Tin ngân hàng ngày 27/5: Kiến nghị gói vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 3-5%
Tin ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1% vào 6 tháng cuối năm Tin ngân hàng ngày 25/5: NHNN rút khỏi nền kinh tế hơn 93.000 tỷ đồng trong một tháng |
Kiến nghị gói vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 3-5%
Bộ Xây dựng vừa báo cáo Thủ tướng tình hình triển khai đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, trong đó Bộ Xây dựng đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu gói vay mới với lãi suất giảm 3-5% so với lãi vay thương mại, thời hạn vay 10-15 năm.
Ảnh minh họa |
Cơ quan này cũng đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành xây dựng phương án phát hành trái phiếu chính phủ để hỗ trợ lãi suất cho hoạt động đầu tư, xây dựng nhà ở xã hội.
Về tốc độ giải ngân gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, Bộ Xây dựng cho biết đã giải ngân được 1.144 tỷ đồng, bao gồm: 1.133 tỷ đồng cho chủ đầu tư các dự án vay, 11 tỷ đồng cho người mua nhà vay.
Như vậy so với thời điểm tháng 3, giải ngân gói này đã tăng gần gấp đôi về số vốn, nhưng cũng chỉ đạt gần 1% quy mô gói vay. Để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, Bộ Xây dựng kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét giảm lãi suất cho vay để phù hợp với thực tế.
Cũng theo Bộ Xây dựng, đến nay có 30 địa phương trên cả nước công bố danh mục 72 dự án nhà ở xã hội đủ điều kiện vay vốn từ gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, đáng chú ý là Hà Nội có 6 dự án, TP HCM 6 dự án, Bắc Ninh 6 dự án, Bình Định 5 dự án…
Về kết quả phát triển nhà ở xã hội trong 2 tháng gần đây, Bộ Xây dựng cho biết đến nay số dự án nhà ở xã hội đang triển khai trên cả nước là 503 dự án, tăng 4 dự án so với thời điểm 15/3.
Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM - cho rằng, để cuộc đua phát triển nhà ở xã hội có hiệu quả và bền vững cần đảm bảo hai yếu tố mấu chốt là quỹ đất và nguồn vốn ưu đãi. Ông Châu cũng đề nghị tăng thêm lợi nhuận định mức cho chủ đầu tư nhà ở xã hội lên 15%, thay vì 10% như trước. Quy định này áp dụng cho chủ đầu tư tự tạo lập quỹ đất, mục tiêu thu hút thêm nhiều doanh nghiệp cùng tham gia cuộc đua phát triển nhà xã hội
Sử dụng các công cụ lãi suất để điều hành tín dụng
Liên quan tới chính sách tiền tệ, thảo luận tại hội trường kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, đại biểu Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Quảng Trị cho rằng giai đoạn 2022-2023 là "hai năm toát mồ hôi" trong điều hành tiền tệ. Do vậy, về lâu dài cần tiến tới sử dụng các công cụ lãi suất để điều hành tín dụng hơn là công cụ về hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng).
Ông cho biết tại báo cáo gửi Quốc hội ở kỳ họp này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vẫn kiên trì quan điểm chưa thể bỏ công cụ room tín dụng. Tuy vậy, ông đề nghị Ngân hàng Nhà nước sớm có tổng kết đánh giá chính sách room tín dụng và tiến tới luật hóa vấn đề này.
Hiện nay để điều hành tín dụng, Ngân hàng Nhà nước thực hiện công cụ phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cho các ngân hàng thương mại. Mục đích sử dụng room tín dụng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, việc áp đặt room tín dụng như vậy từng được đại biểu Hà Sỹ Đồng đánh giá là có thể phát sinh tình trạng xin cho và đề nghị bỏ hẳn chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Trong khi đó, lãi suất điều hành là một công cụ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giúp điều tiết hoạt động tài chính, thúc đẩy nền kinh tế hoặc hỗ trợ hoạt động sản xuất. Việc tăng giảm lãi suất điều hành sẽ do Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh và lựa chọn với các tỉ lệ khác nhau để phù hợp với mục tiêu kinh tế vĩ mô.
Chủ tài khoản thanh toán được yêu cầu cung cấp thông tin dịch vụ
Chính phủ vừa ban hành nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt, theo Điều 9 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, việc mở và sử dụng tài khoản thanh toán của khách hàng tại tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước và quy định của pháp luật liên quan.
Theo Điều 10 Nghị định 52/2024/NĐ-CP, chủ tài khoản thanh toán được sử dụng tài khoản thanh toán của mình để nộp, rút tiền mặt và yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán hợp lệ. Chủ tài khoản thanh toán có quyền yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán cung cấp thông tin về giao dịch và số dư trên tài khoản thanh toán của mình theo thỏa thuận với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán noi mở tài khoản thanh toán.
Chủ tài khoản thanh toán được ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán. Việc ủy quyền phải thực hiện bằng văn bản, phù hợp với quy định pháp luật về ủy quyền.
Chủ tài khoản thanh toán có nghĩa vụ cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và tuân thủ các quy định về mở, sử dụng, ủy quyền trong sử dụng tài khoản thanh toán của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và phải đảm bảo có đủ tiền (số dư Có) trên tài khoản thanh toán để thực hiện lệnh thanh toán đã lập trừ trường hợp có thỏa thuận cho vay thấu chi với tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán.
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có nghĩa vụ thực hiện đầy đủ, kịp thời lệnh thanh toán hợp lệ của chủ tài khoản thanh toán.
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có quyền từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán khi lệnh thanh toán không hợp lệ hoặc có cơ sở pháp lý để xác định chủ tài khoản vi phạm các hành vi bị cấm theo quy định tại Điều 8 Nghị định này hoặc khi tài khoản thanh toán không đủ tiền trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp từ chối thực hiện lệnh thanh toán của chủ tài khoản thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phải thông báo lý do từ chối cho chủ tài khoản thanh toán.
Bac A Bank tăng phí dịch vụ SMS Banking từ 1/6
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) vừa thông báo sẽ tăng phí dịch vụ SMS Banking kể từ 1/6/2024 đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Ảnh minh họa |
Theo đó, đối với khách hàng cá nhân, phí dịch vụ SMS Banking được thu theo mức số lượng tin nhắn biến động số dư phát sinh trên số tài khoản của khách hàng. Cụ thể:
Từ 0-15 tin nhắn/tháng, mức phí sẽ là 10.000 đồng/tháng. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả không phát sinh tin nhắn nào trong tháng, khách hàng vẫn phải chịu mức phí tối thiểu 10.000 đồng/tháng.
Đối với tài khoản phát sinh từ 16-30 tin nhắn/tháng, mức phí là 20.000 đồng/tháng; từ 31-60 tin nhắn/tháng, mức phí 40.000 đồng/tháng.
Từ 61 tin nhắn/tháng trở lên, mức phí lên đến 60.000 đồng/tháng.
Lưu ý, mức phí trên chưa bao gồm thuế VAT. Do đó khách hàng cá nhân của Bac A Bank sẽ phải trả mức phí cao nhất là 66.000 đồng/tháng cho việc nhận tin nhắn biến động số dư tài khoản.
Đối với khách hàng doanh nghiệp, ngân hàng áp dụng mức phí mới cho tất cả khách hàng doanh nghiệp là 50.000 đồng/tháng (chưa bao gồm VAT). Mỗi doanh nghiệp được đăng ký tối đa 3 thuê bao nhận tin nhắn biến động số dư.
Theo quy định của Bac A Bank, khách hàng sẽ nhận được tin nhắn biến động số dư với mỗi giao dịch từ 10.000 đồng trở lên.
Theo tìm hiểu, Bac A Bank là ngân hàng mới nhất gia nhập cuộc đua tăng phí dịch vụ SMS Banking kể từ đầu năm 2024. Trước đó, một loạt ngân hàng đã tăng phí dịch vụ này kể từ 1/12024 là: Vietcombank, ACB, VietinBank, Sacombank, VPBank, Nam A Bank... OCB cũng tăng phí SMS Banking kể từ 1/2, tiếp đó là Eximbank từ 1/3 sau khi đã điều chỉnh tăng mạnh vào đầu năm 2023.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 27/5: Kiến nghị gói vay ưu đãi với lãi suất giảm từ 3-5%