Tin ngân hàng tuần qua: Cho phép ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ
Tin ngân hàng ngày 20/4: Lợi nhuận của PGBank đạt 116 tỷ đồng, giảm 24% trong quý I Tin ngân hàng tuần qua: Tiền gửi của doanh nghiệp tăng mạnh |
Cho phép ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ
Ngày 19/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tổ chức họp báo Thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý 1/2024, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN cho biết, đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1.34% so với cuối năm 2023.
Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực NHNN |
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng cung ứng vốn cho nền kinh tế, ngay từ cuối năm 2023 NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các tổ chức tín dụng và thông báo công khai nguyên tắc xác định để tổ chức tín dụng chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Mặc dù NHNN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, nhưng tăng trưởng tín dụng thời gian đầu năm 2024 khá thấp so với các năm gần đây, trong đó có nguyên nhân do nhu cầu vốn tín dụng thường tăng cao vào dịp cuối năm và thời điểm trước Tết Nguyên đán; cầu và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế ở mức thấp do nhiều doanh nghiệp thu hẹp hoặc ngừng hoạt động...
Phó Thống đốc cho biết để hỗ trợ các ngân hàng và doanh nghiệp, NHNN cho phép các ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ với doanh nghiệp khó khăn thêm 6 tháng (thay vì kết thúc vào ngày 30/6/2024), tức tới hết năm nay theo Thông tư 02/2022/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ.
“Đây là chính sách giúp hỗ trợ doanh nghiệp cũng là hỗ trợ ngân hàng, nhưng nếu lạm dụng quá thì đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến nền tài chính quốc gia,” ông Đào Minh Tú nói.
Phó Thống đốc cho biết thêm đến hết năm 2024, NHNN sẽ đánh giá lại chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nếu doanh nghiệp vẫn khó khăn thì nghiên cứu cơ chế khác hỗ trợ.
Thực tế, việc kéo dài hiệu lực Thông tư 02 là nguyện vọng của hầu hết ngân hàng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế phục hồi chậm, nhu cầu tín dụng yếu. Nếu Thông tư 02 hết hạn vào ngày 30/6/2024 sẽ tạo áp lực trả nợ rất lớn cho các doanh nghiệp, trong khi việc xử lý nợ xấu đang gặp khó khăn. Thông tư 02 được gia hạn thời gian sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong việc trả nợ, còn ngân hàng tránh được nguy cơ nợ xấu tăng cao.
Số liệu mới nhất từ NHNN cho thấy tính đến 31/12/2023, có gần 188.000 lượt khách hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, với tổng giá trị nợ gốc và lãi được cơ cấu trên 183.500 tỷ đồng.
Tỷ giá USD tự do tiếp tục tăng
Sáng ngày 20/4, tỉ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước niêm yết ở mức 24.260 đồng/USD, ổn định so với hôm 19/4.
Giá USD ở các ngân hàng không tăng nhưng vẫn giữ ở mức cao kỷ lục. Trong đó, Vietcombank giao dịch USD mua vào 25.163 đồng, bán ra 25.473 đồng.
Các ngân hàng khác niêm yết giá USD mua vào khá cao - 25.295 đồng/USD, trong khi bán ra 25.470 đồng/USD, thấp hơn Vietcombank.
Trên thị trường tự do, giá USD đang được các điểm thu đổi ngoại tệ giao dịch quanh 25.770 đồng, bán ra 25.870 đồng/USD - tăng khoảng 40 đồng so với hôm 19/4.
Như vậy, giá USD trên thị trường chưa có nhiều thay đổi sau khi Ngân hàng Nhà nước tuyên bố bắt đầu bán ngoại tệ ra thị trường để hạ nhiệt tỉ giá.
Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tỉ giá USD/VNĐ đã tăng khoảng 4,9% trong bối cảnh đồng tiền của nhiều quốc gia khác mất giá mạnh so với đồng USD, mức dao động từ 3-9%.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cho rằng "cần quan sát thêm" biến động của tỉ giá sau khi cơ quan quản lý bán ngoại tệ can thiệp.
Hiện phương án can thiệp ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước là sẽ bán USD cho các tổ chức tín dụng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán 25.450 đồng/USD.
Dù tỉ giá đang chịu sức ép nhưng Ngân hàng Nhà nước cho biết về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ.
Trong khi đó, sức ép từ tỉ giá lại đang tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán. Bất chấp thông tin Ngân hàng Nhà nước bán can thiệp tỉ giá, VN-Index vẫn lao dốc mạnh gần 19 điểm vào cuối phiên ngày 19/4 rồi đóng cửa tuần giao dịch ở mức thấp nhất sau 4 phiên giảm liên tiếp (mất hơn 100 điểm).
Theo Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), giá USD vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt khi xung đột Israel - Iran có chiều hướng leo thang vào cuối tuần, tác động tâm lý không nhỏ tới hành động của giới đầu tư, khiến thị trường chứng khoản châu Á đỏ lửa, chứng khoán Việt Nam cũng lao dốc.
SeABank tăng vốn điều lệ và bầu bổ sung thành viên HĐQT
Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024. Một trong những nội dung quan trọng được Đại hội Đồng cổ đông SeABank là kế hoạch tăng vốn điều lệ từ 24.957 tỷ đồng lên 30.000 tỷ đồng (tăng 5.043 tỷ đồng) thông qua các phương thức:
Phát hành 329 triệu cổ phiếu SSB để trả cổ tức năm 2023 cho cổ đông với tỷ lệ 13,1826% và phát hành 10,3 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu tỉ lệ 0,4127%, tăng vốn điều lệ lên mức 28.350 tỷ đồng. Phát hành 45 triệu cổ phiếu theo Chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) năm 2024 để tăng vốn điều lệ thêm 450 tỷ đồng. Chào bán tối đa 120 triệu cổ phiếu theo hình thức riêng lẻ và/hoặc phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ với mức giá chào bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phiếu, giúp vốn điều lệ của Ngân hàng tăng thêm 1.200 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Việc tiếp tục bổ sung vốn điều lệ là rất cần thiết, có ý nghĩa quan trọng để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của SeABank trong giai đoạn hiện nay, là cơ sở để Ngân hàng tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh, thúc đẩy quá trình phát triển, tăng cường năng lực tài chính.
Cùng với kế hoạch tăng vốn, SeABank tiếp tục kiện toàn bộ máy quản trị Ngân hàng, sẵn sàng hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch giai đoạn 2024 - 2028, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc phát triển bền vững (ESG) đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc tế. Đại hội đã thông qua đơn từ nhiệm của bà Ngô Thị Nhài – thành viên HĐQT và bầu bổ sung bà Trần Thị Thanh Thủy làm thành viên Hội đồng Quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2023 - 2028.
Các thành viên của HĐQT, BKS của SeABank đều đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật các TCTD năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các TCTD và là các cá nhân có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm quản trị trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, có tầm nhìn chiến lược, có tinh thần đoàn kết, có tâm huyết vì sự phát triển của SeABank.
Việc hoàn thiện đội ngũ nhân sự quản trị cấp cao sẽ giúp SeABank nâng cao năng lực quản trị điều hành, đưa ngân hàng tiệm cận với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ được yêu thích nhất dựa trên các yếu tố nền tảng: đẩy mạnh số hóa hệ thống ngân hàng; tăng trưởng bền vững gắn liền với kiểm soát rủi ro; nâng cao chất lượng tín dụng gắn với kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3%; đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ nâng cao trải nghiệm cho khách hàng.
Lãi suất cho vay giảm 0,6% so với cuối năm 2023
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo công bố các kết quả hoạt động điều hành thị trường tiền tệ quý I/2024.
Theo thông tin tại cuộc họp, trong quý I/2024, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành sau 4 lần điều chỉnh giảm trong năm 2023 trong bối cảnh lãi suất thế giới vẫn neo cao, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng (TCTD) tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp; tiếp tục khuyến khích TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.
Theo báo cáo lãi suất của các ngân hàng thương mại, đến ngày 31/3/2024, lãi suất tiền gửi bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 3,02%/năm, giảm 0,5% so với cuối năm 2023 và lãi suất cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới ở mức 6,5%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Nhờ đó, tín dụng trong tháng 3/2024 đã tăng tích cực trở lại sau khi giảm trong 2 tháng đầu năm do yếu tố mùa vụ. Đến ngày 29/3, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.
Trong điều hành tỷ giá, về cơ bản, mặc dù tỷ giá có diễn biến tăng khoảng 4,9% từ đầu năm, nhưng thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỷ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD.
Đối với thị trường vàng, từ đầu năm 2024 đến nay, giá vàng quốc tế biến động theo xu hướng tăng là chủ đạo, và hiện nay NHNN đang triển khai các biện pháp hỗ trợ thị trường vàng, bán vàng miếng để tăng cung cho thị trường thông qua hình thức đấu thầu.
MB có thể nhận chuyển giao ngân hàng bắt buộc trong năm 2024
Thông tin này được CEO Ngân hàng Quân đội (MB) Phạm Như Ánh chia sẻ tại phiên họp thường niên sáng 19/4.
Ảnh minh họa |
Theo ông Ánh, đề án nhận chuyển giao một ngân hàng yếu kém đã được MB hoàn thành, gửi Ngân hàng Nhà nước trình Chính phủ. CEO MB cho hay, ngân hàng này mong muốn "chốt" thương vụ chuyển giao này trong năm nay hoặc 2025 để "mở ra không gian phát triển mới cho MB, nhất là tăng trưởng tín dụng".
Bổ sung thêm, Chủ tịch HĐQT Lưu Trung Thái nói nhà băng này "sẵn sàng với nhiệm vụ được giao, chỉ còn chờ Chính phủ duyệt".
Trước đó, tại hội nghị ngành ngân hàng đầu năm nay, ông Thái cũng kiến nghị Chính phủ sớm duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc nhà băng yếu kém trong quý I.
Tên ngân hàng mà MB sẽ nhận chuyển giao vẫn chưa được lãnh đạo nhà băng này đề cập tại phiên họp đại hội đồng cổ đông hôm nay. Tuy nhiên, tháng 4/2023, một lãnh đạo đơn vị này hé lộ thông tin cơ bản về chất lượng tài sản của đơn vị sẽ nhận, như lỗ lũy kế khoảng 20.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu 47%. Vì vậy, nhiều khả năng đây có thể là Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) - nhà băng mua lại 0 đồng với lỗ lũy kế gần 20.000 tỷ.
Hiện, bên cạnh Oceanbank, thị trường còn 4 tổ chức cũng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, gồm Ngân hàng Xây Dựng (CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đông Á (DongABank).
Năm ngoái, tăng trưởng tín dụng của MB đạt 28,2% - thuộc nhóm đầu ngành khi nhà băng này tận dụng tối đa room tín dụng được phê duyệt. Còn năm nay, ngân hàng này được giao mức tăng 15-16%.
Chủ tịch Lưu Trung Thái nói rằng MB vẫn chuẩn bị cho tình huống để tăng trưởng cho vay cao hơn mặt bằng chung thị trường, với điều kiện kinh tế tốt và được giao tái cơ cấu nhà băng 0 đồng.
Quý I, ngân hàng ước đạt lãi hợp nhất gần 5.780 tỷ đồng, giảm khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2024, MB đặt mục tiêu tăng lãi trước thuế hợp nhất 6-8% so với 2023, lên 27.800-28.400 tỷ đồng và tổng tài sản vượt 1 triệu tỷ. Lãnh đạo MB cho rằng đây là phương án an toàn, thận trọng trong bối cảnh nhu cầu hấp thụ vốn vay giảm, nợ xấu toàn ngành tăng gấp đôi năm ngoái, nên áp lực về trích lập dự phòng nợ xấu tăng lên.
Nguồn: Tin ngân hàng tuần qua: Cho phép ngân hàng thương mại kéo dài chính sách cơ cấu, giữ nguyên nhóm nợ