Tin ngân hàng ngày 2/8: SeABank đạt hơn 2.016 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng
Tin ngân hàng ngày 1/8: Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh giải ngân các gói tín dụng ưu đãi Tin ngân hàng ngày 31/7: Lợi nhuận của VietinBank tăng trưởng quý thứ 4 liên tiếp |
SeABank đạt hơn 2.016 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2023, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đạt hơn 245.206 tỷ đồng, tăng 5,96% so với thời điểm 31/12/2022, lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.016 tỷ đồng.
Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Cùng với việc duy trì hoạt động kinh doanh ổn định, SeABank cũng tăng vốn điều lệ lên 24.537 tỷ đồng và triển khai nhiều đợt giảm lãi suất vay vốn nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh, góp phần hồi phục kinh tế.
Tính đến hết ngày 30/06/2023, SeABank đạt lợi nhuận trước thuế 2.016 tỷ đồng; Tổng tài sản hơn 245.206 tỷ đồng, tăng 5,96% và Tổng dư nợ hơn 161.889 tỷ đồng, tăng 5,15% so với thời điểm 31/12/2022. Tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì ở mức thấp 1,73% do Ngân hàng kiểm soát tốt rủi ro tín dụng trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Tổng doanh thu của SeABank đạt gần 12.109 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu đến từ các hoạt động kinh doanh truyền thống tăng trưởng ổn định so với cùng kỳ; Doanh thu phí đạt 466 tỷ đồng, trong đó doanh thu phí quý II/2023 tăng trưởng gấp 2 lần so với quý I/2023 và có xu hướng tăng trong giai đoạn cuối năm 2023.
Tổng huy động từ khách hàng lũy kế 6 tháng của SeABank đạt 144.788 tỷ đồng, tăng trưởng 5,64%. Đặc biệt, vượt qua được quá trình thẩm định và đánh giá khắt khe từ các tổ chức quốc tế, SeABank được tiếp nhận thêm nguồn vốn nước ngoài, đến 30/06/2023 tổng nguồn vốn huy động từ các tổ chức quốc tế đạt gần 11.772 tỷ đồng quy đổi, tăng trưởng 26,15% so với cuối năm 2022.
Tháng 6/2023 SeABank đã phát hành thành công cổ phiếu để trả cổ tức và cổ phiếu thưởng với tổng tỷ lệ gần 20,3% để tăng vốn điều lệ lên 24.537 tỷ đồng. Bên cạnh đó Cổ phiếu SeABank - mã chứng khoán SSB cũng có sự tăng trưởng ổn định trong 6 tháng đầu năm, đưa vốn hóa ngân hàng vượt mốc 3 tỷ USD và được Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM (HOSE) lựa chọn đưa vào rổ VN30-Index - chỉ số đại diện cho nhóm 30 mã cổ phiếu có vốn hóa và mức thanh khoản cao nhất niêm yết trên sàn HOSE.
Dư nợ tín dụng tại TP HCM tiếp tục tăng
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM thông tin, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố tính đến 31/7/2023 đạt 3.340 nghìn tỷ đồng, tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 6,6% so với cùng kỳ.
Cùng thời điểm, tổng vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP HCM đạt 3.311 nghìn tỷ đồng, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 2,4% so với cùng kỳ.
Trong đó, vốn huy động bằng VNĐ đạt 3.047 nghìn tỷ đồng, chiếm 92,0% tổng vốn huy động, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 4,1% so với cùng kỳ.
Vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 264 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,0% tổng vốn huy động, tăng 0,8% so với tháng trước và giảm 13,9% so với cùng kỳ.
Theo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP HCM, thị trường tiền tệ trên địa bàn thành phố tiếp tục được điều hành linh hoạt theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, trong đó lãi suất tiếp tục có xu hướng giảm, tỷ giá và giá vàng tương đối ổn định.
So với tháng trước, lãi suất huy động bằng VNĐ của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 0,19 - 0,62%/năm tùy kỳ hạn, đồng thời lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ giảm 0,06 - 0,35%/năm và giảm 0,01 - 0,32%/năm đối với cho vay trung dài hạn.
Doanh nghiệp nộp thuế điện tử qua ngân hàng ACB được khuyến mại 500.000 đồng
Ngân hàng ACB cho biết, nhằm cẩy mạnh thanh toán song phương điện tử với Kho bạc Nhà nước (KBNN), ACB dành tặng 1.800 E-voucher cho khách hàng doanh nghiệp (KHDN) lần đầu thanh toán thuế tại ACB và nộp thuế vào tài khoản KBNN tại ACB trên các kênh trực tuyến. Với tổng ngân sách lên đến 900 triệu đồng, chương trình kéo dài từ nay đến hết 31/12/2023.
Đối với KHDN, người nộp thuế hiện tại có thể nộp thuế ở bất cứ nơi đâu, bất cứ thời gian nào thông qua trang nộp thuế điện tử Etax của Tổng cục Thuế, ứng dụng Ngân hàng số ACB ONE BIZ và nộp thuế hải quan điện tử trên Cổng thanh toán điện tử và thông quan 24/7 của Tổng cục Hải quan để nộp vào tài khoản KBNN mở tại ACB.
Đối với KHDN chưa phát sinh giao dịch nộp thuế tại ACB và thực hiện thanh toán thuế lần đầu qua tài khoản KBNN tại ACB trên hình thức thanh toán trực tuyến, ACB sẽ dành tặng 300 E-voucher trị giá 500.000 đồng/E-voucher/mỗi tháng qua ứng dụng ACB ONE BIZ. Khuyến mãi áp dụng một lần duy nhất cho mỗi doanh nghiệp trong thời gian diễn ra chương trình.
Với lợi thế về công nghệ, mạng lưới kênh phân phối rộng khắp cả nước của ACB, và hệ thống kết nối thu giữa KBNN và ACB, người nộp thuế sẽ có nhiều lựa chọn về kênh thanh toán thuận lợi, an toàn, nhanh chóng và đặc biệt là sẽ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Theo đó, các khoản thu của KBNN sẽ được thực hiện nhanh chóng, tạo sự chủ động trong quản lý ngân quỹ. Riêng với ACB, ngân hàng cũng nhận định đây là cơ hội tiếp cận và đồng hành với nhiều khách hàng hơn thông qua cung cấp dịch vụ công cho Chính phủ.
ACB cho hay, được sự tín nhiệm của KBNN Trung ương về việc triển khai thanh toán song phương toàn bộ hệ thống KBNN tại 64 tỉnh thành, ACB đã triển khai thanh toán song phương trên nhiều địa bàn, tạo nhiều thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đóng thuế, góp phần vào công tác cải cách thủ tục hành chính, quy trình, thủ tục trong thu, chi ngân sách nhà nước.
Kienlongbank hoàn thành kế hoạch kinh doanh 6 tháng đầu năm
Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank - mã chứng khoán KLB) vừa công bố kết quả kinh doanh quý II và 6 tháng đầu năm.
Kienlongbank hoàn thành kế hoạch kinh doanh 6 tháng đầu năm/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo đó, từ đầu năm đến nay, KienlongBank đã đẩy mạnh triển khai hàng loạt các chính sách, chương trình nhằm gia tăng sự hiện diện của ngân hàng trên các kênh Số. Sự thành công của bước đi đầy chiến lược này đã góp phần giúp KienlongBank hoàn thành kế hoạch 6 tháng đầu năm, trong đó lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 402 tỷ đồng, hoàn thành 58% chỉ tiêu kế hoạch cả năm. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 321,4 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ tính riêng trong quý II, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của KienlongBank đạt 199,8 tỷ đồng, giảm gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo giải thích của lãnh đạo Kienlongbank, sự sụt giảm này đến từ việc Ngân hàng triển khai các chính sách đồng hành, hỗ trợ khách hàng vay vốn, sẻ chia khó khăn cùng người dân và doanh nghiệp; tăng cường công tác truyền thông các sản phẩm, dịch vụ chuyển đổi số để khách hàng và người dân dễ dàng tiếp cận, gia tăng tiện ích sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, cũng như gia tăng chính sách đãi ngộ, thu nhập cho cán bộ nhân viên.
Tổng tài sản của KienlongBank đến hết quý II đạt 86.408 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm; tổng huy động vốn đạt 77.571 tỷ đồng, tăng trưởng 2,27% so với đầu năm.
Cũng trong kỳ, dư nợ tín dụng tại KienlongBank đạt mức 48.554 tỷ đồng, tăng 6,72% so với cuối năm 2022, tập trung dư nợ cho vay đến các lĩnh vực trọng yếu như nông nghiệp nông thôn, phát triển hạ tầng… góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo đô thị.
Bên cạnh đó, nhờ việc hoàn thành áp dụng tiêu chuẩn Basel II và chuyển đổi thành công mô hình kinh doanh mục tiêu, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,4%, cao hơn so với mức 1,18% cuối năm 2022 nhưng trong bối cảnh chung của toàn ngành là nợ xấu tăng cao thì mức 1,4% tại KienlongBank vẫn thuộc nhóm thấp.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 2/8: SeABank đạt hơn 2.016 tỷ đồng lợi nhuận 6 tháng