơn 3.000 tỷ đồng/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Để đạt được kết quả lợi nhuận như vậy, bên cạnh thu nhập từ lãi vay, Eximbank đã đẩy mạnh tăng trưởng các dịch vụ thanh toán, hoạt động thu hồi nợ và cắt giảm mạnh chi phí hoạt động nhằm hỗ trợ lãi suất cho khách hàng. Nhờ vậy, Eximbank hiện là một trong những ngân hàng vẫn duy trì được nền tảng khách hàng cá nhân và doanh nghiệp lâu đời luôn đồng hành cùng ngân hàng trong thời gian dài, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty xuất nhập khẩu hàng đầu tại Việt Nam.
Ngân hàng cũng chú trọng đến công tác an toàn hoạt động, đảm bảo duy trì tỷ lệ an toàn vốn vững chắc với hệ số CAR theo Thông tư 41 đạt 13,91% (theo quy định của Ngân hàng Nhà nước tối thiểu là 8%), tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn đạt dưới 20% (theo quy định là bằng hoặc dưới 34%).
Bên cạnh việc nỗ lực đa dạng hóa các hoạt động kinh doanh, Eximbank xác định kế hoạch hiện đại hóa công nghệ ngân hàng theo 4 trụ cột chính được lồng ghép phù hợp với chiến lược kinh doanh từng thời kỳ. Kế hoạch giai đoạn 2022-2025 gồm: số hóa thông tin (Digitization) - chuyển đổi dữ liệu từ dạng vật lý sang kỹ thuật số); số hóa quy trình (Digitalization) - tự động hóa quy trình hiện tại, giảm chi phí vận hành và tăng hiệu quả; số hóa toàn diện (Digital Transformation); an toàn bảo mật (Security) - đảm bảo an toàn, bảo mật cho hoạt động ngân hàng.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 24/10: Thêm hai ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ