Tin ngân hàng ngày 26/3: Standard Chartered dự báo GDP quý I của Việt Nam đạt 6,1%
Tin ngân hàng ngày 25/3: Lấy ý kiến bỏ cơ sở xác định mức trần tỷ giá kỳ hạn VND với USD Tin ngân hàng ngày 23/3: Lãi suất tiết kiệm xu hướng giảm vẫn áp đảo |
Standard Chartered dự báo GDP quý I của Việt Nam đạt 6,1%
Ngày 25/3, Ngân hàng Standard Chartered dự báo, trong báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, ngân hàng này dự báo tăng trưởng GDP quý I/2024 duy trì ở mức vừa phải trước lạm phát gia tăng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Standard Chartered cho biết, tăng trưởng GDP quý I/2024 của Việt Nam duy trì ở mức vừa phải, đạt 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái (mức 6,7% hồi quý 4/2023).
Theo Standard Chartered, dữ liệu tháng 3 có dấu hiệu phục hồi sau dịp Tết Nguyên đán, nhờ doanh số bán lẻ. Tăng trưởng doanh số bán lẻ được dự báo tăng trưởng ở mức 9,2% trong tháng 3, so với cùng kỳ năm ngoái; xuất khẩu được dự báo hồi phục ở mức 5,2% so với cùng kỳ; nhập khẩu đạt mức 5,0%. Thặng dư thương mại có thể thu hẹp xuống 0,8 tỷ đô la Mỹ.
Lạm phát trong tháng 3 có thể tăng lên mức 4,2% so với cùng kỳ (từ mức 4,0% trong tháng 2). Giá dịch vụ giáo dục, nhà ở (vật liệu xây dựng) và thực phẩm đã thúc đẩy lạm phát trong thời gian gần đây. Để nguồn FDI phục hồi mạnh mẽ thì sẽ cần tăng trưởng GDP nhanh hơn.
Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế Việt Nam và Thái Lan của Standard Chartered, cho biết khả năng tăng trưởng quý I có chậm lại, nhưng Việt Nam vẫn giữ đà phục hồi. Tuy nhiên, ông nói, ngân hàng này thận trọng trong dự báo nửa đầu năm do những thách thức đến từ toàn cầu.
Standard Chartered cũng dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất tái cấp vốn ở mức 4,5% cho đến hết quý III/2024 và tăng 50 điểm cơ bản vào quý IV, trước lo ngại về lạm phát do tăng trưởng.
Sacombank được Moody's nâng bậc nhiều chỉ số xếp hạng tín nhiệm
Sacombank vừa được tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới Moody's nâng bậc Xếp hạng tín nhiệm Nhà phát hành và Tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn lên 1 bậc.
Cụ thể, Moody's nâng 1 bậc Xếp hạng Nhà phát hành và Tiền gửi nội tệ, ngoại tệ dài hạn của Sacombank từ B3 lên B2. Chỉ số Đánh giá Tín dụng cơ sở (BCA) và BCA Điều chỉnh của Sacombank được nâng bậc từ Caa1 lên B3. Đồng thời, Moody's cũng nâng 1 bậc đối với Xếp hạng Rủi ro đối tác (CRR) bằng nội tệ, ngoại tệ dài hạn và Đánh giá rủi ro đối tác (CR) từ B2 lên B1.
Theo Moody's, việc nâng bậc là do Sacombank đã xử lý đáng kể các tài sản tồn đọng, giúp cải thiện chất lượng tài sản và khả năng sinh lợi nhuận. Moody's cũng xét đến hệ tiền gửi vững mạnh của Sacombank, giúp ngân hàng tăng khả năng huy động và thanh khoản.
Sacombank có mạng lưới huy động vững mạnh thông qua hệ thống chi nhánh rộng lớn, hỗ trợ khả năng thu hút tiền gửi mới với chi phí huy động thấp hơn so với một số ngân hàng cùng hạng khác. Tỷ trọng nguồn vốn liên ngân hàng trong tổng tài sản đạt 7,7% tại cuối tháng 6/2023, thuộc nhóm thấp nhất so với các ngân hàng cùng hạng.
Tài sản có vấn đề tồn đọng của Ngân hàng chỉ còn chiếm 2,2% tổng tài sản tại cuối năm 2023 (từ mức 2,7% của năm trước), sau khi tính cả các khoản dự phòng. Ngân hàng hoàn toàn có khả năng kiểm soát tốt khoản dự phòng có thể cần trích thêm cho những tài sản này.
Ngoài ra, Moody's cho rằng tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản (ROA) sẽ được củng cố bởi biên lãi ròng (NIM) cao hơn trong thời gian tới.
Cuối năm 2023, Sacombank được Công ty cổ phần EY Việt Nam trao chứng nhận hoàn thành triển khai chuẩn mực quản lý rủi ro theo BASEL III - tiêu chuẩn quản lý rủi ro ở cấp độ cao trong quản trị rủi ro ngân hàng. Sacombank cũng vừa được Brand Finance xếp hạng 322/500 thương hiệu ngân hàng lớn nhất toàn cầu. Đây là năm thứ 5 năm liên tiếp Sacombank được Brand Finance xếp hạng, tăng 100 bậc so với năm 2020.
Tính đến cuối năm 2023, quy mô tổng tài sản của Sacombank đạt hơn 674.000 tỷ đồng, tăng 13,9% so với đầu năm. Tổng huy động đạt hơn 578.000 tỷ đồng, tăng 11,3%; trong đó chú trọng tăng tiền gửi CASA 8,8%. Tỷ lệ CAR hợp nhất 9,11%, tỷ lệ LDR đạt 82,77%, tỷ lệ NIM 3,9%. Các chỉ số ROA, ROE lần lượt đạt 1,22% và 18,30%, tương ứng tăng 0,31 và 4,47%.
Eximbank ưu đãi chuyển tiền lớn nhất cho khách hàng cá nhân
Mới đây, Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) triển khai chương trình khuyến mại “Cùng Eximbank chuyển yêu thương - Đi muôn phương”. Đây cũng là chương trình nằm trong chuỗi hoạt động hướng đến kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Eximbank.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Chương trình khuyến mại áp dụng cho khách hàng cá nhân chuyển tiền quốc tế từ ngày 01/03/2024 đến hết năm 2024. Theo đó, Eximbank miễn 100% phí chuyển tiền quốc tế đối với mục đích du học và trợ cấp thân nhân.
Cụ thể, đối với mục đích học tập: Số tiền chuyển từ 50.000 USD trở xuống (hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương). Đối với mục đích trợ cấp thân nhân: số tiền chuyển từ 70.000 USD trở xuống (hoặc các loại ngoại tệ khác có giá trị tương đương)…
Đối với mục đích định cư, số tiền chuyển từ 200.000 USD đến dưới 500.000 USD (hoặc các loại ngoại tệ khác giá trị tương đương) mức giảm tối đa 10 triệu đồng/giao dịch. Số tiền chuyển từ 500.000 USD trở lên (hoặc các loại ngoại tệ khác giá trị tương đương) mức giảm tối đa lên tới 20 triệu đồng/giao dịch.
Khách hàng cá nhân sẽ được miễn phí và ưu đãi khi chuyển tiền vào thứ 2, thứ 3 hàng tuần, với tỷ giá cạnh tranh. Đặc biệt, khách hàng cá nhân sẽ được trải nghiệm những thủ tục đơn giản, nhanh chóng, đáp ứng nhu cầu chuyển tiền ra nước ngoài cho các mục đích du học, trợ cấp, định cư…
Đây là chương trình khuyến mại có ưu đãi lớn nhất và kéo dài nhất từ trước đến nay mà Eximbank áp dụng cho dịch vụ chuyển tiền quốc tế cho khách hàng cá nhân. Khách hàng có thể thỏa sức sử dụng dịch vụ và tận hưởng ưu đãi, áp dụng trong 3 giai đoạn khuyến mại từ nay kéo dài tới hết năm 2024.
Không chỉ dịp cuối năm, lễ, Tết nguồn kiều hối về nhiều mà nhu cầu chuyển tiền quốc tế liên tục gia tăng thời gian qua. Bên cạnh lượng du học sinh Việt Nam ở nước ngoài, lao động Việt Nam sinh sống và làm việc ở khắp nơi trên thế giới, sự hội nhập của Việt Nam với quốc tế khi hàng loạt hiệp định thương mại tự do đã được ký kết… cũng thúc đẩy nhu cầu giao dịch ngoại tệ, chuyển tiền ra nước ngoài. Mục đích chuyển tiền cũng ngày càng đa dạng hơn, từ du học, trợ cấp cho thân nhân đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài đến định cư, khám chữa bệnh, đầu tư…
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 26/3: Standard Chartered dự báo GDP quý I của Việt Nam đạt 6,1%