Tin ngân hàng ngày 24/5: Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt cho vay BOT, BT để hạn chế rủi ro
Tin ngân hàng ngày 23/5: Lợi nhuận của 28 ngân hàng đạt hơn 33.000 tỷ đồng trong quý I/2022 Tin ngân hàng ngày 21/5: Ngân hàng SCB tăng lãi suất tiền gửi lên 7,55%/năm |
Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt cho vay BOT, BT để hạn chế rủi ro
Báo cáo trình Quốc hội, bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, sẽ kiểm soát chặt chẽ mức độ tập trung tín dụng vào lĩnh vực đối với các dự án BOT, BT để hạn chế rủi ro thanh khoản.
Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt cho vay BOT, BT để hạn chế rủi ro |
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa có báo cáo bổ sung tới các đại biểu Quốc hội khóa 15, kỳ họp thứ 3 về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về xử lý nợ xấu, tài sản bảo đảm.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy tác động của dịch bệnh COVID-19 đã và đang đặt ra thách thức rất lớn đối với việc kiểm soát nợ xấu và an toàn hoạt động ngân hàng trong thời gian tới.
Liên quan đến vấn đề sở hữu chéo, sở hữu của các tổ chức tín dụng đã minh bạch và đại chúng hơn, tuy nhiên vẫn còn khó khăn trong trường hợp cổ đông lớn và người có liên quan của cổ đông lớn cố tình che dấu. Điều này dẫn tới việc tổ chức tín dụng có thể bị thao túng, chi phối bởi các cổ đông này, tiềm ẩn nguy cơ hoạt động của tổ chức tín dụng thiếu minh bạch.
Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ cứng rắn xử lý vấn đề lợi ích nhóm, cho vay các dự án BOT, BT.
Cũng theo NHNN, đến nay tổng dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT là 114.300 tỉ đồng, chiếm 1,09% dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.
Tổng nợ xấu đối với các dự án BOT, BT là 7.400 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 3,92% nợ xấu toàn hệ thống; tỉ lệ nợ xấu trong lĩnh vực này là 6,48%.
Agribank bàn giao công trình trường học 5 tỉ đồng tại Bắc Giang
Vừa qua, tại xã Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, Agribank đã phối hợp với UBND huyện Tân Yên tổ chức Lễ khánh thành và bàn giao công trình Trường THCS Liên Chung do Agribank tài trợ với trị giá 5 tỉ đồng.
Tham dự buổi lễ về phía lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, có ông Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang; Ông Trần Công Thắng - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Giang; Ông Nguyễn Văn Oánh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh Bắc Giang, cùng lãnh đạo các cơ quan, sở, ngành trên địa bàn tỉnh; Lãnh đạo huyện Tân Yên; về phía Agribank có ông Phạm Đức Ấn - Uỷ viên BCH Đảng bộ khối DN Trung ương , Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank, Ông Phạm Hồ Bắc - Phó Chủ tịch thường trực Công đoàn Agribank; Ông Nguyễn Quốc Hưng - Uỷ viên BCH Đảng uỷ khối DN tỉnh Bắc Giang, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Agribank Bắc Giang; cùng lãnh đạo các Ban, Trung tâm tại Trụ sở chính Agribank, các đồng chí lãnh đạo một số chi nhánh Agribank trên địa bàn thành phố Hà Nội và trong khu vực.
Công trình trường THCS Liên Chung, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang sau thời gian thi công khẩn trương đến nay công trình đã hoàn thành với tòa nhà 03 tầng, cùng 12 phòng học và được bàn giao cho nhà trường để đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, cải thiện điều kiện giảng dạy, học tập cho học sinh và giáo viên, tiến tới hoàn thành mục tiêu phấn đấu trở thành trường chuẩn quốc gia.
Tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, ông Lê Ánh Dương - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang đã ghi nhận những đóng góp của Agribank nói chung và Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Giang nói riêng đối với công tác an sinh xã hội, đặc biệt là công tác phát triển giáo dục trên địa bàn tỉnh. Bằng những hành động thiết thực và ý nghĩa, Agribank đã và đang tiếp tục khẳng định vai trò "Ngân hàng vì cộng đồng".
Nhân dịp này để ghi nhận đóng góp cho công tác an sinh xã hội tỉnh Bắc Giang năm 2021, Agribank Bắc Giang đã được Uỷ ban MTTQ tỉnh Bắc Giang trao tặng Chứng nhận "Tấm lòng vàng".
Đề xuất nghiêm cấm mua bán sổ BHXH
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết đang phối hợp với các bộ ngành, địa phương xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội hồ sơ đề nghị xây dựng Luật BHXH sửa đổi.
Để ngăn chặn và xử lý hành vi thu mua sổ BHXH, bộ đề xuất nghiêm cấm mua bán sổ BHXH dưới mọi hình thức. Luật sửa đổi cũng sẽ bổ sung nhiều giải pháp nhằm tăng thu hút người lao động (NLĐ) tham gia BHXH để hưởng lương hưu, hạn chế rút một lần như: Giảm năm đóng tối thiểu xuống dưới 20 năm; thêm quyền lợi ngắn hạn nhằm tạo động lực cho NLĐ tham gia BHXH; liên kết chính sách, tăng mức độ hài lòng của người tham gia hệ thống qua cải cách hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm...
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho rằng theo luật hiện hành, NLĐ có thể ủy quyền cho người khác nhận lương hưu, trợ cấp BHXH. Quy định này nhằm tạo thuận lợi cho người dân tham gia và thụ hưởng chế độ. Tuy nhiên, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng quy định để tiếp cận, lôi kéo NLĐ mua bán sổ BHXH với giá rẻ, kèm giấy ủy quyền nhận trợ cấp để sau đó làm thủ tục thanh toán với cơ quan BHXH và hưởng chênh lệch.
OCB triển khai tính năng thanh toán qua nhận diện khuôn mặt Facepay
Mới đây, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) triển khai thành công tính năng Facepay cho phép khách hàng thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt, không dùng tiền mặt, không thẻ ngân hàng, không điện thoại. Trở thành một trong hai ngân hàng dẫn đầu xu hướng thanh toán hiện đại này tại Việt Nam.
OCB triển khai tính năng thanh toán qua nhận diện khuôn mặt Facepay |
Theo đó, khách hàng đang sử dụng hoặc đăng ký mới phương thức xác thực giao dịch FaceOTP tại ứng dụng ngân hàng số OCB OMNI, có thể thanh toán ngay hàng hóa mua sắm bằng tài khoản ngân hàng qua thiết bị Facepay đặt tại các cửa hàng chấp nhận thanh toán. Khách hàng không cần dùng tiền mặt, không thẻ ngân hàng, không điện thoại, chỉ cần nhìn vào màn hình LCD nhỏ gắn trên quầy thu ngân, tất cả mọi thao tác chỉ mất 5 giây và hoàn toàn miễn phí và không tiếp xúc… Hiện, OCB đã triển khai thành công phương thức thanh toán Facepay tại hệ thống siêu thị GS25. Thời gian tới, nhà băng này sẽ tiếp tục phủ rộng trên khắp các cửa hàng tiện lợi, siêu thị và trung tâm thương mại trên toàn quốc.
Trước khi được OCB triển khai tại Việt Nam, Facepay đã được ứng dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới như: Đan Mạch, Trung Quốc, Canada, Thái Lan, Nigieria… Đây được đánh giá là một trong số những phương thức thanh toán mang tính bảo mật an toàn cao và tránh bị gian lận, vì mỗi một khách hàng được gắn với một dữ liệu nhận dạng sinh trắc học duy nhất là khuôn mặt, đồng thời các bước giao dịch đều được mã hóa và bảo vệ theo tiêu chuẩn bảo mật thông tin dữ liệu quốc tế.
Theo đại diện OCB, tính năng thanh toán này phù hợp với xu thế phát triển và nhu cầu bảo mật thông tin khách hàng ngày càng cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Công nghệ này được bắt đầu với khả năng mở khóa điện thoại thông minh bằng khuôn mặt. Tiếp đến, bằng sự tiện ích, cá nhân hoá, nhận diện khuôn mặt đã nhanh chóng được ngành ngân hàng khai thác rộng rãi và ứng dụng vào nhiều dịch vụ.
Với phương thức thanh toán hiện đại và bảo mật này, khách hàng có thể đăng ký ngân hàng số OCB OMNI , kích hoạt, xác thực Face OTP và thực hiện thanh toán tại hệ thống các cửa hàng có chấp nhận thanh toán bằng nhận diện khuôn mặt.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 24/5: Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt cho vay BOT, BT để hạn chế rủi ro