Tin ngân hàng ngày 28/7: Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2022 đạt 10,8%
Tin ngân hàng ngày 27/7: 75% doanh nghiệp nhỏ và vừa không tiếp cận được tín dụng chính thức Tin ngân hàng ngày 26/7: Nợ xấu của ABBank gần 1.790 tỷ đồng, tăng 10,7% |
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2022 đạt 10,8%
Ngày 27/7, Ngân hàng Standard Chartered dự báo tăng trường GDP của Việt Nam sẽ đạt 10,8% trong quý III/2022 và 3,9% trong quý IV/2022, đưa tăng trưởng GDP cả năm đạt 6,7%.
Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2022 đạt 10,8%/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Theo Ông Tim Leelahaphan, chuyên gia kinh tế phụ trách Thái Lan và Việt Nam, Ngân hàng Standard Chartered, quá trình phục hồi kinh tế đã cho thấy những tín hiệu lan tỏa, các chỉ số kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong tháng 7.
“Chúng tôi cho rằng lạm phát sẽ tăng lên 3,6% trong tháng 7/2022, so với mức 3,4% trong tháng 6/2022 – mức nhanh nhất trong 2 năm trở lại đây, chủ yếu do các áp lực từ phía nguồn cung, trong khi đó áp lực từ phía nguồn cầu cũng dần gia tăng. Ở thời điểm hiện tại, tình hình lạm phát vẫn nằm trong tầm kiểm soát”.
Các chuyên gia kinh tế của Standard Chartered cũng dự báo Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ lãi suất chính sách ở mức 4% trong năm 2022 để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như quá trình tăng trưởng của nền kinh tế mặc dù lạm phát đang gia tăng. Tăng trưởng doanh thu bán lẻ sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ ở mức 30,2% trong tháng 7/2022, so với mức 27,3% trong tháng 6/2022. Xuất khẩu, nhập khẩu và sản xuất công nghiệp được dự đoán sẽ tăng lần lượt 22,2%, 20% và 15% trong tháng 7/2022 so với các mức 20%, 16,3% và 11,5% trong tháng 6/2022. Dự kiến Việt Nam sẽ ghi nhận thâm hụt thương mại trong tháng này.
Ngoài ra, giá nhiên liệu gia tăng trong khi đó giá các mặt hàng khác trong rổ lạm phát vẫn ở mức khá thấp. Áp lực giá cả, đặc biệt là thực phẩm và nhiên liệu, có thể sẽ tăng vào nửa cuối năm 2022 và trong năm 2023.
Trong một bài viết về kinh tế vĩ mô Việt Nam vừa công bố, ông Michael Kokalari, chuyên gia Kinh tế trưởng VinaCapital cho biết, với những tín hiệu tích cực từ kinh tế vĩ mô, VinaCapital tin rằng, tăng trưởng GDP trong quý III/2022 có khả năng vượt 10% so với cùng kỳ năm 2021.
“GDP của Việt Nam đã tăng mạnh trong quý II/2022 và chúng tôi kỳ vọng sẽ còn tăng vọt trong quý III nhờ vào sự tiếp tục gia tăng của tiêu dùng trong nước. Một số nhà đầu tư lo ngại rằng nền kinh tế toàn cầu chậm lại - và đặc biệt là ở nền kinh tế Mỹ - sẽ kéo giảm tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam nhưng dự báo tăng trưởng GDP 7,5% của chúng tôi đã giả định tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc lớn trong năm nay”, ông Michael Kokalari chia sẻ.
6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của ACB đạt 9.028 tỷ đồng, tăng 42%
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022. Theo đó, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của Ngân hàng trong 6 tháng đầu năm, đạt 9.028 tỷ đồng, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2021 và hoàn thành 60% kế hoạch cả năm.
Riêng quý 2, ACB ghi nhận lợi nhuận 4.914 tỷ đồng, tăng 51% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng chính nhờ vào tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ ngay từ đầu năm, tập trung tăng trưởng thu nhập phí dịch vụ và các khoản thu hồi nợ xấu, và các khoản hoàn nhập dự phòng do thu hồi nợ xấu và nợ cơ cấu theo Thông tư 14.
Với kết quả này, ACB duy trì tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) tới 25,8%, tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về hiệu quả hoạt động trên thị trường.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm các mảng kinh doanh trọng yếu của ACB hầu hết đều tích cực. Trong đó thu nhập lãi thuần đạt trên 11 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ; Thu nhập ngoài lãi tăng trưởng 20%, chủ yếu nhờ thu nhập từ hoạt động bancassurance tăng 16%, thanh toán quốc tế tăng trưởng 30% và dịch vụ thẻ tăng 33% so với cùng kỳ.
Trong kỳ báo cáo ghi nhận khoản lỗ từ đầu tư chứng khoán hơn 200 tỷ chủ yếu do trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán. Chi phí hoạt động tăng 41% so với cùng kỳ do năm 2021 ghi nhận khoản hoàn nhập chi phí rủi ro tài sản khác gần 600 tỷ. Riêng chi phí hoạt động chưa bao gồm chi phí rủi ro tài sản khác chỉ tăng 21%
Tại thời điểm 30/6, tổng tài sản của ngân hàng hợp nhất đạt gần 544 nghìn tỷ đồng, tăng thêm 16 nghìn tỷ so với đầu năm.
Dư nợ tín dụng đạt gần 396 nghìn tỷ, tăng trưởng 9,31% so với đầu năm. Mặc dù tín dụng tăng mạnh nhưng ngân hàng kiểm soát nợ xấu ở mức rất thấp, chỉ 0,76%, là một trong những ngân hàng có chất lượng tài sản tốt nhất trên thị trường (cùng với Vietcombank và Techcombank). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tiếp tục ở mức cao 185%.
Tiền gửi khách hàng đạt trên 388 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 8 nghìn tỷ so với đầu năm tương đương tăng 2,2%. Tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn trong tổng tiền gửi (CASA) ở mức 25,0%, gần tương đương cuối năm 2021 theo xu hướng chung của thị trường khi dòng tiền của khách hàng dịch chuyển sang các kênh đầu tư và phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh khi nguồn cung tín dụng của các ngân hàng có sự hạn chế trong quý 2/2022
Tại thời điểm 30/6/2022, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của ngân hàng tiếp tục cải thiện, đạt 11,93% vượt xa mức tỷ lệ tối thiểu 8% của Basel II.
NCB thanh lý hàng loạt xe hơi, xe tải đời cũ gần bằng nửa giá niêm yết
Vừa qua, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB ) có nhiều thông báo bán đấu giá tài sản là xe hơi, xe tải, xe khách để thu hồi nợ.
Theo đó, Ngân hàng rao bán một xe ô tô con nhãn hiệu KIA Rio màu trắng, loại 5 chỗ, sản xuất năm 2016 tại Hàn Quốc với giá khởi điểm 260 triệu đồng. Trên một số website mua bán xe cũ, xe KIA Rio đang được rao bán quanh mốc 350-450 triệu đồng. NCB dự kiến tổ chức đấu giá ngày 11/8 tại quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Bên cạnh đó, NCB còn rao bán một xe ô tô con Mercedes Benz GLA 250 có chứng nhận đăng ký xe ô tô do Phòng cảnh sát giao thông Công an TP Hà Nội cấp ngày 28/12/2017. Giá bán khởi điểm ngân hàng đưa ra là 1,04 tỷ đồng, giảm 800 triệu đồng so với giá niêm yết bán ra thị trường và rẻ hơn 200-400 triệu so với thị trường mua bán xe cũ. Dự kiến, ngày 4/8 sẽ công bố giá tại Thanh Xuân, Hà Nội.
NCB cũng rao bán hai xe khách hiệu Fuso Rosa Thaco, 29 chỗ ngồi sản xuất năm 2017 tại Việt Nam. Hai xe khách được bán với giá khởi điểm lần lượt 420 triệu đồng và 429 triệu đồng, trong khi giá tại một số trang mua bán xe cũ được rao bán với giá 800 triệu đồng - 1,1 tỷ đồng. Dự kiến tổ chức đấu giá ngày 27/7 tại Hà Nội.
Hai xe ô tải đã qua sử dụng khác cũng được đấu giá tại TP Cần Thơ. Một xe tải có mui hiệu Đô Thành, 3 chỗ ngồi sản xuất năm 2017 tại Việt Nam, tải trọng 8.100 kg. Một xe tải khác hiệu HuynDai, sản xuất năm 2018 tại Việt Nam, tải trọng 6.900 kg. Giá khởi điểm cho cả hai xe trên là 930 triệu đồng. NCB dự kiến tổ chức đấu giá ngày 5/8 tại TP. Cần Thơ.
Ngoài ra, ngân hàng thông báo về việc lựa chọn tổ chức đấu giá một xe tải hiệu TMT, tải trọng 1.990 kg với giá khởi điểm 106 triệu đồng.
Ngân hàng cho biết giá khởi điểm các tài sản trên chưa bao gồm các khoản thuế phí, và lệ phí. Người mua được tài sản đấu giá phải chịu thuế, lệ phí trước bạ, phí công chứng và các khoản phí liên quan khác.
MSB tăng gần 20% thu nhập bình quân cho nhân viên
Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB) vừa công bố báo cáo tài chính quý II với lợi nhuận hợp nhất trước thuế nửa đầu năm đạt gần 3.336 tỷ đồng, tăng 6,9% so với cùng kỳ 2021 và thực hiện được gần một nửa kế hoạch lợi nhuận năm 2022. Trong đó, lợi nhuận quý II đạt gần 1.841 tỷ đồng, giảm 6,6%.
MSB tăng gần 20% thu nhập bình quân cho nhân viên/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận quý II sụt giảm là do không còn ghi nhận khoản thu đột biến từ hợp đồng phân phối bảo hiểm độc quyền (bancassurance) với Prudential Việt Nam như trong quý II/2021.
Quý vừa qua, MSB cũng là ngân hàng hiếm hoi giảm được chi phí hoạt động, từ mức gần 1.082 tỷ xuống còn 1.058 tỷ đồng. Song, ngân hàng đã phải trích lập dự phòng 115 tỷ trong khi cùng kỳ năm trước được hoàn nhập hơn 241 tỷ đồng.
Đến hết tháng 6, tổng tài sản MSB ở mức 195.057 tỷ đồng, giảm 4,2% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ cho vay cho vay khách hàng tăng 8,8% lên 110.471 tỷ đồng.
Tổng nợ xấu nội bảng giảm 6% xuống còn 1.663 tỷ đồng, qua đó kéo tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay giảm từ 1,74% hồi đầu năm xuống còn 1,5%. Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm từ 95,3% xuống còn 84,2%.
Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng tăng 3,9% so với đầu năm lên 98.326 tỷ đồng. Phát hành giấy tờ có giá tăng 10% đạt 14.329 tỷ đồng.
Báo cáo tài chính quý II cho thấy, tổng quỹ lương mà MSB chi cho nhân viên trên toàn hệ thống (gồm ngân hàng mẹ và Công ty tài chính FCCOM) là xấp xỉ 2.068 tỷ đồng, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước.
Với số lượng nhân dao động trong khoảng 5.567 người, thu nhập bình quân nhân viên toàn hệ thống MSB đạt gần 31 triệu đồng/tháng trong nửa đầu năm, tăng hơn 19,5%.
Tại ngân hàng mẹ, thu nhập nhân viên nhỉnh hơn mặt bằng chung toàn hệ thống với bình quân 31,44 triệu đồng/người/tháng, tăng 19,8% so với cùng kỳ 2021. Riêng lương là 30,4 triệu đồng/người/tháng, cùng tăng 19,8%.
Tính đến hết quý II, số nhân sự làm việc trên toàn hệ thống MSB là 5.594 người, tăng 404 người so với cuối năm trước. Trong đó, riêng ngân hàng mẹ có 5.432 nhân sự, tăng 409 người; số lượng nhân sự làm việc tại FCCOM là 162 người, giảm 5 người.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 28/7: Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong quý III/2022 đạt 10,8%