Tin ngân hàng ngày 28/9: Vì sao quá trình tái cơ cấu chậm, kéo dài?
Tin ngân hàng ngày 27/9: NHNN hút thêm 20.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu Tin ngân hàng ngày 26/9: Sẽ giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống 30% |
Tại sao quá trình tái cơ cấu ngân hàng chậm, kéo dài?
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng vừa có báo cáo gửi tới Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4 đối với lĩnh vực ngân hàng.
Ngân hàng Nhà nước đã trình Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB)/Ảnh minh họa/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
Trong báo cáo gửi tới Quốc hội, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng đã giải thích lý do dẫn đến sự chậm trễ và kéo dài của quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Thông qua báo cáo này, Thống đốc đã trình bày nhiều yếu tố gây ra sự trễ này.
Một trong những nguyên nhân quan trọng là việc tìm kiếm và đàm phán với các ngân hàng thương mại đủ điều kiện để tiến hành chuyển giao bắt buộc đã gặp khó khăn. Điều này bởi vì quá trình này phụ thuộc nhiều vào sự tự nguyện của các ngân hàng thương mại, đặc biệt là cổ đông lớn và cổ đông chiến lược nước ngoài, và đòi hỏi thời gian để thuyết phục họ tham gia nhận chuyển giao bắt buộc.
Ngoài ra, cơ chế chính sách và nguồn lực tài chính để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém còn nhiều vướng mắc và bất cập. Các quy trình cần thời gian để hoàn thành, và việc phối hợp và tham gia ý kiến của các bộ, ngành liên quan cũng kéo dài do tính phức tạp của việc xử lý các ngân hàng yếu kém.
Thêm vào đó, năng lực của các cán bộ và công chức tham gia vào công tác thanh tra và giám sát còn hạn chế, đặc biệt khi phải xử lý một lượng công việc lớn và phức tạp.
Tuy nhiên, Thống đốc NHNN đã cam kết tiếp tục phối hợp mạnh mẽ với các bộ, ngành và cơ quan liên quan để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Họ cũng sẽ hoàn thiện Luật về các tổ chức tín dụng tài chính để khắc phục các bất cập, cải thiện cơ chế xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và nâng cao năng lực quản trị và quản lý rủi ro của chúng. Đồng thời, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc để hoàn thiện phương án và tuân thủ quy định của pháp luật và các cấp có thẩm quyền.
SCIC muốn mua thêm 3 triệu cổ phiếu MBB
Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư SCIC (SIC) vừa đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu Ngân hàng TMCP Quân đội (MB - HoSE: MBB) với mục đích là đầu tư tài chính. Phương thức giao dịch khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Dự kiến thời gian thực hiện từ ngày 26/9 đến 24/10/2023.
Hiện SIC đang sở hữu 1,38 triệu cổ phiếu MBB, tương ứng với tỷ lệ 0,0265%. Nếu mua thành công, SIC sẽ nâng sở hữu lên 4,38 triệu cổ phiếu MBB, tương đương tỷ lệ 0,084%.
Trong khi đó, công ty mẹ của SIC là Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu hơn 427 triệu cổ phiếu MBB, tương đương tỷ lệ sở hữu 9,42%.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu MBB đang giao dịch trên mức 18.000 đồng. Ước tính theo vùng giá này, SIC sẽ phải bỏ ra hơn 54 tỷ đồng để mua thành công 3 triệu cổ phiếu MBB.
Tháng 8 vừa qua, MB đã hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ lên hơn 52.100 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức theo tỷ lệ 15%.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế hợp nhất MB trong 6 tháng đầu năm 2023 đạt 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cùng kỳ. Hiện MB là ngân hàng có tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao nhất trong hệ thống, đạt 37,06%.
Tại thời điểm 30/6/2023, MB ghi nhận tổng tài sản hơn 806 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với đầu năm. Tăng trưởng tín dụng đạt 10,6%, trong đó riêng quý 2 tăng trưởng 6,8%.
5 ngày NHNN hút gần 70.000 tỷ đồng ra khỏi hệ thống
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố kết quả đấu thầu thị trường mở trong phiên 27/9. Theo đó, trong ngày 27/9, NHNN tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 9/12 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 20.000 tỷ đồng, lãi suất 0,65%, cao hơn phiên 26/9 (0,58%) và phiên đầu tuần 25/9 (0,49%).
Kết quả, NHNN đã rút ra khỏi hệ thống 20.000 tỷ đồng trong phiên giao dịch 27/9. Với kỳ hạn 28 ngày, số tiền này sẽ được NHNN bơm trả lại hệ thống vào ngày 25/10/2023.
Đây là phiên hành tín phiếu thứ 5 liên tiếp của NHNN với tổng quy mô phát hành đạt gần 70.000 tỷ đồng. Các đợt tín phiếu này đều có kỳ hạn 28 ngày và được chào bán theo phương thức đấu thầu lãi suất.
Các nhà phân tích thị trường cho rằng, NHNN sử dụng thị trường mở sau nhiều tháng không có giao dịch nào cho thấy sự linh hoạt trong điều hành chính sách.
Mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và lượng hút cũng không quá nhiều nhằm không gây ra căng thẳng thanh khoản trên thị trường 2 và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1.
Số liệu mới nhất được NHNN công bố cho thấy, lãi suất bình quân liên ngân hàng tại kỳ hạn qua đêm (kỳ hạn chính chiếm khoảng 85 - 90% giá trị giao dịch) đã tăng lên 0,17% trong phiên 22/9 và 25/9 từ mức 0,14% ghi nhận vào phiên 21/9 và 0,16% vào phiên 20/9.
Lãi suất tại hầu hết các kỳ hạn chủ chốt khác như 1 tuần và 1 tháng cũng có xu hướng tăng. Dù nhích tăng, lãi suất liên ngân hàng hiện vẫn nằm trong vùng thấp lịch sử và chênh lệch lãi suất giữa USD - VND tiếp tục duy trì ở vùng 4,8 - 5 điểm %.
Chứng khoán SSI cũng đưa ra đánh giá, động thái phát hành tín phiếu của NHNN có thể được xem là cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Đây là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ.
Các chuyên gia tài chính - chứng khoán còn đưa ra dự báo, NHNN có thể tiếp tục hoạt động phát hành tín phiếu nhưng điều này không đồng nghĩa với việc đảo chiều trong chính sách tiền tệ bởi hoạt động điều tiết cung tiền mang tính thời điểm và linh hoạt…
Thẻ tín dụng ACB JCB Gold miễn phí rút tiền mặt
Mới đây, ACB kết hợp cùng JCB cho ra mắt dòng thẻ JCB Gold. Lãi suất thẻ ở mức 28% một năm, hiện có thêm ưu đãi rút tiền mặt miễn phí.
Thẻ tín dụng ACB JCB Gold miễn phí rút tiền mặt/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/ |
JCB ACB còn cho phép người dùng trả góp trên khoản rút tiền mặt đã thực hiện hoàn toàn miễn lãi, mức phí cạnh tranh, linh hoạt chuyển đổi thông qua ứng dụng ACB One, tổng đài chăm sóc khách hàng hoặc tất cả chi nhánh, phòng giao dịch của đơn vị. Dòng thẻ này còn cho phép trả góp giao dịch chi tiêu 0% lãi phí (kỳ hạn ba tháng) cho mọi giao dịch từ ba triệu đồng, chủ động chuyển đổi trên ứng dụng ngân hàng ACB One. Khi chia nhỏ số tiền trong kỳ hạn ba tháng, khách hàng sẽ dễ dàng mua những món hàng mang giá trị lớn.
Người dùng cũng được giảm giá tại hơn 100 nhà hàng liên kết với JCB, ưu đãi khi mua sắm tại Uniqlo hay đặt khách sạn, vé máy tại các nền tảng phổ biến như Agoda, Traveloka...
Nhờ nhiều tiện ích kể trên, đến hết năm 2022, tổng số thẻ tích lũy ACB JCB đạt hơn 500.000 với doanh số giao dịch tăng trưởng 59% so với 2021. Trong đó tổng chi tiêu của chủ thẻ tín dụng tăng 107% so với năm qua.
Đây cũng là yếu tố giúp ACB nhận được nhiều giải thưởng từ JCB. Trong năm nay, nhà băng đoạt các danh hiệu: Ngân hàng dẫn đầu về phát hành thẻ mới 2022, Ngân hàng dẫn đầu về Thẻ tích lũy 2022, Ngân hàng dẫn đầu về Tổng doanh số giao dịch thẻ 2022, Ngân hàng dẫn đầu về Thẻ tích lũy kích hoạt 2022.
Đại diện ngân hàng cho biết, trước đây, thẻ tín dụng thường dùng để thay thế tiền mặt để thanh toán, mang đến tiện ích chi tiêu trước, trả nợ sau... Hiện nay, với nhiều tiện ích mới, người dùng có thể tối ưu hiệu quả trong việc quản lý dòng tiền.
Khi thanh toán bằng thẻ tín dụng, tất cả giao dịch được lưu lại và gửi đến người dùng qua bảng sao kê mỗi tháng. Đây là cách giúp mỗi người quản lý chi tiêu khoa học hơn.
Việc thanh toán thường xuyên bằng thẻ tín dụng cho các nhu cầu cơ bản như điện, nước, tiền thuê nhà, đi chợ và trả nợ đúng kỳ hạn (cài chế độ trả nợ thẻ tự động) sẽ giúp người dùng có lịch sử tín dụng tốt. Việc xây dựng lịch sử tín dụng tốt sẽ được ghi nhận tại CIC, trở thành nguồn tham khảo đáng tin để các tổ chức tín dụng có thể cấp khoản vay với mức lãi suất tốt.
Nguồn:Tin ngân hàng ngày 28/9: Vì sao quá trình tái cơ cấu chậm, kéo dài?