Tin ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1% vào 6 tháng cuối năm
Tin ngân hàng tuần qua: Hoãn nợ thêm 6 tháng cho các khách hàng gặp khó khăn Tin ngân hàng tuần qua: Thanh tra một số lĩnh vực tại Ngân hàng Nhà nước |
Lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1% vào 6 tháng cuối năm
Tại hội thảo dự báo thị trường và chiến lược đầu tư ngày 23/5, ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối kinh doanh tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, nhìn nhận lãi tiền gửi tăng nhưng vẫn ở mức thấp nhiều năm. Hiện, mặt bằng chung lãi tiền gửi là 5%.
Ảnh minh họa |
Động thái tăng lãi huy động của các ngân hàng, theo ông, ngoài theo xu hướng của các thị trường quốc tế, còn nhằm mục tiêu cân bằng so với lợi suất của các kênh đầu tư khác trên thị trường.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống tính đến hết tháng 4 vẫn dưới 2%, thấp so với cùng kỳ các năm trước. Ông Quang cho hay thực tế xu hướng của tín dụng là thường tăng rất chậm trong quý I, hồi phục vào quý II hàng năm.
"Lãi suất tiền gửi có thể tăng 0,5-1% trên các kỳ hạn khác nhau từ nửa cuối năm nay", ông Quang dự báo.
Chuyên gia của UOB Việt Nam nhận định, thanh khoản hệ thống không gặp vấn đề và chưa nhận thấy lo lắng nhu cầu huy động với lãi suất cao hay sự đảo chiều về chính sách tiền tệ, tức từ trạng thái thả lỏng như hiện nay sang thắt chặt để kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tỷ giá.
Còn theo ông Abel Lim, Giám đốc Tư vấn và chiến lược quản lý tài sản, Tập đoàn UOB, nhận định, lạm phát tăng cao hơn dự kiến trong năm nay nên Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã phát tín hiệu rằng họ cần duy trì lãi suất ở mức cao lâu hơn.
Trong bối cảnh đó, USD mạnh lên, dẫn đến suy yếu của các đồng tiền châu Á, trong đó có tiền đồng. Tuy nhiên, quan điểm của UOB là Fed sẽ bắt đầu hạ lãi suất hai lần trong năm nay, vào tháng 9 và tháng 12.
Kỳ vọng về khả năng giảm lãi suất của Fed giảm dần, theo ông Đinh Đức Quang, cũng khiến tỷ giá duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn. Ngân hàng Nhà nước đã can thiệp vào thị trường ngoại hối trong tháng 4 và điều này có thể giúp kiểm soát biến động.
Ngoài những trở ngại bên ngoài trong ngắn hạn, UOB dự báo tiền đồng sẽ nhận được hỗ trợ từ các yếu tố cơ bản vững chắc và sự phục hồi tiếp theo của đồng nhân dân tệ. Theo đó, tỷ giá theo dự báo của nhà băng này có thể lên 25.600 đồng trong quý II, sau đó hạ nhiệt và giảm về vùng 24.600 đồng vào quý I năm sau.
F88 huy động thêm 100 tỷ đồng trái phiếu
F88 vừa huy động thêm 100 tỷ đồng qua kênh trái phiếu riêng lẻ, nâng quy mô trái phiếu lưu hành lên 550 tỷ đồng.
Công ty Cổ phần Kinh doanh F88 (gọi tắt là F88) đã phát hành thành công 2 lô trái phiếu F88CH2425002 và F88CH2425001 qua đó thu về 100 tỷ đồng.
Cụ thể, lô trái phiếu F88CH2425002 được phát hành ngày 3/5/2024, hoàn tất ngày 6/5/2024, có kỳ hạn 12 tháng và đáo hạn ngày 3/5/2025, với khối lượng phát hành là 500 trái phiếu, mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, giá trị phát hành là 50 tỷ đồng, với lãi suất 11,5%/năm.
Và lô trái phiếu F88CH2425001 cũng được F88 hoàn tất phát hành vào ngày 19/4/2025 với tổng giá trị 50 tỷ đồng. Lô trái phiếu này cũng có kỳ hạn 12 tháng và sẽ đáo hạn vào ngày 19/4/2025.
Theo thông tin thì hai lô trái phiếu nêu trên của F88 đều là loại trái phiếu không kèm chứng quyền, không chuyển đổi, không có tài sản đảm bảo. Đối tượng chào bán là cá nhân và tổ chức chuyên nghiệp.
Được biết, năm 2023, F88 cũng huy động thành công 3 lô trái phiếu gồm: F88CH2324001, F88CH2324002 và F88CH2324003 với tổng giá trị 450 tỷ đồng. Trong đó mã trái phiếu F88CH2324001 có lãi suất công bố là 12%/năm, 2 mã còn lại có lãi suất 11,5%/năm.
Theo đó, từ tháng 8/2023 đến nay, đơn vị này đã huy động thành công 550 tỷ đồng từ trái phiếu mà không có tài sản đảm bảo.
Về kết quả kinh doanh năm 2023, trong báo cáo tài chính của F88 cho thấy, đơn vị này ghi nhận mức lỗ sau thuế là hơn 528 tỷ đồng. Nguyên nhân về khoản lỗ này F88 cho rằng do phải đẩy mạnh trích lập dự phòng.
Cụ thể, tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu của F88 âm tới 37%. Tính đến ngày 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của F88 đạt hơn 1.430 tỷ đồng, tăng 67,6%. Nhưng hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của F88 giảm từ 4,18 lần xuống còn 1,8 lần tương ứng 2.575 tỷ đồng.
VietinBank cho vay với lãi suất chỉ từ 5,0%/năm
Nhằm hỗ trợ tối đa và đem đến những lợi ích thiết thực dành cho khách hàng tin chọn các sản phẩm tín dụng, Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) đã điều chỉnh giảm lãi suất cho vay.
Ảnh minh họa |
Theo đó, từ nay đến ngày 15/7/2024, khách hàng ưu tiên (KHƯT)/KHƯT trải nghiệm thuộc các hạng Bạch kim, Kim cương; khách hàng mua bảo hiểm; khách hàng nhận lương qua VietinBank tham gia Chương trình “Vay ưu đãi - Khởi sắc tương lai” sẽ được giảm lãi suất 0,2%/năm so với lãi suất bình thường. Cụ thể: Đối với khoản vay ngắn hạn, lãi suất chỉ từ 5,0%/năm; Đối với khoản vay trung hạn, dài hạn, lãi suất chỉ từ 5,6%/năm.
Quy mô tín dụng cho các khoản vay ưu đãi nói trên lên đến 400.000 tỷ đồng.
Theo khảo sát trên thị trường hiện nay cho thấy, mức lãi suất cho vay chỉ 5%/năm của VietinBank đang thuộc nhóm thấp nhất và hấp dẫn nhất thị trường bởi các điều kiện không hề khắt khe.
Theo đại diện VietinBank, bằng việc áp dụng mức ưu đãi lãi suất hấp dẫn cho khách hàng vay tiêu dùng và vay sản xuất kinh doanh, VietinBank sẽ luôn là người bạn đồng hành, hỗ trợ đắc lực cùng khách hàng xây dựng lộ trình tài chính bền vững, dễ dàng đạt tới những mục tiêu trong cuộc sống.
NHNN bơm thanh khoản mạnh nhất trong nhiều năm
Ngân hàng Nhà nước đã cho các ngân hàng vay gần 43.064 tỷ đồng qua kênh OMO trong phiên giao dịch 23/5 - mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Phiên giao dịch 23/5 ghi nhận giao dịch đột biến trong hoạt động cho vay cầm cố giấy tờ có giá (OMO) của Ngân hàng Nhà nước. Theo đó, 8 thành viên thị trường đã vay nhà điều hành gần 43.064 tỷ đồng với kỳ hạn 14 ngày và lãi suất là 4,5%/năm.
So với phiên trước đó, khối lượng trúng thầu OMO đã tăng hơn 18.000 tỷ đồng và là mức trúng thầu cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Bên cạnh đó, kỳ hạn cho vay trên kênh OMO cũng đã tăng từ 7 ngày trong các phiên trước lên 14 ngày, trong khi lãi suất vẫn giữ nguyên so với phiên 22/5 ở mức 4,5%/năm.
Cũng trong phiên 23/5, NHNN tiếp tục phát hành tín phiếu mới và cả 3 thành viên tham gia đều trúng thầu với tổng khối lượng 750 tỷ đồng. Đáng chú ý, lãi suất trúng thầu tín phiếu đã tăng từ mức 4%/năm trong phiên hôm qua lên 4,2%/năm. Trước đó, lãi suất trúng thầu tín phiếu đã tăng từ mức 3,9%/năm lên 4%/năm trong phiên 22/5.
Sau khi cấn trừ lượng OMO đáo hạn (48,2 tỷ đồng) và tín phiếu đáo hạn (400 tỷ đồng), NHNN đã bơm ròng cho hệ thống ngân hàng hơn 42.665 tỷ đồng trong phiên 23/5 - mức bơm ròng thanh khoản theo ngày mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây.
Hoạt động bơm ròng kỷ lục của Nhà điều hành diễn ra trong bối cảnh lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh.
Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, lãi suất VND bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 80 - 90% giá trị giao dịch) đã tăng lên 4,55%/năm trong phiên giao dịch 22/5, từ mức 4,08%/năm trong phiên trước đó.
Cùng với kỳ hạn qua đêm, lãi suất hầu hết kỳ hạn chủ chốt khác cũng tăng mạnh: kỳ hạn 1 tuần tăng từ 4,32% lên 4,7%; kỳ hạn 2 tuần tăng từ 4,29% lên 4,55%; kỳ hạn 1 tháng tăng từ 4,41% lên 4,87%; kỳ hạn 3 tháng tăng từ 4,99% lên 5,07%.
Diễn biến của lãi suất liên ngân hàng song hành với động thái tăng lãi suất OMO và tín phiếu của NHNN trong phiên giao dịch 22/5 - động thái được cho là nhằm thiết lập một mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn trong thời gian tới, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá và dự trữ ngoại hối.
Sở hữu cổ phần tại một số ngân hàng vẫn vượt trần quy định
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước gửi tới Quốc hội, việc xử lý giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần vượt quy định theo Luật các tổ chức tín dụng vẫn còn chậm và kéo dài nhiều năm.
Ảnh minh họa |
Đến cuối 2022, vẫn có ngân hàng thương mại có cổ đông là tổ chức sở hữu cổ phần vượt trần quy định 15% vốn điều lệ như Ngân hàng Sài Gòn Công thương (Saigon Bank). Cổ đông và người có liên quan của cổ đông tại Saigon Bank cũng sở hữu cổ phần vượt trần 20% vốn điều lệ.
Sở hữu cổ phần tại Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex vào cuối 2022, cũng từng vượt quy định trước khi Petrolimex thoái vốn thành công vào 2023, sau đó đổi tên thành Ngân hàng Thịnh vượng và Phát triển Ngân hàng Đại chúng Việt Nam (PGBank).
Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, vẫn còn tình trạng cổ đông lớn và người có liên quan nắm trên 5% vốn điều lệ nhà băng khác như tại Saigon Bank và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Năm 2022, Kiểm toán Nhà nước đánh giá Ngân hàng Nhà nước đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và chính sách vĩ mô khác đảm bảo kiểm soát lạm phát ở mức 3,15%, ổn định tỷ giá, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế đạt mức 8,02%.
Các ngân hàng được kiểm toán cơ bản đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 3%. Ngoài nhóm ngân hàng thương mại mua bắt buộc và bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt còn một số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nội bảng cao vượt ngưỡng 3%, như Ngân hàng Quốc dân và Ngân hàng Indovina.
Kiểm toán Nhà nước đánh giá, tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán một số thời điểm còn thấp trong tương quan với tốc độ tăng trưởng kinh tế và lạm phát, tình hình thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhiều thời điểm trong năm căng thẳng.
Trong năm 2022, Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, một số nhà băng thiếu hụt vốn khả dụng dẫn đến vi phạm tỷ lệ dự trữ bắt buộc như Ngân hàng Public Việt Nam vào thời điểm tháng 7/2022. Hay giai đoạn tháng 10/2022 và cuối năm, một số nhà băng gồm Ngân hàng Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Bản Việt (BVBank), Ngân hàng BPCEIOM chi nhánh TP HCM, Ngân hàng Deutsche Bank AG chi nhánh TP HCM cũng rơi vào tình trạng này.
Trong năm đó, Ngân hàng Nhà nước phải cho vay hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt với số tiền lớn cho SCB và Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam.
Nguồn: Tin ngân hàng tuần qua: Lãi suất tiết kiệm có thể tăng 0,5-1% vào 6 tháng cuối năm