Tin ngân hàng ngày 27/4: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn
Tin ngân hàng ngày 26/4: NHNN yêu cầu tiếp tục dành vốn tín dụng cho bất động sản Tin ngân hàng ngày 25/4: Nhiều doanh nghiệp được giãn nợ tối đa 12 tháng |
Ngân hàng tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (gọi chung là ngân hàng) cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Phạm vi và đối tượng của thông tư quy định về việc các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh và khách hàng gặp khó khăn trả nợ khoản vay phục vụ đời sống, tiêu dùng. Thời gian triển khai đến hết ngày 30/6/2024.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, việc ban hành Thông tư 02 trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 50/NQ-CP ngày 8/4/2023 và Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ. Cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp đã và đang triển khai, chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, dự kiến sẽ góp phần trực tiếp tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, kéo dài thời gian vay và trả nợ ngân hàng.
Việc cho phép giãn, hoãn nợ theo Thông tư 02 đã giải tỏa đáng kể sức ép cho doanh nghiệp và người dân trong bối cảnh diễn biến kinh tế thế giới, tình hình phát triển kinh tế - xã hội trong nước ba tháng đầu năm 2023 và các khó khăn, thách thức tác động tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, người dân.
Một số chuyên gia cũng cho rằng, việc này cũng tạo điều kiện tiếp tục quay vòng vốn và tiếp cận vốn vay mới phục vụ sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng qua đó góp phần phát triển sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế theo các mục tiêu đề ra của năm 2023 và cả giai đoạn 2021-2025.
Trao đổi với báo chí về tác động của việc ngân hàng cho phép cơ cấu thời hạn trả nợ, TS. Nguyễn Hữu Huân - Trưởng Bộ môn Thị trường Tài chính Đại học Kinh tế TP HCM cho biết, mặc dù sẽ giúp cho nền kinh tế bớt khó khăn hơn, doanh nghiệp và ngân hàng không bị chuyển nhóm nợ xấu, tuy nhiên, thị trường cũng chưa nên kỳ vọng việc này có thể tạo cú kích thích mạnh, vì nền kinh tế sẽ phải có thời gian dần dần phục hồi và đi vào ổn định.
BIDV hợp tác chiến lược với Edmond de Rothschild
Ngày 26/04/2023, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Edmond de Rothschild đã tổ chức lễ ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác chiến lược để triển khai giải pháp đầu tư chuyên biệt, nâng tầm dịch vụ Private Banking dành cho khách hàng cao cấp Việt Nam.
Sự kiện được tổ chức vào đúng ngày kỷ niệm 66 năm thành lập BIDV được coi là một dấu mốc ý nghĩa cho sự hợp tác giữa ngân hàng có lịch sử lâu đời nhất trong hệ thống các tổ chức tín dụng Việt Nam và Edmond de Rothschild - định chế tài chính hàng đầu thế giới.
Theo thỏa thuận, BIDV và Edmond de Rothschild sẽ cung cấp giải pháp đầu tư chuyên biệt với phạm vi trong và ngoài nước dành riêng cho phân khúc khách hàng cao cấp tại Việt Nam. Edmond de Rothschild sẽ hỗ trợ BIDV chuẩn hóa và nâng cao năng lực đội ngũ Giám đốc quản lý tài sản, từ đó mang lại dịch vụ Private Banking chuẩn mực, đẳng cấp quốc tế.
Hợp tác chiến lược sẽ hướng tới việc thiết lập các giải pháp quản lý tài chính, đầu tư trên phạm vi trong và ngoài nước cho khách hàng cao cấp tại thị trường Việt Nam. Đây được xem như mảnh ghép hoàn hảo trong chuỗi cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng toàn diện, đầy đủ cho các phân khúc khách hàng tại BIDV, khẳng định vị thế Ngân hàng hàng đầu Việt Nam, hướng tới là định chế tài chính hàng đầu khu vực Đông Nam Á và Top 100 Ngân Hàng tại Châu Á.
Ngân hàng Bản Việt đặt mục tiêu lợi nhuận tăng 10% trong năm 2023
Ngày 26/4/2023, Ngân hàng Bản Việt tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên (ĐHĐCĐ) với nhiều nội dung quan trọng được đệ trình và thông qua.
Báo cáo tại đại hội, ông Ngô Quang Trung - Tổng giám đốc nhấn mạnh, năm 2022 là một năm nhiều thách thức đối với ngành ngân hàng, Ngân hàng Bản Việt luôn bám sát tình hình thực tế và định hướng của NHNN để từ đó có chính sách điều hành linh hoạt, đảm bảo an toàn trong hoạt động. Kết thúc năm tài chính 2022, các chỉ tiêu kinh doanh của ngân hàng đạt kế hoạch đặt ra.
Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản Ngân hàng Bản Việt đạt hơn 79 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với 2021. Tổng huy động vốn đạt hơn 72 nghìn tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 50,900 tỷ đồng, tăng lần lượt 3 % và 9,6% so với năm 2021. Lợi nhuận trước thuế năm 2022 đạt 456 tỷ đồng, tăng 46% so với 2021.
Trong năm 2022, Ngân hàng Bản Việt tiếp tục mở rộng mạng lưới, đưa ngân hàng đến gần khách hàng hơn với 21 điểm kinh doanh được mở mới trên toàn quốc, nâng tổng số chi nhánh/phòng giao dịch lên 109 điểm tại 30 tỉnh/thành. Song song đó, hoạt động ngân hàng số tiếp tục được đầu tư và phát triển mạnh để cùng với mảng ngân hàng truyền thống đẩy mạnh việc mở rộng quy mô khách hàng. Tính chung cả năm 2022, số lượng khách hàng tăng gần 75% so với 2021.
Song song với hoạt động kinh doanh, tiếp nối quá trình xây dựng nền tảng quản lý rủi ro những năm gần đây, Ngân hàng tiếp tục triển khai các dự án trọng điểm để hướng tới các chuẩn mực quốc tế trong quản lý rủi ro kinh doanh như RAROC, IFRS9.
Hội đồng quản trị đã trình thông qua tại đại hội kế hoạch hoạt động 2023 các chỉ tiêu kinh doanh chính phù hợp định hướng này Đại hội đã cùng đồng thuận với các chỉ tiêu kế hoạch cụ thể: Tổng tài sản đạt 86.600 tỷ đồng, tăng 10%, huy động vốn từ tổ chức kinh tế (không bao gồm các tổ chức tín dụng) và dân cư đạt hơn 69 nghìn tỷ đồng, tăng 16%; dư nợ cấp tín dụng đạt gần 60 nghìn tỷ đồng, tăng 12% (tốc độ tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào sự chấp thuận của NHNN); lợi nhuận trước thuế đạt 502 tỷ đồng, tăng 10%.
Agribank dự kiến được tăng vốn hơn 17.000 tỷ đồng
Ngày 25/4, Chính phủ ban hành Nghị quyết về đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank). Theo đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ thừa uỷ quyền Thủ tướng, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội về bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giai đoạn 2021-2023 thêm 17.100 tỷ đồng.
Agribank dự kiến được tăng vốn hơn 17.000 tỷ đồng/Ảnh minh họa |
Vốn bổ sung cho ngân hàng này sẽ lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt, trên 6.750 tỷ đồng. Phần còn lại gần 10.350 tỷ đồng bố trí từ ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024.
Thống đốc Nguyễn Thị Hồng sẽ trình bày trước Quốc hội về việc tăng vốn cho Agribank. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm gửi đầy đủ hồ sơ, tài liệu đến Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.
Vốn điều lệ của ngân hàng quốc doanh này đạt gần 34.330 tỷ đồng vào cuối năm 2022. Như vậy, nếu được cấp có thẩm quyền đồng ý, vốn của Agribank sẽ tăng lên khoảng 51.430 tỷ đồng.
Trước đó, Hiệp hội Ngân hàng đã đề nghị Chính phủ trình Quốc hội tăng vốn điều lệ cho nhà băng quốc doanh này. Vốn điều lệ ở mức thấp khiến hệ số an toàn vốn (hệ số CAR - tỷ lệ giữa vốn tự có với tài sản có điều chỉnh rủi ro của ngân hàng thương mại) của Agribank về sát ngưỡng tối thiểu, việc này làm hạn chế hoạt động huy động và cho vay. Hiện nay, hệ số CAR theo quy định là 8%. Tỷ lệ này là thước đo cơ bản để Ngân hàng Nhà nước đánh giá sự lành mạnh về tài chính của ngân hàng.
Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank cũng từng kiến nghị Chính phủ tạm ứng cho ngân hàng 6.750 tỷ đồng, đã được Quốc hội thông qua dự toán ngân sách cấp vốn điều lệ cho Agribank trong năm 2023. Việc cấp vốn điều lệ này theo ông Ấn, là việc rất cấp thiết để đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu cho tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm 2023, phục vụ nhu cầu vốn của nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực tam nông.
Lần gần nhất Agribank được Quốc hội đồng ý bổ sung vốn điều lệ là vào 2020, với mức tăng 3.500 tỷ đồng. Khoản tiền này bằng với lãi sau thuế nhà băng sẽ nộp ngân sách năm 2020, tối đa 3.500 tỷ đồng.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 27/4: Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và người dân gặp khó khăn