Tin ngân hàng tuần qua: Khởi động ngày chuyển đổi số
Tin ngân hàng tuần qua: Cho phép ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ Tin ngân hàng tuần qua: Tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh |
NHNN khởi động ngày chuyển đổi số
Tuần qua, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã công bố sự kiện ngày chuyển đổi số ngành Ngân hàng, dự kiến sẽ diễn ra 8/5/2024 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia (Hà Nội).
Tiếp nối năm 2023, sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 nhằm lan tỏa những kết quả trong chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số quốc gia, cũng như đóng góp tích cực cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ đề năm nay là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” - có sự tiếp nối với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số” của Ngày Chuyển đổi số ngân hàng năm 2023.
Ông Nguyễn Hưng Nguyên - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) cho biết, với tốc độ tăng trưởng nhanh của các giao dịch thanh toán điện tử như hiện nay khoảng 20%/năm, thì nhiệm vụ quan trọng của NAPAS chính là đảm bảo hệ thống hạ tầng thanh toán quốc gia được an toàn, ổn định và thông suốt. Song song với đó là việc đảm bảo chi phí xử lý giao dịch thấp nhất có thể, qua đó cung cấp nền tảng thanh toán góp phần phổ cập tài chính toàn diện.
Ngoài ra, theo ông Nguyên, NAPAS đang phối hợp triển khai hạ tầng thanh toán, cho phép người dân có thể sử dụng tất cả các dịch vụ thanh toán hiện nay gồm thẻ, tài khoản, VietQR để thanh toán các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia và ứng dụng VNeID do Bộ Công an xây dựng và quản lý. Đến nay, NAPAS đã triển khai thí điểm 1 số dịch vụ, trong đó có dịch vụ thanh toán trực tuyến phí/lệ phí cấp lý lịch tư pháp cho người dân.
Quý I/2024, Nam A Bank đạt lợi nhuận gần 1.000 tỷ đồng
Ngày 26/04, Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - Mã NAB) đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với nhiều kết quả tăng trưởng tích cực, lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.000 tỷ đồng, tiếp tục bám sát các mục tiêu kinh doanh năm 2024.
Trong bối cảnh thị trường gặp nhiều thách thức, các chỉ tiêu kinh doanh quan trọng của Nam A Bank tăng trưởng ấn tượng, cũng chính là điểm sáng nổi bật trong báo cáo tài chính quý I/2024. Là tiền đề quan trọng, vững chắc để Nam A Bank hiện thực hóa các mục tiêu kinh doanh đã đề ra tại Đại hội đồng cổ đông vừa qua, tiếp tục hướng đến phát triển bền vững.
Theo đó, tổng lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.000 tỷ đồng, tăng 236.4 tỷ đồng, tương ứng tăng 30,98% so với cùng kỳ năm 2023, hoàn thành 25% kế hoạch năm 2024. Kết quả kinh doanh tăng nhờ vào thu nhập lãi tăng, Ngân hàng giảm mạnh trích lập dự phòng do đã xử lý dứt điểm nợ trên VAMC.
Đáng chú ý đây là lần đầu tiên quý I, Nam A Bank ghi nhận kết quả lợi nhuận đạt gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 163 tỷ đồng, tương ứng tăng 10,48% so với cùng kỳ năm 2023. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 78.9 tỷ đồng, tăng 60,83% so với cùng kỳ.
Tính đến ngày 31/3/2024, tổng tài sản Nam A Bank đạt quy mô hơn 216 nghìn tỷ đồng, tăng 6.275 tỷ đồng so với đầu năm, hoàn thành 93% kế hoạch năm. Huy động vốn đạt 167.2 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt gần 146.7 tỷ đồng, lần lượt tăng 2,05% và 3,76% so với thời điểm đầu năm.
Về nợ xấu, Ngân hàng tiếp tục kiểm soát tốt nợ xấu theo quy định của NHNN. Nợ nhóm 2 giảm sâu, trong khi các nhóm khác tăng nhẹ. Theo các chuyên gia kinh tế, dự báo tình hình kinh tế từ nay đến cuối năm khởi sắc và hoạt động ngành ngân hàng cũng đang quản trị rủi ro tốt, Nam A Bank sẽ tiếp tục gặt hái những kết quả tích cực trong việc kiểm soát và xử lý nợ xấu.
Ngoài ra, Nam A Bank hiện tại đã hoàn tất xử lý dư nợ với VAMC trong năm 2023, với số dư nợ là hơn 1.744 tỷ đồng. Việc này tiếp tục tạo động lực tăng trưởng, đồng thời giảm được áp lực trích lập dự phòng đáng kể trong quý I/2024 so với cùng kỳ. Ngân hàng đã thực hiện trích lập dự phòng rủi ro tín dụng giảm 112 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023.
Agribank đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) triển khai chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024 với quy mô 20.000 tỷ đồng ưu đãi tín dụng ngắn hạn, lãi suất thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 2,4%/năm và nhiều ưu đãi về lãi suất tiền gửi, phí dịch vụ và tỷ giá mua bán ngoại tệ.
Ảnh minh họa |
Từ ngày 22/4/2024 đến hết ngày 31/12/2024, Agribank triển khai gói ưu đãi kép "Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu năm 2024" gồm ưu đãi tín dụng và ưu đãi phi tín dụng. Trong đó, tổng quy mô tín dụng ưu đãi là 20.000 tỷ đồng, áp dụng với các khoản giải ngân ngắn hạn bằng VNĐ, lãi suất thấp hơn sàn lãi suất cho vay thông thường đến 2,4%/năm. Ưu đãi dành cho khách hàng pháp nhân và doanh nghiệp tư nhân hoạt động sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu có nhu cầu vốn ngắn hạn
Bên cạnh ưu đãi tín dụng, doanh nghiệp tham gia chương trình được hưởng ưu đãi lãi suất huy động tiền gửi, ưu đãi thu phí dịch vụ và ưu đãi tỷ giá mua bán ngoại tệ. Agribank giảm phí đối với các loại phí thanh toán quốc tế, tài trợ thương mại và tỷ giá mua bán ngoại tệ… đến hết ngày 30/06/2025. Đặc biệt, miễn phí thanh toán L/C nhập khẩu, phí thanh toán nhờ thu nhập khẩu, phí thanh toán chuyển tiền ngoại tệ tới 3 tháng giao dịch. Mức lãi suất gửi tiền không kỳ hạn đối với doanh nghiệp xuất nhập khẩu tham gia chương trình cao hơn đến 0,3%/năm so với lãi suất hiện hành.
Quý I/2024, xuất nhập khẩu tăng tăng trưởng mạnh ở mức hai con số, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. Agribank mong muốn ưu đãi từ chương trình Đồng hành cùng doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ tiếp tục tạo động lực thúc đẩy các tín hiệu tích cực của nền kinh tế.
Từ đầu năm, Agribank dành 95.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng doanh nghiệp SMEs, khách hàng doanh nghiệp lớn, Tập đoàn/Tổng công ty, tài trợ dự án đầu tư, doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Đồng thời, dành hơn 60.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi dành cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng, phát triển mở rộng sản xuất kinh doanh. Agribank cam kết dành tối đa nguồn lực đồng hành cùng hoạt động xuất nhập khẩu và góp phần phát triển kinh tế đất nước.
Tỷ giá USD tại ngân hàng hạ nhiệt
Sau động thái can thiện bán ngoại tệ của NHNN, sức nóng của tỷ giá tại các ngân hàng thương mại đã có phần lắng dịu hơn. Tỷ giá bán ra tại Vietcombank mở đầu tuần mới hôm thứ hai ngày 22/4 ghi nhận ở mức 25.485 đồng/USD, tăng 12 đồng mỗi USD so với cuối tuần trước, nhưng sau đó giảm dần trong tuần và kết thúc tuần ở mức 25.458 đồng/USD, giảm 27 đồng mỗi USD so với hôm đầu tuần và giảm 15 đồng mỗi USD so với cuối tuần trước.
Về quyết định bán ngoại tệ can thiệp tỷ giá, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ thuộc NHNN cho biết, thời gian qua, tỷ giá liên tục tăng nóng, thậm chí tăng kịch trần trong nhiều phiên gần đây. Theo đó, NHNN công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0.
Đây là biện pháp rất mạnh mẽ của NHNN nhằm đảm bảo giải tỏa tâm lý thị trường, đảm bảo nguồn cung thị trường, nguồn cung ngoại tệ thông suốt, đảm bảo đầy đủ nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế.
Trên thị trường quốc tế, chỉ số DXY đo lường sức mạnh của đồng Đô la Mỹ cũng đã có phần hạ nhiệt hơn sau một chu kỳ tăng nóng. Tại thời điểm chiều ngày 26/4, chỉ số DXY chỉ còn khoảng hơn 105,5 điểm, giảm khoảng 1 điểm so với vùng đỉnh thiết lập trong giai đoạn khoảng hơn 1 tuần trước đây.
HDBank đạt 4.028 tỷ đồng lợi nhuận quý I/2024, tăng 46,8%
Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HDBank) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024, với lợi nhuận trước thuế đạt 4.028 tỷ đồng, tăng 46,8% so với cùng kỳ.
Theo báo cáo tài chính vừa công bố, trong quý I/2024, tổng thu nhập hoạt động hợp nhất của HDBank đạt 7.752 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận trước thuế đạt 4.028 tỷ đồng, tăng 46,8% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả này, HDBank tiếp tục duy trì vị thế ngân hàng hiệu quả cao nhất ngành, với tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt tới 26,7%.
Tại 31/3/2024, tổng tài sản của HDBank đạt 602.552 tỷ đồng. Tổng huy động vốn đạt 534.936 tỷ đồng, trong đó huy động từ khách hàng đạt 378.829 tỷ đồng, tăng 2,2% so với cuối năm 2023. Tăng trưởng tín dụng trong quý I/2024 đạt 6,2%, nâng quy mô tổng dư nợ lên 375.385 tỷ đồng, hướng tới các ngành, đối tượng khách hàng ưu tiên là động lực tăng trưởng của nền kinh tế như nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, tài trợ chuỗi cung ứng…
Ngân hàng triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi với lãi suất thấp nhằm hỗ trợ khách hàng tăng khả năng tiếp cận vốn, phát triển sản xuất kinh doanh. Chất lượng tín dụng tiếp tục được kiểm soát với tỷ lệ nợ xấu riêng lẻ thấp dưới 2%, phù hợp kế hoạch đề ra.
Chuyển tiếp kết quả thuận lợi trong năm 2023, quý I/2024, HDBank chủ động thiết lập những cân đối tốt về thanh khoản và an toàn vốn. Đến cuối quý I/2024, tỷ lệ cho vay so với huy động tại HDBank ở mức 73,4%, thấp hơn nhiều so với giới hạn 85% theo quy định; tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở mức 25,4% so với giới hạn 30% quy định hiện hành; tỷ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II đạt trên 13,8%, thuộc nhóm tốt nhất ngành.
Tại kỳ họp Đại hội cổ đông thường niên ngày 26/4, Ngân hàng trình cổ đông thông qua phương án phân phối lợi nhuận năm 2023 với tỷ lệ tới 30% gồm tiền và cổ phiếu. Đáng chú ý, HDBank cũng đã đặt kế hoạch cổ tức năm 2024 tối đa tới 30% gồm 15% tiền mặt, tiếp nối truyền thống trả cổ tức đều đặn hàng năm với tỷ lệ cao trong ngành.
Nguồn: Tin ngân hàng tuần qua: Khởi động ngày chuyển đổi số