Tin ngân hàng ngày 25/3: Hoạt động gửi tiết kiệm tại phòng giao dịch bưu điện vẫn diễn ra bình thường
Tin ngân hàng ngày 24/3: Lãi suất qua đêm liên ngân hàng giảm xuống vùng 1% Tin ngân hàng ngày 23/3: Sacombank hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn kinh doanh |
Hoạt động gửi tiết kiệm tại phòng giao dịch bưu điện vẫn diễn ra bình thường
Ngày 14/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã công bố và lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 43/2015/TT-NHNN.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Dự thảo có bổ sung điều khoản “kể từ ngày Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) thoái vốn xuống dưới mức 5% vốn điều lệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), phòng giao dịch Bưu điện không thực hiện hoạt động nhận tiền gửi tiết kiệm”.
VNPost cho biết, một số khách hàng khi tiếp cận thông tin về dự thảo văn bản chưa đầy đủ nên có thể gây ra sự hiểu lầm và tỏ ra khá lo lắng.
Lãnh đạo LienVietPostBank, VNPost cho biết các thông tin về dự thảo hiện vẫn đang lấy kiến rộng rãi các đơn vị và người dân.
Việc sửa đổi Thông tư 43 hiện không ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện tại các Phòng giao dịch Bưu điện trên toàn quốc.
LienVietPostBank và VNPost cũng khẳng định, dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện vẫn đang được cung cấp bình thường với năng lực phục vụ và chất lượng dich vụ tốt nhất. Mọi thông tin và quyền lợi của khách hàng luôn được đảm bảo an toàn ở mức cao nhất. Khách hàng cần bình tĩnh, không nên rút trước hạn sẽ bị ảnh hưởng tới quyền lợi của mình.
"Theo ghi nhận của chúng tôi, tại các phòng giao dịch sáng 24/3, mọi hoạt động vẫn diễn ra bình thường, đảm bảo mọi khả năng thanh khoản. Khá đông khách hàng đến đáo hạn hoặc gửi tiết kiệm sổ mới", VNPost cho biết.
Trong mọi trường hợp, bao gồm cả trường hợp VNPost thoái vốn cổ phần tại LienVietPostBank, quyền lợi của khách hàng luôn được Ngân hàng và Bưu điện bảo đảm ưu tiên hàng đầu và thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật.
Kế toán trưởng VPBank đã bán 10.000 cổ phiếu VPB
Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE), bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Kế toán trưởng Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - Mã: VPB) đã bán 10.000 cổ phiếu VPB nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân. Giao dịch được thực hiện theo phương thức khớp lệnh trong thời gian 23/2 - 24/3.
Trước đó, bà Hằng đăng ký bán 170.000 cổ phiếu, nhưng chỉ bán được gần 6% do chưa khớp được lệnh phù hợp. Sau giao dịch, Kế toán trưởng VPBank đã giảm lượng cổ phiếu VPB sở hữu từ 381.940 cổ phiếu xuống còn 371.940 cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 0,006%.
Cũng trong khoảng thời gian trên, Công đoàn VPBank đã bán ra 375.000 cổ phiếu VPB theo phương thức khớp lệnh để phục vụ nhu cầu tài chính công đoàn. Sau giao dịch, số lượng cổ phiếu công đoàn nắm giữ giảm còn 7,2 triệu cổ phiếu, tương đương 0,107% vốn điều lệ ngân hàng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Tổng Giám đốc VPBank vừa đăng ký mua vào 350.000 cổ phiếu VPB phục vụ nhu cầu tài chính. Giao dịch dự kiến được thực hiện theo phương thức khớp lệnh từ ngày 27/3 đến ngày 25/4/2023. Nếu thành công, Phó Tổng Giám đốc VPBank sẽ nâng lượng cổ phiếu VPB nắm giữ từ 572.364 lên 922.364 cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 0,01368%.
Trên thị trường, cổ phiếu VPBank vừa trải qua 4 phiên tăng liên tiếp, lên 21.150 đồng. Tính từ đầu tháng 3, cổ phiếu này đã tăng tổng cộng 24% và là một trong những mã tăng giá tốt nhất nhóm ngân hàng.
Về kết quả kinh doanh, VPBank kết thúc năm 2022 với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 21.219 tỷ đồng, lọt Top 5 ngân hàng có lãi cao nhất. Động lực tăng trưởng của ngân hàng chủ yếu ở những tháng đầu năm, đặc biệt là trong quý 1 ngân hàng có lợi nhuận đột biến nhờ thỏa thuận độc quyền bancassurance.
Tính đến cuối năm 2022, tổng tài sản VPBank đạt 631.074 tỷ đồng, tăng 15,3% so với năm 2021. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 23,4% lên 438.338 tỷ đồng.
VPBank thuộc nhóm những ngân hàng có tăng trưởng tiền gửi khách hàng mạnh mẽ nhất trong năm qua, với mức tăng trưởng tới 25,4%, số dư đạt 303.151 tỷ đồng. Tăng trưởng này chủ yếu nhờ nhóm khách hàng hộ kinh doanh, cá nhân (tăng 47,3% lên 168.798 tỷ đồng).
Nợ xấu của VPBank hợp nhất (bao gồm công ty tài chính) là 4,73%. Đối với ngân hàng riêng lẻ, tỷ lệ này tăng nhẹ từ 1,98% năm 2021 lên 2,19%.
NHNN yêu cầu đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc gạo
Việc đẩy mạnh cho vay kinh doanh thóc gạo của các ngân hàng nhằm kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo, đặc biệt trong vụ thu hoạch Đông - Xuân năm 2023.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các tổ chức tín dụng chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo, đặc biệt vụ thu hoạch Đông - Xuân trong những tháng đầu năm 2023.
Các ngân hàng cũng được yêu cầu cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay; đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp; nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng và đánh giá rủi ro nhằm tăng cường cho vay có bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền.
Để khơi thông dòng vốn, các ngân hàng cũng có thể chủ động làm việc trực tiếp với các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, đặc biệt là cho vay tạm trữ, xuất khẩu gạo.
Ngoài ra, NHNN cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực đồng bằng sông Cửu Long chỉ đạo các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo, đặc biệt trong vụ thu hoạch Đông - Xuân năm 2023; không để xảy ra tình trạng khách hàng phản ánh gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng dẫn tới ách tắc trong khâu thu mua thóc, gạo trên địa bàn.
Eximbank thu thêm 55.000 đồng/tháng phí SMS Banking
Từ 1/4, Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) sẽ chính thức thu thêm 55.000 đồng/tháng phí vượt tin đối với dịch vụ SMS Banking biến động số dư.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, đối với khách hàng cá nhân có số lượng tin SMS Banking biến động số dư dưới 50 tin/tháng, ngân hàng Eximbank vẫn áp dụng mức thu phí theo biểu phí hiện hành 15.000 đồng/tháng.
Tuy nhiên, khách hàng cá nhân có số lượng tin SMS Banking biến động số dư từ 50 tin/tháng trở lên, ngoài phí thu theo biểu phí hiện hành, ngân hàng sẽ thu thêm 55.000 đồng/tháng/tài khoản/thuê bao.
Như vậy, kể từ 1/4/2023, tính cả mức thu dịch vụ SMS Banking hiện hành 15.000 đồng/tháng, khách hàng cá nhân tại Eximbank có thể phải trả đến 70.000 đồng/tháng, tương đương 840.000 đồng/năm cho phí SMS Banking. Trong khi trước đó, các nhà mạng và ngân hàng đã thống nhất chỉ thu mức cố định 11.000 đồng/tháng.
Trước đó, cuối năm 2011, việc các ngân hàng đồng loạt tăng phí dịch vụ SMS Banking từ 11.000 đồng lên 77.000 đồng cũng đã khiến dư luận xôn xao. Cụ thể, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) thống báo tăng phí SMS Banking từ 11.000 đồng/tháng theo bậc thang có thể lên đến 77.000 đồng/tháng tùy số lượng tin nhắn.
Đối với tin nhắn trong tháng dưới 20 tin, Vietcombank thu phí 11.000 đồng/tháng; từ 20 đến dưới 50 tin nhắn là 27.500 đồng/tháng; từ 50 đến dưới 100 tin là 55.000 đồng/tháng; từ 100 tin nhắn trở lên là 77.000 đồng/tháng. Như vậy nếu tính cả năm người dùng có thể phải đóng phí tin nhắn SMS cao nhất lên tới 924.000 đồng. Không chỉ Vietcombank, một loạt ngân hàng khác cũng thông báo tăng mức thu phí SMS Banking.