Tin ngân hàng ngày 29/4: Khuyến cáo người dân không mua bán ngoại tệ tự do
Tin ngân hàng tuần qua: Khởi động ngày chuyển đổi số Tin ngân hàng ngày 27/4: Quý I/2024, NCB đạt lợi nhuận hơn 221,6 tỷ đồng |
Khuyến cáo người dân không mua bán ngoại tệ tự do
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM vừa có công văn gửi các sở, ngành, thành phố, quận, huyện và thành phố Thủ Đức đề nghị phối hợp phổ biến thông tin đến người dân về các quy định thu đổi ngoại tệ, mua bán ngoại tệ.
Đồng thời, khuyến cáo người dân mua bán ngoại tệ tại các tổ chức tín dụng, không mua bán ngoại tệ tự do, trái với quy định pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM, người dân có ngoại tệ tiền mặt được quyền bán cho các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các tổ chức kinh tế được phép hoạt động đại lý thu đổi ngoại tệ.
Theo công văn, các đại lý thu đổi ngoại tệ chỉ được dùng đồng Việt Nam mua ngoại tệ của cá nhân và không được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân lấy tiền đồng Việt Nam. Ngoại trừ các đại lý đổi ngoại tệ được phép thoái hối (đổi lại tiền đồng ra ngoại tệ khi rời Việt Nam) đặt tại khu cách ly ở các cửa khẩu quốc tế được bán ngoại tệ tiền mặt cho cá nhân mang hộ chiếu nước ngoài khi xuất cảnh theo quy định.
Bên cạnh đó, cá nhân khi xuất cảnh, nhập cảnh qua các cửa khẩu quốc tế của Việt Nam bằng hộ chiếu mang theo ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt trên mức quy định phải khai báo với Hải quan cửa khẩu.
Hiện, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của công dân Việt Nam được thực hiện tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh nước ngoài được cấp phép. Trong phạm vi khả năng ngoại tệ hiện có, tổ chức tín dụng có trách nhiệm đáp ứng nhu cầu ngoại tệ của người dân để thanh toán cho các giao dịch căn cứ theo nhu cầu thực tế và hợp lý của từng giao dịch.
Theo Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh TP HCM, thời gian quan, nhu cầu thu đổi ngoại ngoại tệ, mua bán ngoại tệ của khách quốc tế, khách du lịch và của người dân vẫn thường xuyên có nhu cầu phát sinh tăng.
Việc quản lý hoạt động đại lý thu đổi ngoại tệ, mua bán ngoại tệ trên địa bàn được các cơ quan chức năng phối hợp quản lý hiệu quả. Do vậy, các khuyến nghị trên nhằm tiếp tục đảm bảo kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động ngoại hối, ngăn chặn các tổ chức, cá nhân thực hiện việc mua, bán ngoại tệ tự do trái quy định pháp luật…
Kho bạc Nhà nước gửi gần 100.000 tỷ đồng tại ba ngân hàng
Số dư tiền gửi Kho bạc Nhà nước tại 3 ngân hàng quốc doanh tăng hơn gấp đôi trong quý I, trong đó VietinBank và BIDV ghi nhận hơn 45.000 tỷ mỗi nhà băng.
Các ngân hàng quốc doanh, gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I. Trong đó, số dư tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các nhà băng này tăng mạnh trong ba tháng đầu năm nay.
Tại VietinBank, cơ quan kho bạc có số dư tiền gửi bằng VND đến cuối quý I là 45.445 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với thời điểm kết thúc năm 2023.
Tương tự với BIDV, quy mô tiền gửi của Kho bạc Nhà nước là 40.000 tỷ đồng tiền gửi có kỳ hạn và hơn 5.500 tỷ tiền gửi không kỳ hạn. Con số này tăng gấp đôi so với số dư hơn 19.000 tỷ đồng gửi vào cuối năm 2023.
Vietcombank có số dư này thấp nhất trong 3 nhà băng, hơn 3.300 tỷ đồng. Nhưng con số này cũng gấp hơn 4 lần đầu năm.
Ngân quỹ nhà nước là toàn bộ tiền mặt tại các đơn vị Kho bạc; các khoản tiền của Nhà nước có trên các tài khoản của Kho bạc mở tại Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại.
Hiện, ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi được sử dụng theo các thứ tự ưu tiên, là cho ngân sách Nhà nước vay để bù đắp bội chi, trả nợ gốc và tạm ứng khi nguồn thu chưa "về" kịp. Số tiền này được gửi có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại theo nguyên tắc đấu thầu cạnh tranh lãi suất và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.
Để tối đa lợi ích từ nguồn tiền nhàn rỗi, Kho bạc Nhà nước thường gửi tiền thanh toán (không kỳ hạn) và có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại. Đây là nguồn vốn tốt mà nhiều nhà băng mong muốn, song không phải ai cũng được tiếp cận.
Eximbank bổ nhiệm chủ tịch HĐQT mới
Ngân hàng thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, EIB) vừa thông báo việc bổ nhiệm các vị trí Hội đồng quản trị, sau phiên họp thường niên hôm qua.
Theo đó, ông Nguyễn Cảnh Anh đã được bầu giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Eximbank, thay bà Đỗ Hà Phương.
Tân Chủ tịch Eximbank sinh năm 1979, được bầu vào Hội đồng quản trị nhà băng này trong phiên họp bất thường cuối năm 2023. Trước khi tham gia Eximbank, ông Cảnh Anh có nhiều năm làm việc tại các tập đoàn, định chế tài chính lớn như Techcombank, Viettel, Vingroup và gần nhất là EVN Finance.
Trong khi đó, bà Đỗ Hà Phương sinh năm 1984, có kinh nghiệm hơn 15 năm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Bà có bằng cử nhân kế toán tại Mỹ và thạc sĩ tài chính tại Anh. Bà tham gia Hội đồng quản trị Eximbank với tư cách thành viên từ tháng 2/2022.
Ngoài chức danh chủ tịch Hội đồng quản trị, Eximbank cũng bổ nhiệm ba phó chủ tịch, gồm ông Nguyễn Hồ Nam, bà Lương Thị Cẩm Tú và bà Đỗ Hà Phương.
Ông Nguyễn Hồ Nam là cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Bamboo Capital, vừa từ nhiệm cùng thời điểm ông được bầu vào Hội đồng quản trị Eximbank.
Năm nay, tổng tài sản Eximbank đặt mục tiêu tăng lên 223.500 tỷ đồng, huy động vốn tăng 10,5%, lên 175.000 tỷ đồng. Nhà băng dự kiến dư nợ tín dụng tăng trưởng 14,6%, lên 161.000 tỷ đồng, trong khi tỷ lệ nợ xấu giảm về ngang với năm 2022, ở mức 1,8%.
Lợi nhuận 2023 của ngân hàng là 2.146 tỷ đồng. Sau khi trích lập các quỹ, Eximbank còn 1.949 tỷ đồng lợi nhuận để lại lũy kế đến 31/12/2023. Ngân hàng sẽ chia cổ tức cho cổ đông tỷ lệ 10%. Trong đó, chia bằng cổ phiếu tỷ lệ 7% (1.219 tỷ đồng) và 3% bằng tiền mặt (hơn 522 tỷ đồng).
VietABank chia cổ tức 39% bằng cổ phiếu
Mới đây, Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank) đã tổ chức thành công Đại hội cổ đông thường niên năm 2024.
Theo đó, nhằm củng nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn để mở rộng mạng lưới, phát triển kinh doanh, VietABank sẽ tăng vốn điều lệ thêm 2.106 tỷ đồng, tương đương 39% thông qua việc phát hành cổ phiếu để chia cổ tức từ nguồn lợi nhuận còn lại chưa phân phối và quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ tính đến 31/12/2023.
Sau khi hoàn thành việc chia cổ tức, vốn điều lệ của VietABank dự kiến sẽ tăng lên hơn 7.505 tỷ đồng. Thời gian phát hành cổ phiếu sẽ được quyết định sau khi nhận được sự chấp thuận từ Ngân hàng Nhà nước và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Ngân hàng cũng báo cáo cổ đông kết quả kinh doanh năm ngoái. Kết thúc năm 2023, tổng tài sản của VietABank đạt 112.196 tỷ đồng, tăng 6,7% so với năm 2022. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng đạt hơn 69.190 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm 2022. Tiền gửi khách hàng ở mức gần 87.181 tỷ đồng, tăng 23,9% so với năm 2022. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 917 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, VietABank đặt ra các mục tiêu về tài chính trong năm 2024. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 1.058 tỷ đồng, tăng 15,4%; tổng tài sản tăng 4,3% lên gần 117.000 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ tín dụng tăng 12,36% lên 77.741 tỷ đồng; tiền gửi khách hàng và phát hành giấy tờ có giá dự kiến sẽ tăng 5,6% lên 92.027 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%. Cuối năm 2023, tỷ lệ nợ xấu của VietABank ở mức 1,59%.
Tại sự kiện lần này, VietABank cũng thông qua kế hoạch niêm yết toàn bộ số cổ phiếu đang lưu hành của ngân hàng sau khi được cơ quan quản lý chấp thuận. Việc lựa chọn niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) hay Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) sẽ do HĐQT quyết định.
Ban lãnh đạo VietABank cho biết, mục đích việc niêm yết cổ phiếu VAB tại Sở Giao dịch Chứng khoán nhằm nâng cao uy tín, tạo thuận lợi cho việc giao dịch cổ phiếu VAB cho các cổ đông và thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Nguồn: Tin ngân hàng ngày 29/4: Khuyến cáo người dân không mua bán ngoại tệ tự do