Tin ngân hàng ngày 24/6: Chủ hộ kinh doanh được vay ngân hàng 20 tỉ đồng, lãi suất gần 5%
Tin ngân hàng ngày 23/6: Vay ngân hàng để mua, xây, sửa nhà… phải có phương án sử dụng vốn Tin ngân hàng ngày 22/6: Ngân hàng HSBC thông tin việc lãnh đạo Công ty tài chính HSBC Việt Nam bị bắt |
Chủ hộ kinh doanh được vay ngân hàng 20 tỉ đồng, lãi suất gần 5%
Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) triển khai Giải pháp vay thế chấp lãi suất ưu đãi, với hạn mức lên tới 20 tỉ đồng, cùng nhiều chính sách hấp dẫn khác dành cho Khách hàng cá nhân có hoạt động kinh doanh.
Chủ hộ kinh doanh được vay ngân hàng 20 tỉ đồng, lãi suất gần 5% |
Sản phẩm hướng tới khách hàng Cá nhân kinh doanh, Chủ hộ kinh doanh gia đình, Chủ doanh nghiệp tư nhân - nhóm Khách hàng luôn cần nguồn vốn để khởi động kinh doanh, duy trì hoạt động liên tục. Nắm bắt nhu cầu, trong quý 3 năm 2022, MSB dành gói tín dụng 2.500 tỉ đồng lãi suất ưu đãi, đảm bảo nguồn vốn ổn định cho các hộ kinh doanh.
Với gói tín dụng này, MSB hỗ trợ đa mục đích vay của khách hàng, từ việc bổ sung vốn lưu động, đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải đến mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh với lãi suất chỉ từ 4,99%/năm. Đây là mức lãi suất cạnh tranh trên thị trường đồng thời là mức lãi suất cố định trong toàn thời gian vay, giúp khách hàng chủ động và dễ dàng trong việc quản lý tài chính của mình.
Một trong những điểm nổi bật của sản phẩm cho vay hộ kinh doanh là giải pháp cho vay hạn mức bổ sung vốn lưu động ngắn hạn 12 tháng. Khách hàng có thể sử dụng hạn mức MSB đã cấp để thanh toán tiền hàng linh hoạt bất kỳ lúc nào, không giới hạn số lần nhận nợ trong giới hạn số tiền được cấp.
Sau 12 tháng, MSB sẽ tiếp tục tái cấp hạn mức này để khách hàng duy trì hoạt động kinh doanh nếu đảm bảo uy tín tín dụng. Đặc biệt hơn, hạn mức được tái cấp lên tới 130% so với hạn mức cũ.
Thêm vào đó, với mục đích vay vốn dài hạn như đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc thiết bị, MSB cung cấp hạn mức lên tới 20 tỉ đồng, thời hạn vay tới 10 năm, khách hàng sẽ giảm áp lực tài chính, an tâm phát triển hoạt động kinh doanh.
Với giải pháp Vay kinh doanh thế chấp của MSB, khách hàng không cung cấp được đăng ký kinh doanh có thể tiếp cận nguồn vốn lên tới 2 tỉ đồng, khách hàng không có sổ sách ghi chép doanh thu hoàn toàn có thể chứng minh nguồn thu dựa trên sao kê tài khoản ngân hàng, vô cùng đơn giản, thuận tiện.
Thu nhập dịch vụ HDBank dự kiến tăng mạnh trong năm 2022
Theo MBS, HDBank đứng thứ tư trong các ngân hàng có phí bảo hiểm mới hàng tháng cao nhất (12/2021). Đồng thời, việc chất lượng dịch vụ được nâng cao cũng được đánh giá lạc quan cho sự phát triển dài hạn trong tương lai. Từ năm 2020 đến năm 2021, tổng doanh thu từ phí bảo hiểm nhân thọ tăng lên gấp 6 lần, từ 130 tỉ đồng lên 811 tỉ đồng. Hiện tại, HDBank vẫn đang đồng hành cùng FWD trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ và HDI trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ.
Với những kinh nghiệm cũng như với người đồng hành như hiện tại, trong năm 2022, doanh thu từ phí bảo hiểm nhân thọ cũng được kì vọng sẽ tăng gấp 2,57 lần so với năm 2021, đạt hơn 2.000 tỉ đồng. Nhóm phân tích cho rằng kết quả hoạt động ấn tượng này đến từ việc nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như để đạt được mục tiêu muốn kí kết hợp đồng độc quyền bảo hiểm của HDBank trong năm nay với mức giá tốt nhất.
Ngoài khoản tăng trưởng đến từ doanh thu phí bảo hiểm, MBS cũng kỳ vọng với khoản phí "upfront" cho hợp đồng bảo hiểm độc quyền trong năm tới của HDBank sẽ đem lại kết quả kinh doanh tăng trưởng ấn tượng cũng như thúc đẩy giá trị nội tại của doanh nghiệp. HDBank hiện tại là 1 trong số ít các ngân hàng chưa kí hợp đồng bảo hiểm độc quyền với doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường.
Trong một kịch bản thận trọng, mặc dù kỳ vọng vào khả năng HDBank sẽ ký kết hợp đồng độc quyền bancassurance trong những năm tới, tuy nhiên, MBS cũng không dự phóng khoản doanh thu bất thường này, mà đây sẽ là một tiềm năng tăng trưởng trong năm 2023.
Năm 2022, HDBank lên kế hoạch kinh doanh với lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 9.770 tỉ đồng, tăng 21% so với mức thực hiện năm 2021. Các tỉ lệ sinh lời ROA, ROE năm 2022 mục tiêu đạt lần lượt 1,92%và 22,2%.
Ngân hàng dự kiến tài sản tăng 18% lên 440.439 tỉ đồng. Tổng huy động và dự nợ tín dụng tăng trưởng lần lượt 17% và 20%, tương ứng đạt 392.683 tỉ đồng và 256.060 tỉ đồng. tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay dự kiến không vượt qua mức 2%. Trong năm 2022, ngân hàng cũng có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm gần 5.231 tỉ đồng thông qua hai đợt phát hành cổ phiếu.
Với mục tiêu và những gì đã đạt được trong năm 2021, MBS kỳ vọng doanh thu năm 2022 của HDBank sẽ tăng 19% so với năm 2021.
Mặt khác, nhờ tăng vốn điều lệ thành công trong năm 2021, HDBank đã đưa tỉ lệ hệ số CAR lên 14,4%. Ngoài ra, tỉ lệ cho vay/huy động (LDR) luôn duy trì ở mức an toàn trong nhiều năm là tiền đề khiến nhóm phân tích tin rằng tăng trưởng tín dụng của HDBank trong năm 2022 sẽ đạt trên 18%.
BIDV tìm đơn vị tổ chức đấu giá khoản nợ 4.800 tỉ đồng của chủ dự án Grand Sentosa?
Ngân hàng BIDV đang tìm đơn vị tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên - chủ đầu tư dự án đình trệ hơn 13 năm ở Nhà Bè TP HCM.
Mới đây, BIDV thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của một khách hàng tại BIDV, ngân hàng không công bố danh tính cụ thể chủ của khoản nợ. Tính đến 30/4, tổng dư nợ của khách hàng này là 4.837,9 tỉ đồng.
Tài sản bảo đảm cho khoản vay là các quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP HCM. Ngoài ra, tài sản đảm bảo còn có quyền tài sản về khai thác mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tháng 4/2020, BIDV từng rao bán một khoản nợ có thông tin trùng khớp về tài sản đảm bảo nêu trên. Cụ thể, ngày 1/4/2020 BIDV thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH Xây dựng Sản xuất Thương mại Tài Nguyên (Công ty Tài Nguyên - PV) - chủ đầu tư dự án Grand Sentosa (tên gọi cũ của dự án là Kenton Node) có vị trí tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè.
Tại thông báo năm 2020, BIDV cho biết tài sản thế chấp của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai thuộc dự án Kenton Node. Tài sản này được đồng thế chấp tại BIDV, MSB, PVcomBank, trong đó BIDV chiếm 58% giá trị tài sản. Tại thời điểm này, giá trị định giá tài sản là 7.836,7 tỉ đồng, trong đó giá trị tài sản bảo đảm được phân chia, hạch toán tại BIDV là 4.545,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tài sản đảm bảo còn là các quyền tài sản của mỏ đá thuộc xã Hòa Thạch và Phú Mãn, huyện Quốc Oai, Hà Nội - được định giá lần đầu là 885,5 tỉ đồng.
Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn 1 tỉ USD
Đây là lần thứ ba Techcombank tiếp cận thị trường hợp vốn nước ngoài, sau khi hoàn tất huy động khoản vay đầu tiên trị giá 500 triệu USD vào năm 2020 và khoản vay thứ hai trị giá 800 triệu USD vào năm 2021. Ông Alex Macaire, Giám đốc Tài chính Techcombank cho biết, ngân hàng đã vượt qua quá trình thẩm định kỹ lưỡng của các tổ chức cho vay để đạt được giao dịch huy động vốn lần này.
Techcombank huy động thành công khoản vay hợp vốn 1 tỉ USD |
Khoản tín dụng được bảo lãnh phát hành toàn bộ với quy mô mục tiêu ban đầu 700 triệu USD, cùng quyền chọn cấp vốn trước. Khoản vay được chào bán chọn lọc cho một số nhà đầu tư vào cuối tháng 12/2021 và được công bố vào tháng 2/2022. Sau khi nhận thấy những tín hiệu tích cực từ thị trường, ngân hàng này đã nâng trị giá khoản vay lên 1 tỉ USD với ba cấu phần tương ứng với các kỳ hạn 3, 4 và 5 năm.
Cấu phần 5 năm là sự tiếp nối thành công mà Techcombank đã đạt được trong đợt huy động vốn 800 triệu USD năm 2021. Lãi suất của khoản vay bằng SOFR cộng biên độ 140 điểm cho kỳ hạn 3 năm, 155 điểm cho kỳ hạn 4 năm và 170 điểm cho kỳ hạn 5 năm. 26 ngân hàng quốc tế tham gia giao dịch hợp vốn này có trụ sở tại Anh, Ấn Độ, Đài Loan, Indonesia, Nhật Bản, Pháp, Singapore, Trung Quốc và Australia.
Khoản huy động này sẽ bổ sung nguồn vốn kinh doanh giúp ngân hàng đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn trung dài hạn của khách hàng. Đây cũng là một trong những khoản tín dụng trung dài hạn có trị giá lớn nhất của một định chế tài chính Việt Nam trên thị trường hợp vốn quốc tế.
Ngân hàng Standard Chartered Bank và United Overseas Bank Limited (UOB) là ngân hàng đầu mối đứng ra bảo lãnh phát hành khoản tín dụng. Các bên thu xếp, bảo lãnh và dựng sổ chính khác bao gồm Australia and New Zealand Banking Group Limited, The Hongkong and Shanghai Banking Corporation Limited, và Sumitomo Mitsui Banking Corporation. Các ngân hàng P.T. Bank Negara Indonesia (Persero) Tbk, CTBC Bank Co., Ltd., State Bank of India và Taipei Fubon Commercial Bank Co., Ltd. tham gia với tư cách là bên thu xếp và dựng sổ chính của khoản vay.
Techcombank được xếp hạng tín nhiệm Ba3 và triển vọng Tích cực bởi Moody’s. Ngân hàng cũng được S&P xếp hạng BB triển vọng Ổn định. Thành lập năm 1993, chiến lược của techcombank là lấy khách hàng làm trọng tâm, để cung cấp các giải pháp và dịch vụ ngân hàng đa dạng, thông qua mạng lưới rộng khắp với hơn 300 điểm giao dịch trên cả nước. Phương pháp tiếp cận hệ sinh thái của Techcombank được áp dụng cho các lĩnh vực kinh tế trọng tâm.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 24/6: Chủ hộ kinh doanh được vay ngân hàng 20 tỉ đồng, lãi suất gần 5%