Tin ngân hàng ngày 26/8: Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất
Tin ngân hàng ngày 25/8: Vietcombank đấu giá khoản nợ hơn 35 tỷ đồng của công ty Thép Sài Gòn Tin ngân hàng ngày 24/8: Ngân hàng Nhà nước hút ròng hơn 100.000 tỷ đồng |
Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất, trên 500%
Theo thống kê, tổng nợ xấu tại 27 ngân hàng, tính đến cuối quý 2, chiếm gần 122 ngàn tỷ đồng trong tổng dư nợ, tăng 20% so với đầu năm. Trong khi đó, dự phòng rủi ro cho vay khách hàng tăng đến 24%, lên mức gần 178 ngàn tỷ đồng. Vì tỷ lệ tăng của dự phòng rủi ro cao hơn mức tăng của nợ xấu nên tỷ lệ bao phủ nợ xấu của các ngân hàng đã tăng đáng kể trong nửa đầu năm.
Vietcombank tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên trên 500%/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Có đến 10/27 ngân hàng ghi nhận tăng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên trên 100%. Đáng chú ý nhất là Vietcombank khi đưa tỷ lệ này lên mức gần 506%, trong khi một số nhà băng ghi nhận mức cao cũng quanh mốc 200% như BIDV (262%), MBB (221%), VietinBank (189%).
Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại các ngân hàng tăng cao hơn 100% cho thấy các ngân hàng đã trích đủ dự phòng. Trường hợp xấu nhất, nếu chuyển sang nhóm nợ xấu không thể thu hồi nợ thì ngân hàng vẫn còn dự phòng để bao phủ khoản nợ này và không làm ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Giải thích thêm, Bộ phận phân tích ngân hàng từ CTCK Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) lý giải cho phần trích lập nợ tái cơ cấu, nhưng do nợ tái cơ cấu hiện tại chưa chuyển thành nợ xấu nên sẽ làm tăng phần dự phòng lên, tử số tăng, nhưng mẫu số (nợ xấu) không tăng tương xứng, do đó dẫn đến tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng đến hơn 500% tại Vietcombank. Phía BSC cũng dự báo, trong quý 3, tỷ lệ bao phủ nợ xấu sẽ giảm vì sẽ có một khoản đã chuyển thành nợ xấu sau khi Thông tư 14 hết hiệu lực.
Đại diện từ CTCK MB (MBS) cho biết, đa số các ngân hàng đã trích lập dự phòng đầy đủ theo các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước và cũng đã dự phòng cho cả năm 2023 nên khả năng tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong quý 3, 4 sẽ không tăng nhiều. Nếu trong thời gian tới các ngân hàng được nới room tín dụng thì dư nợ toàn thị trường lại tốt lên và ngân hàng sẽ tiếp tục trích lập dự phòng cho các tài khoản nợ mới, khả năng tỷ lệ bao phủ nợ xấu sẽ giảm đi và không tăng tiếp.
Việc các ngân hàng tăng độ bao phủ nợ xấu để dự phòng cho việc chuyển nhóm nợ không diễn ra trên toàn hệ thống. Tuy nhien, vẫn có những nhà băng giữ mức khiêm tốn dưới 50% như NCB (18%), PGB (37%), VietBank (gần 38%)… Điều này cho thấy cách phản ứng với nợ xấu tại mỗi ngân hàng là khác nhau vì theo quy định thì với số nợ được cơ cấu lại, các ngân hàng có thể lựa chọn trích lập dự phòng 100% hoặc trích lập dự phòng từng phần trong 3 năm liên tục theo tỷ lệ 30%, 60%, 100%.
Thanh khoản tốt, lạm phát chưa đáng ngại, ngân hàng xem xét nới room tín dụng
Câu chuyện nới room được các ngân hàng và doanh nghiệp đặc biệt quan tâm. TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Ngân hàng Nhà nước còn băn khoăn chuyện chưa nới room tăng trưởng tín dụng do 2 nguyên nhân, đó là lo ngại lạm phát và thanh khoản hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh lạm phát chủ yếu do chi phí đẩy, nếu có thể kiểm soát giá xăng dầu và giá thịt lợn thì có thể tự tin kiểm soát được lạm phát dưới 4%.
“Không nên quá lo ngại về lạm phát mà bóp nghẹt thị trường để có thể tận dụng được cơ hội phục hồi. Khi cả thế giới đang đối mặt với lạm phát thì chúng ta đã kiểm soát được, đó là một cơ hội rất tốt”, TS. Lực nhận định.
Về chuyện nới room, theo chuyên gia này, nếu chờ đợi đến quý IV/2022 mới nới room là hơi muộn và có thể sẽ mất cơ hội. Ngân hàng Nhà nước cần lưu ý đến vấn đề này và nên xem xét trong tháng tới, bởi nếu không khơi thông sớm sẽ bị mất cơ hội, tăng nợ đọng lẫn nhau giữa các doanh nghiệp - cực kỳ nguy hiểm - và nợ xấu ngân hàng tăng lên.
Lưu ý thêm rằng, nhu cầu vốn tín dụng trong năm nay tăng trưởng cao gắn với nhu cầu thực hơn so với trước rất nhiều do nền kinh tế phục hồi, sản xuất kinh doanh được đẩy mạnh, doanh nghiệp có nhu cầu vốn để hoạt động.
Hơn nữa, hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng hiện nay hoàn toàn trong khả năng kiểm soát. Tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động trong thị trường 1 theo tính toán sơ bộ đến thời điểm hiện nay là 92%, vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay 25,2% và ngưỡng cho phép của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu từ 1/10 năm nay là 34%, tức là vẫn trong tầm kiểm soát.
Ngoài ra, dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống các ngân hàng đang mạnh hơn đặc biệt là trong 3 tháng gần đây. Tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung dài hạn hiện nay đã khác, không còn ở tỷ lệ 20% - 80% như trước đây, mà đã cải thiện hơn rất nhiều. Đây là các yếu tố khiến Ngân hàng Nhà nước có thể yên tâm hơn khi xem xét nới room tín dụng.
OCB phát hành 5 triệu cổ phiếu ESOP
Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) vừa thông báo sẽ phát hành 5 triệu cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động trong công ty (ESOP) với tổng giá trị phát hành là 50 tỷ đồng.
Tỷ lệ phát hành là 0,365% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, với giá phát hành là 10.000 đồng/cổ phiếu. Thời gian nhận tiền mua cổ phiếu từ ngày 5/9 đến 17/9.
OCB cho biết cổ phiếu mới phát hành theo chương trình ESOP chịu hạn chế chuyển nhượng 4 năm kể từ ngày phát hành, sau mỗi năm được chuyển nhượng 25%.
Mục đích phát hành là giúp ngân hàng nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) theo quy định của cơ quan chức năng. Theo đó, việc phát hành lượng cổ phiếu ESOP còn giúp ngân hàng tăng trưởng quy mô, tăng năng lực cạnh tranh và đáp ứng kế hoạch mở rộng mạng lưới giao dịch của OCB.
Trước đó, HĐQT OCB công bố nghị quyết về việc sẽ triển khai việc tăng vốn điều lệ năm 2022 thêm 4.127 tỷ đồng bằng hình thức phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu từ nguồn vốn chủ sở hữu.
OCB sẽ thực hiện tăng vốn điều lệ thêm 4.127 tỷ đồng thông qua việc phát hành 412,7 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, tương đương tỷ lệ 30%. Nguồn vốn thực hiện chia thưởng được trích từ các nguồn thuộc vốn chủ sở hữu đã được kiểm toán tại ngày 31/12/2021.
Phương án tăng vốn nêu trên sẽ được thực hiện sau khi OCB hoàn thành việc tăng vốn điều lệ thêm 50 tỷ đồng qua phương án phát hành cổ phiếu theo chương trình ESOP và thêm 8,82 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài (ngân hàng Aozora - Nhật Bản).
Về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm, ngân hàng báo lãi trước thuế đạt 1.739 tỷ đồng, giảm 34,6% so với cùng kỳ. Đến hết 30/6, tổng tài sản ghi nhận 188.857 tỷ đồng, tăng 2,4% so với đầu năm. Về nguồn vốn, nửa đầu năm, tiền gửi khách hàng giảm 2,3% xuống còn 96.555 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 4% lên 23.545 tỷ đồng.
Moody’s duy trì xếp hạng triển vọng ổn định cho ABBANK
Theo báo cáo mới nhất của Moody’s, triển vọng về xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi dài hạn của Ngân hàng TMCP An Bình (ABBANK) là ổn định, phản ánh kỳ vọng của Moody’s về chất lượng tín dụng sẽ vẫn duy trì ở mức ổn định trong 12-18 tháng tới. Tại thời điểm cuối quý I/2022, các điểm mạnh của ABBANK cũng được Moody’s đánh giá cao như:tính thanh khoản của bảng cân đối tốt và ngân hàng đã thực hiện tăng vốn tự có từ các cổ đông.
Moody’s duy trì xếp hạng triển vọng ổn định cho ABBANK/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Các chỉ số đánh giá khác của ABBANK được duy trì ở mức B1 sau 3 kỳ đánh giá gần nhất (kể từ quý I/2021) bao gồm: xếp hạng tín nhiệm tiền gửi; xếp hạng tín nhiệm tổ chức phát hành nội tệ và ngoại tệ; xếp hạng tín dụng rủi ro đối tác. Khả năng sinh lời và Xếp hạng tín nhiệm cơ sở của ABBANK giữ mức B2, nguyên nhân chủ yếu do tỷ lệ nợ xấu của ABBANK theo cách tính của Moody’s đã cải thiện nhưng vẫn còn cao do bị ảnh hưởng nhiều bởi tình hình khó khăn từ dịch bệnh.
Đầu năm 2022, ABBANK đã hoàn thành lộ trình tăng vốn điều lệ lên hơn 9.400 tỷ đồng nhằm bổ sung tiềm lực tài chính cho các hoạt động mở rộng kinh doanh. Sau 6 tháng đầu năm 2022, kết quả kinh doanh của ABBANK cũng đạt được một số điểm khả quan. Lợi nhuận trước thuế tính đến hết quý II đạt 1.632 tỷ đồng, tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Hệ số an toàn vốn (CAR) của ABBANK tăng dần từng năm, đạt mức 12.89% tại thời điểm kết thúc quý II/2022, cao hơn cùng kỳ năm ngoái (11,3%).
Trong thời gian tới, ABBANK sẽ tiếp tục tập trung cải thiện tỷ lệ nợ xấu, nâng cao chất lượng tài sản, vốn hóa lõi và khả năng sinh lời với kỳ vọng nâng hạng tín nhiệm Moody’s.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 26/8: Vietcombank là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất